13/09/2018, 09:41

Petrus Key và Petrus Ký- Chuyện một lá thư mạo danh Trương Vĩnh Ký vào thế kỷ 19 (Phần 2)

Phần 2: Lá thư Penang Winston Phan Đào Nguyên Tóm Tắt Phần 1 Tóm lại, trong Phần 1 của bài viết, với tựa đề “Lá Thư Petrus Key”, gồm từ chương I tới chương VII, người viết đã trình bày cho bạn đọc như sau: Trong chương I, quá trình ông Nguyên Vũ đã ...

Phần 2: Lá thư Penang

22

Winston Phan Đào Nguyên

Tóm Tắt Phần 1

Tóm lại, trong Phần 1 của bài viết, với tựa đề “Lá Thư Petrus Key”, gồm từ chương I tới chương VII, người viết đã trình bày cho bạn đọc như sau:

Trong chương I, quá trình ông Nguyên Vũ đã “công bố” lá thư Petrus Key và khẳng định tác giả của nó là Petrus Ký như thế nào trong suốt 20 năm qua.

Trong chương II, cách thức ông Nguyên Vũ đã cố tình không tiết lộ nguyên văn bằng tiếng Pháp của lá thư Petrus Key, trong khi lại thêu dệt thêm những chi tiết chung quanh lá thư, ra sao.

Trong chương III, tiểu sử Petrus Ký và bối cảnh lịch sử của lá thư Petrus Key.

Trong chương IV, nguyên văn tiếng Pháp của lá thư Petrus Key và bản dịch tiếng Việt của Winston Phan Đào Nguyên.

Trong chương V, những sai lầm của ông Nguyên Vũ trong bản dịch lá thư Petrus Key của ông ta.

Trong chương VI, những điều vô lý trong chính nội dung lá thư Petrus Key qua nguyên văn bằng tiếng Pháp cho thấy tác giả lá thư không thể là một người Nam Kỳ như Petrus Ký.

Trong chương VII, một sự so sánh hình thức lá thư Petrus Key qua nét chữ viết và chữ ký với ba văn kiện được viết bởi chính Petrus Ký trong thập niên 1870s cho thấy chúng không giống nhau, và do đó, khẳng định rằng Petrus Ký không phải tác giả lá thư Petrus Key.

Như vậy, Phần 1 của bài viết, như đã tóm tắt bên trên, cho người đọc một cái nhìn về quá trình lá thư Petrus Key đã được ông Nguyên Vũ dùng để đả kích Petrus Ký ra sao, và nội dung thực thụ của lá thư trái ngược hẳn với bản dịch và những gì ông Nguyên Vũ đã trình bày như thế nào.  Chẳng những vậy, chỉ cần chính nội dung của lá thư Petrus Key cũng đã cho thấy tác giả của nó không thể là một người Việt ở Nam Kỳ như Petrus Ký.  Bởi với những lỗi lầm đầy dẫy trong lá thư về xứ Nam Kỳ, một người Nam Kỳ chính gốc như Petrus Ký không thể nào mắc phải.  Và khi so sánh hình thức của lá thư với các văn kiện khác sau này của Petrus Ký, có thể thấy rằng Petrus Ký không phải là tác giả lá thư Petrus Key.

Do đó, chỉ cần có nguyên bản lá thư Petrus Key, thì câu hỏi phải chăng Petrus Ký là tác giả của nó đã có thể được giải quyết thỏa đáng.

Tuy vậy, để có thể chứng minh một cách chắc chắn mà không còn nghi ngờ gì nữa (beyond a reasonable doubt) rằng Petrus Ký không phải tác giả lá thư Petrus Key, người viết xin đi tiếp vào Phần 2 của bài viết. 

Trong Phần 2 này, lá thư Petrus Key sẽ được đem ra so sánh với một lá thư do chính tay Petrus Ký viết trong cùng khoảng thời gian với lá thư Petrus Key.  Đó là lá thư ông viết cho các bạn học ở Penang vào ngày 4 tháng 2 năm 1859 bằng tiếng Latin (“lá thư Penang”). 

Chương VIII.

Giới Thiệu Về Xuất Xứ Và Những Điểm Chính Của Lá Thư Penang

A. Xuất Xứ Của Lá Thư Penang

Đây là một lá thư do chính tay Petrus Ký viết bằng tiếng Latin gởi cho các bạn học tại Đại Chủng Viện Penang, nơi ông theo học từ 1852-1858.  Do đó, trong bài viết này, nó được gọi là “Lá thư Penang“.  Lá thư Penang sau đó được chuyển về Pháp và hiện đang được lưu trữ tại Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris (Mission Étrangère de Paris).  Lá thư này do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu khám phá ra và đã từng cho in trang cuối của nó trong cuốn “Petrus Ký, Nỗi Oan Thế Kỷ” phát hành vào đầu năm 2017. 

Lá thư Penang được viết vào ngày 4 tháng 2 năm 1859, tức rất gần với thời gian của lá thư Petrus Key.  Theo phỏng đoán của người viết, lá thư Petrus Key đã được viết trong khoảng thời gian ông Jauréguiberry làm chỉ huy liên quân Pháp – Tây Ban Nha tại Sài Gòn, tức là từ tháng 4 năm 1859 đến tháng 4 năm 1860.  Do sự rất gần nhau về thời gian này, các so sánh về hình thức như nét chữ viết và chữ ký – giữa hai lá thư – sẽ có độ chính xác rất cao.

Đây là một lá thư viết tay dài 13 trang nếu tính luôn trang đầu là một trang giống như trang bìa của một cuốn sách, với những ký hiệu, trang trí, người nhận và người gởi.   Lá thư có thể đã được viết ra trong nhiều ngày hay nhiều thời gian khác nhau, vì màu mực của các trang giấy nhìn khác nhau, và nét chữ cũng có thay đổi chút ít từ trang này qua trang khác.

Và đây là trang bìa, trang đầu và trang cuối của lá thư Penang, với thủ bút và chữ ký của chính Petrus Trương Vĩnh Ký:

17.png

Như có thể thấy qua các hình chụp bên trên, lá thư Penang rất khó đọc, vì nét chữ đã nhòa đi rất nhiều theo năm tháng.  Đã vậy, người viết là ông Petrus Ký lại còn xen vào giữa những chữ Latin rất nhiều chữ quốc ngữ – như địa danh, tên họ, chức tước, và những chữ bình dân thuần Việt rất cổ.  Điều này làm cho lá thư Penang vốn đã khó đọc lại càng khó đọc hơn.

