Nhìn lại nhân vật Nguyễn Huệ
Nguyễn Gia Kiểng Di sản tinh thần của một dân tộc thể hiện rõ nhất qua các anh hùng. Các anh hùng dân tộc là thuốc thử màu bộc lộ tâm lý của một dân tộc. Qua cách chọn lựa và tôn vinh các anh hùng, các dân tộc tiết lộ những giá trị mà mình ôm ấp. Nếu chúng ta thay đổi cách nhận ...
Nguyễn Gia Kiểng
Di sản tinh thần của một dân tộc thể hiện rõ nhất qua các anh hùng. Các anh hùng dân tộc là thuốc thử màu bộc lộ tâm lý của một dân tộc. Qua cách chọn lựa và tôn vinh các anh hùng, các dân tộc tiết lộ những giá trị mà mình ôm ấp. Nếu chúng ta thay đổi cách nhận định anh hùng dân tộc thì đồng thời chúng ta cũng thay đổi các giá trị nền tảng của xã hội ta, chúng ta sẽ thay đổi cách suy nghĩ và hành động và do đó thay đổi số phận của chúng ta.
Đối với đại đa số người Việt, Nguyễn Huệ không phải chỉ là một anh hùng mà còn là một thần tượng. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, mà tôi rất ái mộ, đã ca tụng Nguyễn Huệ và chiến thắng Đống Đa bằng những vần thơ nồng nàn trong một bài thơ rất dài mà tôi xin trích hầu độc giả hai câu:
Muôn chiến công một chiến công dồn lại
Một tấm lòng muôn vạn tấm lòng mang.
Chúng ta đã được huấn luyện ngay từ buổi đầu đời, từ ghế trường tiểu học để sùng bái Nguyễn Huệ. Như vậy Nguyễn Huệ vừa là thần tượng vừa là mối tình đầu của trí tuệ Việt nam, đụng tới ông là đụng tới cả một tín ngưỡng và một đam mê.
Ở đây xin mở một dấu ngoặc đơn ngắn. Có một cái gì rất không ổn trong cách mà thanh thiếu niên Việt nam được giáo dục để đánh giá các anh hùng dân lộc. Nước ta có nhiều anh hùng nhưng có ba vị có công lớn nhất: Lý Công Uẩn mở ra đất nước có kỷ cương, văn hiến; Trần Hưng Đạo đánh đuổi quân Nguyên giúp chúng ta giữ được bờ cõi tránh được sự dầy đạp của quân Mông Cỗ hung bạo; Nguyễn Hoàng mở ra miền Nam trù phú. Cả ba đều là nhưng con người đức độ, đem phồn vinh cho dân chúng. Thế mà chỉ có Trần Hưng Đạo được nhắc tới thường xuyên, nhưng cũng rất xa sau Nguyễn Huệ; Lý Công Uẩn thì họa hiếm; còn Nguyễn Hoàng thì không bao giờ.
Nguyễn Huệ được tôn sùng nhờ trận Đống Đa mùa Xuân Kỷ Dậu 1789. Những công đức và thành tích khác của ông chỉ là phụ họa, đôi khi thêm thắt và thêu dệt. Theo ký ức tập thể của chúng ta trong trận này Nguyễn Huệ đã chỉ trong một đêm phá tan hai mươi vạn (hai trăm ngàn) quân Thanh, tránh cho chúng ta ách Bắc thuộc. Thực ra các tài liệu của nhà Thanh cho thấy một cách rất rõ rệt là vua Càn Long không có ý định đánh chiếm nước ta. Không những thế vua Càn Long còn cấm Tôn Sĩ Nghị giao chiến. Nhà Thanh can thiệp vì có sự cầu cứu của mẹ vua Lê Chiêu Thống và đám quần thần nhà Lê, nhưng ý đồ của họ chỉ là dọa để Nguyễn Huệ thần phục Lê Chiêu Thống, và ngay cả nếu Nguyễn Huệ cứng đầu không chịu cũng chỉ giúp Lê Chiêu Thống có thanh thế mà chiêu tập lực lượng để chia đất với Nguyễn Huệ mà thôi. Dĩ nhiên nếu Việt nam tự nguyện sát nhập vào Trung Quốc thì nhà Thanh sẽ rất hài lòng nhưng họ không chấp nhận trả một giá nào cả.
Con số hai chục vạn quân Thanh cũng rất sai sự thực. Tôn Sĩ Nghị sang bằng đường bộ, mà đường bộ thì bị vách núi dầy đặc ngăn cách không thể di chuyển một số quân khổng lồ như vậy. Trong những lần xâm chiếm qui mô Việt nam, quân Trung Quốc đều chủ yếu xâm lăng bằng đường thủy qua cửa Bạch Đằng hay Nghệ An. Thành phố Hà Nội hồi đó có bao nhiêu dân cư? Mười ngàn, mười lăm ngàn, hay hai chục ngàn là cùng. Không cần hai trăm ngàn, chỉ cần năm chục ngàn thôi thì cũng đã là cả một sự tràn ngập không còn chỗ đứng, chưa nói tới việc quân Thanh kéo nhau đi chợ mua bán như sử chép. Các tài liệu còn giữ lại chỉ nói quân Thanh đóng đồn ở vài làng nhỏ cạnh Hà Nội.
Niềm tự hào dân tộc của tôi bị thương tổn lần đầu tiên vào khoảng năm 1958. Tôi đọc báo về cuộc thuyết trình của giáo sư Tưởng Quân Chương, một chuyên gia người Đài Loan về Việt nam, tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Sự hiểu biết rất non nớt của tôi lúc đó cũng đủ để tôi ý thức rằng ông hơn hẳn nhiều trí thức Việt nam ngay về chính lịch sử và văn hóa Việt nam. Ông lập luận chắc chắn, dẫn chứng tài liệu đầy đủ về văn học Việt nam, từng tác phẩm, từng tác giả. Đề cập đến trận Đống Đa, Tưởng Quân Chương dẫn tài liệu của Thanh triều, nói rằng Tôn Sĩ Nghị tổng đốc Lưỡng Quảng đã đem sáu ngàn kỵ binh sang Việt nam để phô trương thanh thế và làm lễ thụ phong cho Lê Chiêu Thống nhưng đã bị Nguyễn Huệ đánh bất ngờ, thua chạy về và bị cách chức. Con số này theo tôi là hợp lý. Tôn Sĩ Nghị từ Trung Quốc sang Việt nam trong một hai tuần lễ thì chắc chắn là sang bằng ky binh rồi, mà ky binh thì sáu ngàn đã là nhiều lắm đối với hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, muốn hơn cũng không có. Nên nhớ là nhà Thanh lúc đó yên bình đã mấy trăm năm nên không còn giữ quân đội hùng hậu nữa. Tôi chưa thấy sử gia Việt nam nào bác bỏ sự kiện của ông Tưởng Quân Chương.
