Giả tưởng về nguồn gốc của Can Chi
(Phụ cùng Nguyễn Trung Thông) Đặng Thanh Bình Can chi Can chi còn được gọi là thiên can địa chi hay thập can thập nhị chi, xuất hiện trong nền văn hoá Á đông, được dùng để xác định tên gọi trong lịch pháp cũng như trong chiêm tinh học và được cho rằng xuất hiện vào thời nhà ...
(Phụ cùng Nguyễn Trung Thông)
Đặng Thanh Bình
- Can chi
Can chi còn được gọi là thiên can địa chi hay thập can thập nhị chi, xuất hiện trong nền văn hoá Á đông, được dùng để xác định tên gọi trong lịch pháp cũng như trong chiêm tinh học và được cho rằng xuất hiện vào thời nhà Thương ở Trung Quốc.
Có 10 can là: Giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quý nên thường được gọi là thập can và có 12 chi là: Tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi nên thường được gọi là thập nhị chi. Thiên can và địa chi được phối hợp với âm dương, ngũ hành, phương vị, tứ quý tạo nên kiến thức vô cùng vô tận trong thế giới phương đông. Tuy nhiên trong bài viết này chúng ta chỉ tìm hiểu về các khái niệm, tính chất sơ đẳng nhất của thiên can địa chi với mục đích đặt giả thuyết về nguồn gốc của can chi, còn những kiến thức mênh mông khác thì để cho các nhà Dịch học.
Can chi được dùng với nghĩa nguyên thuỷ là thân cây và cành cây, do đó mà thập can và thập nhị chi chính là thể hiện của quá trình sinh trưởng và phát triển của cây cối. Cụ thể:
Giáp: nẩy mầm; Ất: nhú lên mặt đất; Bính: đón ánh mặt trời; Đinh: trưởng thành khỏe mạnh; Mậu: rậm rạp; Kỉ: dấu hiệu hoa trái; Canh: thay đổi; Tân: hoa quả mới; Nhâm: thai nghén cho mùa sau; Quý: mầm đang chuyển hóa.
Tý: mầm hút nước; Sửu: nẩy mầm trong đất; Dần: đội đất lên; Mão: rậm tốt; Thìn: tăng trưởng; Tỵ: phát triển; Ngọ: sung mãn hoàn toàn; Mùi: có quả chín; Thân: thân thể bắt đầu suy; Dậu: co lại; Tuất: khô úa héo tàn; Hợi: chết đi.
Về việc gắn tên 12 con vật (thường gọi là 12 con giáp) cho địa chi đến đầu công nguyên mới xuất hiện, trong việc gắn tên các con vật, chi mão đối với người phương bắc là con thỏ, nhưng đối với người phương nam là con mèo.
Khảo cứu về nguồn gốc của can chi dẫn chúng ta tới truyền thuyết vua Hiên Viên Hoàng Đế sai Đại Nhiễu chế ra can chi để tính thời gian mà làm lịch, trên cơ sở Hà Đồ do vua Phục Hy tìm ra khi quan sát chấm đen trắng trên lưng con Long Mã xuất hiện trên sông Hoàng Hà. Với các số lẻ (số dương) trên Hà Đồ là 1; 3; 5; 7; 9 để thể hiện đầy đủ âm dương nên lấy số 5 nhân 2 lần thành 10 can, với các số chắn (số âm) trên Hà Đồ là 2; 4; 6; 8; 10 để thể hiện đầy đủ âm dương nên lấy số 6 nhân 2 lần thành 12 chi.
Trong lịch pháp, tương ứng với 12 tháng là thập nhị chi, thập nhị chi cũng được sử dụng trong đơn vị thời gian là giờ [Tý (23-1 giờ); Sửu (1-3 giờ); Dần (3-5 giờ); Mão (5-7 giờ); Thìn (7-9 giờ); Tỵ (9-11 giờ); Ngọ (11-13 giờ); Mùi (13-15 giờ); Thân (15-17 giờ); Dậu (17-19 giờ); Tuất (19-21 giờ); Hợi (21-23 giờ)]. Để chỉ ngày và năm thì kết hợp thiên can với địa chi, vì thế mà hình thành nên Lục thập hoa giáp.
Nhận xét:
– Thiên can địa chi được sử dụng trong lịch pháp tuy nhiên thập nhị chi được gắn rất chặt chẽ trong mối quan hệ với tháng và giờ, trong khi thập can thì không được gắn cụ thể với đơn vị nào của thời gian, mà chỉ là yếu tố kết hợp với thập nhị chi để gọi tên ngày và năm.