Nhưng rất may mắn là toàn bộ lá thư Penang đã được dịch ra tiếng Pháp vào năm 1995 bởi ông Antoine Lauras, một tu sĩ Dòng Tên và là giáo sư văn chương ở Paris, chuyên về ngôn ngữ Hy-La.[56]  Nhờ bản dịch tiếng Pháp này mà người không biết chữ Latin có thể đọc và hiểu được lá thư Penang.  Tuy nhiên, vì trong thư có rất nhiều chữ Quốc Ngữ, mà ông Lauras chắc là không biết chữ Quốc Ngữ, nên đôi lúc những khoảng dịch ra tiếng Pháp gồm chữ Quốc Ngữ có thể thiếu chính xác. 

Lá thư Penang được Petrus Ký viết bằng chữ Latin vì đó là ngôn ngữ chính thức được dùng ở đại chủng viện Penang.  Nó không những là ngôn ngữ trong lớp học giữa thầy trò, mà còn là ngôn ngữ giữa các chủng sinh đến từ khoảng 20 sắc dân trong vùng.  Tiếng Latin, do đó, vừa là ngôn ngữ học tập, vừa là ngôn ngữ dùng để đối thoại với bạn bè ở Penang của Petrus Ký.

Trong khi đó, tiếng Pháp không phải là một thứ tiếng mà Petrus Ký được học nhiều tại đại chủng viện Penang.  Theo một mẩu chuyện trong cuốn tiểu sử của Petrus Ký, “Petrus J.B. Trương-Vỉnh Ký, Un Savant Et Un Patriote Cochinchinois” tác giả Jean Bouchot kể rằng sau khi vào học ở Penang, Petrus Ký mới bắt đầu tự học tiếng Pháp.  Và học một cách rất tình cờ, do ông ngẫu nhiên lượm được một mảnh giấy có chữ viết tiếng Pháp, và tự mò mẫm dịch ra chữ Latin.   Sau đó, ông mới được một thầy người Pháp dạy cho thứ tiếng này.[57]

Mấy mươi năm sau khi rời Penang, ông Petrus Ký vẫn dùng chữ Latin thường xuyên để trao đổi thư từ với các bạn trí thức người Pháp của ông.  Điển hình là những lá thư viết cho bác sĩ Alexis Chavanne và ông Albert Kaempfen đã được giáo sư Raphael Barquissau sưu tập và cho in lại trong tập sách Correspondance inédite en latin de Pétrus Trương–vĩnh-Ký.[58]

Petrus Ký thậm chí còn viết thư bằng chữ Latin cho người bạn và cũng là thượng cấp người Pháp của ông, Tổng Trú Sứ tức Toàn Quyền Paul Bert, khi không muốn những người khác có thể đọc được thư này, theo Barquissau.  Lá thư bằng chữ Latin đó được nhắc đến trong những lá thư bằng tiếng Pháp của Petrus Ký gởi cho Paul Bert, nhưng không được đăng trong sách của Bouchot, vì Bouchot không tìm được nguyên bản.

Cũng theo ông Raphael Barquissau, tiến sĩ văn chương, cựu Hiệu trưởng trường Chasseloup Laubat tại Sài Gòn, người đã sưu tập và cho in những lá thư bằng chữ Latin của Petrus Ký, thì ông Petrus Ký rất giỏi Latin.  Nhận xét về chất lượng và vốn liếng Latin của Petrus Ký, ông Barquissau viết là “rất rộng” và rất “hùng biện theo kiểu Ciceron”.  Trong khi đó, ông Barquissau chê không thương tiếc bản lãnh Latin của người viết thư đối thoại với ông Petrus Ký là ông bác sĩ nghị viên người Pháp, Alexis Chavanne.[59]

B. Những Điểm Chính Trong Lá Thư Penang

Nội dung lá thư Penang có thể được tóm tắt với ba điểm chính sau đây:

i.Thứ nhất, lá thư thuật lại những cuộc lùng bắt các giáo sĩ của quan quân nhà Nguyễn vào ngày 9 tháng 12 năm 1858 tại Cái Mơn/Cái Nhum, và tại Đầu Nước (Cù Lao Giêng), Châu Đốc, vào đầu năm 1859. Sau đó, phần lớn lá thư thuật lại rất chi tiết những cuộc xét xử và đánh đập tra tấn các giáo dân, gồm cả các nữ tu, và sự kiên cường không chịu bỏ đạo để được tha của những người bị bắt.  Đây là phần chính của lá thư Penang và chiếm hầu hết các trang giấy ở khoảng giữa thư.  Có những nhân vật lịch sử được nhắc đến trong thư như quan tòa là “ông Thượng”, tức Tổng Đốc Long Hồ (Vĩnh Long) Trương Văn Uyển, và những người bị tra tấn như “bà nhứt” Martha Lành.  Những cuộc xét xử này được kể lại trong thư với đại cương rất giống với hai nguồn tài liệu khác, một là theo lời kể của một linh mục người Việt, và còn được lưu giữ ở trang caimon.org[60], và hai là lá thư của linh mục Henri Borelle (cố Hoà), người đã chạy trốn cùng lúc với Petrus Ký khi bị quân nhà Nguyễn lùng bắt vào ngày 9 tháng 12 năm 1858. 

ii.Thứ hai, lá thư cho biết – một cách gián tiếp – hành trình của Petrus Ký, từ lúc trốn chạy cuộc lùng bắt ngày 9 tháng 12 năm 1858 ở Cái Nhum cho đến khi viết lá thư Penang vào ngày 4 tháng 2 năm 1859, tại một nơi trú ẩn tương đối an toàn ở Sài Gòn.

iiiThứ ba, lá thư nói lên những cảm nghĩ của Petrus Ký về sự bắt đạo của nhà Nguyễn cũng như về cuộc can thiệp/xâm lăng vào Việt Nam của liên quân Pháp – Tây Ban Nha.  Theo tác giả Petrus Ký, sự bắt đạo, tuy rất tàn ác, nhưng lại là một điều tất yếu phải xảy ra, cũng như một cơn mưa bảo trước một sự yên bình, hay nói cách khác, là một thử thách của Chúa.  Và với sự can thiệp bằng vũ lực của Pháp, ông hoàn toàn phản đối.  Với ông, cách dùng vũ khí và bạo lực để can thiệp của quân Pháp là một giải pháp còn tệ hơn là bạo lực bắt đạo của vua quan nhà Nguyễn.

Về điểm chính thứ 1 của lá thư Penang, việc diễn tả những cuộc xét xử và tra tấn các giáo dân, vì rất dài và không thuộc phạm vi của bài viết này, người viết sẽ không bàn đến. 

Nhưng điểm chính thứ 2 và 3 của lá thư, về hành trình và quan điểm của Petrus Ký, sẽ được người viết xem xét kỹ lưỡng trong hai chương IX và X sau đây, để so sánh chúng với hành trình và quan điểm của Petrus Key theo nội dung lá thư Petrus Key. 

Chương IX. 

