23/05/2018, 18:00

Nơi nào nóng nhất thế giới?

Dallol Depression Đó là nơi, 10 năm chưa có 1 trận mưa rào; nơi một cơn gió làm tăng 20 độ C chỉ trong 2 giờ; nơi có đợt nắng nóng làm 33.000 người chết; nơi nóng nhất thế giới: 66 độ C! Có rất nhiều nơi trên Trái đất này mà câu thành ngữ “nóng như đổ lửa” thật chẳng ...

Dallol Depression

Đó là nơi, 10 năm chưa có 1 trận mưa rào; nơi một cơn gió làm tăng 20 độ C chỉ trong 2 giờ; nơi có đợt nắng nóng làm 33.000 người chết; nơi nóng nhất thế giới: 66 độ C!

Có rất nhiều nơi trên Trái đất này mà câu thành ngữ “nóng như đổ lửa” thật chẳng ngoa chút nào. Thời trước, khi thầy trò Đường Tam Tạng tới Hoả Diệm Sơn, họ được chứng kiến sự khốc liệt của nắng nóng thì cho đến tận thế kỷ XXI này, lại có thêm ngày càng nhiều các Hoả Diệm Sơn như thế.

41,1 độ C là trời… đã mát

Nói chung, trên Trái đất, nhiệt độ ban ngày cao nhất thường xảy ra tại các vùng sa mạc. Từ tháng 12 đến tháng 2, nhiệt độ cao nhất thường ở Nam bán cầu. Vào tháng 3 và 4, trước mùa mưa, vùng đất giữa Ấn Độ và Pakistan thường có nhiệt độ cao nhất thế giới. Còn vào cuối mùa hè, các sa mạc ở Bắc Mỹ, Trung Đông và Bắc Phi là những nơi nóng cao điểm của thế giới.

Vùng đất đầu tiên mà chúng tôi muốn nói đến là Dallol Depression tại Ethiopia. Thấp hơn mực nước biển khoảng 100m, đây là một địa danh đặc biệt vì nó là một trong những nơi thấp nhất thế giới không bị nước bao bọc. Ở đây có những cánh đồng lưu huỳnh vàng dưới những lớp đất muối lấp lánh.

Nhiệt độ ngoài trời luôn dao động ở mức 48 độ C, khiến người ta lúc nào cũng cảm thấy cơ thể bừng bừng và mất nước. Tuy nhiên, nắng gắt không phải là điều khủng khiếp duy nhất ở Dallol Depression. Người dân ở đây lại thường xuyên cảm nhận thấy những chấn động đáng sợ của Trái đất. Thêm vào đó, còn có một vài ngọn núi lửa sẵn sàng ở tư thế phun trào để huỷ diệt cuộc sống.

Nếu Thung lũng chết ở (Death Valley) nằm giữa bang Nevada và California (Mỹ) không giành được vị trí quán quân về nóng thì cũng phải đứng thứ nhì. Khi bạn đi hàng dặm đường trên cát bạn cứ nghĩ đây là sa mạc Sahara. Chỉ đến khi bạn đến được… “Sân Golf của Quỷ” - tên một hồ muối có hình dáng lởm khởm và xấu xí mà hẳn là chỉ có… quỷ mới dám mò đến - thì lúc đó mới thấy dấu hiệu đầu tiên của nước. Hiếm có cây cối nào sống sót được.

Nhiệt độ ở đây có thể đạt khoảng 50 độ C. Vùng này cũng giữ kỉ lục về địa điểm nóng nhất thế giới trong thời gian dài nhất. Trong 43 ngày liên tục từ 6/7 đến 17/8/1917, nhiệt độ thung lũng này luôn giữ ở mức 48 độ C. Thế nhưng, đây lại là một địa điểm thu hút khách du lịch rất lớn vì đó là một khu vườn quốc gia của Mỹ. Khi đến đây, chớ có quên mang theo nước nếu không muốn bỏ mạng lại cho bầy kền kền đói bay lơ lửng trên đầu.

