Nuôi cua ốp thành cua thương phẩm
Nuôi cua ốp (còn gọi là cua nước) thành cua thương phẩm như cua thịt (cua y), cua gạch. Cua ốp là cua trưởng thành có kích cỡ đạt tiêu chuẩn thương phẩm nhưng phẩm chất của thịt, gạch chưa đạt : cua đực còn ốp (mai, yếm chưa thật cứng), thịt chưa đầy, cua cái : gạch còn ít (gạch chấm). Cua ốp ...
Nuôi cua ốp (còn gọi là cua nước) thành cua thương phẩm như cua thịt (cua y), cua gạch.
Cua ốp là cua trưởng thành có kích cỡ đạt tiêu chuẩn thương phẩm nhưng phẩm chất của thịt, gạch chưa đạt : cua đực còn ốp (mai, yếm chưa thật cứng), thịt chưa đầy, cua cái : gạch còn ít (gạch chấm).
Cua ốp được nuôi vỗ tích cực trong thời gian ngắn từ 25 – 35 ngày, cua sẽ chắc vỏ thịt đầy, cua cái gạch đầy đạt tiêu chuẩn cua thương phẩm.
Xây dựng ao chuồng, lồng nuôi
Cua ốp có thể nuôi trong ao, trong đăng chắn, trong lồng. Địa điểm xây dựng ao nuôi cua ốp ở những vùng nước lúc thủy triều lên cao không bị ngập lụt, lúc thủy triều xuống thay được toàn bộ nưức trong ao, độ mặn của nước từ 10‰ – 25‰, nguồn nước tốt gần sông rạch, đầm lớn.
Xây dựng ao : ao nuôi cua ốp thành cua thương phẩm có diện tích từ 200m2 – 500m2, bờ ao được đắp chắc, không bị mội, cao hơn mức nước thủy triều cao nhất là 0,5m, ao sâu từ 1,2 – 2m, giữa ao có mô đất nhỏ, có thể trồng cây trên mô đất này để tạo bóng mát. Chắn đăng toàn bộ bờ ao : vật liệu có thể dùng như tre, tầm vông, đước, bẹ dừa nước hoặc lưới mùng. Đăng được ghép bện dày cao từ 0,8 – 1,2m, cắm chắc xuống mép trong bờ ao chếch về trong một góc từ 50 – 60 độ. Ao có từ 1-2 ống cống, thường làm bằng gỗ để lấy và thay nước chủ động. Xung quanh ao phía trong cách bờ từ 1 – 2m đào một kênh bao quanh rộng 1,5 – 2m, sâu từ 0,3 – 0,5m so với mặt đáy ao.
Trước lúc thả cua nuôi làm vệ sinh ao, dọn đáy, xả cạn nước, rải vôi (10kg/100m2 ao) : rải đều trên mặt đáy và bên mép trong bờ ao, phơi đáy ao từ 1-2 ngày và cho nước ra vào nhiều lần rửa sạch, sau đó lấy nước vào với độ sâu từ 1-1,2m,
Đăng chắn vây thành chuồng.
Tùy theo điều kiện ở từng địa phương ở những vùng mà độ lệch triều không lớn có thể dùng đăng chắn thành chuồng để nuôi cua ốp. Nơi làm đăng chắn phải thường xuyên có nước ngập lúc nước triều xuống thấp nhất cũng còn 0,5 – 0,7m. Đăng phải cao hơn mặt nước lúc triều cao nhất ít nhất là 0,5m. Đăng bằng tre có thanh to bện dày và chôn sâu xuống mặt đáy 0,3m, có cây cừ chống đỡ. Phía trên giăng lưới nằm ngang chắn, phòng cua bò lên vượt ra ngoài. Diện tích chuồng đăng khoảng từ 100m2 đến 300m2.
Làm lồng
ở các vùng không có điều kiện làm ao, hoặc để tiện chăm sóc, quản lý và thu hoạch có thể làm lồng để nuôi cua ốp. Thường lồng bằng tre; độ lớn thường từ 2m3 đến 15m3. Thông thường làm lồng có kích thước:
rộng : (2 – 3 m) x dài (3 – 4 m) x cao (1,0 – l,2m)
Lồng được bện chắc chắn (có thể đóng thêm đinh) sáu mặt kín. Mặt trên để một cửa rộng từ 0,6 – l,2m có nắp đậy cũng bằng tre. Cửa này dùng để thả cua, cho thức ăn vào cho cua, người vào thu cua. Cửa được cài khóa chắc chắn.
Lồng được giữ nổi (thường còn lại 0,2 – 0,3m) bằng các phao : có thể dùng phao xốp, phao chất dẻo, có thể dùng can nhựa loại 20 lít), thùng phuy. Lồng được neo giữ bằng dây cáp với cọc neo đặt ở trên bờ. Lồng được đặt dọc kênh, ở cửa cống của các đầm lớn có dòng nước chảy tương đối mạnh.
