Phân tích bài thơ Nhàn của nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm tuyệt hay
Phân tích bài thơ Nhàn của nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm Bài làm: “Thi sĩ là con chim sơn ca ngồi trong bóng tối hát lên những tiếng êm dịu để làm vui cho sự cô độc của chính mình”(B. Shelly). Một tác phẩm ...
Phân tích bài thơ Nhàn của nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm
Bài làm:
“Thi sĩ là con chim sơn ca ngồi trong bóng tối hát lên những tiếng êm dịu để làm vui cho sự cô độc của chính mình”(B. Shelly). Một tác phẩm thơ chân chính, khi muốn vượt lên lớp bụi của thời gian, của lòng người thì phải là những vần thơ chân thực, mang đậm cuộc sống của con người và thời đại. Đến với Nguyễn Bỉnh Khiêm khi viết bài thơ “Nhàn” đã gửi tới người đọc những quan niệm sống thật sâu sắc về những triết lý đanh thép mà cho đến ngày nay, khi nhìn nhận lại ta vẫn còn phải suy ngẫm.
Người ta vẫn hay nói:”tác phẩm chính là con đẻ của người nghệ sĩ”, được viết nên từ mồ hôi, nước mắt và những nhìn nhận ở đời của họ. Cũng giống như Nguyễn Trãi, sống giữa thế thời loạn lạc, thất sủng,bất mãn với cuộc sống nên đã tìm về ở ẩn nơi núi rừng. Nhưng ở mỗi nhà thơ lại mang một nét riêng trong lối sống và cách nhìn đời qua cửa sổ tâm hồn. Với Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông tìm về với nơi thôn dã, bình dị để hưởng lạc cuộc đời một cách an nhàn, không màng chính sự đương triều. Tạm biệt với lẽ đời đầy oan trái, nhà thơ muốn thả lòng mình nơi vắng vẻ, hoang sơ để quên đi sự đời và gửi chí hướng về rừng núi, sống cuộc sống an nhàn, thanh tịnh như một “lão nông chi điền”:
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Như một tuyên ngôn về lẽ sống thanh cao, lối sống hòa hợp với thiên nhiên, bỏ mặc danh lợi được thể hiện qua lời thơ mộc mạc, trữ tình. Chữ “Nhàn” trong quan niệm Nho giáo là một phương châm sống, một chuẩn tắc trong cách hành xử của các Nho sĩ thời Trung đại. Đó là triết lý của một thi nhân khi không muốn cung phụng, hợp tác với một chính quyền thời loạn lạc, “vong hồ vật, vong hồ thiên”. Họ muốn giữ trọn nét sống thanh cao và khí tiết của bản thân trong cảnh thế thời nhiều biến đổi. Ở bốn câu thơ đầu bài thơ “Nhàn” đã tạo dựng một cuộc sống hằng ngày của nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiếm với một thú vui tao nhã, đời thường. “Một mai, một cuốc, một cần câu” đã gợi nên hình ảnh của lão nông tri điền với cuộc sống đạm bạc, bình dị nơi thôn dã đìu hiu. Nhà thơ sử dụng thủ pháp liệt kê để liệt kê ra những dụng cụ trong đời sống:”mai”, “cuốc”, “cần câu” với điệp từ “một” gợi nên một nét đơn sơ, chất phác với những dụng cụ lao động ở thôn quê và cho thấy dù ở nơi thôn quê nhưng cái gì cũng có, tất cả đều sẵn sàng để lao động cùng người nông dân tri điền. Các vật dụng lấm láp, quen thuộc được đưa vào thơ thật chân thực qua cách nói vô cùng tự nhiên của tác giả.
“Cày mây, cuốc nguyệt,gánh yên hà
Nào của nào chẳng phải của ta”
Con người thi nhân như tìm thấy thú vui và niềm hạnh phúc, an nhàn trong cuộc sống đời thường này. Ở chốn này, không có cảnh chen chúc, xô đẩy, không danh lợi phồn hoa, cũng không có chút mưu tục nào. Đó mới chính là cuộc sống mà nhà thơ luôn muốn sống. Ông tự lựa chọn cách sống của mình, một cuộc đời ung dung tự tại chốn quê nhà:”thơ thẩn dầu ai vui thú nào”. Có lẽ, đó là bản tính riêng của tác giả, ông là người tự quyết định được cuộc sống và tự lựa chọn cách sống, mặc kệ cho đời, “dầu ai vui thú nào”. Từ láy “thơ thẩn” đã diễn tả một nỗi hờ hững trước đời để đi tìm thú vui riêng và cách sống riêng của một kẻ sĩ có bản lĩnh, tìm nơi an cư để tránh thời cuộc.
Phân tích bài thơ Nhàn
Bài thơ “Nhàn” được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, đề-thực-luận-kết. Ở hai câu đề, nhà thơ đã nêu được hoàn cảnh và lối sống riêng của mình. Và tiếp đến là hai câu thực với cách nói đầy hóm hỉnh, trêu ngươi:
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chỗ lao xao
Thanh thản, tự tại, phiêu du là tâm thế nhà thơ đã xác định cho cuộc sống của mình. Rời xa với cuộc sống thị thành, chối bỏ mọi vinh hoa, cự tuyệt với cuộc đời đầy oan trái và tự tách mình khỏi thế nhân để giữ khí tiết thanh cao. Thi nhân đau đớn mà phê phán thế thời nhân duyên. Thủ pháp đối lập rất chuẩn, tác giả nói lên được sự khác biệt giữa “nơi vắng vẻ” và “chốn lao xao”, với “ta dại”và “người khôn”. Đó cũng là phép ẩn dụ trong thơ, nơi yên tĩnh ấy chính là chốn dung thân của nhà thơ khi muốn hưởng lach một cuộc sống an nhàn, thanh tình để nuôi dưỡng tâm hồn trong sự thảnh thơi, không vướng bận chuyện đời. Còn “chốn lao xao” như nói đến nơi quan trường với bao bon chen giữa vòng quyền lực và danh lợi. Triết lý dại – khôn như một lẽ sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm, đó là cách nói ngược hỏm hỉnh, chế giễu sự đời.