So Sánh Nội Dung Lá Thư Penang Và Lá Thư Petrus Key Về Hành Trình Của Petrus Ký Từ Cái Nhum Lên Sài Gòn

Như đã thuật sơ qua về bối cảnh lịch sử của xứ An Nam – Nam Kỳ trong chương III, vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng và chiếm bán đảo Sơn Trà làm căn cứ.  Sau đó, vì không tiến đánh tới Huế được, phần do sức phòng thủ của quân Nguyễn, phần do tàu thuyền của họ không thể ngược dòng sông Hương, chỉ huy liên quân là Rigault de Genouilly chuyển hướng tấn công, đem phần lớn quân lính tàu thuyền vào vựa lúa Nam Kỳ của nhà Nguyễn và đánh chiếm thành Gia Định vào ngày 18 tháng 2 năm 1859.

Một trong những phản ứng đầu tiên của Triều đình Huế là gia tăng việc bắt đạo ngay sau khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha đánh Đà Nẵng.  Trong hoàn cảnh đó, vào mùa thu năm 1858, sau sáu năm học tập ở đại chủng viện Penang,  Petrus Ký trở về quê ở Cái Mơn. Và trong thời gian vài tháng đầu khi mới trở về, Petrus Ký phụ linh mục Henri Borelle[61] (tức cố Hoà) dạy học tại tiểu chủng viện Cái Nhum, nơi gần với quê nhà ông ở Cái Mơn.  Cả hai nơi này đều có nhiều giáo dân Thiên Chúa Giáo người Việt.  Họ được lãnh đạo bởi linh mục Borelle, người phụ tá cho giám mục Dominique Lefèbvre.  Và giám mục Lefèbvre (tức Ngãi) chính là người cai quản giáo dân của toàn thể địa phận Tây Đàng Trong, bao gồm cả xứ Cao Miên và lục tỉnh Nam Kỳ.[62]

Chiến dịch bắt đạo tại miền Tây Nam Kỳ của nhà Nguyễn sau khi quân Pháp đánh Đà Nẵng được khởi đầu với cuộc lùng bắt linh mục Borelle và các phụ tá của ông tại Cái Nhum vào ngày 9 tháng 12 năm 1858.  Petrus Ký, một phụ tá của linh mục Borelle, đã may mắn thoát được cuộc lùng bắt này và chạy lên Sài Gòn tị nạn.  Và sau đây là hành trình của Petrus Ký theo lời kể của ông trong lá thư Penang, một cuộc hành trình khác biệt và trái ngược hẳn với cuộc hành trình của Petrus Key.

A. Hành Trình Từ Cái Nhum Lên Sài Gòn Của Petrus Ký Theo Lá Thư Penang

  1. Trốn Thoát Cuộc Lùng Bắt Của Nhà Nguyễn Ở Cái Nhum Ngày 9/12/1859

Theo Petrus Ký thuật lại trong lá thư Penang, thì ngày hôm đó, “ông Thượng” sai “ông Đội” đem quân lính đến lùng bắt các giáo sĩ tại hai nơi: Cái Nhum, là nơi có tiểu chủng viện của linh mục Borelle, và “Cái Mơng”, là địa phận của hai linh mục Tùng và Quí.  Ông Petrus Ký cùng “các giáo chức” nói trên, do đó, đã phải bỏ chạy và trốn vào trong những bụi rậm. 

Nguyên văn trong thư bằng chữ Latin như sau:

“… Quibus lectio ông Thượng misit ông Đội cum militibus ad Cái Nhum in qua cram cum NP Borelle provicario Apostolico et Cái Mơng in qua N . N . P . P . Tùng et Quí pastorali manare funguntur . N .P . Provicarios  . . . ego per sylvas . .  Nihi cum … Xanorum delitescendum fuit sub densas herbas…”

1819

Và đây là phần dịch ra tiếng Pháp và tiếng Việt của đoạn văn trên:

“… Après les avoir lues ông Thượng envoya ông Đội avec des soldats jusqu’à Cái Nhum où étaient le pro-vicaire apostolique Borelle et Cái Mơng, et où les Pères Tùng et Quí remplissaient charge pastorale.  Nous prenons la fuite, les pro-vicaires et moi-même, dans les forêts. Alors que l’on fouille les maisons des chrétiens, les frères, les maîtres et les élèves doivent se cacher dans des herbes épaisses…”

“… Sau đó ông Thượng sai ông Đội dẫn quân lính tới Cái Nhum là nơi của người phụ tá giáo phận Borelle và Cái Mơng, nơi cha Tùng và Quí phụ trách giáo vụ.  Chúng tôi bỏ chạy, các vị giáo chức và tôi, vào rừng.  Trong khi đó, họ khám nhà của giáo dân, các sư huynh, thầy giảng và chủng sinh đều phải trốn trong các lùm bụi rậm rạp…”[63]

Trong lá thư Penang, ông Petrus Ký không cho biết đích xác ngày nào quan quân nhà Nguyễn đến khám xét tiểu chủng viện Cái Nhum và Cái Mơn  Nhưng theo tài liệu của caimon.org và lá thư của linh mục Borelle sẽ nói đến sau đây, ta biết được chính xác đó là ngày 9 tháng 12 năm 1858. 

Và như Petrus Ký đã nói rõ trong lá thư Penang, ông và các “giáo chức” (provicarios) phải bỏ chạy để trốn khỏi cuộc lùng bắt này.  Trong các giáo chức đó, ông nêu đích danh linh mục Borelle là người lãnh đạo.  Do đó, ta có thể dựa vào những lá thư của linh mục Borelle viết sau này để biết rõ thêm những gì xảy ra với Petrus Ký sau cuộc lùng bắt nói trên.  

Và rất nhiều chi tiết về cuộc vây bắt này đã được linh mục Borelle thuật lại.  Trong một lá thư đề ngày 15 tháng 1 năm 1859 gởi cho Hội Truyền Bá Đức Tin (L’Oeuvre de la Propagation de la Foi) tại Pháp[64], linh mục Borelle cho biết thêm về cuộc săn bắt các giáo sĩ tại Cái Nhum và các giáo dân tại Cái Mơn vào ngày 9 tháng 12 năm 1858 như sau:

“… Le 9 décembre dernier un capitaine suivi de quatre ou cinq satellites, après nous avoir donné la chasse à Cai-nhum et m’avoir fait patauger dans la vase en plein midi, vint surprendre à Cai-mong le magnifique couvent de l’Immaculée-Conception…

 Ngày 9 tháng 12, một ông Đội, dẫn theo 4 hoặc 5 người hầu (lính), sau khi rượt theo chúng tôi

ở Cái Nhum và làm cho tôi phải chui xuống sình giữa ban ngày,  đã bất thình lình đến tu viện l’Immaculée-Conception ở Cái Mơng.”[65]

Do đó, khi phối hợp lá thư Penang của Petrus Ký và lá thư ngày 15/1/1859 của Borelle, cuộc vây bắt ở Cái Nhum có thể được xác định là vào ngày 9/12/1858.

Nhưng vậy thì sau cuộc lùng bắt ngày 9/12/1858 đó,  Petrus Ký đi đâu?

