28/05/2017, 20:11

Nội dung bài thơ Phò giá về kinh

Đề bài: Nội dung bài thơ Phò giá về kinh Bài làm Thượng tướng Trần Quang Khải là một người văn võ song toàn, từng có công rất lớn trong hai cuộc chiến chống quân Mông Nguyên. Sau chiến thắng vang dội ở Chương Dương, Hàm Tử, giải phóng kinh đô năm 1285, ông được cử đi đón Thái thượng hoàng Trần ...

Đề bài: Nội dung bài thơ Phò giá về kinh Bài làm Thượng tướng Trần Quang Khải là một người văn võ song toàn, từng có công rất lớn trong hai cuộc chiến chống quân Mông Nguyên. Sau chiến thắng vang dội ở Chương Dương, Hàm Tử, giải phóng kinh đô năm 1285, ông được cử đi đón Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông về kinh. Trên đường đi, ông đã hứng khởi sáng tác bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư”. Đây là khúc khải hoàn đầu tiên của dân tộc ...

Đề bài: Nội dung bài thơ Phò giá về kinh

Bài làm

Thượng tướng Trần Quang Khải là một người văn võ song toàn, từng có công rất lớn trong hai cuộc chiến chống quân Mông  Nguyên. Sau chiến thắng vang dội ở Chương Dương, Hàm Tử, giải phóng kinh đô năm 1285, ông được cử đi đón Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông về kinh. Trên đường đi, ông đã hứng khởi sáng tác bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư”. Đây là khúc khải hoàn đầu tiên của dân tộc ta trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

          Hai câu đầu của bài thơ thể hiện chiến thắng hào hùng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông xâm lược.

Đoạt sáo Chương Dương độ

Cầm Hồ Hàm Tử quan

(Chương Dương cướp giáo giặc,

Hàm Tử bắt quân thù.)

          Như chúng ta đã biết, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông đời Trần, nhân dân ta đã giành nhiều chiến thắng trong nhiều chiến dịch, nổi tiếng nhất là chiến thắng trên sông Bạch Đằng. Nhưng tại sao Trần Quang Khải chỉ nói đến chiến thắng ở Chương Dương và Hàm Tử? Phải chăng đây là hai chiến thắng tiêu biểu, có tính quyết định để giành thắng lợi cuối cùng? Phải chăng nhờ hai chiến thắng này, nhà vua và cả triều đình sau thời gian sơ tán, được trở về kinh đô, vui lắm, phấn khởi lắm? Trong thực tế, chiến thắng Hàm Tử diễn ra trước, chiến thắng Chương Dương sau. Tại sao tác giả lại nêu Chương dương trước, sau đó là Hàm Tử? Tìm hiểu lịch sử, ta thấy rằng, ở trận Hàm Tử, người chỉ huy là tướng Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải chỉ tham gia hỗ trợ. Còn ở trận Chương Dương, Trần Quang Khải thống lĩnh ba quân, trực tiếp chỉ huy và giành thắng lợi giòn giã, để rồi ngay sau đó được cử đi đón nhà vua về kinh. Niềm vui chiến thắng, đi liền với niềm vui được “phò giá” dồn dập nối tiếp nhau. Có lẽ vì thế mà trong phút ngẫu hứng, vị tướng đã nhắc ngay đến Chương Dương, rồi mới hồi tưởng Hàm Tử. Trong cả hai chiến dịch, quân ta đã chiến đấu rất dũng cảm, khí thế, đạt nhiều thành tích. Song, tác giả chỉ đúc lại trong hai câu thơ ngắn gọn với hai động từ mạnh : “đoạt” và “cầm”. “Đoạt” nghĩa gốc là “lấy hẳn đượcvề cho mình qua đấu tranh với người khác”. Như vậy, dùng từ “đoạt sáo”, nhà thơ vừa ghi chiến công vùa ngợi ca hành động chính nghĩa, dũng cảm của quân ta. Ở Chương Dương, ta giành được gươm giáo, vũ khí của giặc thì ở Hàm Tử, ta bắt sống được tướng của chúng ngay tại trận. Trong chiến trận, chắc chắn có thương vong, tổn hại lực lượng của cả ta lẫn địch. Nhưng lời thơ không đề cập đến, vì mục đích chiến đấu của dân tộc ta không phải là chém giết mà là giành lại nền độc lập, bắt kẻ thù phải trả lại đất nước cho ta. Giọng thơ khỏe khoắn, hùng tráng, âm điệu tươi vui, ta có cảm giác vị tướng ấy đang ngẩng cao đầu, vùa đi vừa cất tiếng ngâm thơ.

soan bai pho gia ve kinh

           Hai câu thơ trên đã tái hiện không khí chiến thắng oanh liệt, tình cảm phấn chấn, tự hào của nhà thơ trên đường hộ tống vua về kinh.

          Xuống hai câu sau, âm điệu thơ như lắng lại. Nhà thơ suy nghĩ về tương lai đất nước:

Thái bình tu trí lực,

Vạn cổ thử giang san.

(Thái bình nên gắng sức,

Non nước ấy ngàn thu.)

          Đây là lời tự nhủ của vị thượng tướng về ngày mai của đất nước, cũng là lời nhắn nhủ toàn thể quân dân ta bấy giờ. Tiếng nói, khát vọng của một người đã trở thành ý nghĩa, quyết tâm của toàn dân tộc. Trần Quang Khải tự nhắc mình nêu cao trách nhiệm, cố gắng “tu trí lực”. Bởi tu dưỡng trí tuệ, rèn luyện sức lực là hai yếu tố tiên quyết của một con người và một dân tộc muốn làm nên chiến thắng, muốn xây dựng hòa bình. Đồng thời, ông động viên quân dân gắng sức, đồng lòng phát huy thành quả chiến thắng để xây dựng đất nước thanh bình, bền vững dài lâu. Câu thơ cuối vừa chỉ ra cái đích đi tới của đất nước vừa bày tỏ lòng mong muốn, niềm khát khao mãnh liệt về một tương lai tươi sáng muôn đời của dân tộc. Nghĩa của thơ biểu ý, nhưng nhạc của thơ biểu cảm. Lời răn dạy hài hòa với niềm tin, niềm hy vọng.

          Hai câu thơ sau là khát vọng hòa bình sau khi giành được chiến thắng vang dội và mong muốn xây dựng nền hòa bình cho đất nước lâu dài. Đây là lời tự dặn mình của vị thượng tướng, đồng thời cũng là lời nhắn nhủ với quân dân: chúng ta không được phép ngủ quên trên chiến thắng. Đó là suy nghĩ trí tuệ, biết lường trước được mọi việc, tầm nhìn xa trông rộng của một vị lãnh đạo tài ba biết lo cho dân cho nước. Để cho non nước được nghìn thu, hòa bình bền vững, thì khát vọng hòa bình không chỉ là khát vọng của riêng của người lãnh đạo mà còn là khát vọng của cả dân tộc.

          Bằng cách nói chân thành, với câu chữ giản dị, mộc mạc, “Tụng giá hoàn kinh sư” đã thể hiện hào khí chiến thắng và khát vọng thái bình thịnh trị của dân tộc ta trong thời đại nhà Trần.

TU KHOA TIM KIEM:

NOI DUNG TAC PHAM

NOI DUNG TAC PHAM PHO GIA VE KINH

TAC PHAM PHO GIA VE KINH

TAC PHAM OHO GIA VE KINH CO NOI DUNG GÌ

0