“Khôn mà ác hiểm là khôn dại
Dại mà hiền lành ấy dại khôn”
Trong cuộc sống với tâm hồn thư thả, đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm, đó là lối sống nhàn nhã có sự kết hợp giữa lao động và niềm vui để tránh xa vòng danh lợi, chốn vinh hoa. Quan niệm sống và vẻ đẹp của nhà thơ được thể hiện rõ trong từng câu chữ. Là một nhà Nho luôn mang nặng vẻ đẹp trong cốt cách con người, ông muốn giữ cái thiên lương và tâm hồn mình trong sạch, thuận khiết. Trở về với cuộc sống thuần thục, chân chất. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tiếp tục cụ thể hóa đời sống tinh thần bằng lối sống an nhiên, hòa hợp với thiên nhiên và không gian bốn mùa:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Không gian sinh hoạt đều rất đơn sơ, bình dị. Các nguyên liệu để dùng trong cuộc sống đều là những sản phẩm của tự nhiên mang phong cách hoang dã, mộc mạc. Những món ăn thôn quê như “măng trúc”, “giá” và những thứ có sẵn trong tự nhiên “ao”, “hồ” đều được tác giả đưa vào thơ như một hình ảnh trữ tình mà quen thuộc. Mùa nào ăn thức ấy, những sản vật ấy không phải là cao lương mĩ vị nhưng lại đậm đà bản sắc dân quê. Qua đó đã thể hiện một lối sống và một thái độ cầu nhàn của nhà htow. Con người ấy đã hòa hợp với thiên nhiên bốn mùa, quen với sự luân chuyển của thời gian và hiểu rõ được quy luật tất yếu của lẽ đời.
“Xuân du phương thảo địa
Hạ thương lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi”
(Thơ cổ – Trung Quốc)
Nhà thơ khẳng định lối sống thanh cao của bậc hiền tài qua những điều bình dị và tự nhiên nhất. Cùng với “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi, giữa thời thế đất nước suy tàn, xã hội loạn lạc thì việc rời xa cõi phàm tục để tìm đến một cuộc sống giản dị, thư thái là một lựa chọn thanh cao của bậc thi nhân. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chứng kiến và chiêm nghiệm lẽ đời như một triết lý sâu sắc. Tìm đến với thiên nhiên và cuộc sống đời thường của người nông dân quả thực là một lựa chọn đúng để bảo vệ khí tiết của mình. Nguyễn Bỉnh Khiêm coi công danh phú quý tựa như giấc chiêm bao, phù du vậy, bộc lộ một thái độ xem thường vinh hoa phú quý, sự cám dỗ của công danh.
Rượu đến cội cây, ta sẽ uống
Nhìn xem phú quí, tựa chiêm bao
Giống như Thuần Vu Phần để thức tỉnh một chân lý đã nhờ đến giấc mộng: vật chất của cải đều là những ảo mộng, những giấc “chiêm bao” chợt đến rồi chợt đi. Trải qua cảnh quan trường đầy nghiệt ngã, dường như Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng nếm trải nhiều sự đời và ông hiểu rõ những công danh lời lộc cũng chỉ là phù du trôi trên mặt nước, cứ chìm đắm mãi trong ảo mộng thì không thể tìm thấy lối đi cho riêng mình. Điển tích “rượu đến cội cây, ta sẽ uống” như thể hiện một lối sống cao khiết của nhà Nho xưa để “nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”. Ông muốn đứng ngoài thời thế để xem biểu hiện của thế thời với một vẻ coi thường. Qua đó khẳng định lối sống mà mình chủ động tìm đến là đúng đắn, tránh xa vòng danh lợi để sống cuộc sống an nhiên, vui vẻ, di dưỡng tâm hồn và cốt cách thanh cao, không bị cuốn vào vòng luẩn quẩn của vinh hoa tầm thường. Thú “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm là dấu ấn của thời đại lịch sử, thể hiện chuẩn mực về cách ứng xử của người tri thức trong thời đương đại với xã hội loạn lạc, rối rưn. Tư tưởng “Nhàn” đã trở thành một triết lý sống và được coi là phương thức giải hóa mâu thuẫn và những xung đột ở thời đại mà tác giả đang sống.
Từ Nguyễn Trãi cho đến Nguyễn Bỉnh Khiêm đều tìm về với cuộc sống an cư, thanh đạm, hòa hợp với thiên nhiên. Nhưng đối với bài thơ “Nhàn”, tuy nhàn nhưng không nhàn tâm. Dù đã tìm về với cuộc sống ẩn dật nơi thôn dã với những ngày tháng an nhiên, rảnh rỗi, nhàn hạ nhưng trong thâm tâm nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn gồng lên nỗi niềm trăn trở về thời thế rối ren và con người dễ sa vào vòng xoay danh lợi. Nhàn là lối sống cao thượng, tích cực để tránh khỏi những tranh đấu chốn quan trường về quyền lực và địa vị. Triết lý “nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm là giải pháp tối ưu và là lối thoát duy nhất để thoát khỏi sự loạn lạc trong xã hội Phong Kiến Việt Nam thế kỉ XVI, thể hiện một sự nỗ lực cứu vãn thời cuộc của tầng lớp tri thức Nho sĩ đương thời
Bùi Phương Thảo