Điều chắc chắn là ông đã không trốn ở cùng chỗ với linh mục Borelle tại Cái Nhum, khi Borelle viết lá thư ngày 15 tháng 1 năm 1859 nói trên.  Bởi theo Borelle thì vào thời gian đó, ông ta đang kẹt ngay giữa giáo phận của ông và trốn trong một căn lều nhỏ, nơi mà “tiếng chó sủa” (un chien qui aboie), “tiếng trái dừa rụng” (la chute d’un coco qui se détache de l’arbre) cũng đủ làm cho ông kinh sợ.[66]

Còn trong khi đó thì Petrus Ký đã được Borelle dàn xếp cho lên Sài Gòn tị nạn với giám mục Lefèbvre.  Vì cũng trong cùng lá thư trên, linh mục Borelle cho ta biết tình hình của giám mục Lefèbvre lúc đó đang an toàn ở Sài Gòn như sau:

“Quant à nous … Mgr Lefebvre, notre vénéré vicaire apostolique, s’est réfugié dans un hameau de quatre ou cinq maisons, entouré de forêts qui sont le repaire des tigres. C’est de la qu’il continue tenir de sa main vigoureuse le gouvernail de la barque de Pierre. Pour moi, forcément retenu au centre de la mission, … je dois me confiner dans le réduit obscur d’une pauvre chaumière… “

 Về phần chúng tôi, … giám mục Lefèbvre, người đại diện đáng kính của Tông tòa, đang tị nạn ở một cái làng gồm 4 hoặc 5 ngôi nhà, chung quanh là rừng và hang cọpỞ chốn đó, ông ta vẫn đang lèo lái rất tốt con thuyền của thánh Phê-rô.  Về phần tôi, bị kẹt ở ngay giữa giáo phận, tôi phải giam mình trong một căn lều nhỏ khó tìm ra…” [67]

Do đó, theo lá thư của linh mục Borelle thì giám mục Lefèbvre đang an toàn ở Sài Gòn và đang điều hành giáo phận Tây Đàng Trong của ông một cách tốt đẹp: “Ở chốn đó, ông ta vẫn đang lèo lái rất tốt con thuyền của thánh Phê-rô.”

 Và có lẽ do nhận xét đó, linh mục Borelle đã thu xếp để gởi Petrus Ký lên Sài Gòn tị nạn với giám mục Lefèbvre. 

  1. Đi Ngang Qua Ba Giồng Trên Đường Lên Sài Gòn

Theo lá thư Penang, ông Petrus Ký đã lên Sài Gòn, sau khi đi ngang qua vùng Ba Giồng thuộc tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang) hiện nay. Trong lá thư, ông Petrus Ký thuật lại cuộc hành trình của ông sau khi chạy trốn khỏi cuộc lùng bắt ở Cái Nhum, nguyên văn bằng tiếng Latin, như sau:

 “Illi calamitati interim alia accessit longe major.  In causa fuit fuga Thầy Nhiệm.  Cùm enim fugisset Thầy Nhiệm milites ubique in Gia định et Biên hoà …vagati fora, pagos vicos etiam flumina obsidentes scrutati sunt.  Nostris trepidatis quanta … nusquam alias!  Non dubitabatur fides sylvae excipientis, quamvis tigrides et feras haud animus inimicas alat.  Vidissetis libros fluitantos super aquas incuriâ et nimis timore quorumdam a Chợ quán usque ad Ba giồng…”

 2021

Và đây là phần dịch ra tiếng Pháp và tiếng Việt của đoạn văn trên:

 “A cette calamité, s’en ajoute une autre encore bien plus grande. La cause en est la fuite de Thầy Nhiệm. En effet, comme Thầy Nhiệm s’est échappé, des soldats parcourent les places de Gia định et Biên hòa, les campagnes, et même les villages, et examinent aussi les alentours des fleuves. Pour les nôtres, la peur est extrême comme nulle part ailleurs. En effet, ils ont confiance dans la forêt qui les abrite bien qu’elle nourrisse des tigres et des bêtes sauvages qui sont pourtant des ennemis. J’ai vu des livres flotter sur les eaux par l’incurie et la crainte de certains depuis Chợ quán jusqu’à Ba giồng …

 “Sau tai họa đó là một tai họa lớn hơn.  Nguyên nhân là cuộc trốn chạy của Thầy Nhiệm. Thật vậy, vì Thầy Nhiệm bỏ trốn, binh lính đã lùng sục khắp Gia định và Biên hoà, ở ngoại ô, ở làng mạc, và các vùng chung quanh các con sông.  Với những người chúng ta, sự sợ hãi lên đến tột độ.  Họ thà chạy vào rừng nơi cọp và các thú dữ thù địch khác săn mồi. Tôi đã thấy những cuốn sách trôi trên mặt nước bởi bất cẩn và sợ hãi từ Chợ quán đến Ba giồng …  

Như vậy, với đoạn văn trên đây, Petrus Ký cho thấy là vào lúc viết lá thư Penang ngày 4 tháng 2 năm 1859, ông đã ở Sài Gòn

Trước tiên, ông cho ta biết vì cuộc bỏ trốn của “Thầy Nhiệm”, quan quân nhà Nguyễn đã tăng cường lục soát khắp Gia Định và Biên Hoà. 

Sau đó, ông lại cho biết vì sự sợ hãi, các giáo dân đã bỏ chạy vào rừng trốn lánh và vứt bỏ kinh sách trôi nổi trên mặt nước, từ Chợ Quán tới Ba Giồng.

Do đó, ông Petrus Ký chắc chắn đã phải có mặt tại Sài Gòn vào thời gian đó để biết được các sự kiện nói trên và kể lại trong thư.  Những sự kiện đó là cuộc vượt ngục Sài Gòn (Gia Định) của một thầy giảng (catechist) tên Nhiệm, và việc các giáo dân sau đó phải bỏ trốn và vứt bỏ sách vở đạo trên sông nước khu Chợ Quán vì cuộc săn bắt thầy Nhiệm ráo riết của quan quân nhà Nguyễn. 

Trong khi đó, linh mục Borelle, người trốn thoát cùng lúc với Petrus Ký tại cuộc săn lùng ở Cái Nhum, trong lá thư gởi về Hội Truyền Bá Đức Tin mà ông viết vào ngày 15 tháng 1, hoàn toàn không viết gì về các sự kiện trên.  Đó là vì trong lúc viết thư thì ông đang còn ở khu vực Cái Nhum. 

Điều này cũng chứng tỏ thêm rằng, vào ngày 15 tháng 1 năm 1859, trong lúc linh mục Borelle viết lá thư nói trên, thì Petrus Ký đã không còn ở bên cạnh Borelle, tức không còn ở khu vực Cái Nhum nữa, mà đã trên đường đi, hoặc đã tới Sài Gòn.

