25/06/2018, 11:18

Phân Tích Bài Thơ Nhàn Hay Nhất Của Nguyễn Bỉnh Khiêm

(Văn mẫu lớp 10) – Phân tích bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm – (Bài văn hay của học sinh cấp 3 trường THPT Nguyễn Huệ). Đề bài: Phân Tích Bài Thơ Nhàn Hay Nhất Của Nguyễn Bỉnh Khiêm Bài Làm Nguyễn Bỉnh Khiêm với học vấn uyên thâm của mình, luôn hết lòng vì nước ...

(Văn mẫu lớp 10) – Phân tích bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm – (Bài văn hay của học sinh cấp 3 trường THPT Nguyễn Huệ).

Đề bài: Phân Tích Bài Thơ Nhàn Hay Nhất Của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Bài Làm

Nguyễn Bỉnh Khiêm với học vấn uyên thâm của mình, luôn hết lòng vì nước vì dân. Nhưng sống trong một thời đại đầy biến cố và loạn lạc, nơi mà những giá trị, sự thật sẵn sàng bị vứt bỏ, để thay thế cho những lợi ích cá nhân, ham muốn tầm thường. Chính vì vậy, ông đã tìm về với cuộc sống dân dã nơi thôn quê, tự tìm cho mình những thú vui tao nhã để tạm quên đi những nghiệt ngã của cuộc đời, và viết nên bài thơ “Nhàn” nằm trong tập thơ “Bạch Vân quốc âm thi tập” gửi đến cho chúng ta những triết lí sâu sắc về con người. Đồng thời, phê phán chế độ lúc bấy giờ.

Ngay từ đầu, chỉ bằng hai câu thơ tác giả đã vẽ nên hình ảnh một người nông dân với cuộc sống thôn dã, vui say với công việc “cày cấy”, “câu cá”, làm những công việc như một người bình thường để tạm quên đi hết sự đời “dầu ai vui thú nào”. Nguyễn Bỉnh Khiêm như gửi hết mọi nỗi niềm vào trong thơ, sống một cuộc đời của thi nhân:

“ Một mai , một cuốc, một cần câu
Thơ thẫn dầu ai vui thú nào”

Bằng biện pháp liệt kê được kết hợp với lặp từ “một” được lặp lại ba lần đi sau là những công cụ đơn sơ, quen thuộc “mai”, “cuốc”, “cần câu” để phác họa nên một cuộc sống chất phác, giản dị của một người nông dân thực thụ với những thú vui an nhàn, tao nhã nơi thôn quê. Tiếp sau đó, là hai chữ “thơ thẩn” gợi cho chúng ta thấy hình ảnh Nguyễn Bỉnh Khiêm với tư thái ung dung, tự tại xác định cho mình một lẽ sống, rời xa cõi trần tục, không còn vướng bận đến việc triều chính, xã tắc. Mặc cho ai có tranh giành, đấu đá ngoài kia, ông vẫn một thái độ dứt khoát để giữ gìn khí tiết của mình.

Với hai câu thơ tiếp theo, Nguyễn Bỉnh Khiêm như lên tiếng phê phán thói đời, phê phán với cuộc sống ganh đua, bon chen nơi thị thành. Và ông như tự tìm ra một lối thoát cho tâm hồn mình, ông đã từ chối với cuộc sống ấy để trở về thôn quê, núi rừng thanh tịnh:
“ Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người dến chốn lao sao”

Trong hai câu thơ này, bằng nghệ thuật đối lập giữa “ta” với “người”, “vắng vẻ” với “lao xao”. Như thể hiện được sự khác biệt giữa hai nơi sống, một nơi là sự náo động, ồn ào với cuộc sống mưu lợi, đầy rẫy những toan tính, bon chen, đâu đâu cũng là những mưu mô cạm bẫy, bất chấp những người xung quanh; còn một bên chính là cuộc sống giản dị, thanh tao, hòa hợp với thiên nhiên. Một cuộc sống thanh đạm, dân dã như tách biệt hoàn toàn với sự ồn ã nơi thành thị chen trúc. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng cặp đối “dại” với “khôn”, một cách nói khiêm nhường, coi trọng cuộc sống ung dung tự tại. Nói ngược lại, có lẽ đấy là cái khôn của một người không màng đến danh lợi, quay lưng lại với cuộc sống trần tục, sống một cuộc sống nhàn nhã, thư thái.

phan tich bai tho nhanPhân Tích Bài Thơ Nhàn Hay Nhất Của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Tiếp tục với cuộc sống bình dị của mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm dần làm sáng tỏ cuộc sống thanh tao, dân dã đấy qua những hình ảnh đậm chất thôn quê, hòa hợp với thiên nhiên núi rừng, hòa hợp với tiết trời:

“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”

Lần lượt là những hình ảnh như “măng”, “trúc”, “giá”, dường như đó là những món ăn có sẵn trong tự nhiên, rất dễ dàng kiếm được, tuy không phải là những món ăn giàu dinh dưỡng nhưng lại hết sức dân dã, quen thuộc hàng ngày. Mùa thu thì ăn măng trúc, mùa đông thì ăn giá, một cuộc sống lạc quan không hề vướng bận đến miếng cơm manh áo, một tinh thần lạc quan trước cuộc sống thanh tao, an nhàn. Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao, tác giả đang hòa quyên mình cùng với thiên nhiên, chung hòa vào trời đất bốn mùa, một sự điều tiết hài hòa đến mộc mạc. Dường như tác giả nhìn thấu được đất trời, Nguyễn Bỉnh Khiêm tìm lại được cuộc sống thanh thản giữa bốn bề loạn lạc, lời thơ của ông là cả tinh thần cao đẹp, thuần khiết.

Hai câu thơ cuối, Nguyễn Bỉnh Khiêm như khẳng định lại một lần nữa về cuộc sống thanh tao của mình, trút bỏ hoàn toàn với những trần tục và danh lợi với những triết lí sâu sắc về một cuộc đời, một thời đại:

“Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.”

Tác giả như ngà ngà trong men say, dưới một bóng cây cổ thụ um tùm, và trong ánh nhìn của ông thì những vinh hoa phú quý, chức danh vàng bạc chỉ như một giấc mộng chiêm bao, khi tỉnh giấc rồi sẽ không còn tồn tại nữa. Khẳng định một chân lí chắc chắn rằng vật chất, danh vọng chỉ là thứ hư danh, không bao giờ tồn tại mãi được. Nguyễn Bỉnh Khiêm dường như đã thấu hiểu hết lẽ đời và tự nhủ với bản thân rằng, những thứ “phú quý” kia đối với ông chỉ là một giấc chiêm bao. Đó như là một lời bộc bạch đầy tâm trạng của bản thân, thờ ơ với lẽ đời. Ngoài ra, trong câu thơ còn có chút sự hờn trách, bất lực trước sự đời, đâu đâu cũng là cuộc sống hư danh. Đối với thi nhân cuộc sống nhàn dật, lấy núi non sông nước là niềm vui đã trở thành lẽ sống của ông.

Xuyên suốt bài thơ là một cuộc sống an nhàn, thanh tao. Bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện được rõ nét về triết lý sống sâu sắc và tinh thần đầy lạc quan của con người, giữa thời đại đầy loạn lạc, biến cố. Tác giả đễ cụ thể hóa cuộc sống “Nhàn” bằng những hình ảnh quen thuộc, gần gũi để phản chiếu những thói đời chạy theo những vinh hoa phú quý mà quên đi những đạo lý, lẽ sống và giá trị của con người.

Bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm như một lời phê phán, một lời oán trách nhẹ nhàng trước cuộc sống đầy bon chen, ích kỉ. Đồng thời, nêu cao tinh thần lạc quan, khí tiết thanh cao của một người coi danh lợi như một giấc chiêm bao. Những vần thơ khép lại để lại cho chúng ta những suy ngẫm về triết lý sâu sắc, đậm tính nhân văn.

>> XEM THÊM: Văn Mẫu Hay

0