Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu của nhà thơ Nguyễn Khuyến tuyệt hay
Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu của nhà thơ Nguyễn Khuyến Bài làm: Mùa thu đến lá trong vườn đã rụng. Lá vàng bay, bay theo gió. Ngoài đồng Phía xa xa, ngay sát rìa thung lũng. Đang khoe mình, đỏ rực cả hàng phong. ...
Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu của nhà thơ Nguyễn Khuyến
Bài làm:
Mùa thu đến lá trong vườn đã rụng.
Lá vàng bay, bay theo gió. Ngoài đồng
Phía xa xa, ngay sát rìa thung lũng.
Đang khoe mình, đỏ rực cả hàng phong.
Tiết trời thu với màu sắc thê lương, ảm đạm, với gió heo may lạnh lẽo,những chiếc lá vàng rơi…Trong năm, có lẽ mùa thu là mùa đẹp nhất, dịu dàng mà thanh tao, không gay gắt nắng như mùa hạ, không lạnh buốt như tiết trời đông, cũng không kiều diễm như nàng xuân bao mơ mộng. Cái tiết trời se se lạnh làm con người thích thú, đó cũng là cảm hứng chung của bao nhà thơ để viết nên những tuyệt tác có giá trị. Không giống với khoảnh khắc cuối thu của Hàn Mặc Tử, cũng không phải sự bắt đầu của thời điểm “Sang thu” của Hữu Thỉnh. Mà đối với thơ Nguyễn Khuyến lại đậm chất thu, rất thu trong bài thơ “Câu cá mùa thu” –một bức tranh bình dị, đời thường nhưng gợi nên vẻ thanh cao, sáng tạo mà Xuân Diệu từng nhận xét:”Là điển hình hơn cả cho mùa thu làng quê Việt Nam”.
Nhà thơ Nguyễn Khuyến là một người tài năng, có cốt cách thanh cao, ông từng làm quan suốt mười bốn năm nhưng sau đó cáo quan về làng dạy học. Là một nhà Nho thông minh, tài giỏi và tấm lòng yêu nước thương dân thầm kín, kiên quyết không hợp tác với giặc Pháp trong thời loạn thế. Bài thơ “Thu điếu”(Câu cá mùa thu) là một tác phẩm nổi tiếng, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước và con người sâu sắc, gợi nên một bức tranh cuộc sống của những người nông dân thuần hậu, chất phác dù nghèo khổ, khó khăn đồng thời phản ánh chế độ phong kiến đương thời, đả kích, châm biếm tầng lớp thống trị thực dân và tay sai phong kiến lúc bấy giờ. Với cái nhìn từ cao đến thấp, từ xa xôi và dần dần đến gần đã cho thấy một cái nhìn rất táo bạo, tác giả đã có thể cảm nhận được đầy đủ cảnh sắc mùa thu thật sinh động, thơ mộng.
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Ở hai câu đầu bài thơ, những hình ảnh được hiện lên với những nét độc đáo, gây cho ta nhiều ấn tượng với cách gieo vần “eo” với mật độ dày đặc. Nếu như trong tiếng việt, cách viết như vậy sẽ gây ra sự dồn dập, đùi đẩy nhau. Nhưng trong thơ Nguyễn Khuyến dường như đó là điều đặc biệt, là dụng ý của nhà thơ như muốn gợi tả vẻ đẹp của cảnh thu một cách khách quam, chân thực. Một khung cảnh thật bình yên, mơ mộng với “ao thu” trầm mặc, “lạnh lẽo”, mang một sắc thái yên tĩnh cùng dòng “nước trong veo” . Có thể thấy, làn nước trong ao tĩnh lặng, “trong veo” đến bất ngờ. Đó là những hình ảnh quen thuộc, bình dị của làng quê Việt Nam mộc mạc, chân chất. Nghệ thuật gieo vần và từ láy “lạnh lẽo”, “tẻo teo” như gợi nên một sự đặc trưng của vùng đồng bằng trũng Bắc Bộ. Khí trời thu se lạnh, đã làm ao thu lạnh nước nhưng điều đó lại bộc lên sự thơ mộng của dòng thơ. Đặc biệt, với cách dùng từ độc đáo của nhà thơ đã làm bức tranh thiên nhiên ngày càng thu bé lại, nhỏ dần, nhỏ dần của cảnh vật. Đi câu cá là một thú vui tao nhã của bậc tiên sinh.Qua đó còn ẩn chứa tâm tư và nỗi niềm của thi nhân tài tâm, đi câu trong bất đắc dĩ để chờ đợi ngày tháng tươi đẹp sau này. Các bậc đại nhân dùng thú vui câu cá để giải tỏa nỗi sầu nhân thế để hồn mình được nhàn tản, thanh thoát hơn. Họ chọn cách sống thu mình, hòa hợp với thiên nhiên nhằm nuôi dưỡng tâm hồn tươi mới và thư giãn tâm tư.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Hình ảnh sắc thu hiện lên trong không gian chốn làng quê chật hẹp, một cái ao nhỏ với chiếc thuyền nhẹ lênh đênh trên mặt được trong khung cảnh trầm mặc, tĩnh lặng. ở hai câu tiếp bài thơ, như gợi một nét uyển chuyển của màu sắc và đường nét rất sống động. “Sóng biếc” trên mặt nước còn trên bờ “lá vàng” rơi lã chã, nhẹ nhàng. Với các cặp từ “hơi gợn tí” và “khẽ đưa vèo” như tái hiện thêm một sự êm dịu của cảnh vật. Gió thổi nhè nhẹ đủ để mặt ao “gợn tí” sóng yên ả, lá vàng rụng rơi rất khẽ, rất êm nhưng với tốc độ rất nhanh mà nhà thơ phải dùng từ “vèo” để diễn tả. Tác giả thật sự rất tinh tế và linh động trong việc quan sát, ông nghe cả được những âm thanh rất nhẹ của thiên nhiên. Bằng lời thơ độc đáo, sáng tạo, giàu tính gợi đã làm cho cảnh sắc thêm sống động. Nghệ thuật lấy cái động để tả cá tĩnh quả là một thủ pháp quen thuộc trong thơ cổ đương thời nhưng ở thơ Nguyễn Khuyến cũng có những điểm sáng tạo rất riêng, rất đẹp và nên thơ.
Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu
Tác giả đã thả hồn mình vào thơ như muốn nói lên lòng mình ẩn hiện trọng đó. “Thu điếu” dưới cái nhìn của nhiều độc giả quả thực rất hay và có sức gợi, còn đối với Xuân Diệu, ông cảm thấy như có cái gì man mắc, lặng trôi, “cái thú vị của bài thơ Thu điếu ở các điệu xanh, xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh tre, xanh trời, xanh bèo, có một màu vàng đâm ngang của chiếc lá thu rơi”. Đó là một lời phê bình tâm đắc của nhà thơ Xuân Diệu, nó mang tính chính xác cao và độ dày trong ngôn từ. Không gian được mở rộng dần theo chiều cao tạo nên một không khí thanh thoát, khoáng đạt, bức tranh ngày thu như có thêm nét chấm phá, thêm đường nét, thêm màu sắc
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Màu trời “xanh ngắt” thật đẹp, thật khiến người ta nao lòng bởi sự xanh xao, thắm thiết của “tầng mây lơ lửng”. Một áng mây lặng tờ, không trôi mà “lơ lửng” trên bầu trời xanh thành bình nơi làng quê thôn dã. Không gian càng mở rộng, cái vắng lặng, buồn hiu lại càng được bao trùm. Cận cảnh với hình ảnh thôn quê, một “ngõ trúc quanh co” xuất hiện, đường làng nhỏ rợp bóng trúc nhưng thưa thớt, “khách vắng teo”, tạo nên một vẻ đìu hiu, buồn tẻ đến lạ lùng. Dường như, trong thơ Nguyễn Khuyến, hình ảnh cây trúc thường được xuất hiện. Nếu như trong bài thơ “Thu vịnh” ông viết:”Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu”, thì trong “Thu điếu” lại có câu:”Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”. Cảnh êm đềm, bình dị nhưng chứa một nỗi buồn cô tịch, hắt hiu. Mọi con đường đều trở nên quanh co, heo hút, không bóng người qua lại. Mây, trời, ngõ trúc mùa thu đều hiện lên nét đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ vào không gian thu tĩnh lặng với cái thanh sơ, dịu nhẹ, trầm tĩnh, vắng vẻ và buồn. Gợi nên một nỗi lòng man mác qua bức tranh thiên nhiên thơ mộng trong bài, một không khí trong thành, thoáng đãng, yên lặng của vẻ đẹp nhưng mà buồn của một miền quê Việt Nam. Bức tranh thu đượm buồn, đẹp mà sầu nhưng cũng đầy lãng mạn có lẽ là cảm hứng trong trẻo nhất của nhà thơ, như một thi nhân khác cũng đã từng viết:
“Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò”
Hay lại có câu:
“Dặm thế, ngõ đâu từng trúc ấy
Thuyền ai khách đợi bến đâu đây?”