Và trước khi đến xứ Gia Định và đi ngang, nếu không là đang trú ngụ tại khu vực Chợ Quán ở Sài Gòn, thì Petrus Ký đã đi qua xứ Ba Giồng, Mỹ Tho, như ông đã viết trong lá thư Penang.

Nhưng Ba Giồng là nơi nào?

Theo website của giáo xứ Ba Giồng thì:

“Ba Giồng gồm ba cụm giồng cát, bắt đầu từ phía nam sông Vàm Cỏ Tây, chạy dọc theo sông Bảo Định theo hướng bắc – nam, rồi ngoặc sang hướng đông – tây để cặp dài theo sông Tiền đến Cái Thia , xuyên qua một vùng đất rộng lớn mà ngày nay là thị xã Tân An, tỉnh Long An”[68]

Và Ba Giồng là nơi có người Việt cư ngụ lâu đời nhất ở Nam Kỳ.  Đó là những giáo dân Thiên Chúa Giáo đã đến đó vào thế kỷ 17:

“… qua khảo sát thực tế, chúng tôi vô cùng bất ngờ khi phát hiện tại khu đất thánh của giáo xứ Ba Giồng (thuộc ấp Tân Quới, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) có nhiều ngôi mộ cổ xây bằng ô dước với mộ bia có hình thánh giá đề các chữ số 1663, 1664… và nhiều chữ Hán đã lu mờ không thể đọc được. Điều này chứng tỏ lưu dân người Việt đã đặt chân sinh sống tại giồng Trấn Định ít nhất một vài thế hệ so với thời khắc lịch sử 1698.”

Còn về giáo xứ Ba Giồng, ta được biết như sau:

“- Theo những lời truyền tụng chắc chắn, vào khoảng năm 1700 (Canh Thìn) hoặc 1702, dưới triều đại Minh Vương (1691) ra dụ cấm đạo Thiên Chúa, chừng 20 ghe biển của tín hữu Kitô, âm thầm rời Phú Yên, rời xa bờ biển An nam, mang theo khoảng 30 gia đình Kitô hữu. Những gia đình trốn lánh cuộc bắt đạo và trẩy về hướng Nam Kỳ. Chúa quan phòng dẫn họ đến trước con sông cái, giữa Gò Công và Chợ Lớn, do hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây nhập lại kết thành. Ghe ngược dòng sông này cho tới chỗ bắt đầu đồng cỏ lát rộng lớn, và dừng lại ở miệng con rạch gọi là Rạch Chanh. Đầu tiên tất cả các gia đình lập cư trên bờ con rạch này. Và ghe trở về Phú Yên rước thêm các gia đình khác. Sáu tháng sau, ghe trở lại đem theo những Kitô hữu khác còn đông hơn nữa. Nhưng gần sông quá, ghe thuyền quan lớn đi lại thường xuyên nên có lần họ bị bắt và bị cầm tù. Tất cả các Kitô hữu khác khiếp sợ vội vã rời khỏi nơi ấy để đi sâu vào rừng, cho tới chỗ Ba Giồng ngày nay và lập cư tại đó. Nhưng rất có thể, dân cư đã trở lại đạo từ một thời xa xưa. Các cụ già thường chỉ cho con cháu những ngôi mộ của ba thế hệ đã sống trước họ, mà tất cả đều là những người Công giáo. Tại đất thánh họ đạo nay còn một vài mộ chí niên đại 1663 – 1664 và nhiều ngôi mộ cổ ghi chữ nho đã lu mờ không thể đọc được.

– Giáo xứ Ba Giồng đã trãi qua biết bao cảnh thăng trầm: Năm 1783 anh em nhà Tây Sơn đã tìm đến đây tìm vua Gia Long, và đã nổi giận chém giết 150 người giáo dân tại đây. Rồi thời vua Minh Mạng, vào năm 1836, quan quân Triều Nguyễn cũng đã truy quét họ đạo Ba Giồng và đã tàn sát trên dưới 1700 người. Đến triều đại vua Tự Đức, cha sở họ đạo lúc đó là cha Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu cũng đã bị chém đầu tại Mỹ Tho năm 1861, và sang năm sau, 1862, họ đạo bị tàn sát, lần này có 25 người đàn ông đã tuyên xưng đức tin tại chợ Củ Chi, cách Ba Giồng khoảng 2 cây số. Xác 25 vị này đã được chôn tại một nơi gần đó mà người ta vẫn truyền tụng cho đến ngày hôm nay, gọi là gò Chết Chém.”[69] (chữ Rạch Chanh in đậm là do người viết nhấn mạnh).

Tóm lại, Ba Giồng là một vùng đất cao nằm ở giữa sông Vàm Cỏ và sông Tiền (Giang), được tạo nên bởi ba cái giồng.  Đây là một vùng đất đã được giáo dân người Việt định cư từ rất sớm, và đã góp mặt nhiều lần trong lịch sử với những cuộc tranh chấp giữa Tây Sơn và Nhà Nguyễn.   Còn giáo xứ Ba Giồng là một giáo xứ lâu đời, nhưng đến năm 1861 thì chịu thảm họa vì vua Tự Đức bắt chém cha sở tại đó là linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu cùng 25 giáo dân.

Nhưng đó là năm 1861.  Còn vào những năm 1858-1859, có thể thấy rằng trên đường từ Cái Nhum lên Sài Gòn, ông Petrus Ký đã phải đi ngang qua khu vực này, và rất có thể đã nhận được sự giúp đỡ của những giáo dân ở Ba Giồng.

Trong hình vẽ dưới đây về giáo xứ Ba Giồng, có thể thấy giáo xứ này nằm ngay bên bờ sông:

22.png

Nguồn: Un épisode de la persécution en Cochinchine – Martyre de vingt-sept Chrétiens, Lyon, 1882

  1. Đi Bằng Đường Sông Từ Ba Giồng Lên Chợ Quán

Như đã trích dẫn bên trên, trong lá thư Penang, Petrus Ký cho biết ông đã thấy “sách vở trôi trên mặt nước … từ Chợ Quán tới Ba Giồng”.  Do đó, có thể suy ra rằng ông đã đi từ Ba GIồng lên Chợ Quán bằng đường sông, nên mới mục kích được sách vở bị vứt bỏ trôi trên mặt nước suốt từ Ba Giồng ở Mỹ Tho đến Chợ Quán ở Sài Gòn.

Và như đã nhắc đến nhiều lần, nhất là trong Phần 1 về nội dung lá thư Petrus Key, miền Tây của xứ Nam Kỳ là một nơi toàn sông rạch.  Vào thế kỷ 19, đường bộ hầu như không có ở vùng này.  Nhất là đường từ miền Tây lên Sài Gòn phải băng qua sông Cửu Long và hai sông Vàm Cỏ.  Trong khi đó, từ thuở ở miền Trung vào, từ lúc bên Tàu sang, người di dân xứ Nam Kỳ đều dùng phương tiện di chuyển rẻ tiền và tiện lợi nhất là ghe thuyền để đi trên sông rạch xứ này.

