18/06/2018, 16:32

Nhật Bản và cuộc Thế chiến thứ hai

Nguyễn Nam Trân I – Chiến tranh Nhật Trung bột phát và hoá thành bãi lầy: 1.1 Mưu toan cắt Hoa Bắc khỏi Trung Quốc: Từ sau Biến cố Mãn Châu, Nhật đã chuốc lấy sự khinh ghét của thế giới. Họ lập được Mãn Châu Quốc đấy nhưng rốt cuộc nước này chẳng được quốc gia nào trong ...

4_ch05_13

Nguyễn Nam Trân 

I – Chiến tranh Nhật Trung bột phát và hoá thành bãi lầy:

1.1 Mưu toan cắt Hoa Bắc khỏi Trung Quốc:

Từ sau Biến cố Mãn Châu, Nhật đã chuốc lấy sự khinh ghét của thế giới. Họ lập được Mãn Châu Quốc đấy nhưng rốt cuộc nước này chẳng được quốc gia nào trong Hội Quốc Liên nhìn nhận. Nhật Bản cáu kỉnh bực bội, đến tháng 3 năm 1933 (Shôwa 8) thì chính thức ra tuyên bố rút khