Cảm nghĩ về bài thơ Nguyên tiêu của Hồ Chí Minh tuyệt hay
Cảm nghĩ về bài Nguyên tiêu của Hồ Chí Minh Bài làm Nguyên tiêu là một trong những bài thơ hay và đặc sắc của Bác Hồ viết trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Bài thơ nói lên cảm xúc và niềm vui dạt dào của Bác Hồ trong đêm ...
Cảm nghĩ về bài Nguyên tiêu của Hồ Chí Minh
Bài làm
Nguyên tiêu là một trong những bài thơ hay và đặc sắc của Bác Hồ viết trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Bài thơ nói lên cảm xúc và niềm vui dạt dào của Bác Hồ trong đêm nguyên tiêu lịch sử với chiến thắng Việt Bắc –thu đông năm 1947.
Bài thơ đã thay Bác đề cập đến những vấn đề quan trọng của đất nước, tiêu biểu cho lí tưởng dân tộc, gắn bó số phận với cả cộng đồng dân tộc, con người chủ yếu được khám phá ở nghĩa vụ, trách nhiệm đối với nhân dân và đất nước. Bài thơ mang cảm hứng lãng mạn sâu sắc, khẳng định cái tôi đầy tình cảm cảm xúc, tin vào tương lai tất thắng của cách mạng
Đúng là tin vui chiến thắng trăm miền, khắp các mặt trận cũng như các điểm cầu địa phương, nhân dân ta hồ hởi những niềm vui, niềm phấn khởi. Bác Hồ cũng vậy, Bác sung sướng khôn cùng, nhân sự kiện lịch sử trọng đại ấy, cảm xúc dạt dào đã đưa Bác đến với những xúc cảm để sáng tác nên bài thơ này. Bài thơ có nguyên tắc bằng chữ Hán, viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt:
"Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên,
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lại nguyệt mãn thuyền"
(Đêm nay, rằm tháng giêng, trăng vừa tròn,
Nước sông xuân tiếp liền với màu trời xuân.
Giữa nơi khói sóng thăm thẳm, bàn bạc việc quân,
Nửa đêm trở về, thuyền chở đầy ánh trăng)
Đêm trăng thanh bầu trời cao vời vợi, gió nhẹ nhàng. Bầu không khí đậm phong vị lãng mạn vô cùng. Vì trăng rằm, lại vào tháng giêng, tháng mùa xuân nên dường như trăng có những phong vị đẹp hơn cả. Mùa xuân tiết trời trong trẻo, ấm áp, cây cối tốt tươi, trăm hoa đua nở. Lại thêm ánh trăng đẹp mộng mơ càng làm cho cảnh vật đậm đà thêm chất hữu tình. Ngồi ngắm trăng giữa dòng sông thật mang lại nhiều cảm xúc.
"Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên"
Bầu trời quê hương, thiên nhiên quê hương, dòng sông quê hương và cả ánh trăng soi rọi miền đất ấy tạo nên một cảm giác ấm áp và gần gũi đến lạ kỳ. Cả một vùng trời rộng lớn rực rỡ sức sống của mùa xuân, không chỉ được hiển hiện ở thiên nhiên mà còn đầy ắp trong lòng người. Dòng sông với nước trong như ngọc, ánh trăng sáng chiếu rọi xuống mặt sông tạo nên những hào quang lấp lánh huyền diệu vô cùng.
Cảm nghĩ về bài Nguyên tiêu
Chữ “xuân” trong câu thơ của Bác không chỉ là xuân trong mùa xuân chỉ sắc xuân của sông nước, của đất trời mà còn là sắc xuân trong lòng người. Nhân vật chữ tình đang mang trong mình một cảm giác phấn chấn, hồ hởi vô cùng, mừng mùa xuân và cũng là mừng cho chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Bác Hồ vốn là người vô cùng yêu thiên nhiên, rất thích thưởng ngoạn thiên nhiên nhưng trong hoàn cảnh này, Bác không chỉ là một tao nhân mặc khách, một nhà thơ mà còn ở vị trí của một người chiến sỹ:
"Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lại nguyệt mãn thuyền"
Đang ngồi thuyền giữa dòng, nhưng không đơn thuần là thưởng ngoạn thiên nhiên, vì thực chất vị lãnh tụ đang “bàn bạc việc quân” để lãnh đạo nhân dân kháng chiến, bảo vệ non sông đất nước. Bác luôn trăn trở những ước mong đất nước đến ngày độc lập, tự do. Tuy nhiên, việc quân việc nước dù căng thẳng đến đâu nhưng được sống và tận hưởng trọn cảm xúc với thiên nhiên đất trời lòng Bác cảm thấy sảng khoái vô cùng. Bác giàu tình yêu thiên nhiên, trong kháng chiến gian khổ vẫn lạc quan yêu đời, vẫn luôn tin tưởng vào những chiến thắng của tương lai. Bài thơ đậm đặc phong vị thơ Đường với những tứ thơ gợi hình, gợi tả: con thuyền, sông nước, khói sóng, sắc nước hương trời ngày xuân và đặc biệt là trăng, vầng trăng trong thơ Bác rất đẹp. Chính vầng trăng ấy đã thể hiện phong thái ung dung, tâm hồn thanh cao của Bác, người cha già, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Bài thơ Nguyên tiêu mang đậm phong vị thơ ca của Bác, không khí hồ hởi, vui sướng khi kháng chiến giành được độc lập ngập tràn trong lòng người. Mùa xuân không chỉ đến trong đất trời mà còn hiện hữu trong lòng người.
Minh Minh