Một tài liệu do người Việt nam viết về trận Đống Đa là cuốn Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái, một cuốn sách khá thuận cho Tây Sơn. Theo cuốn sách này thì khi quân Thanh đến, Ngô Văn Sở và Ngô Thời Nhiệm bàn với nhau rằng đánh quân Thanh không được vì dân chúng Bắc Hà ủng hộ quân Thanh và ghét quân Tây Sơn, họ sẽ chỉ chỗ, dẫn đường, tiếp sức quân Thanh. (Đây cũng là một sự kiện rất quan trọng chứng tỏ dân chúng không ngưỡng mộ Nguyễn Huệ như một số tác giả viết). Ngô Văn Sở quyết định bỏ Thăng Long lui về giữ đèo Tam Diệp, nhưng đô đốc Phan Văn Lân không chịu, đòi Ngô Văn Sở cấp cho một ngàn quân (xin nhắc lại là một ngàn quân) ra giáp chiến. Phan Văn Lân đến bờ sông Như Nguyệt thì gặp quân Thanh đóng ở bên kia sông. Lúc đó tiết trời lạnh giá nhưng Phan Văn Lân nhất định bắt quân lội qua sông đánh quân Thanh. Quân Tây Sơn chết đuối khá nhiều, số còn lại qua bên kia sông lạnh cóng nên bị quân Thanh tiêu diệt, Phan Văn Lân một mình một ngựa chạy về. Thử hỏi nếu quân Thanh đông tới mười ngàn người thôi liệu Phan Văn Lân có dám liều lĩnh như vậy không?
Còn một nguồn tài liệu khác về trận Đống Đa. Đó là những lá thư mà các giáo sĩ có mặt tại đó gởi về cho bạn bè tại Pháp. Những lá thư này được tập trung trong một tài liệu có tên là Những lá thư kỳ lạ và xúc tích của Sứ Bộ Truyền Giáo Viễn Đông (Lettres curieuses ét édifiantes de la Mission apostolique en Extrême Orient) còn lưu giữ tại Pháp. Đây là những lá thư riêng, không phổ biến, do đó chúng không có mục đích tuyên truyền. Các giáo sĩ nói thẳng là họ bênh vực nhà Tây Sơn vì lý do cả chúa Trịnh lẫn chúa Nguyền đều cấm đạo trong khi Tây Sơn không để ý đến tôn giáo. Một giáo sĩ mô tả trận Ngọc Hồi (Đống Đa), trận đánh gay go nhất và có thể nói là duy nhất trong đêm hôm đó. Theo ông, quân Tây Sơn tiến vào bị quân Thanh đánh bật ra, hàng ngũ rối loạn. Lúc đó đích thân Nguyễn Huệ từ dưới xông lên, múa gươm chém chết mấy chục quân Thanh, làm chúng hoảng sợ bỏ chạy. Theo cách mô tả đó thì trận Đống Đa không thể là lớn được. Hoàng Lê Nhất Thống Chí cũng nói quân Tây Sơn tiến sau hai mươi tấm mộc, đằng sau mỗi tám là ba mươi người. Như vậy tổng số quân Tây Sơn tham chiến ở Ngọc Hồi là sáu trăm người. Hoàng Lê Nhất Thống Chí còn nói thêm là khi nghe tin Ngọc Hồi có biến, Tôn Sĩ Nghị sai một bộ tướng đem hai chục ky binh đi giải cứu cùng với một đám nghĩa quân của vua Lê. Những dữ kiện này chứng tỏ trận Đống Đa chỉ là một trận nhỏ.
Mặt khác, cũng không nên quên là quân Thanh bị bất ngờ hoàn toàn nên rối loạn, lo chạy hơn là đánh lại. Vả lại cũng chỉ có một nửa quân Thanh sang sông vào Thăng Long, nửa kia vẫn ở bên tả ngạn và bỏ chạy khi đám quân sang sông bị đánh tan. Cần minh định một điều để tránh tranh cãi. Số quân Thanh chết (chủ yếu là chết đuối khi xô lấn nhau sang sông làm sập cầu nổi) có thể nhiều hơn hẳn số quân từ Trung Quốc sang vì rất nhiều người Hoa sinh sống tại Việt nam lúc đó cũng ỷ thế quân Thanh lộng hành tự coi như lính của nhà Thanh, rồi hoảng sợ bỏ chạy khi ky binh của Tôn Sĩ Nghị bị đánh tan. Ký ức dân gian và các tài liệu đều nói đến việc người ngựa chen nhau trên cầu. Cảnh này phù hợp với những gì vừa nói: quân cưỡi ngựa là quân Tôn Sĩ Nghị, đám chạy bộ là bọn a dua. Chúng ta đều biết trước khi ra Thăng Long đánh quân Thanh, Nguyễn Huệ dừng lại ở Tam Diệp để mộ quân. Các giáo sĩ thuật cách mộ quân của Nguyễn Huệ: các tướng của Quang Trung, tất cả đều mang chức đô đốc, tới gần các làng, cưỡi ngựa lên một gò cao nhìn vào làng theo số nóc nhà mà ước lượng số quân mỗi làng phải nộp ra lệ hễ thiếu một người là họ tàn sát cả làng. Dân chúng hãi hùng đến nỗi làng nào không đủ con trai phải bắt con gái giả làm trai đem nộp cho Nguyễn Huệ. Những nông dân tuyền chọn như vậy thực ra là những tù binh chỉ có vai trò khuân vác, làm mộc đỡ tên và lấy số đông áp đảo tinh thần quân Thanh mà thôi, chủ lực của Quang Trung chỉ là số quân Tây Sơn mà ông đem từ Phú Xuân ra. Đánh xong trận Đống Đa, ông bỏ mặc số quân tân tuyển này, họ phải xin ăn dọc đường tìm về quê quán.
Nguyễn Huệ là con người như thế nào?
Theo sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Nguyễn Huệ là con ông Hồ Phi Phúc, người gốc Nghệ An, nhưng từ ba đời trước bị chúa Nguyễn bắt vào lập nghiệp tại làng Tây Sơn, thuộc tỉnh Bình Định. Đến đời các con thì đổi ra họ Nguyễn để dễ tiến thân. Họ Hồ dần dần trở nên khá giả, đến đời Hồ Phi Phúc thì lại mở sòng bạc nên càng giàu có.