Thêm nữa, với những giáo dân, giáo sĩ cần trốn tránh tai mắt của quan binh triều Nguyễn, việc dùng ghe thuyền để di chuyển là phương tiện hợp lý nhất, chẳng những vì có sẵn rất nhiều đường sông rạch thuận lợi cho việc tránh né các trạm canh, mà còn vì trong ghe thuyền có thể dấu được người hoặc đồ vật cấm, như các đồ dùng để thờ cúng của đạo Thiên Chúa.

Báo Nam Kỳ Địa Phận, một tờ báo của người Thiên Chúa Giáo, kể lại việc bắt đạo ở Nam Kỳ vào thế kỷ 19 như sau:

“Lại cũng có một đôi khi quan chức họ hay là bổn đạo phải đưa Đức cha hay là các cha ở họ này sang qua họ khác cách xa nhau mà phải đi đường sông, thì bổn đạo bày đồ trận dọn ra giả là ghe đám cưới hay là ghe đám xác mà đi cho khỏi bị mấy phần thú ở dọc sông bắt ghé lại mà xét, vì đời cựu trào không có tra xét những ghe đám cưới hay là đám xác, đi dọc đàng. Hoặc có khi dọn hàng hóa giả là ghe đi buôn bán, rồi khi đi tới mấy khu có đồn thú, thì giấu các cha ở dưới khoang ghe, hay là sau buồng lái hoặc nhắm lúc bắt bớ nhặt lắm, thì có một đôi khi phải để các cha nằm trong buồm mà cuốn lại, cho đặc (đặng?) trẩy qua mấy nơi hiểm nghèo nữa (1919, tr.57).”[70] (chỗ in đậm là do người viết nhấn mạnh)

Việc các giáo dân chuyên dùng ghe thuyền để di chuyển và che giấu các giáo sĩ kể trên có thể được chứng thực khi phối hợp với lá thư ngày 15 tháng 1 năm 1859 của linh mục Borelle đã nói ở trên.  Trong lá thư này, linh mục Borelle cho biết rằng sau cuộc săn bắt các giáo sĩ ở Cái Nhum ngày 9 tháng 12 năm 1858, ông đã thu xếp để gởi một trong hai linh mục bản xứ là linh mục Đoàn Công Quí [71](tức linh mục Quí trong “Tùng và Quí” ở lá thư Penang) đi lánh nạn bằng ghe đến xứ đạo Đầu Nước (Cù Lao Giêng) ở Châu Đốc. 

Nguyên văn trong thư như sau:

“Le Père Qui a été arrêté dans cette débâcle avec trente-neuf chrétiens, est une jeune prêtre fraîchement ordonné, … Il venait de se trouver dans une passe bien critique à Cai-mong, où des espions le guettaient pour le livrer aux mandarins. Je lui envoyai alors une barque avec des gens déterminés pour le soustraire à ce péril, … en l’expédiant pour Dau-mioc.”[72] 

“Cha Qui bị bắt trong vụ này cùng với 39 giáo dân là một linh mục vừa được thụ phong,…  Ông ta đang ở trong tình trạng hiểm nghèo tại Cái Mơn, nơi những mật thám theo dõi để bắt ông giao cho các ông quan.  Tôi đã gởi cho ông ta đi trên một chiếc ghe cùng với những người quyết tâm cứu ông ra khỏi mối nguy hiểm này, … trong chuyến đi đến Dau-mioc (Đầu Nước).” (chữ “Đầu Nước” là do người viết thêm vào).

Như đã nói trên, cha “Qui” đây  chính là linh mục Đoàn Công Quí, một trong hai linh mục bản xứ (Tùng và Quí) đã cùng với linh mục Borelle và Petrus Ký trốn thoát cuộc săn bắt ngày 9 tháng 12 năm 1858 ở Cái Nhum, theo lời kể của Petrus Ký trong lá thư Penang. 

Và sau đó, theo như linh mục Borelle kể lại trong thư, linh mục Quí đã được linh mục Borelle thu xếp gởi qua Đầu Nước (Cù Lao Giêng), Châu Đốc, để lánh nạn (nhưng không ngờ, sau khi an toàn đến nơi, thì linh mục Quí lại bị bắt)   Và cũng theo linh mục Borelle ,thì ông đã cho linh mục Quí đi đến Đầu Nước bằng đường sông, trên một chiếc ghe cùng với các giáo dân.

Do đó, khi phối hợp sự kiện này với câu Petrus Ký tiết lộ trong lá thư Penang là đã thấy sách vở trôi nổi trên mặt nước từ Chợ Quán đến Ba Giồng, ta có thể suy ra rằng linh mục Borelle cũng đã dùng cách đó để gởi Petrus Ký lên tị nạn ở Sài Gòn, là nơi trú ẩn an toàn của thượng cấp của ông, giám mục Dominique Lefèbvre.   Chỉ đi bằng ghe thuyền theo đường sông, thì Petrus Ký mới có thể trốn tránh được tai mắt của nhà Nguyễn và an toàn đến Sài Gòn.

Nhìn lên bản đồ ngày hôm nay, ta vẫn có thể thấy rằng từ Cái Nhum, ông Petrus Ký phải vượt qua sông Cổ Chiên và Hàm Luông để đến Ba Giồng Mỹ Tho, rồi sau đó từ Mỹ Tho lên Sài Gòn, hoặc bằng đường rạch Bảo Định, hoặc bằng đường Rạch Chanh – là hai đường nước nối liền Mỹ Tho – Tiền Giang với sông Vàm Cỏ Tây.   Từ đó, ghe của Petrus Ký có thể đi thẳng tới khu vực Chợ Lớn và Chợ Quán ở Sài Gòn.

Ông Alfred Schreiner, một sử gia Pháp sống ở Nam Kỳ, đã diễn tả rất chi tiết về phương tiện di chuyển ở miền Tây Nam Kỳ, nhất là đường Mỹ Tho – Sài Gòn, khi thuật lại cách quân Pháp đến đánh thành Mỹ Tho vào tháng 4 năm 1861:

“…En effet, deux arroyos reliaient le Vaico occidental au Mékong:

a) L’Arroyo de la Poste, connu aujourd’hui des indigènes sous le nom de Rạch Bảo-Định-Hạ et que les carles du temps désignaient par Rach Run-Ngu et Rach Vung-Ngu. Cet arroyo profond, rapide, sauf au dos d’âne, avait été obstrué par de nombreux barrages une route coupée de petits cours d’eau le côtoyait à des distances très variables sur le côté Ouest, mais tous les ponts avaient été détruits.

