21/02/2018, 09:22

Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm – Văn hay lớp 10

Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm – Bài làm 1 Nguyễn Bỉnh Khiên là một nhà thơ lớn của dân tộc. Ông đã để lại cho nền văn học nước nhà một kho tàng thơ đồ sộ, và đã có gần một nghìn bài thơ được tìm thấy. Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm mang đậm tính triết lí, giáo huần, ngợi ...

Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm – Bài làm 1

Nguyễn Bỉnh Khiên là một nhà thơ lớn của dân tộc. Ông đã để lại cho nền văn học nước nhà một kho tàng thơ đồ sộ, và đã có gần một nghìn bài thơ được tìm thấy. Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm mang đậm tính triết lí, giáo huần, ngợi ca ý chí, thú thanh nhàn và đồng thơi phê phán những điều xấu xa trong xã hội. “Nhàn” chính là bài thơ tiêu biểu mang đậm phong cách riêng của Nguyễn Bỉnh Khiêm, là bài thơ Nôm trong “Bạch Vân quốc ngữ thi”.

Nguyễn Bỉnh Khiêm làm quan dưới triều Mạc, nhưng sau khi thất bại trong việc dâng sớ xin chém mười tám tên nịnh thần, ông lui về ở ẩn. Trong thời gian đó, ông đã viết rất nhiều bài thơ, và “Nhàn” là một trong số ấy. Tiêu đề “Nhàn” không phải của Nguyễn Bỉnh Khiêm mà là do người đời sau đặt. Bài thơ như lời tâm sự sâu sắc của tác giả về quan niệm sống, khẳng định cách sống nhàn, hòa hợp với thiên nhiên, giữ cố cách thanh cao, không màng danh lợi.

 “Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.”

Hai câu đầu, cũng là hai câu đề bài thơ đã tái hiện lại hoàn cảnh sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc bấy giờ cũng như tâm trạng của ông. Ở câu đầu tiên xuẩt hiện những công cụ quen thuộc “cuốc”, “cần câu”, cùng từ “một” được lập lại nhiều lần, gợi lên cuộc sống bình dị của một lão nông nhàn nhã. Bên cạnh đó, cách ngắc nhịp đặc biệt 2/2/3 cũng góp phần làm sáng tỏ sự nhàn hạ đó. Ở câu thơ thứ hai, “thơ thẩn” được dùng để thể hiện trạng thái thảnh thơi, không lo âu, vướng bận, khắc họa hình ảnh một con người chậm rãi, khoan thai. Đặt vào hoàn cảnh của tác giả, có thể thấy lúc nhàn rỗi của ông chính là thơi gian ông lui về ở ẩn. “Dầu ai vui thú nào” ý chỉ việc tác giả không quan tâm đến lựa chọn của người khác, không còn bon chen giành giật ở chốn quan trường mà kiên định với sự lựa chọn của bản thân, ẩn mình khỏi vong danh lợi, sống nhẹ nhành vui thú điền viên. Sự lựa chọn của Nguyễn Bỉnh Khiêm càng được thể hiện rõ nét hơn qua hai câu thực tiếp theo.

“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.”