Nguyễn Huệ như vậy không phải xuất thân là một nông dân áo vải như Việt nam Sử lưọc viết. Về anh em Tây Sơn, cũng như về trận Đống Đa, Trần Trọng Kim dựa vào Hoàng Lê Nhất Thống Chí, nhưng lại thêm bớt theo chiều hướng có lợi cho Nguyễn Huệ. Tại sao? Chúng ta sẽ trả lời sau. Ba anh em Nhạc, Lữ và Huệ lớn lên đi ăn cướp. Khởi đầu Nguyễn Nhạc kết nạp được một đám thủ hạ đi cướp bóc trong vùng, sau khi thế lực đã mạnh mới về lập đồn ở ngay làng mình công khai chống chúa Nguyễn. Có lẽ vì họ hoành hành khá lâu tại vùng Tây Sơn nên sau này, khi họ làm vua, người ta vẫn gọi họ là nhà Tây Sơn. Ba anh em liên kết với hai đám cướp biển người Trung Hoa là Tập Đình và Lý Tài và cũng chiêu mộ nhiều người Thượng. Trong các thư từ gởi cho nhau, các giáo sĩ thắc mắc không hiểu tại sao các tướng của Tây Sơn, dù là tướng đánh bộ đi nữa, đều xưng là đô dốc: đô đốc Sở, đô đốc Long, đô đốc Tuyết, đô đốc Lộc, đô đốc Lân, v.v. Đó là vì quân Tây Sơn do đám cướp biển huấn luyện, và đối với bọn cướp biển chức đô đốc là một ước mơ.
Một sự kiện nổi bật mà các sử gia cố tình làm ngơ là quân Tây Sơn chỉ thuần túy là giặc cướp. Từ lúc dấy lên cho đến lúc tiêu diệt cả họ Trịnh và họ Nguyễn trong hai mươi năm trời, họ không đưa ra bất cứ một chủ trương dựng nước nào; không hề có một tờ hịch nào để hiệu triệu quốc dân, hay ngay cả một tờ kể tội họ Trịnh và họ Nguyễn. Họ chỉ đánh phá và cướp bóc mà thôi, không nhân danh một chính nghĩa nào. (ở miền Bắc, Nguyễn Hữu Cằu khi nỗi loạn chống nhà Trịnh ít nhất còn xưng là Bảo Dân Đại Tướng Quân).
Từ năm 1771, anh em Tây Sơn lập đồn trại, bành trướng thêm lực lượng, đánh chiếm Qui Nhơn rồi tiến lên mạn Bắc đánh chúa Nguyễn. Lúc đó, dù mới mười tám tuổi, Nguyễn Huệ đã bắt đồng đảng và dân chúng gọi mình là Đức ông Tám. Cái lối tự xưng xấc xược này cũng là một đặc tính của đám thảo khấu. Cơ nghiệp chúa Nguyễn đã tan tác vì Trương Phúc Loan chuyên quyền nên quân Tây Sơn đánh đâu được đấy, hầu như không có kháng cự. Họ Trịnh ở ngoài Bắc lại nhân cơ hội vào chiếm Thuận Hóa. Quân Nguyễn phía Nam bị Tây Sơn đánh lên, phía Bắc bị quân Trịnh đánh xuống nên tan rã nhanh chóng. Chúa Định Vương nhà Nguyễn phải bỏ chạy vào Gia Định để Đông Cung Thế Tử ở lại. Nguyễn Nhạc bắt được Đông Cung, gả con gái cho, giả hòa với chúa Nguyễn ở Gia Định, nhưng lại ngấm ngầm liên kết với họ Trịnh xin làm tiên phong đánh chúa Nguyễn. Năm 1778 anh em Tây Sơn chiếm nốt Gia Đình, tiêu diệt chúa Nguyễn. Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế, phong cho Nguyễn Lữ làm Đông Đình Vương ở Gia Đình và Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương giữ mặt Bắc. Nguyễn Huệ là một tướng giỏi, nhiều công trận lại giữ mặt Bắc phòng họ Trịnh nên nắm phần lớn quân Tây Sơn trong tay.
Năm 1786, nhân lúc nhà Trịnh tan tác vì lính Tam Phủ làm loạn Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ ra đánh chiếm Thuận Hóa, trước đây của chúa Nguyễn nhưng mới bị họ Trịnh chiếm. Nguyễn Huệ chiến thắng dễ dàng rồi theo lời khuyên của Nguyễn Hữu Chỉnh, một tướng của họ Trịnh vì bất mãn mà bỏ vào theo Tây Sơn, tiến ra Thăng Long diệt họ Trịnh, dù không có lệnh của Nguyễn Nhạc. Lúc đó họ Trịnh đã suy sụp toàn bộ nên Nguyễn Huệ chiếm Tháng Long như vào chỗ không người. Nguyễn Huệ được vua Lê Hiển Tông gả con gái là công chúa Ngọc Hân và ở lại Thăng Long gần hai tháng cho đến lúc Nguyễn Nhạc từ trong Nam ra gọi về. Khi vua Lê Hiển Tông chết, Nguyễn Huệ định không cho Lê Chiêu Thống lên kế vị, thân thích nhà Lê phải nhờ Ngọc Hân xin Nguyễn Huệ mới cho. Sau đó hai anh em Nhạc và Huệ đột ngột về Nam giữa đêm, bỏ Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại với dụng ý để dân Bắc Hà giết Chỉnh vì tội đã đem quân Tây Sơn ra Bắc. Nhưng Nguyễn Hữu Chỉnh chạy thoát vào Nghệ An ra mắt Nguyễn Huệ. Tuy thất vọng vì Nguyễn Hữu Chỉnh không chết nhưng Nguyễn Huệ vẫn cấp cho Chỉnh một số vàng và vũ khí lấy được ở Thăng Long để Chỉnh lập nghiệp lại Nghệ An. Nguyễn Hữu Chỉnh tự tuyển quân chiếm giữ Nghệ An.