 b) L’Arroyo Commercial, dont les diverses parties, en allant du Vaico vers le grand fleuve, s’appelaient Rạch Chanh, Kinh Bà-Bèo, Rạch Cua et Rạch Ba-Rài; il était embarrassé d’herbes et de vases; navigable seulement pour les petites barques, son débouché se trouve en amont de Mỹ-Tho. Ce cours d’eau est en quelque sorte le prolongement de l’Arroyo Chinois à travers le pays….”[73]

Ông Nguyễn Văn Nhàn dịch đoạn trên như sau:

“Vốn thật có hai ngọn rạch làm cho sông Vũng Gù thông với sông Không:

  1. a) Rạch Arroyo de la Poste nay người an-nam kêu là Rạch Bảo Định Hạ, còn các bản đồ lúc đó đề tên là Rạch Run-Ngu và Rạch Vung-Ngu. Rạch này sâu, đổ mau, trừ ra chỗ giáp nước mà thôi; khi ấy nó có nhiều khúc hàn bít lại; một cái đường lộ bị nhiều ngọn nước nhỏ bứt ngang, đi dọc theo bên phía tây rạch ấy và dang khỏi bờ khúc gần khúc xa không đồng, còn các cầu đã bị dứt đi hết.
  2. b) Rạch Arroyo Commercial từ Vàm-cỏ mà qua Đại-Giang, thì mấy khúc nó lại kêu là Rạch Chanh, Kinh Bà Bèo, Rạch Cua và Rạch Ba-Rài; nó bị cỏ cây với bùn trịn lấp cạn; ghe nhỏ đi được mà thôi, chỗ nó đổ ra là phía trên Mỷ-Tho. Đường nước này xem dường như ngọn Rạch Arroyo Chinois nới dài đi thâu qua trong xứ.”[74]

Nhìn lên bản đồ ngày nay, ta vẫn có thể thấy khu vực Ba Giồng, tức là khoảng đất giữa sông Vàm Cỏ Tây và sông Tiền Giang, có hai đường nước thông với hai con sông này, y như ông Alfred Schreiner đã diễn tả: đó là Rạch Bảo Định (Arroyo de la Poste) và Rạch Chanh (Arroyo Commercial).

Vào năm 1861, quân Pháp đã dùng đường Rạch Bảo Định để tấn công thành Mỹ Tho, vì như ông Schreiner cho biết, đường này nước sâu nên các thuyền của Pháp có thể di chuyển được trên đó.  Đường nước này sau đó được dùng để đưa thư từ giữa Sài Gòn và Mỹ Tho, và vì vậy đã được người Pháp đặt tên là Arroyo de la Poste (Kinh Bưu Điện). 

Trong khi đó, đường nước còn lại, mà ta vẫn có thể theo dõi trên bản đồ hiện nay, đi từ Rạch Ba Rài lên Rạch Chanh, là đường dễ bị lấp cạn, nhưng ghe nhỏ đi được, và có lẽ đã được dùng cho việc giao thông buôn bán nhiều hơn, nên được người Pháp gọi là Arroyo Commercial (Kinh Thương Mại).  Đường nước này, như ông Alfred Schreiner cho thấy, thông ngay với Kinh Tàu Hủ hay còn gọi là Arroyo Chinois ở Sài Gòn.

Do đó, ông Petrus Ký chắc chắn đã theo một trong hai đường nước này để lên Sài Gòn bằng ghe thuyền.  Có lẽ ông đã chọn đường Rạch Chanh, vì đường này ghe nhỏ đi được, lại thêm nhiều ghe thuyền buôn bán, nên dễ dàng ẩn núp hơn đường Rạch Bảo Định.  Thêm nữa, vì đường này thông ngay với Kinh Tàu Hủ tức Arroyo Chinois là con kinh chạy ngang qua vùng Chợ Quán. 

Và điều này giải thích rõ ràng tại sao Petrus Ký đã thấy được những sách vở trôi trên mặt nước, từ Chợ Quán đến Ba Giồng, như ông đã viết trong lá thư Penang.

  1. Trú Ẩn Tại Phía Nam Sài Gòn – Trước Khi Pháp Chiếm Sài Gòn

Vào thời gian của lá thư Penang năm 1859, nếu giáo dân các tỉnh miền Tây lúc đó ở dưới sự lãnh đạo của linh mục Borelle, thì khu vực Sài Gòn là địa phận của thượng cấp của ông, giám mục Dominique Lefèbvre.  Đây là một nhân vật kiệt xuất đã sống gần hết đời tại Việt Nam.  Hai lần bị nhà Nguyễn bắt giam và lên án tử hình, ông đều thoát chết và bị trục xuất ra khỏi Việt Nam.  Nhưng rồi rốt cuộc ông cũng lẻn trốn trở lại Việt Nam với các giáo dân của ông.  Có thể nói rằng giám mục Lefèbvre có rất nhiều kinh nghiệm trong việc trốn chạy khỏi sự vây bắt của quan quân nhà Nguyễn.  Ông cũng chính là người lãnh đạo toàn thể giáo dân Nam Kỳ trong suốt thời gian trước và sau khi quân Pháp đánh chiếm Sài Gòn.[75]

23

Giám Mục Dominique Lefèbvre (Nguồn http://exlurosg.net/?p=8851)

Theo Bouchot, chính giám mục Lefèbvre là người đã ra lệnh cho Petrus Ký lên Sài Gòn.[76]  Do đó, có thể suy ra rằng khi mới chạy trốn lên Sài Gòn, Petrus Ký đã phải nương náu với giám mục Lefèbvre  để trốn tránh tai mắt của nhà Nguyễn.  Là một thanh niên 21 tuổi mới chân ướt chân ráo từ Penang về Cái Nhum và phải chạy lên Sài Gòn tị nạn, Petrus Ký chắc chắn đã phải có sự trợ giúp của người lãnh đạo giáo dân lúc đó là giám mục Lefèbvre thì mới sống sót được.

Và rất may mắn là ta có thể biết được chính xác khu vực giám mục Lefèbvre ẩn núp trước khi quân Pháp đến Sài Gòn.  Theo linh mục Louvet trong cuốn “La Cochinchine Religieuse” thì giám mục Lefèbvre trong thời gian đó đang ẩn núp tại vùng Rạch Bàng ở khu Tân Thuận phía nam Sài Gòn.  Trong cuốn sách này, linh mục Louvet đã diễn tả rất chi tiết việc giám mục Lefèbvre lẩn trốn trong ruộng lúa ở khu Rạch Bàng trước khi tìm đến tàu Pháp trên sông Đồng Nai để xin tị nạn:

“Cependant la tête du vicaire apostolique. Mgr Lefebvre était mise à prix, et l’on faisait les plus actives recherches pour le découvrir dans les environs de Saïgon, où l’on savait qu’il se cachait. Il était alors dans la chrétienté de Thi-nghe; sa retraite ayant été dénoncée, il se réfugia dans les rizières de Rach-bang, au-dessous du fort du Sud...