Chọn cua giống
Cua ốp thường được đánh bắt bằng lưới cua, đóng đáy, rập… Trong số cua đánh bắt được cua ốp được coi là cua chưa đạt tiêu chuẩn cua thương phẩm, được chọn riêng ra, để bán cho người nuôi. Thường cua ốp có vỏ chưa cứng hẳn (thường gọi là cua dầy), thịt chưa chắc, cua cái thì mới có gạch chấm. Người tuyển chọn cua thường vạch nhẹ phần giữa yếm và mai cua cái lên nhìn vào thấy có chấm gạch đỏ là cua gạch chấm. Cua được buộc dây xếp vào cần xé và chuyển nhanh đến các ao, lồng nuôi. Cua chọn nuôi thường phải là những con cua còn nguyên đôi càng, chân bò, chân bơi. không bị vỡ mai, yếm, thể trạng tốt : thường nhấc bổng cua lên, cua đánh mạnh hai bơi chèo. Khi thả trên bờ cua nhanh chóng chạy thoát xuống nước và bơi đi, lặn sầu xuống dưới đáy ao. Cua y (cua đực) chọn cỡ trẽn 300g/con, cua gạch chấm cỡ từ 250g/con trở lên.
Dự định số lượng cua cần thả cho một ao, một chuồng đăng chắn, một lồng mua đủ số cua để thả một lần. Cua tuy đã mua rồi nhưng khi thả nuôi cần kiểm tra lại tình trạng từng con : nhấc cua lên xem, cua khỏe, cắt dây để cua tự bò xuống ao. Nếu ao rộng thì thả cua ở 3 – 4 điểm để cua phân tán đều trong ao.
Mật độ của cua nuôi trong ao : từ 0,5 – 1kg/m2 ao; trong đăng chắn cũng tương đương trong ao. Trong lồng từ 10 – 25kg/m2.
Cho ăn, chăm sóc, quản lý
Cua nuôi trong ao, chuồng đăng, lồng mật độ cao, thời gian nuôi ngắn nên việc cho ăn, chăm sóc, quản lý hết sức chặt chẽ.
Cua ốp ăn tích cực và chủ yếu là ăn động vật thủy sinh gồm cá, nghêu, móng tay, don, còng, ba khía… Khi nuôi phải chuẩn bị nguồn cung cấp thức ăn đầy đủ và mua thức ăn dự phòng. Cá tạp (cá nhỏ) rửa sạch, cá lớn cắt thành từng miếng nhỏ 2- 3 phân, còng bẻ đôi, rải đều quanh ao, chuồng đăng, vào lồng cho cua ăn; lượng thức ăn dạng tươi sống hàng ngày khoảng 5% – 8% trọng lượng cua. Dùng sàng để kiểm tra sức ăn của cua. Cho thức ăn vào sàng cho xuống ao, ngày hôm sau nhấc lên nếu cua ăn hết thì cho thêm, nếu vẫn còn thừa thì cho giảm.
Cua thường bắt mồi vào buổi chiều tối và ban đêm. Cho cua ăn mỗi ngày một lần vào lúc 17g – 19g. Những ngày không có được thức ăn tươi sống có thể cho cua ăn cá hoặc tép khô. Không để cua đói không cho ăn một ngày.
Hàng ngày thay nước cho cua : 30 – 50% lượng nước, ba ngày thay toàn bộ nước. Giữa đợt nuôi thấy ao bị bẩn nhiều thì xả cạn nước, gạn cua và làm vệ sinh, vớt bỏ thức ăn thừa ở đáy. Công việc này có thể tiến hành vào lúc trời mát và sau khi có nước thủy triều lên thì cho nước vào ao.
Lúc nước chảy mạnh có thể cọ rửa chuồng đăng, lồng làm cho nước lưu thông tốt cho chuồng đăng, lồng. Thường xuyên kiểm tra bờ ao, chuồng đăng, lồng, không để sơ suất, có lỗ hổng cua có thể thoát ra ngoài.
Kiểm tra tình trạng của cua, nếu phát hiện cua bị bệnh thì tìm biện pháp chữa; làm sạch môi trường, dùng kháng sinh hoặc dùng thuốc sát trùng nhẹ, tùy loại bệnh mà cua mắc phải. Sau khi kiểm tra thấy phần lớn lượng cua đạt tiêu chuẩn cua thương phẩm thì chuẩn bị thu hoạch.
Thu hoạch
Cua trong ao có thể dùng vợt cán dài thu từng con : xem nếu cua đã chắc thịt, cua cái đầy gạch thì buộc bằng dây, sắp vào cần xé. Những con chưa đủ tiêu chuẩn nếu cua vẫn khỏe mạnh thì chuyển vào nuôi ở một ao nhỏ hoặc lồng. Cuối cùng tháo cạn nước trong ao lội xuống bắt bằng tay. Một ao 200m2 nên có 2, 3 người bắt để thu hoạch cho nhanh. Cua thường vùi xuống đáy bùn, vào các hang ở hai bên bờ hoặc giữa cồn đất, phải dùng móc sắt để rà kỹ bắt, không để sót.
Cua thu được trói buộc, rồi xếp cần xé đưa lên bờ phân loại : cua y đầu (cua đực trên 500g) cua gạch son, cua y 1, 2, 3, 4 và cuối cùng là cua dạt. Nếu chưa chuyển đi bán thì đặt cua vào chỗ râm mát.
Sau khi bán cua, căn cứ trên kết quả thu hoạch mà đánh giá và rút kinh nghiệm để bổ sung cho đợt nuôi khác. Để nuôi tiếp cần vệ sinh ao tốt; thay rửa đáy ao, rải vôi, phơi đáy, tu sữa bờ, cống, rào, thay nước rửa ao chuẩn bị giống nuôi đợt khác. Ở các tỉnh Nam Bộ nghề nuôi cua béo thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 11, 12. Ở các tỉnh miền Bắc từ tháng 9 đến tháng 12.