Vua Lê Chiêu Thống lúc đó chỉ có vài quan văn và khoảng mười lính hầu. Phe đảng họ Trịnh lại trở về Thăng Long tái lập nghiệp chúa. Lê Chiêu Thống không chịu cho họ Trịnh áp bức nữa nên vời Nguyễn Hữu Chỉnh ra. Nguyễn Hữu Chỉnh dẹp được dư đảng họ Trịnh và được Lê Chiêu Thống phong tước Bằng Trung Công nắm giữ binh quyền. Trong khi Nguyền Hữu Chỉnh ra Bắc đánh dư đảng họ Trịnh thì Nguyễn Huệ lại đem quân vào Nam đánh Nguyễn Nhạc. Nhạc phải khóc lóc năn nỉ Huệ mới tha. Sau khi về Phú Xuân, Nguyễn Huệ ra lệnh cho Vũ Văn Nhậm là phó tướng của mình và cũng là rể của Nguyễn Nhạc, đem quân ra đánh Nguyễn Hữu Chỉnh. Vũ Văn Nhậm bắt được Chỉnh đem giết đi. Vua Lê Chiêu Thống bỏ chạy lưu lạc khắp nơi, chiêu tập lực lượng chống Tây Sơn. Nguyễn Huệ ra Thăng Long bất ngờ, Vũ Văn Nhậm đang ngủ trưa bị lôi ra chém. Nguyễn Huệ đặt Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân và Ngô Thời Nhiệm ở lại trấn giữ rồi rút quân về Nam. Quần thần và tôn thất nhà Lê sang Trung Hoa cầu cứu. Tôn Sĩ Nghị sang, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, tiến ra Thăng Long đánh bại Tôn Sĩ Nghị. Nguyễn Huệ chỉ mới làm vua được bốn năm, đang chuẩn bị đánh Trung Hoa chiếm hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây thì mất năm 1792. Mười năm sau nhà Tây Sơn bị Nguyễn ánh tiêu diệt.
Nguyền Huệ là một con người hung bạo đánh tất cả mọi người, đó là một sự thực. Nguyễn Huệ liên kết với hai tướng cướp Tập Đình và Lý Tài đánh chúa Nguyễn rồi lại đánh Tập Đình và Lý Tài, liên kết với chúa Trịnh rồi đánh chúa Trịnh, dùng Nguyễn Hữu Chỉnh rồi bỏ Chỉnh cho dân Bắc Hà giết. Nguyền Hữu Chỉnh không chết mà lại phất lên được thì sai Vũ Văn Nhậm đem quân đánh giết Nguyễn Hữu Chỉnh, tiện thể lấy luôn Bắc Hà. Rồi lại giết Vũ Văn Nhậm. Đến cả Nguyền Nhạc đối vơi Huệ vừa có nghĩa vua tôi vừa có nghĩa anh em, Huệ cũng đánh. Sau này hòa với nhà Thanh, rồi lại kết nạp bọn cướp biển đi đánh phá nhà Thanh và còn định đem quân đánh nhà Thanh. Nguyễn Huệ dùng bạo lực và sự tráo trở trong mọi trường hợp đối với bất cứ ai có khả năng trở thành một đối thủ. Việc Huệ đánh Nhạc chỉ vì hai anh em xích mích với nhau chuyện phân chia kho tàng lấy được ở Thăng Long là một hành động phản trắc và vô đạo. Nguyễn Huệ cũng rất tàn ác, các giáo sĩ thời đó dù bênh Tây Sơn cũng ghê sợ về sự tàn ác của Nguyễn Huệ và gọi ông là một thứ Attila mới trong những thư họ viết cho nhau. Họ kể lại khá chi tiết những việc làm dữ tợn của Nguyễn Huệ, mà khuôn khổ cuốn sách không cho phép tôi nhắc lại hết. Sau khi diệt nhà Trịnh và nói là một tấc đất của nhà Lê cũng không lấy, Huệ vẫn chiếm Nghệ An, vua Lê Chiêu Thống sai danh sĩ Trần Công Sán, mà Nguyễn Huệ biết tiếng và phục tài, cùng với hoàng thân Lê án, vừa là chú vừa là thày của công chúa Ngọc Hân, mang quốc thư vào xin lại Nghệ An và cam kết hàng năm nộp toàn bộ thuế của tỉnh cho Nguyễn Huệ, nhưng Nguyễn Huệ đã không cho còn hạ ngục và gông cổ cả phái đoàn rồi đem ra biển nhận thuyền cho chết. Nhiều người trách Nguyễn ánh nhỏ mọn quật mồ Nguyễn Huệ sau khi đã giết con cháu, mà quên rằng hành động thô bạo này chỉ là để báo thù một hành động thô bạo trước đó: Nguyễn Huệ đã tàn sát cả họ Nguyễn và đã đào mả tổ tiên Nguyễn ánh đem vất đi. Một lần trong một chuyến đánh phá Gia Định, một tướng Tây Sơn bị phục binh giết chết. Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ nỗi giận ra lệnh tàn sát tất cả dân chúng trong vùng, bất luận già trẻ, lớn bé, trai gái. Cuộc tàn sát đã kinh hoàng đến độ dân chúng các vùng phụ cận sau đó không dám ăn tôm cá vì sợ tôm cá ăn thịt những xác chết trôi đầy sông.
Một thí dụ khác là trận Đống Đa. Sau khi đã đánh tan quân Thanh và sợ quân Thanh quay lại phản ứng, Nguyễn Huệ ra lệnh cho dân chúng Thăng Long phải đắp xong trong vòng ba ngày một chiến lũy chung quanh để phòng thủ. Các giáo sĩ có mặt tại đó không thể nào tưởng tượng dân chúng Thăng Long có thể làm được điều đó. Nhưng họ đã làm được, họ đã làm tới kiệt sức, vì sợ bị Nguyền Huệ tàn sát, họ biết Nguyền Huệ không hề do dự trước sự chém giết. Tường xây lên xong các giáo sĩ kinh hoàng, họ đặt tên cho Nguyễn Huệ là Attila mới từ đó. Các tài liệu của các giáo sĩ, và nhiều nhân chứng phương Tây có mặt tại Việt nam lúc đó, về anh em Tây Sơn hiện vẫn còn lưu giữ trong nhiều thư viện tại Pháp. Một sử gia Việt nam, ông Tạ Chí Đại Trường, đã sưu tập một số đáng kể trong cuốn sách Lịch Sử Nội Chiến 1771-1802 của ông. Đây là một cuốn sách nên đọc cho những ai muốn tìm hiểu về nhà Tây Sơn.