Mali và Tunisia cũng là những vùng đất nóng bỏng. Nhiệt độ ở đây thường xuyên ở mức 54,4 độ C. Điều hoà nhiệt độ ở đây là một thứ hàng cao cấp mà chỉ có người giàu mới mua được. Cho nên, những cái chết do thời tiết nóng và thiếu nước uống vẫn thường xuyên xảy ra.

Ngoài châu Phi, nếu muốn xem mồ hôi của mình nhiều đến đâu, bạn có thể ghé thăm vùng Tirat Tavi ở Israel. Nhiệt độ trung bình vào mùa hè ở đây là 47,2 độ C. Khu vực Uttar Pradesh (Ấn Độ) và Baluchistan (Pakistan) cũng không hề kém cạnh bất cứ địa điểm nào về mức độ khắc nghiệt của thời tiết. Khi nhiệt độ xuống còn hơn 41,1 độ C, các nhà khí tượng ở đây đã hồ hởi tuyên bố là trời đã… mát.

Lybia: Trứng chín trên đường, lạc đà có bầu vì… cát

Bão cát nóng khủng khiếp ở El Azizia - Libia

Trên thực tế, kỷ lục về nóng được ghi lại vào năm 1922 tại một trạm khí tượng ở El Azizia (Lybia), một vùng đất thuộc sa mạc Sahara. Ngày 13/9/1922, nhiệt độ ở đây đạt mức 57,8 độ C. Tuy nhiên, nhiệt độ này chỉ là nhiệt độ của bầu khí quyển khi nhiệt kế được đo để cách mặt đất 1,6m, chứ nhiệt độ trên mặt đất có thể đạt đến 66 độ C.

66 độ C nóng đến mức nào? Thông thường trứng sẽ chín ở nhiệt độ khoảng 64 độ C. Như vậy, nếu đặt một quả trứng xuống đường vào lúc đó, trứng sẽ chín.

Lybia nằm ngay sát xích đạo và 90% diện tích là sa mạc. Đây là một trong những quốc gia nóng nực, khô hạn nhất thế giới. Có nhiều nơi mà hàng thập kỷ nay không có lấy nổi một giọt mưa. Ở những vùng cao nguyên, mưa rào cũng chỉ 5 đến 10 năm mới xuất hiện một lần. Chẳng hạn, tại Uweinat, trận mưa rào lần cuối cùng là vào tháng 9/1998.

Khí hậu ở đây chịu ảnh hưởng của sa mạc phía Nam và biển Địa Trung Hải ở phía Bắc. Đặc trưng thời tiết ở đây là thứ gió nóng ghibli thổi từ sa mạc và mang theo các cột tháp bụi, bão cát. Đây là một điều vô cùng kinh hoàng với những người sống ở Bắc Phi. Những người dân ở phía Tây Nam Lybia thường nói rằng khi có gió ghibli, một chú lạc đà cái có thể có cái bụng… chửa mà không có sự can thiệp của con đực (gió mạnh đã đem cát chui cả vào những “chỗ kín đáo nhất”).

Một lượng lớn cát bụi được đem đến khu vực phía nam Sahara, thậm chí đến cả Đại Tây Dương. Ở khu vực thủ đô Novakchott của Mauritania thường xảy ra hiện tượng mưa cát. Điều nguy hiểm hơn nữa là gió này thoắt ẩn thoắt hiện, không biết lúc nào tới nên có thể làm nền nhiệt độ tăng đột ngột thêm 20 độ C trong chỉ 2 giờ.

Cháy rừng, khô hạn, lở tuyết và chết người

Thung lũng chết

Theo các chuyên gia y tế, chịu đựng và vượt qua nổi thời tiết cực nóng còn khó hơn rất nhiều là thời tiết cực lạnh. Trong khi cơ thể có thể điều chỉnh ở nhiết độ rất thấp bằng cách đòi hỏi nhiều năng lượng thì sự khử nước và những vụ đột quị do nóng là những vấn đề rất nghiêm trọng có thể gây tử vong chỉ trong vài giờ.