Trong hai câu thơ trên, nghệ thuật đối lập được tô đậm qua cách dùng tính từ “dại”-“ khôn”, “vắng vẻ”-“lao xao”. Nguyễn Bỉnh Khiêm tự cho mình là “dại” khi tìm đến chốn thôn quê, “nơi vắng vẻ” sống cuộc sống thanh nhàn mặc cho người người đuổi theo vinh hoa phú quý, tìm đến “chốn lao xao”. “Nơi vắng vẻ” là nơi yên bình, người người hiền lành chất phác, sống hòa hợp với thiên nhiên, trong khi đó “chốn lao xao” là kinh đô phồn hoa nhộn nhịp, là chốn quan quan trường luôn đầy rẫy những con người bị nhuốm bẩn bởi tiền tài, tham vọng, những âm mưu ngoan độc, nơi  người đạp người đi lên. Vậy câu hỏi đặt ra là, lối sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm là lối sống vô trách nhiệm? Xét theo hoàn cảnh của ông, khi triều đình đang diễn ra tranh chấp địa vị, quyền lực, mặc cho nhân dân đói khổ thì hoài bảo giúp vua giúp nước an dân của Nguyễn Bỉnh Khiêm tất nhiên là thật khó để thành sự thật. Vì thế, ông đã quyết định rời bỏ “chốn lao xao” để giữ lại cốt cách thanh cao của mình. Ta có thể thấy trong thời gian ở ẩn, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn tiếp tục tham vấn cho triều đình nhưng không trực tiếp tham gia vào việc triều chính nên không thể nói rằng lựa chọn của Nguyễn Bỉnh Khiêm là lựa chọn vô trách nhiệm, mà đó là cách làm thật đúng đắn. Do đó qua hai câu thơ, tác giả còn sử dụng cách nói ngược, dùng hàm ý mỉa mai. Trong thi phẩm “Dại khôn”, Nguyễn Bỉnh Khiêm một lần nữa thể hiện quan niệm, trí tuệ và nhân cách hơn người của mình khi nói:

“Khôn mà hiểm độc là khôn dại
Dại vốn hiền lành ấy dại khôn.”

Trở lại với cuộc sống ẩn dật của mình, tác giả đã tái hiện lại cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên của mình qua hai câu luận tiếp theo của bài thơ. 

"Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.”

Hai câu thơ là bức tranh tứ bình về sinh hoạt cả 4 mùa xuân hạ thu đông. Hai câu thơ vận dụng biện pháp liệt kê, liệt kê cả bốn mùa cũng những thức ăn, sự vật có trong mỗi mùa. “Mùa nào thất nấy”, quả vậy, tác giả sống hòa mình vào thiên nhiên, không cần những thứ xa hoa, cao sơn mĩ vị. Cuộc sống ông đạm bạc đến không thể đạm bạc hơn, có gì ăn đó, còn gì dùng nấy, không cầu kì đòi hỏi. Mùa thu thì có măng trúc, khi đông đến, vạn vật không thể đâm chồi lại có giá thay. Tuy nhiên, bên cạnh nghĩa gốc, lại có ý kiến cho rằng, “giá” ở đây còn có nghĩa là “giá rét”. Xuân Diệu cũng từng nói rằng “cảm tưởng tác giả ăn giá tuyết, uống măng đông”. Theo cách nghĩ này, có thể nói ông không cần một cuộc sống ấm no đầy đủ, dù có thiếu thốn đôi chỗ nhưng ông vẫn rất hài long với cuộc sống hiện tại. Xoay tiếp sang “xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.” Câu thơ diễn tả bức tranh sinh hoạt không chỉ bình dị mà còn đầy tính thẩm mĩ. Tất cả đã xây dựng nên một cuộc sống đạm bạc, giản dị, thanh cao.

“Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.”

Hai câu kết này như phủ định lại chữ nhàn mà tác giả thể hiện từ đầu bài thơ đến giờ, chỉ ra rằng tác giả là “nhàn thân không nhàn tâm”, tức ngoài mặc ông có vẻ thoải mái, nhàn rỗi nhưng trong lòng luôn vướng bận nhiều lo âu, suy nghĩ. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dùng tích điển Thuần Vu Phần uống rượu say. Khi say, Thuần Vu Phần mơ thấy đến nước Hòe An, được rất nhiều vinh hoa phú quý, nhưng cuối cùng tỉnh mộng và nhận ra đó chỉ là giấc mơ. Khi sử dụng điển tích này, Nguyễn Bỉnh Khiêm như nhấn mạnh bản thân xem nhẹ phú quý, bởi bản thân ông đã từng làm quan cho nhà Mạc, có đủ phú quý nhưng ông không xem trọng nó, không lấy nó làm mục đích sống, chỉ xem đó như là một giấc mộng không có thật, khiến người ta sa vào để rồi hụt hẫng khi giật mình tỉnh dậy, nên ông đã  tìm đến nơi làng quê thanh bình để giữ lại cho mình cốt cách thanh cao. Hai câu thơ thể hiện cái nhìn cũng như quan niệm sống của một nhà trí tuệ lớn, có tính triết lí sâu sắc. Ngoài ra, với cách ngắt nhịp 1/3/3 đầy mới lạ, Nguyễn Bỉnh Khiêm như muốn nhấn mạnh thêm về cái nhìn của mình.