– Cả thiên can và địa chi lại cùng được tạo ra với ý nghĩa nguyên thuỷ là sự phát triển của cây cối, liệu rằng có phải là thừa không, chỉ cần thiên can hoặc địa chi là đủ, không nhất thiết phải có đủ cả thiên can và địa chi. Liệu rằng ý nghĩa có thực sự là nguyên thuỷ không hay là khi nhận thấy việc thiên can và địa chi được dùng để chỉ thời gian, nên người xưa đã gắn ý nghĩa cho thiên can và địa chi như vậy vì quá trình hình thành và phát triển của cây cối cũng chính là thời gian.
- Giả tưởng
Trong bài Giả thuyết về bộ lịch trên trống đồng tôi có đề cập mấy ý sau:
– Một năm có 36 tuần, 1 tuần có 10 ngày, 2 năm có 1 tuần nhuận và có thể một ngày có 14 đơn vị thời gian.
– Hán lịch và lịch Đoi cơ bản giống nhau, cùng với sự tồn tại của nguyên tắc ngày lùi tháng tới, tôi cho rằng lịch Đoi ngày nay là sự cải tiền từ lịch Đoi cổ trên cơ sở Hán lịch, những mảnh vụn trong văn hoá Việt vô tình trùng với một số yếu tố trong lịch Đoi, cũng như mối quan hệ giữa Việt – Mường được thể hiện trên trống đồng Ngọc Lũ.
Câu hỏi bây giờ là: Lịch Đoi đã được cải tiến những gì? Đã có những gì thay đổi trong văn hoá Hán, Việt và Mường? Lịch Đoi một năm có 12 tháng, mỗi tháng có 3 tuần là tuần Cây, tuần Lôồng và tuần Cối, mỗi tuần có 10 ngày, tuần cuối tuỳ vào tháng thiếu và đủ mà có 9 hoặc 10 ngày. Kiều Bá Mộc cho rằng: Mồng (mùng) trong tiếng Việt chính là biến âm của Lôồng trong tiếng Mường. Trong lịch của người Việt cũng chia tháng thành 3 tuần là: thượng tuần, trung tuần và hạ tuần như người Hàn và mỗi tuần cũng có 10 ngày, hạ tuần cũng cứ vào tháng thiếu đủ mà có 9 hay 10 ngày. Câu hỏi là việc chia tháng theo tuần của người Mường cũng giống người Hán, giả sử là tiếp thu từ người Hán đi thì 3 tên gọi: Cây, Lôồng và Cối là từ có từ trước khi tiếp thu hay là sau khi tiếp thu và được người Mường tạo ra theo quy luật phát triển riêng (tiếp thu và thay đổi cho phù hợp). Câu hỏi thêm nữa là nếu như từ Mồng là biến âm của từ Lôồng thì 2 từ còn lại là Cây và Cối lại không còn dấu về trong văn hoá Việt. Từ Mồng có phải là dấu vết văn hoá hay chỉ là từ vô nghĩa dùng để kết hợp với các ngày từ một tới mười vì người Việt thích nói những từ ghép đôi, không thích những từ đơn. Về cách gọi ngày và năm, người Hán thường gọi theo can chi, trong văn hoá bác học của người Việt cũng gọi theo cách ấy, nhưng trong văn hoá dân gian thì người Việt gọi như thế nào?
Đối với ngày 15 hàng tháng, người Việt thường gọi là ngày Rằm mà không gọi là mùng rằm, từ Rằm này cũng là một từ đơn, giống với các ngày từ một tới mười, nhưng nó lại không được dùng với từ mồng (mùng) do đó tôi cho rằng: cách dùng từ mùng (mồng) của người Viết không phải xuất phát từ thói quen sử dụng ngôn ngữ mà nó là dấu vết (hoá thạch) của văn hoá cổ xưa hơn. Việc từ Mồng gắn liền với 10 ngày đầu trong tháng từ ngày một tới ngày mười cho thấy sự tồn tại của nhóm gồm cố định 10 ngày, không thay đổi sổ lượng. Người Việt tiếp xúc với người Hán nhiều hơn người Mường, nên sự Hán hoá là lớn hơn, nghĩa là những hoá thạch (dấu vết) của văn hoá cổ xưa thời tiền Việt – Mường sẽ ít hơn. Người Việt sử dụng thượng tuần, trung tuần và hạ tuần như người Hán, từ Mồng có lẽ là rất ít dấu vết còn sót lại. Người Mường cũng tiếp thu định lượng về tháng và tuần nhưng các thuật ngữ vẫn còn giữ được nhiều hơn người Việt, lưu ý rằng: thời tiền Việt – Mường các thuật ngữ có thể khác đi, không nhất thiết giống như người Mường dùng hiện nay.
