22/06/2018, 09:33

Tại sao George Soros là kẻ thù của nhiều quốc gia?

Biên dịch: Thu Hương Ở Romania, Ba Lan và đặc biệt là Macedonia, nơi đang ở trong 1 cuộc khủng hoảng chính trị, phong trào “Stop Operation Soros” chống lại Soros đã được phát động. Trong cuốn sách “Masquerade: The Incredible True Story of How George Soros’ Father ...

Biên dịch: Thu Hương

Ở Romania, Ba Lan và đặc biệt là Macedonia, nơi đang ở trong 1 cuộc khủng hoảng chính trị, phong trào “Stop Operation Soros” chống lại Soros đã được phát động.

Trong cuốn sách “Masquerade: The Incredible True Story of How George Soros’ Father Outsmarted the Gestapo” (tạm dịch: Giả trang: Câu chuyện thực đáng kinh ngạc về người cha của George Soros đã làm thế nào để đánh lừa quân Đức quốc xã), Tivadar Soros đã giãi bày những hồi ức về việc ông làm giả giấy tờ tùy thân cho những người Do Thái, trong đó có cậu con trai lúc đó mới 14 tuổi. Khi mà mỗi ngày trôi qua đều là một canh bạc về sự sống chết, cha của Soros đã nói: “Nếu không có rủi ro, sẽ chẳng có sự sống”.

Thái độ ưa rủi ro đã giúp nhà đầu tư thiên tài George Soros thắng lớn trong nhiều canh bạc đầu tư và trở thành tỷ phú, nhưng chính điều đó cũng đem lại cho ông nhiều kẻ thù. Trong mấy tháng trở lại đây, làn sóng phản đối George Soros đã vươn tới ngưỡng báo động mới. Ông bị phê phán ở cả Mỹ và các nước khác. Một nhóm các thượng nghị sĩ Mỹ đã viết thư cho Ngoại trưởng Rex Tillerson với yêu cầu được cung cấp thông tin chi tiết về vai trò của quỹ USAID ở Macedonia, đặc biệt là sự hợp tác giữa tổ chức này với quỹ Xã hội mở (OSF) của Soros.

George Soros đã ủng hộ phong trào dân chủ ở vùng Trung và Đông Âu. Ông đứng sau các chương trình công khai thúc đẩy tự do truyền thông, bầu cử công bằng và chính phủ trong sạch thay vì hỗ trợ các đảng đối lập. Tuy nhiên, Chính phủ các nước thường không phân biệt được điều đó. Điện Kremlin đổ tội Soros đã thổi bùng lên những phong trào đấu tranh ôn hòa ở các nước Liên Xô cũ trong những năm 2000. Belarus và Uzbekistan cũng có động thái tương tự.

Cái tên gây nhiều ác cảm

Ở Romania, Ba Lan và đặc biệt là Macedonia, nơi đang ở trong 1 cuộc khủng hoảng chính trị, phong trào “Stop Operation Soros” chống lại Soros được phát động. Trong khi đó, Viktor Orban – Thủ tướng của Hungary (là quê hương của Soros) và cũng chính là một người từng nhận học bổng từ Soros – đã gọi các hoạt động từ thiện của ông là “đế chế xuyên quốc gia”. Quốc hội Hungary còn thông qua một đạo luật có thể dẫn đến đóng cửa Central European University, ngôi trường đại học mà Soros thành lập năm 1991. Ngoài ra còn có một luật đang chờ thông qua có thể được sử dụng để chống lại quỹ từ thiện của ông.

Quan điểm chính trị được Soros thể hiện rõ nét cùng những khoản quyên góp nặng đô cũng khiến Soros bị chỉ trích ở Mỹ. Kế hoạch lật đổ cựu Tổng thống George W.Bush trong kỳ bầu cử năm 2004 và chiến tranh Iraq và mới đây nhất là những lời chỉ trích cay độc nhằm vào Tổng thống Donald Trump trong suốt mùa bầu cử 2016 khiến Soros giống như một “ông ba bị” trong mắt những nhà lý luận theo thuyết âm mưu. Mới đây, ông đã tác động vào những cuộc đua chọn ủy viên công tố ở các bang, từ Louisiana đến Illinois, đặt cược rằng những người theo khuynh hướng cải cách có thể giúp thay đổi hệ thống pháp luật hình sự. 12 trong số 15 người mà ông chọn đã giành chiến thắng.

Thấy gì từ làn sóng chỉ trích Soros?

Soros không phải là 1 vị thánh. Ông được biết đến nhiều nhất bởi vụ bán khống đồng bảng Anh năm 1992, khi ông “đánh sập NHTW Anh” và cũng từng bị giới chức Pháp buộc tội giao dịch nội gián năm 1988. Nhưng ông đã cho đi nhiều tỷ USD để phục vụ cho mục đích cao cả. Soros chẳng có chút lợi lộc cá nhân nào khi vận động hủy bỏ án tử hình. Trong chính trị, không giống như nhiều nhà tài trợ khác, Soros luôn vận động vì lợi ích của cộng đồng. Thậm chí đôi lúc ông ủng hộ những chính sách (ví dụ như về thuế) có thể khiến bản thân thiệt thòi.

Nhiều người cho rằng những người tham gia biểu tình trong hòa bình – dù đó là biểu tình chống lại các chính sách của Tổng thống Trump hay tham nhũng ở Romania – chỉ xuống đường khi họ bị Soros mua chuộc. “Nếu chúng tôi trả tiền cho tất cả những người biểu tình, chúng tôi đã phá sản rồi. Đó là những con người tự đứng lên đấu tranh cho niềm tin của họ ”, Laura Silber, giám đốc truyền thông của quỹ OSF nói.

Có thể coi làn sóng chỉ trích Soros dâng cao là chỉ báo cho thấy sự độc đoán lên ngôi. Như Radek Sikorski, cựu Bộ trưởng Ngoại giao của Ba Lan, nhận định, Soros “là người từ trước đến nay luôn ủng hộ chủ nghĩa tự do”. Có thể các nước châu Âu đã nhìn thấy cơ hội trong uy thế của Tổng thống Trump, người luôn hoài nghi về việc dùng tiền viện trợ của Mỹ can thiệp đến tư tưởng chính trị ở các nước khác. Một số nghị sĩ coi Soros là một công cụ thay vì mục tiêu chỉ trích, và mục đích thực sự của họ là làm suy giảm uy tín của các khoản viện trợ nước ngoài.

Những lời miêu tả gọi Soros là một con bạch tuộc hay một kẻ giật dây khiến người ta nhớ về những chương trình tuyên truyền chống người Do Thái trong quá khứ. Đôi lúc đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng cũng gợi lên nhiều suy nghĩ. Soros đã sống sót trước sự truy sát của quân Phát xít, và ông cũng sẽ sống sót trước những điều tương tự.

Nguồn: CafeF/The Economist

0