Mặc dù “Nhàn” là một bài thơ Nôm, nhưng với cách sử dụng ngôn ngữ đầy giản dị, tự nhiên khiến người đọc cảm thấy dễ hiểu, cũng là cách làm rõ quan niệm sống nhàn của ông. Nguyễn Bỉnh Khiên còn qua bài thơ, kết hợp tính trữ tình vào triết lí, làm bài thơ thêm phần thâm trầm nhưng sâu sắc. Cả bài thơ đã thể hiện trọn vẹn cái nhìn và cuộc sống của tác giả, về sự hòa mình vào thiên nhiên, giữ vững cốt cách thanh cao cũng như tránh xa vòng danh lợi nhưng lại không thể tránh khỏi việc trong lòng vẫn còn vướng bận việc nước, lo nghĩ cho dân, nhân mạnh trí tuệ và nhân cách hơn người của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

“Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm chính là tiêu biểu cho dòng thơ Nôm trong nền thơ ca Việt Nam nói chung và kho tàng văn học trung đại nói riêng. Bài thơ chính là cách truyền lại quan niệm sống trong sạch, thanh cao đáng ngưỡng mộ của Nguyễn Bỉnh Khiêm đến các thế hệ mai sau.

Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm – Bài làm 2

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) là một nhà thơ lớn của dân tộc. Bên cạnh việc phê phán những điều xấu xa trong xã hội, mang đậm tính triết lí giáo huấn, răn dạy đời sau thì đồng thời thơ ông còn ngợi ca ý chí của kẻ sĩ, thú thanh nhàn của tao nhân. “Nhàn” là bài thơ mang đậm phong cách ấy của thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bài thơ như lời tâm sự sâu sắc của tác giả về quan niệm sống, qua đó khẳng định cách sống nhàn, sống hòa hợp với thiên nhiên và giữ cốt cách thanh cao, không màng danh lợi.

Mở đầu bài thơ là hai câu đề khắc họa cuộc sống nhàn tản, vui thú điền viên của một lão nông thực thụ:

Một mai một cuốc một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào

Với phép lặp “một”-“một” đã giúp người đọc hình dung ra một khung cảnh làng quê thôn dã đơn sơ, giản dị, và dù chỉ có một bóng hình nhưng không hề đơn độc. “Một cuốc”, “một cần câu” gợi lên hình ảnh một lão nông cần mẫn, chăm chỉ với việc câu cá và làm vườn. Từ “ thơ thẩn” trong câu hai lại khắc họa dáng vẻ của ông lão đang ngồi ung dung, chậm rãi và khoan thai. Đặt hình ảnh ấy vào thời điểm sáng tác bài thơ này của tác giả cho thấy cái nhãn rỗi cùng như thảnh thơi khi cáo quan về ở ẩn thay vì bận rộn bon chen ở chốn quan trường như lũ sâu bọ ngoài kia.

Hai câu thơ thực tiếp theo càng khắc họa rõ nét hơn chân dung của “lão nông Nguyễn Bỉnh Khiêm”:

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao

Ở hai câu thơ này, nhà thơ đã sử dụng hàng loạt các cặp từ đối cực như: “ta – người”, “dại – khôn”, “vắng vẻ – lao xao” để nhằm qua đó thể hiện quan niệm sống của mình. Ông tự nhận mình “dại” khi tìm đến nơi vắng vẻ đến sống, còn những người chọn chốn quan trường mới là những người “khôn”. Tuy nhiên, cái “khôn” ấy lại chỉ nhằm vào những tính toán, tranh giành, giết hại lẫn nhau, cho nên thực chất “khôn” ấy chỉ là một dạng thức ích kỷ tầm thường của con người, cuốn con người ta vào những dục vọng thấp hèn mà thôi.