Chúa Nguyễn còn lo đánh dẹp, mở mang bờ coi nên người dân bỏ vào miền đất hoang phía Nam lập nghiệp tránh bị bắt lính rất nhiều. Lực lượng của chúa Nguyễn vừa suy yếu vừa bị trải rộng, dần dần mất thực chất. Các băng đảng cướp lộng hành khắp nơi. Đã thế, từ thời Võ Vương (1765) trở đi, Trương Phúc Loan lại chuyên quyền làm cho triều đình tan nát. Anh em Tây Sơn, nhờ tập hợp được một sổ băng đảng, nổi lên tiêu diệt chúa Nguyễn mà không cần đánh một trận đáng kể nào.
Quân Tây Sơn đã thắng dễ dàng vì thế lực của chúa Nguyễn đã hoàn toàn tan rã chứ không phải vì lực lượng của họ mạnh. Năm 1778, lúc Tây Sơn đã diệt chúa Nguyễn và chiếm Gia Định, thế lực lên đến cao điểm làm kinh động cả nước, toàn quyền Anh tại ấn Độ cử một chuyên viên là Chapman sang quan sát tình hình Việt nam. Chapman làm quen được với anh em Tây Sơn và được đi thăm viếng quan sát tỉ mỉ khắp nơi. Chapman báo cáo rằng thế lực của quân Tây Sơn chẳng có gì đáng kể, chỉ cần một đạo quân một trăm người mà có kỷ luật cũng đủ để đánh tan toàn bộ quân Tây Sơn một cách nhanh chóng. Xin nhấn mạnh con số một trăm và cũng xin nhấn mạnh rằng Chapman chỉ nói tới kỷ luật chứ không hề nói tới nhu cầu vũ khí tối tân. ở ngoài Bắc, hồi đó gọi là đàng ngoài, tình thế còn bi đát hơn.
Đời sống cơ cực và cương thường đảo lộn (họ Trịnh phế lập và giết vua Lê một cách rất tùy tiện) nên cả uy quyền chính trị lẫn uy quyền đạo đức đều tan. Giặc giã nỗi lên khắp nơi. Trịnh Sâm vừa tạm dẹp xong giặc thì lại say mê tửu sắc, bỏ trưởng lập thứ gây loạn ngay tại triều đình. Điều cần đặc biệt lưu ý là họ Trịnh lúc đó không còn quân đội. Chỉ một đám lính Tam Phủ, vài ngần tên không người chỉ huy, mà muốn phá nhà ai, giết quan nào cũng được. Khi chúng nổi loạn, Quận Huy Hoàng Tế Lý trên nguyên tắc cầm mọi binh quyền, phải một mình cưỡi voi ra đánh nhau với chúng rồi bị giết. Các tướng mỗi người trấn giữ một phương, mỗi người chỉ có vai chục gia nhân, rồi dựa vào đám gia nhân này mà đi bắt lính. Có khi họ bắt được cả ngần quân nhưng những quân đội ấy chỉ là những nông dân tội nghiệp không biết chiến đấu và cũng không muốn chiến đấu, hễ gặp quân địch là rã hàng bỏ chạy có khi còn đâm chết tướng để dễ chạy. Sách Hoàng Lê Nhất Thong Chí mô tả khá rõ xã hội miền Bắc lúc đó. Các sứ quân đã không có thực lực mà còn hiềm khích với nhau và chẳng tuân lệnh ai. Dân gian thì hễ ai khỏe mạnh ăn cướp được là đi ăn cướp, rất ghét quân Tây Sơn nhưng gặp quan nhà Lê là bắt nộp cho Tây Sơn để lãnh thưởng. (Sau này cũng chính dân chúng bát vua Cảnh Thịnh và các tướng Tây Sơn nộp cho Nguyễn ánh). Nguyễn Hữu Chỉnh bị anh em Tây Sơn bỏ rơi lên thuyền chạy về Nghệ An với mấy chục gia nhân, đến nơi không dám lên bộ. Vậy mà rời cũng đi bắt lính và thành lập được một đạo quân. Với cái quân đội ô hợp đó mà Nguyễn Hữu Chỉnh vào được Thăng Long như chỗ không người vì các quân đội khác còn ô hợp hơn nữa. Khi Nguyễn Hữu Chỉnh hoành hành ở miền Bắc, Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm ra đánh, quân Nguyễn Hữu Chỉnh chưa đánh đã tan. Trong một bối cảnh như vậy, Nguyễn Huệ trấn áp được thiên hạ nhờ có được một đạo quân tinh nhuệ là điều dễ hiểu. Lý do thành công của Nguyễn Huệ là ông có một đạo quân thực sự trong khi các đối thủ của ông không có. Những chiến thắng như vậy không đòi hỏi một tài dùng binh nào.
ở trong Nam có trận thủy chiến tại Cần Giờ là đáng kề. Nguyễn Huệ chỉ huy gần một trăm chiến thuyền, như vậy cũng là vài ngần thủy quân, còn quân Nguyễn ánh không biết bao nhiêu. Nguyễn Huệ cũng phá được quân Xiêm. Trần Trọng Kim trong Việt nam Sử lược nói rằng quân Xiêm đông tới hai vạn người. Nếu đúng như vậy thì quả là một đạo quân rất lớn vào thời đó, nhưng quân Xiêm vừa tới nước ta thì đã rã hàng, đi cướp bóc khắp nơi chàng còn đội ngũ gì cả. Nếu có một đạo quân đàng hoàng thì đánh tan chúng không khó.
Cả ba trận Cần Giờ, Mân Thít và Đống Đa đều ở rất dưới tầm cỡ của những trận đánh thời Trần Hưng Đạo chống quân Nguyễn, Lê Lợi đánh đuổi quân Minh. Tài dùng binh của Nguyễn Huệ là có thực nhưng chưa được chứng minh ở tầm cỡ của các danh tướng thời Trần Hưng Đạo hay Lê Lợi.
Cần nhấn mạnh để đánh tan một hiểu lầm đã kéo dài quá lâu và đã là nguyên nhân cho nhiều giải thích lịch sử gượng ép: đó là quân Tây Sơn không mạnh mà cũng không tổ chức giỏi; họ đã thắng được các chính quyền Trịnh và Nguyễn bởi vì các chính quyền này đã đi tới cuối tiến trình phân rã. Nguyên nhân sâu xa của tiến trình phân rã này là cả hai chế độ Trịnh Nguyễn đã không ý thức được rằng nền tảng của xã hội Việt nam đã thay đổi sau hơn hai thế kỷ tiếp xúc với người phương Tây, và cứ cố tiếp tục duy trì lối cai trị cũ trên một xã hội đã đổi mới.