Trong đợt nóng cao điểm năm 2003 ở châu Âu, khoảng 33.000 người đã chết. Người ta không thể hình dung nổi rằng một nước như Bulgaria, nhiệt độ cũng ngất ngưởng ở mức 45 độ C. Cũng do thời tiết khô hạn, lửa bùng lên và thiêu trụi 10% diện tích rừng của Bồ Đào Nha và làm cho các sông băng ở Thụy Sĩ tan chảy và tạo nên những vụ lở tuyết khủng khiếp và lũ lụt hoành hành khắp đất nước.

Điều nguy hiểm nhất là nóng thường kéo theo khô hạn. Tại các vùng đất như Sahara, việc khan hiếm nước mới thực sự là vấn đề gây nhức nhối. Mùa hè năm ngoái, khi nắng nóng lên đến cao điểm, chính quyền thành phố Quetta thuộc tỉnh Baluchistan ở Pakistan, một trong những địa điểm nóng nhất thế giới và là nơi cư trú của hơn 1 triệu người, tuyên bố rằng tỉnh này sẽ hết nước khiến cho nhiều cư dân phải bỏ nhà sơ tán sang vùng khác. Tuy thế, mỗi năm, tại 2 quốc gia Nam Á là Ấn Độ và Pakistan, vẫn có hàng nghìn người thiệt mạng do không chịu nổi nhiệt độ quá cao. Hầu hết trong số họ là những người vô gia cư, những người lao động ngoài trời, bị say nắng và mất nước.

Chẳng có quạt Ba Tiêu thần kỳ

Khi trái đất ngày càng phải hứng chịu những hậu quả của hiệu ứng nhà kính thì việc nóng lên là tất yếu. Nhưng với những người dân theo đạo Hồi với bộ quần áo nhiều tầng lớp và chiếc khăn hijab trên đầu, điều đó hoàn toàn bình thường vì đã bao đời nay, họ đã quen với điều đó. Tôn giáo và đức tin là sức mạnh giúp họ vượt qua cái nóng.

Máy lạnh là một giải pháp tốt cho việc chống nóng, nhưng không phải “quạt Ba Tiêu” thần kỳ. Nhiều người dân ở Mali, Ethiopia, Ấn Độ, Pakistan không thể bỏ ra một số tiền lớn để trang bị cho nhà mình máy lạnh và “nuôi” nó cả năm trời. Ngay cả ở Lybia, khi mà giờ đây rất nhiều nhà đã có máy lạnh nhưng chiếc máy hiện đại đó rất có thể gây hại nghiêm trọng đến cho sức khoẻ khi nhiệt độ trong nhà và ngoài trời cách nhau quá xa. Thêm nữa, chẳng có điều hoà nhiệt độ nào “điều hoà” nổi cái thứ gió nóng rẫy ghibli. Do đó, người dân ở đây cũng thường chỉ dám chống nóng bằng cách sử dụng điều hoà một lúc, sau đó lại tắt đi.

Đối với người Ấn Độ, họ thường xây nhà với trần rất cao, tường nhà khá mỏng và những cửa sổ gỗ thật lớn và thấp. Thường thì hệ thống thông gió được thiết kế sát trần để giảm nhiệt lượng. Trẻ con ở đây rất hay được mẹ cho tắm bùn để chống nóng. Mặt khác, quần áo ở đây thường được làm bằng sợi cotton mỏng, làm bay hơi mồ hôi nhanh. Năm ngoái, chính quyền Ấn Độ thậm chí còn cấp phát cho 8.000 cảnh sát các bộ quần áo thiết kế mỏng đặc biệt, lại có mùi thơm quyến rũ của hoa hồng để “át” mùi của cơ thể khi phải làm việc cật lực giữa thời tiết nóng nực.

Thế nhưng, điều mà ai cũng thấy là dù thế nào đi chăng nữa, chẳng có giải pháp chống nóng nào thực sự là hiệu quả. Do đó, điều tốt nhất để không có thêm những Hoả Diệm Sơn mới lúc này là kiềm chế sự nóng lên toàn cầu. Mà đó chắc chắn không phải công việc dễ dàng gì.

0