Chính cách nói dại – khôn, nhà thơ đã chúng tỏ được cái thanh cao của mình và đối lập với bọn người thấp hèn mờ mắt vì bụi phù hoa ở “chốn lao xao”. Bằng cách sử dụng từ ngữ khéo léo và tinh tế, nhà thơ đã cười cợt vào thói đời bằng một cái nhếch môi nhẹ nhàng mà sâu cay, phê phán vào cả một xã hội thối nát chạy theo vòng danh lợi với tư thế của một bậc chính nhân quân tử không màng đến phù hoa. Cũng chính vì thế mà nhà thơ mới cảm nhận trọn vẹn được tất cả cái hay, cái đẹp của cuộc sống thanh nhàn:

Thu ăn măng trúc đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao

Khác hẳn với lối hưởng lạc đắm chìm trong vinh hoa vật chất, “lão nông” Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thụ hưởng tất cả và trọn vẹn những ưu đãi hào phóng của tự nhiên. Mùa nào thức nấy, tuy không phải là sơn hào hải vị nhưng những thức ăn có sẵn này lại mang đậm hương vị quê nhà, đủ đầy và thanh cao.  Không những thế, những hình ảnh “măng trúc”, “giá”, “sen” còn mang ý nghĩa biểu tượng cho phẩm chất thanh cao của người quân tử, sống không hổ thẹn với trời đất và lòng mình. Quan niệm về chữ Nhàn của nhà thơ được phát triển trọn vẹn bằng sự khẳng định:

Rượu đến cội cây ta sẽ uống

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao

Hai câu luận cuối cùng đã thể hiện được cái nhìn của một nhà trí tuệ lớn, một nhân cách sống cao đẹp đoạn tuyệt với công danh phú quý. Đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm, phú quý chỉ “tựa chiêm bao” thoáng qua mà thôi. Quan niệm này gần với đạo Lão – Trang có phần yếm thế tiêu cực, nhưng đặt trong thời cuộc mà nhà thơ đang sống thì nó lại bộc lộ một ý nghĩa tích cực. Ông thà làm một lão nông giản dị, thư thái ung dung còn hơn là chạy theo công danh phú quý đua lợi. Chính thái độ sống nhàn ấy là làm sáng ngời len một nhân cách thanh cao hơn đời.

Như vậy chỉ với 8 câu thơ đường luật, bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bộc lộ cốt cách, tinh thần và phong thái của một kẻ sĩ chân chính tìm về với thiên nhiên, với cuộc sống của nhân dân để đối lập một cách triệt để với cả một xã hội phong kiến trên con đường suy vong thối nát. Cho đến hôm nay, quan niệm sống đề cao vẻ đẹp tâm hồn, lối sống trong sạch của Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn còn giữ nguyên giá trị.

Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm – Bài làm 3

Chốn quan trường thời xưa ai cũng mong hòng có một chân trong những chức phận trong cung, người muốn thì nhiều mà người không muốn rời bỏ chốn quan trường thì ít. Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm một bậc quân thần trung quân ái quốc và một nhà nho đại tài đã trở về quê ở ẩn. Trong khoảng thời gian ở ẩn Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sáng tác bài thơ Nhàn thể hiện sự nhàn rỗi của mình khi rời bỏ chốn quan trường, đồng thời nói lên những quan điểm của mình về chốn quan trường ấy, “dại” hay “khôn” chỉ có thể đọc thơ của ông mới hiểu hết được quan điểm ấy.