Nguyễn Huệ chỉ mới làm vua được gần bốn năm thì mất nên tài trị nước của ông không thể bàn đến. Một việc triều đình của ông làm thường được ca tụng là hay dùng chữ Nôm. Nhưng chữ Nôm thời đó đá phát triển lắm rồi. Chinh Phụ Ngâm và Cung Oán đã ra đời trước đó và đã có Nguyễn Du. Chính Nguyễn ánh cũng đã dùng chữ Nôm trong một số văn thư. Cũng có người nhắc đến dụ Khuyến Nông của Nguyễn Huệ, nhưng đó chỉ là một dụ bình thường lặp lại những gì các vị vua trước đó đã nói. Một biện pháp làm khổ dân chúng rất nhiều là dùng Tín Bài, một thứ thẻ căn cước, để kiềm soát dân chúng, trong mục đích bắt lính chuẩn bị đánh Trung Hoa. Biện pháp này làm dân chúng bị tham quan ô lại sách nhiễu đến nói nhiều người phải trốn vào rừng sinh sống để tị nạn Tây Sơn. Vả lại làm vua một nước đã kiệt quệ vì chiến tranh, vừa mới được một hai năm yên bình đã lo chuyện đánh nhau với một nước lớn gấp bội mình là điều mà một vị vua sáng suốt không thể làm.
Nhà Tây Sơn tuy chỉ kéo dài một thời gian ngắn nhưng đã anh hưởng rất lớn lên lịch sử nước ta và dịa lý chính trị trong vùng.
Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã chặn đứng hẳn sự bành trướng của lãnh thổ Việt nam vào đất Cam-bốt. Năm 1771, khi anh em Tây Sơn bắt đầu tấn công chúa Nguyễn cũng là năm cuối cùng mà một phần đất Cam-bốt được sát nhập vào Việt nam. Lúc đó đất Cam-bốt gần như vô chủ, các chúa Nguyễn dồn dập mở rộng lãnh thổ, nhưng cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã làm họ sụp đổ và cuộc Tây tiến của Việt nam chấm dứt. Nếu không có anh em Tây Sơn chắc chắn nước Cam-bốt không còn.
Việc thôi bành trướng về phía Tây Nam, tùy cách nhìn, không nhất thiết là một sự thiệt thòi cho chúng ta. Nhưng anh em Tây Sơn đã làm một việc khác rất lớn, rất tai hại cho chúng ta và đã khiến chúng ta là chúng ta ngày nay: đó là phá tan và chấm dứt hơn hai thế kỷ tiếp xúc và giao thương đầy hứa hẹn với thế giới bên ngoài, nhất là phương Tây.
Chúng ta bắt đầu tiếp xúc với phương Tây từ đầu thế kỷ 16, các giao thương tăng dần với thời gian. Đầu thế kỷ 18 đã có những trung tâm thương mại lớn. Ngoài Bắc có Hà Nội và Phố Hiến (thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phổ Hiến). Trong Nam có Hội An. Hội An có địa vị đặc biệt quan trọng, đó là trái tim của mọi hoạt động kinh tế của Đàng Trong. Quân Tây Sơn đi đến đâu cướp phá và đem chết chóc đến đó. Tệ hại nhất là việc cướp phá Hội An. Các thương nhân bỏ chạy trong kinh hoàng và mọi hoạt động kinh tế sụp đổ. Miền Trung rơi vào nạn đói chưa từng thấy, người chết vô kể, có nơi mẹ ăn xác con. Khi quân Tây Sơn ra ngoài Bắc thì Kinh Kỳ và Phố Hiến cũng tiêu tan. Cũng như tại Hội An, doanh nhân nước ngoài bỏ chạy trong kinh hoàng và không bao giờ trở lại Việt nam nữa. Cánh cửa của chúng ta khép lại với thế giới bên ngoài. Xã hội ta trở lại với bóng tối của sự lạc hậu. Kinh nghiệm Việt nam đã đen tối đến độ các thương nhân không trở lại nữa ngay cả sau khi nhà Tây Sơn đã đổ. Phần đông những người phương Tây đến sau này chỉ là các giáo sĩ.
Trần Trọng Kim là một học giả có công soạn ra bộ sử công phu đầu tiên cho nước ta. Đây là một đóng góp rất lớn cần được ghi nhận một cách xứng đáng. Trước ông lịch sử nước ta chỉ được chép một cách sơ sài và không trung thực. Điều khó tưởng tượng đối với thế hệ trẻ ngày nay là cho tới thế chiến II người Việt nam không học sử nước mình. Người học trường Pháp thì học sử Pháp, người học trường Nam thì không học sử nào cả. Tập Việt nam Sử lược ra đời đầu thập niên 1930, thường được sử dụng như một cuốn sách để học quốc văn, đã có tác dụng rất lớn. Nó đã giúp người Việt nam hiểu quá khứ của mình và tạo ra một ý thức quốc gia dân tộc. Việt nam Sử lược sau này được lấy làm cơ bản cho các sách giáo khoa sử ở cấp trung và tiểu học. ý thức về lịch sử của người Việt nam nói chung vấn chưa vượt quá Việt nam Sử lược.
Tuy nhiên, vì không viết sách với mục đích giảng dạy, ông Trần Trọng Kim đã không cảm thấy có bổn phận phải tuyệt đối khách quan và, đặc biệt là đối với nhân vật Nguyễn Huệ, ông đã để nhiều tâm tình và thiên kiến vào đó. Ông dựng đứng ra chuyện Nguyễn Huệ ra Bắc phù Lê diệt Trịnh để ca tụng Nguyễn Huệ dứt họ Trịnh, tôn vua Lê, đem lại cương thường cho rõ ràng. ấy là có sức mạnh mà biết làm việc nghĩa vậy (sic). Thật là đổi trắng thay đen! Trong khi khởi chiến thì người ta thường hay mượn một danh nghĩa, điều nay chẳng có gì là lạ. Điều lạ là Nguyễn Huệ đã ngang ngược không thèm mượn một danh nghĩa nào cả. Nguyễn Huệ vâng lệnh Nguyễn Nhạc tiến ra Bắc với mục đích chiếm Thuận Hóa, rồi thấy dễ tiến luôn ra chiếm Thăng Long, không nhân danh gì cả. Nguyễn Huệ vào Thăng Long cướp kho tàng rồi rút về chỉ vì chưa nắm vững tình hình, mặc dầu cũng chiếm đất Nghệ An. Việc phù Lê chỉ là câu nói ngoài miệng sau khi diệt xong họ Trịnh và thấy tình thế chưa chín muồi để chiếm miền Bắc mà thôi. Nếu thực sự phù Lê thì Nguyễn Huệ đã không hống hách đòi quyết định việc kể lập vua Lê và đã không cướp kho, lấy đất như vậy.