Bây giờ chúng ta đặt một giả thuyết ngược lại: Giả sử như qua việc giải mã trống đồng Ngọc Lũ (chỉ căn cứ vào trống đồng Ngọc Lũ mà thôi, không căn cứ thêm vào các yếu tố văn hoá Việt hay Mường) chúng ta được một bộ lịch, tạm gọi là lịch phương nam (vì được tìm thấy ở phương nam). Thì bây giờ chúng ta đem so sách với Hán lịch (tạm gọi là lịch phương bắc) thì chúng ta nhận thấy có những nét tương đồng: Cả 2 bộ lịch đều đã biết tới các đơn vị thời gian như: Chu kỳ của năm; năm; tháng; tuần; ngày; giờ. Trong đó ngày là dễ dàng nhận ra nhất, thông qua việc chiếu sáng hoặc không chiếu sáng của mặt trời; sau đó đến tháng, thông qua số lần trăng tròn; sau đó đến mùa, do đó kéo theo sự nhận biết về năm. Đây là những đơn vị dễ dàng biết được và ở cả phương nam và phương bắc đều có những điều kiện để nhận biết được, từ những điều kiện ấy cả phương nam và phương bắc đều có thể chế ra lịch có những đơn vị này, có thể định lượng khác nhau song về mặt định tính thì đều có. Tuy nhiên có 1 điểm dị biệt theo tôi là căn bản: Trong lịch phương bắc xuất hiện thêm một yếu tố thú vị nữa là Tiết khí, đặc biệt là Đại tuyết (một tiết khí rất đặc trưng cho phương bắc) thêm vào đó là sự tồn tại của Tháng Nhuận cho chúng ta biết vai trò quan trọng của Tháng trong hệ thống định tính thời gian, tuần được điều chỉnh theo tháng. Trong khi trong lịch phương bắc (trên trống đồng Ngọc Lũ) thì vai trò quan trọng lại nằm ở Tuần chứ không phải tháng vì tuần được thể hiện rất rõ và dễ xem, nằm ở vị trí trung tâm, trong khi tháng thì rất khó xem, không phải trung tâm, giống như là đơn vị phụ.
Trong khi Tuần có vị trí quan trọng như vậy trong lịch phương nam, thì đến thời Việt và Mường, tuần đã mất đi vai trò ấy, trở thành yếu tố trong hệ thống định tính thời gian có thể thay đổi theo yếu tố tháng, mà đây chính là đặc tính của lịch pháp phương bắc và cũng chính là mắt xích đầu tiên bị cải tiến, Hán hoá. Nếu đem nhận định trên để xem xét trong nền văn hoá thì: Những yếu tố giữ vai trò quan trọng, cốt lõi thường để lại dấu vết rõ ràng hơn hay lâu hơn trong khi các yếu tố kém quan trọng có thể đã mất đi, khi ấy trong văn hoá Việt từ Mồng (chỉ nhóm đơn vị gồm 10 ngày) và từ Cây; Lôồng; Cối trong văn hoá Mường để chỉ tuần vẫn tồn tại.
Như vậy chúng ta nhấn mạnh tới sự tồn tại của bộ lịch phương nam (nếu có) về vai trò quan trọng của yếu tố định tính là Tuần, cụ thể trên trống đồng Ngọc Lũ thì: Tuần được thể hiện trong mối quan hệ với tháng – năm và ngày. Đối với ngày: tuần luôn luôn bao gồm 10 ngày, đối với năm: thì có 36 tuần, năm nhuận có 37 tuần. Điểm thú vị là: Tuần đầu gọi tên tuần Cây; tuần thứ gọi tên tuần Lôồng; tuần sau gọi tên tuần Cối, chúng ta phải tạm gọi theo cách gọi của người Mường, vì chúng ta chưa xác định được âm cổ hơn của tên gọi 3 tuần này. Như vậy là năm bình thường có cả thảy: 12 tuần Cây; 12 tuần Lôồng và 12 tuần Cối.
Nếu bây giờ chúng ta đem gép Lịch phương nam với Thiên can địa chi thì chúng ta có: Mười ngày trong 1 tuần tương ứng với thập thiên can. Mười hai nhóm, mỗi nhóm gồm 3 tuần (Cây; Lôồng; Cối) tương ứng với thập nhị chi. Nếu vậy giống như thập nhị chi, thập can cũng gắn chắt với một yếu tố định tính của thời gian, chứ không còn là yếu tố phụ được tạo ra để phối hợp với thập nhị chi với mục đích gọi tên ngày và năm như trong lịch phương bắc.
Câu hỏi là chúng ta sẽ xếp thập nhị chi vào 3 tuần hay xếp 3 tuần vào từng chi?