22/06/2018, 09:27

Thomas Clarkson – Người đấu tranh giải phóng nô lệ

Nguồn : Historic figures, BBC (truy cập ngày 27/4/2015) Biên dịch & Hiệu đính : Phạm Hồng Anh Clarkson (1760-1846) là một nhà hoạt động hàng đầu chống lại buôn bán nô lệ và vận động bãi bỏ chế độ nô lệ ở Anh và thuộc địa của Anh. Thomas Clarkson sinh ngày 28 tháng 3 năm 1760 tại ...

clarkson-medium

Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 27/4/2015)

Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Clarkson (1760-1846) là một nhà hoạt động hàng đầu chống lại buôn bán nô lệ và vận động bãi bỏ chế độ nô lệ ở Anh và thuộc địa của Anh.

Thomas Clarkson sinh ngày 28 tháng 3 năm 1760 tại Wisbech, Cambridgeshire. Ông là con trai của một mục sư kiêm thầy giáo tại một trường dạy ngôn ngữ cổ (grammar school) ở địa phương.[1] Năm 1779, Clarkson theo học Đại học Cambridge. Ở đây ông đã giành giải nhất trong cuộc thi viết luận bằng tiếng Latinh, bàn luận về vấn đề liệu có hợp pháp không nếu ép người khác làm nô lệ trái với ý muốn của họ.

Trong chuyến đi từ Cambridge tới London vào tháng 6 năm 1785, điều làm Clarkson suy ngẫm không phải là cuộc thi viết luận hay là sự nghiệp tại nhà thờ đầy hứa hẹn đang chờ ông, mà đó là chế độ nô lệ. Clarkson rời yên ngựa và ngồi xuống bên lề đường làng Wadesmill, Hertfordshire, ông cảm thấy phải có người làm gì đó để chấm dứt chế độ nô lệ xấu xa này. Và đó cũng trở thành động lực trong suốt 61 năm còn lại trong cuộc đời ông. Ông dịch bài luận đoạt giải của mình ra Tiếng Anh và xuất bản năm 1786. Bài luận đã thu hút đông đảo sự chú ý và tạo điều kiện cho ông gặp gỡ nhiều người theo chủ nghĩa bãi nô khác, trong đó có Granville Sharp.

Năm 1787, Clarkson và Sharp đóng vai trò chủ chốt trong việc thành lập Hội đồng Bãi bỏ chế độ Buôn bán nô lệ Châu Phi. Rất nhiều thành viên trong số họ là người của phong trào Hội Ái hữu Tôn giáo (Religious Society of Friends). Hội đồng đứng ra thuyết phục William Wilberforce (thành viên nghị viện) ủng hộ mục đích bãi nô. Nhiệm vụ của Clarkson là thu thập thông tin để Hội đồng trình bày trước nghị viện và công chúng. Ông đã dành thời gian và công sức di chuyển khắp nước Anh, nhất là các bến cảng ở Liverpool và Bristol, tổng hợp các chứng cứ về buôn bán nô lệ từ các nhân chứng, đặc biệt từ các thủy thủ làm việc trên các con tàu buôn bán nô lệ.

Clarkson cũng mua sắm những công cụ sử dụng trên các con tàu chở nô lệ, như còng tay, xiềng xích và dấu sắt nung để làm ví dụ minh họa. Năm 1789, ông tới Paris để thuyết phục chính phủ mới của Pháp bãi bỏ chế độ buôn bán nô lệ nhưng bất thành. Từ năm 1791 đến 1792, anh trai của Clarkson là John tham gia thiết lập một khu định cư cho những cựu nô lệ ở Sierra Leone, phía tây Châu Phi.

Sau hàng năm trời những người như anh em Clarkson, Sharp, Wilberforce và nhiều người khác nỗ lực không ngừng, đến năm 1807 chế độ buôn bán nô lệ bị xóa bỏ tại các thuộc địa của Anh. Năm 1808, Clarkson xuất bản cuốn sách có tên “Lịch sử Bãi bỏ chế độ buôn bán nô lệ Châu Phi” (History of the Abolition of the African Slave Trade). Mặc dù tài sản đã bị thâm hụt, ông vẫn tiếp tục vận động đấu tranh xóa bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ. Năm 1833, nghị viện Anh thông qua đạo luật Bãi bỏ chế độ nô lệ, trả lại tự do cho tất cả nô lệ ở thuộc địa.

Clarkson nghỉ hưu tại Ipswich và qua đời ở đây vào ngày 26 tháng 9 năm 1846.

—————–

[1] Grammar school trong hệ thống giáo dục của Anh trước cuối thời Nữ hoàng Victoria là những trường chuyên dạy các ngôn ngữ cổ, chẳng hạn như tiếng Latinh. Đến cuối thời Victoria (1837-1901) các trường này được tổ chức lại, đóng vai trò như các trường cấp 2 (secondary school) trong hệ thống giáo dục.

0