Ông Trần Trọng Kim cũng dựng đứng ra con số hai chục vạn quân Thanh, không có trong một sử liệu nào, để thổi phòng tầm vóc của trận Đống Đa và ca tụng Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh. (Trong hịch của Tôn Sĩ Nghị có nói lới năm chục vạn, nhưng đó, theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí chỉ là tờ truyền đơn mà mục đích là hù dọa làm mất tinh thần quân Tây Sơn. Chính Nguyễn Huệ cũng biết đây chỉ là chuyện hù dọa). ở một điểm Trần Trọng Kim giấu cả sự kiện. Toàn bộ việc thuật lại trận Đống Đa của ông dựa theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Nhưng trong khi Hoàng Lê Nhất Thống Chí chép rằng quân Nguyễn Huệ đi sau các bức mộc bia, cứ ba mươi người đàng sau một bức, tất cả là hai mươi bức, thì Trần Trọng Kim bỏ đi câu tất cả là hai mươi bức , vì như thế chứng tỏ quân Tây Sơn chỉ có sáu trăm người, mâu thuẫn với tầm vóc hai chục vạn quân Thanh mà ông gán cho trận Đống Đa.
Ông Trần Trọng Kim cũng kể công Nguyễn Huệ cứu nước khỏi tay quân Thanh. Thực ra chính Nguyễn Huệ đã là nguyên nhân đưa tới việc quân Thanh can thiệp. Vả lại ở đoạn trên chúng ta đã thấy vào giai đoạn đó nhà Thanh hoàn toàn không có ý định đánh chiếm nước ta, chính vì thế mà sau trận Đống Đa họ đã bỏ nhà Lê mà hòa với Nguyễn Huệ. Ngược lại nếu Nguyễn Huệ còn sống để mà gây chiến với nhà Thanh thì rất có thể nước ta đã tan hoang và mất về tay quân Tàu.
Nhờ Việt nam Sử lược mà Nguyễn Huệ được ca tụng như một đại anh hùng làm vẻ vang cho dân tộc, nhưng thực ra Nguyễn Huệ chẳng quan tâm gì đến thề diện quốc gia. Đó là một ý niệm phức tạp của giới văn học mà một người sinh ra và lớn lên trong một môi trường đặc biệt như Nguyễn Huệ không quan tâm. Ông chấp nhận sang chầu vua Thanh, lạy phục xuống đất và hôn chân vua Càn Long. Sợ nhà Thanh phản trắc hãm hại, ông cho một người giả làm mình đi thay. Nhưng dù Nguyễn Huệ thật hay Nguyễn Huệ giả thì trên danh nghĩa vẫn là vua Việt nam lạy và hôn chân vua Trung Hoa. Nguyễn Huệ cũng thường làm những tờ bẩm gởi cho Phúc An Khang (người thay Tôn Sĩ Nghị làm tổng đốc Lưỡng Quảng) trong đó ông tự xưng là tiểu phiên. Trừ trường hợp Mạc Đăng Dung, chưa có vua Việt nam nào hạ mình đến thế.
Thái độ bênh Nguyễn Huệ của ông Trần Trọng Kim có nguyên nhân sâu xa. Gần hai thế kỷ phân tranh đã tạo ra theo tị hiềm giữa miền Nam và miền Bắc. Người miền Bắc vốn không ưa chúa Nguyễn, vua Gia Long sau khi đắc thắng lại trả thù báo oán, giết hại công thần khiến sĩ phu Bắc Hà càng ghét hơn. Các vua nhà Nguyễn không nể nang mà cũng chẳng đoái hoài gì đến miền Bắc, họ chỉ dùng bạo lực để thống trị mà thôi. Việc thi cử làm sĩ phu Bắc Hà rất phân nộ. Bắc Hà tự hào là đất văn học nhưng nhà Nguyễn chỉ cho Bắc Hà một số cử nhân, tiến sĩ thấp hơn miền Trung. Kể từ khi Pháp chiếm Việt nam thì không cứ gì sĩ phu Bắc Hà mà sĩ phu cả nước trách nhà Nguyễn bất lực làm mất nước, nhưng sĩ phu Bắc Hà thì mạt sát nhà Nguyễn ra mặt. Ông Trần Trọng Kim là một sĩ phu Bắc Hà và sách của ông chủ yếu viết cho sĩ phu Bắc Hà, trong đó tâm lý thù ghét nhà Nguyễn rất mạnh. Nguyễn Huệ là kẻ thù của nhà Nguyễn, vừa là hung thủ vừa là nạn nhân của nhà Nguyễn. Kẻ thù của kẻ thù là bạn. Ca tụng Nguyễn Huệ chỉ là một cách để chống nhà Nguyễn. Sự thù ghét nhà Nguyễn của ông Trần Trọng Kim rất rõ rệt.
Trong Việt nam Sử lược, ông mở đầu chương nói về Tây Sơn bằng một cuộc tranh luận công khai với nhà Nguyễn về nhà Tây Sơn, ông thẳng thắn nói lý của nhà Nguyễn không phải là lý của dân tộc. Ông Hoàng Xuân Hãn còn kể rằng khi ông vâng mệnh vua Bảo Đại mời ông Trần Trọng Kim vào gặp vua Bảo Đại để lập chính phủ, ông Kim mới đầu gạt phắt đi: Cái thằng Bảo Đại gặp nó làm gì. Lúc đó vua Bảo Đại chưa thoái vị. Trần Trọng Kim là một nhà nho, thường thường đối xử rất khiêm cũng, phải thù ghét lắm ông mới gọi vua bằng thằng.