Cái tên của bài thơ thật độc đáo và đặc biệt. Nhan đề ấy chỉ có một câu nhưng đã nói lên tất cả những gì mà nhà thơ muốn gửi gắm. Một tiếng nhàn thể hiện sự nhàn dỗi của con người trong cuộc sống thực tại. Theo thông thường thì nhàn thì sẽ chỉ có ngồi mát ăn bát vàng thôi vậy thì nhàn mà Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn nói đến là gì?. Nhan đề độc đáo như có tác dụng hấp dẫn người đọc hơn khi vào những tâm tư chia sẻ của nhà thơ ấy. 
Trước hết là hai câu thơ đầu với những hình ảnh quen thuộc của làng quê đồng ruộng Nguyễn Bỉnh Khiêm giới thiệu cuộc sống mà ông coi là nhàn hạ cho mọi người biết:

“Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”

Hình ảnh những vật dụng quen thuộc của công việc làm đồng cho thấy được những không gian êm ả yên tĩnh của làng quê. Có thể mỗi nhà nho nghỉ quan về ở ẩn đều tìm đến chốn làng quê để cho tâm hồn mình thanh tịnh chứ không ở trên kinh thành. Làng quê ấy không chỉ có những cảnh vật quen thuộc như cây đa bến nước mái đình mà ở đây làng quê hiện lên trên những vật dụng công cụ của đồng áng. Nào mai, nào cuốc những thứ ấy đều là công việc mệt nhọc của nhà nông. Cái công việc mà làm quần quật cả ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời, một nắng hai sương. Ấy thế mà ở đây tác giả lại noi đây là việc nhàn tại sao vậy. có thể nói so với Nguyễn Bỉnh khiêm thì đó là một công việc tuy mệt mỏi chân tay nhưng lại không mệt trí óc hay tâm hồn. Chí ít ra thì ở đây ông có thể “thẩn thơ” với thú vui câu ca cảnh vật làng quê, tận hưởng sự bình yên không khí nơi đây.

Tiếp đến hai câu thơ sau thì chúng ta thấy được những quan niệm của nhà thơ về sự “khôn” “dại” trong việc làm quan hay nghỉ hưu về quê làm một anh nông dân quèn để giữ cho mình một khí tiết trong sạch:

“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chỗ lao xao”

Chắc hẳn trước sự lựa chọn của Nguyễn Bỉnh Khiêm thì nhiều người có thể nói ông là dại chính vì thế mà ông đã nói lên chính những tâm sự của mình để bày tỏ quan điểm sống. Tác giả nói ta dại cho nên ta về nơi thôn quê vắng vẻ hẻo lánh để ở còn người khôn người đến những chốn lao xao như quan trường. có thể thấy rằng ở đây tác giả đã thể hiện cách nói đối lập để làm rõ quan điểm của mình. Đồng thời cũng qua đó ta thấy được lẽ sống của những bậc nho gia thời xưa. Người nhà nho không gì quý hơn là thanh danh và sự trong sạch của mình chính vì thế mà ai cũng hết sức lắng đục tìm trong để bảo vệ cho khí tiết của mình. Nơi vẳng vẻ ở đây chính là chốn làng quê, chốn lao xao chính là nơi quan trường nhiều hiểm độc.

Tưởng chừng những nơi vắng vẻ kia nguy hiểm nhưng chính chôn lao xao kia mới là đáng sợ. bởi vì sao?, vì trong cái chốn thâm cung nhiều người âm mưu nghiệp lớn hãm hại lẫn nhau, đấu đá dành phần hơn và có thể bất chấp mọi thủ đoạn để tiến lên. Chính vì thế mà nhà thơ chán ghét và đặc biệt nói cách ở trên thì nhà thơ như muôn người đọc tự hiểu được như thế nào mới là dại mới là khôn thật sự.

Cảnh sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm được thể hiện rất rõ trong hai câu thơ tiếp theo. Đó bức tranh của xuân hạ thu đông, bốn mùa của đất trời và khi ấy con người nhàn hạ kia đã có những thực phẩm thể hiện sự nhàn của mình:

“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”

Mùa thu tác giả ăn măng trúc trong rừng, mùa đông thì ăn giá đỗ, mùa xuân tắm hồ sen, mùa hạ tắm ao. Cảnh sinh hoạt của nhà thơ nơi thôn dã thật sự rất bình thường thế nhưng qua đó ta thấy được một tâm hồn đồng điệu với thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên, ăn, uống, tăm những gì của thiên nhiên. Có thể nói nhà thơ như đang hòa mình vào đất trời. Mùa đông ăn giá là giá đỗ hay cũng chính là cái giá lạnh của gió mùa đông bắc. thế nhưng cuộc sống như thế nhà thơ không cần phải lo nghĩ gì và theo quan điểm của nhà thơ thì đó chính là “nhàn”. 
Cuộc sống nhàn ấy với một nhà nho không chỉ hòa hợp với thiên nhiên mà còn phải có cả rượu:

“Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quí, tựa chiêm bao”

Đến rượu cũng thật sự là thiên nhiên qua hình ảnh rượu đến gốc cây. Cái “nhắp” kia như vẽ lên một hình ảnh nhà nho già tây cầm ly rượu mà đưa lên môi nhắp lấy một cái ngâm trong miệng cái nồng nàn hơi men của rượu. Thế rồi mắt đưa ra khung cảnh bầu trời mà mơ màng ngắm vịnh. Đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm thì đó chính là cuộc sống thanh đạm của nhà thơ song đối với ông thì đó chính là phú quý như một giấc chiêm bao vậy.

Bài thơ đã vẽ lên một nhà nho về quê ở ẩn với những thú vui lao động như bao nhiêu người nông dân khác. nếu như những người nông dân coi việc đó là chán ngắt thì với Nguyễn Bỉnh Khiêm đó lại chính là thú vui. Cuộc sống đạm bạc giản dị mà thanh cao cùng với quan điểm “khôn- dại” ta thấy  hiện lên một nhà nho đạm bạc và một tâm hồn cao đẹp yêu thiên nhiên biết bao nhiêu.

Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm – Bài làm 4

Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có học vấn uyên thâm, từng làm quan nhưng vì cảnh quan trường nhiều bất công nên ông đã cáo quan về ở ấn; sống cuộc sống an nhàn, thanh thơi. Ông còn được biết đến là nhà thơ nổi tiếng với hai tập thơ tiếng Hán “Bạch Vân am thi tập” và tập thơ tiếng Nôm “Bạch Vân  quốc ngữ thi”. Bài thơ “Nhàn “được rút trong tập thơ “ Bạch Vân quốc ngữ thi”. Bài thơ đựợc viết bằng thể thất ngôn bát cú đường luật, là tiếng lòng của Nguyễn Bỉnh Khiêm về một cuộc sống nhiều niềm vui, an nhàn và thanh thản nơi đồng quê.

Xuyên suốt bài thơ “Nhàn” là tâm hồn tràn ngập niềm vui và sự thanh tịnh trong tâm hồn tác giả. Có thể xem đây là điểm nhấn, là tinh thần chủ đạo của bài thơ. Chỉ vơi 8 câu thơ đường luật nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm đã mang đến cho người đọc một cuộc sống an nhàn nơi đồng quê êm ả.

Mở đầu bài thơ là hai câu thơ đề rất mộc mạc:

Một mai một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào

Với phép lăp “một”-“một” đã vẽ lên trước mắt người đọc một khung cảnh bình dị, đơn sơ nơi quê nghèo, dù một mình nhưng không hề đơn độc. Hai câu thơ toát lên sự thanh tịnh của tâm hồn và êm đềm của thiên nhiên ở vùng quê Bắc Bộ. “Một cuốc”, “một cần câu” gợi lên sự bình dị, mộc mạc của một người nông dân chất phác. Hình ảnh Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện lên là một lão nông an nhàn, thảnh thơi với thú vui tao nhã là câu cá và làm vườn. Đây có thể nói là cuộc sống đáng mơ ước của rất nhiều người ở thời kỳ phòng kiến ngày xưa nhưng không phải ai cũng có thể dứt bỏ được chốn quan trường về với đồng quê như thế này. Động từ “thơ thẩn” ở câu thơ thứ hai đã tạo nên nhịp điệu khoan thai, êm ái cho người đọc. Dù ngoai kia người ta vui vẻ nơi chốn đông người thì Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn mặc kệ, vẫn bỏ mặc để “an phận” với cuộc sống của mình hiện tại. Cuộc sống của ông khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Đến hai câu thơ thực tiếp theo càng khắc họa rõ nét hơn chân dung của “lão nông Nguyễn Bỉnh Khiêm”.