 Le 15 février au soir, profitant d’un moment où la lune était voilée de nuages, que se glissa dans une petite barque avec son sauveur, qui s’était, pour la circonstance, revêtu d’un costume complet de milicien annamite on jeta sur le prélat, couché au fond de l’esquif, une méchante natte et, à travers les mille détours des arroyos, on arriva au Dong-nai. Vingt fois, dans cette course aventureuse, la petite embarcation avait été lée par des postes avancés; mais à chaque fois, Thê, avec un sang-froid imperturbable, avait répondu: ‘C’est un soldat malade qui retourne chez lui,’ et on les avait laissé passer.”[77]

 Tuy vậy, cái đầu của giám mục Lefebvre đã được treo giá, và một cuộc săn tìm ráo riết đã diễn ra ở Sài Gòn, nơi ông được biết là đang ẩn náu.  Ông lúc đó đang ở giáo xứ Thị Nghè, vì bị lộ, ông phải lánh nạn ở các cánh đồng lúa tại Rach-bang (Rạch Bàng), phía dưới Đồn Hữu Bình …. 

Buổi tối  ngày 15 tháng 2, lợi dụng lúc trăng bị mây che, ông ta chui vô một chiếc ghe nhỏ cùng với Thê, người cứu giúp ông và đã hóa trang cho ông trong dịp này bằng cách cho ông mặc bộ đồ lính Annam và nằm sát đáy ghe.  Sau cả ngàn ngóc ngách của các kinh rạch, họ ra tới sông Đồng Nai.  Hai mươi lần trong chuyến đi đầy tính phiêu lưu này, chiếc ghe nhỏ bị chận lại ở các đồn bót, nhưng mỗi lần như vậy, Thê, với sự điềm tỉnh không chỗ chê, trả lời, ́lính bị̣nh đi về nhà’, và sau đó họ được cho qua.’”

Lý do làm cho giám mục Lefèbvre phải chạy trốn gấp rút như vậy là vì chỉ vài ngày trước đó, quân Pháp đã từ Đà Nẵng tiến vào đến Vũng Tàu. Nhà Nguyễn ngay sau đó đã lùng bắt ông ta ráo riết, và đã cấp tốc chém đầu một linh mục bản xứ thân tín của Lefèbvre là linh mục Lê Văn Lộc, tức Paul Lộc, tại Sài Gòn. 

Cần biết thêm rằng linh mục Lộc chính là người mà một thời gian ngắn trước đó đã bị bắt ở Sài Gòn vì bị nhà Nguyễn tưởng lầm rằng ông chính là “thầy Nhiệm”, người vừa vượt ngục Gia Định mà Petrus Ký đã nói đến trong lá thư Penang. 

Trong một lá thư gởi cho Hội Truyền Bá Đức Tin đề ngày 1 tháng 3 năm 1859, giám mục Lefèbvre cho biết linh mục Lộc đã bị bắt vào ngày 21 tháng 12 năm 1858, vì quan binh nhà Nguyễn tưởng ông là “thầy Nhiệm”, người vừa trốn khỏi nhà giam ở Gia Định.  Trong thư, giám mục Lefèbvre viết là một “catéchiste”, tức là một “thầy giảng” để chỉ “thầy Nhiệm”.[78]

Như vậy, theo lời thuật lại của linh mục Louvet và lá thư của giám mục Lefèbvre, ta có thể thấy rằng giám mục Lefèbvre đã bị quan quân nhà Nguyễn săn đuổi ráo riết nhất trong thời gian sau khi cha Lộc bị bắt và khi quân Pháp đến Vũng Tàu, tức là từ tháng 12 năm 1858 đến giữa tháng 2 năm 1859.  Và nơi ông trốn lánh là khu vực Rạch Bàng ở gần Đồn Hữu

Rạch Bàng, cũng như Xóm Chiếu, là hai địa danh gần cầu Tân Thuận ngày nay, ở phía Nam Sài Gòn.  

Trong Bến Nghé Xưa, Sơn Nam đã diễn tả vùng đất Sài Gòn như sau:

“Phía Nam, bờ rạch Vàm Bến Nghé là đất thấp.  Ranh giới hai vùng cao thấp là con đường Nguyễn Trãi ăn từ Sài Gòn vào Chợ Lớn; thời Pháp mới qua gọi đường trên, với ý nghĩa trên cao đối chiếu với đường dưới thấp dọc mé rạch.  Nếu những gò đất phía Bắc con đường Nguyễn Trãi gợi khung Tây Ninh, Bà Rịa thì hai bên bờ rạch, phía Nam với những nhánh nhóc của sông Sài Gòn giống như đất sình lầy ở Rạch Giá, Cà Mau. Nước mặn vào mùa nắng, bãi bùn lầy, cây bần, cây tràm, bình bát và ô rô, mái dầm, cóc kèn mọc um tùm với cá thòi lòi, cá đối, cua biển.  Còn tên đất Xóm Chiếu, Rạch Bàng: lác dệt chiết bàng đương đệm có sẵn tại chỗ…  Từ gò đất cao, đổ xuống nhiều con rạch ngắn ăn ra rạch Vàm Bến Nghé, thôn xóm tập họp tại vàm như vùng Cầu Ông Lãnh, Rạch Bần, Cầu Kho, Chợ Quán, An Bình và vô số rạch khác.  Chợ Lớn ngày xưa chằng chịt sông rạch lớn nhỏ , mọi sự chuyên chở dùng ghe thuyền” [79]

Và chính nơi đây, phía nam Sài Gòn, vào giữa thế kỷ 19, là nơi mà những loài thú dữ, đặc biệt là cọp, còn hoành hành dữ tợn.  Theo báo Nam Kỳ Địa Phận mà giáo sư Nguyễn Văn Trung trích lại trong cuốn Hồ Sơ Lục Châu Học thì :

“.. Thị Nghè còn đáng sợ hơn vì beo cọp về quấy phá bắt heo bắt chó thường lắm. Dưới đây là đoạn nói về trường La-tinh (tức tiểu chủng viện) lập ở Thị Nghè lối năm 1882: ‘Hai cái nhà lá cất giữa đồng ruộng, đất thấp bùn lầy, nước ròng thì đi dưới bùn, nước lớn thì phải xắn ống quần lội. Lại cọp hùm hay lai vãng, một phen bắt heo của nhà trường mà ăn.”. [80]

Đó là năm 1882, khoảng hai mươi năm sau khi quân Pháp chiếm Sài Gòn, mà những vùng như Thị Nghè còn bị cọp quấy phá như vậy, thì ta có thể biết rằng vào thời gian Petrus Ký trốn lánh ở phía Nam Sài Gòn vào năm 1859, nỗi lo sợ bị cọp bắt còn lớn hơn nhiều.

Và quả thật vậy, trong lá thư Penang của Petrus Ký, ông cho biết sau cuộc trốn thoát của “thầy Nhiệm”, quân

0