Từ 1945 trở đi khi cuộc tương tranh quốc-cộng nổ ra, Nguyễn Huệ lại được thêm một đồng minh mới, mạnh hơn nhiều lần ông Trần Trọng Kim: Đảng cộng Sản Việt nam. Đảng cộng sản ca tụng Nguyễn Huệ đủ điều (một cuốn sách do chính quyền cộng sản xuất bản để ca tụng Nguyễn Huệ có tựa đề là Dòng Gươm Nhân ái ) và đã dồn nỗ lực đưa hình ảnh Nguyễn Huệ anh hùng áo vải vào quần chúng vì mục đích tuyên truyền. Tôn vinh Nguyễn Huệ là phủ nhận nhà Nguyễn, mà vua Bảo Đại của nhà Nguyễn lại đứng đầu phe quốc gia cho nên tôn vinh Nguyễn Huệ cũng là hạ nhục phe quốc gia. Hình ảnh áo vải cờ đào (cờ đào thì có nhưng áo vải thì không) cũng rất thuận lợi cho cuộc cách mạng vô sản. Nguyễn Huệ cũng tiêu biểu cho những giá trị nền tảng của đảng cộng sản: bạo lực và chiến tranh. Cả Nguyễn Huệ lẫn đảng cộng sản đều đã làm khổ dân chúng và làm đất nước suy kiệt, sự chính đáng của cả hai chỉ dựa trên nhưng chiến thắng quân sự. Các đô đốc của Nguyễn Huệ cũng thuộc thành phần cơ bản, nghĩa là cũng không thuộc giới văn học như các cán bộ nòng cốt của đảng cộng sản. Nguyễn Huệ cũng hành động như đảng cộng sản. Cũng dựa vào một thiểu số có đội ngũ để khống chế cả nước, cũng thẳng tay tiêu diệt mọi phần tử có thể trở thành đối thủ, cũng bất chấp mọi đau khổ của dân chúng và những đổ vở cho đất nước, cũng tráo trở và lật lọng với cả đồng minh và đối thủ. Chừng nào Nguyễn Huệ còn là thần tượng của người Việt nam chừng đó đảng cộng sản vẫn không thể bị phủ nhận dứt khoát, dù có bị thù ghét đến đâu đi nữa. Hình ảnh Nguyễn Huệ đã đóng góp rất nhiều cho thắng lợi của đảng cộng sản và vẫn còn giúp đảng cộng sản duy trì một chỗ đứng nào đó trong lòng người Việt nam. Sau 1975, các lãnh tụ lớn của đảng cộng sản đều đến làng Tây Sơn trồng một cây để tỏ lòng tôn kính với Nguyễn Huệ mà họ coi gần như một thánh tổ của đảng.
Tôn thất và triều thần nhà Nguyễn đã không thể tranh cãi về Nguyễn Huệ vì nếu tranh cãi về Nguyễn Huệ thì cũng phải bàn đến vua Gia Long và những hành động không đẹp của ông. Sau Bảo Đại ông Ngô Đình Diệm cũng tránh đề cập đến các vấn đề lịch sử vì thân thế của chính ông. Ông là bày tôi nhà Nguyễn và thuộc dòng dõi bày tôi nhà Nguyễn, và hơn nữa ông làm quan dưới chế độ Pháp thuộc chứ không tham gia đấu tranh giành độc lập. Ông không có thế đứng mạnh để tranh cãi về lịch sử và có lẽ cũng chẳng hiểu biết gì về lịch sử. Các tướng tá cầm quyền sau ông Diệm đều là những người không có chỗ đứng lịch sử vẻ vang vì trong đại bộ phận họ đã từng ở trong quân đội Pháp. Vả lại họ hoàn toàn không quan tâm đến văn hóa và lịch sử. Nói chung phe quốc gia không nhìn thấy cả một chiến dịch tâm lý chiến của phe cộng sản đằng sau việc thổi phồng và tôn sùng Nguyễn Huệ.
Còn các sử gia? Phải tiếc rằng họ đã có đủ tài liệu, mà đôi khi họ cũng đưa ra một cách lẻ tẻ, nhưng họ đã không có can đảm đính chính một sai lầm lịch sử, mặc dầu sai lầm này đã có tác dụng rất độc hại trên số phận của dân tộc.
Người Việt chúng ta có một đặc tính là bất cứ điều gì dù sai đến đâu mà được chấp nhận trong một thời gian cũng trở thành một chân lý khó lay chuyển. Không những chấp nhận mà chúng ta còn khó chịu khi có người đặt lại vấn đề. Chúng ta cũng có tâm lý dĩ hòa vi quí, hễ điều gì bất luận đúng hay sai mà mọi người đã cho là đúng thì đừng nên cãi nữa, chỉ gây bất hòa vô ích. Đôi khi sự gắn bó với thành kiến còn đi đôi với thái độ bất dung, hằn học đối với những người đề nghị xét lại một thành kiến. Và như thế sự sai lầm cứ tồn tại.
Tôi đặt lại vấn đề Nguyễn Huệ bởi vì sự tôn sùng ông đã có ảnh hưởng lớn trên số phận dân tộc và vẫn còn đang ngăn cản một chuyển biến tư tưởng cần thiết. Nguyễn Huệ tiêu biểu cho nhưng giá trị mà chúng ta cần đánh đổ: võ biền, độc đoán, hung bạo, lật lọng và trái ngược với những giá trị mà ta cần phát huy: hòa bình, bao dung, hòa giải, lương thiện. Tôn sùng Nguyễn Huệ là một tâm lý rất tai hại mà ta cần chấm dứt. Hơn thế nửa, nhân vật Nguyễn Huệ thực sự lại không phải như vậy. Nguyễn Huệ, Nguyễn ánh, Lê Chiêu Thống, v.v… Đều là tổ tiên chúng ta cả. Chúng ta phải chấp nhận họ như là quá khứ và cội nguồn của chính chúng ta. Không ai lựa chọn tổ tiên, phủ nhận tổ tiên là phủ nhận chính mình, nhưng bóp méo lịch sử là một chuyện khác. Lịch sử vừa là tấm gương soi chân dung của một dân tộc vừa là một kho kinh nghiệm để học hỏi và quyết định những chọn lựa cho tương lai. Bóp méo lịch sử chúng ta sẽ không còn biết mình là ai và sẽ phải làm việc với những tài liệu sai. Không, tôi không có ý định làm ngược lại điều mà ông Trần Trọng Kim và đảng cộng sản đã làm, nghĩa là đả phá Nguyễn Huệ vì một dị ứng hay một mục đích chính trị. Nguyễn Huệ như thế nào chúng ta cứ chấp nhận ông như thế Chúng ta có một nhân vật Nguyễn Huệ đã nổi loạn, gây nhiều máu lửa và tang tóc, đã chiến thắng các đối thủ, đã lên làm vua, rồi chết sớm và con cháu bị tiêu diệt. Đó là sự kiện. Nhưng thần tượng Nguyễn Huệ thiên tài quân sự, anh minh sáng suốt và nhân nghĩa chỉ là một sự xuyên tạc lịch sử có dụng ý.