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao

Đây có thể xem là tuyên ngôn sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm những năm tháng sau khi cáo quan về ở ẩn. Ông tự nhận mình “dại” khi tìm nơi vắng vẻ đến sống, nhưng đây là cái “dại” khiến nhiều người ghen tỵ và ngưỡng mộ. Ông rất khéo léo trong việc dùng từ ngữ độc đáo, lột tả được hết phong thái của ông. Ông bảo rằng những người chọn chốn quan trường là những người “khôn”. Một cách khen rất tinh tế, khen mà chê, cũng có thể là khen mình và chê người. Tứ thơ ở hai câu này hoàn toàn đối lập nhau từ ngôn ngữ đến dụng ý “dại” –“khôn”, “vắng vẻ” – “lao xao”. Nguyễn Bỉnh Khiêm tìm về nơi vắng vẻ để ở có phải là trốn tránh trách nhiệm với nước hay không? Với thời thế như vậy giờ và với cốt cách của ông thì “nơi vắng vẻ” mới thực sự là nơi để ông sống đến suốt cuộc đời. Một cốt cách thanh cao, một tâm hồn đáng ngưỡng mộ.

Hai câu thơ luận đã gợi mở cho người đọc về cuộc sống bình dị, giản đơn và thanh cao của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Thu ăn măng trúc đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao

Một cặp câu đã lột tả hết tất cả cuộc sống sinh hoạt và thức ăn hằng ngày của “lão nông nghèo”. Mùa nào đều tương ứng với thức ăn đấy, tuy không có sơn hào hải vị nhưng những thức ăn có sẵn này lại đậm đà hương vị quê nhà, khiến tác giả an phận và hài long. Mùa thu có măng trúc ở trên rừng, mùa đông ăn giá. Chỉ với vài nét chấm phá Nguyễn Bỉnh Khiêm đã “khéo” khen thiên nhiên đất Bắc rất hào phòng, đầy đủ thức ăn. Đặc biệt câu thơ “Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao” phác họa vài đường nét nhẹ nhàng, đơn giản nhưng toát lên sự thanh tao không ai sánh được. Một cuộc sống dường như chỉ có tác giả và thiên nhiên, mối quan hệ tâm giao hòa hợp nhau.

Đến hai câu thơ kết dường như đúc kết được tinh thần, cốt cách cũng như suy nghĩ của Nguyễn Bình Khiêm:

Rượu đến cội cây ta sẽ uống

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao

Hai câu thơ này là triết lý và sự đúc rút Nguyễn Bỉnh Khiêm trong thời gian ở ẩn. Đối với một con người tài hoa, có trí tuệ lớn như thế này thì thực sự phú quý không hề là giấc chiêm bao. Ông từng đỗ Trạng nguyên thì tiền bạc, của cải đối với ông thực ra mà nói không hề thiếu nhưng đó lại không phải là điều ông nghĩ đến và tham vọng. Với ông phú quý chỉ “tựa chiêm bao”, như một giấc mơ, khi tỉnh dậy thì sẽ tan, sẽ hết mà thôi. Có thể xem đây chính là cách nhìn nhận sâu sắc, đầy triết lý nhất. Với một con người thanh tao và ưa sống an nhàn thì phú quý chỉ như hư vô mà thôi, ông yêu nước nhưng yêu theo một cách thầm lặng nhất. Cách so sánh độc đáo đã mang đến cho hai câu kết một tứ thơ hoàn hảo nhất.

Như vậy với 8 câu thơ, bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khiến người đọc ngưỡng mộ và khâm phục cốt cách, tinh thần và phong thái của ông. Là một người yêu nước, thích sự thanh bình và coi trọng cốt cách xứng đáng là tấm gương đáng học hỏi. Bài thơ đường luật kết cấu chặt chẽ, tứ thơ đơn giản nhưng hàm ý sâu xa đã làm toát lên tâm hồn và cốt cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cho đến bây giờ, ông vẫn được rất nhiều người ngưỡng mộ.

0