(Nhớ núi Đọi – Tam nguyên Yên Đỗ)
Trở lại với Nguyễn Khuyến, nhà thơ như đang chìm đắm trong giấc say của mùa thu yên bình, dịu dàng. Cảnh vật luôn quấn quýt cùng con người như một sự hòa hợp của sự sống và linh hồn trên mặt đất này. Ở hai câu cuối bài, khép lại với những dòng cảm xúc khác. Tuy có chút buồn nhưng bức tranh thu ấy vẫn mang một nét đẹp rất đặc sắc và trong sáng trong vẻ bình yên:
Tựa gối buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Con người nhà thơ như có phần lộ diện, thế câu “tựa gối buông cần” thật đặc biệt và lạ mắt. Tư thế trầm ngâm suy tư ấy dường như đang muốn thu nhỏ mình lại, để thoát li khỏi thế giới thực, chìm vào giấc nồng say của cảnh vật để hưởng lạc những điều bình thường của cuộc sống đời thường nơi thôn dã mà không phải vướng bận việc ở đời.nhưng dường như, nhà thơ đang dần bộc lộ ra những suy nghĩ về sự đời, chưa thể buông bỏ, ông đang thú nhận rằng như có thứ gì đo đang giằng xé tâm can ông khiến ông mang một nỗi lòng nặng trĩu. Phải chăng, đó chính là những suy tư về cuộc đời, nổi buồn về thế thời mà ngay cả khi về đến cuối đời, ở trong cuộc sống thường tình, nhà thơ cũng không thể buông bỏ, trút xuống được nỗi lòng ấy. Kết thúc bài, một âm thanh bật ra trong sự im lặng nhưng mang nhiều ý nghĩa. Cảnh thu như bị âm thanh của “cá đâu đớp động” đánh thức. Đến cuối bài thơ, dường như có một điều gì đó trái ngược, từ đầu đến cuối, những lời thơ đều rất nhẹ nhàng tĩnh lặng nhưng về đến cuối bài bỗng có sức sống làm cho bức tranh sinh động hẳn lên. Không gian thiên nhiên yên tĩnh đến mức nhà thơ có thể nghe được cả âm thanh của cá “đớp động dưới chân bèo”. Nghệ thuật lấy tĩnh để ngụ tình quả là một biện pháp hay và được đặt đúng mục đích. Tác giả đi câu nhưng dường như không hề để tâm đến việc câu cá mà giống như một người nhàn rỗi, đi câu để thư thả tâm hồn, để trầm ngâm hình dung cảnh vật và thiên nhiên trong lành của trời đất. Nhờ đó mà vơi bớt đi nỗi niềm tâm sự u uất, nỗi buồn thế thái nhân tình và sự cô đơn khi ở đời của nhà thơ.
Bài thơ như là một lời tâm sự mang nhiều giá trị và ý nghĩa. Qua những dòng thơ đầy cảm hứng, ta như biết được nỗi lòng của tác giả. Qua đó ta thấy được, Nguyễn Khuyến là một nhà thơ yêu thiên nhiên, muốn hòa mình với thiên nhiên, không những thế, ông còn là một nhà yêu nước thầm kín, sâu sắc. “Thu điếu” là bài thơ thể hiện tâm trạng của nhà thơ, đặc biệt là nỗi lòng đau đáu trước sự đổi thay của thế thời, của thời cuộc đấy nước lúc bấy giờ.
Thơ là sự cách điệu của tâm hồn, “thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. Bằng ngôn từ giản dị, giàu sức gợi, hình ảnh chân thật , trong sáng, độc đáo. Bài thơ “Câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến đã thật sự thành công khi lấy nguồn cảm hứng từ cảnh vật và thiên nhiên nơi miền quê dân dã quen thuộc ở làng quê Việt Nam. Với Nguyễn Khuyến, mùa thu chính là mạch nguồn trong cảm xúc của ông, một tâm thế an nhàn gắn bó với mùa thu quê hương cùng tình yêu thiết tha. Mỗi nét thu, mỗi cảnh thu đều có hồn, có sức gợi, hài hòa điêu luyện vô cùng. Quả nhiên vậy, “Thu điếu” là một bài thơ thu đặc sắc, bài thơ tả cảnh ngụ tình tuyệt tác mọi thời.
Bùi Phương Thảo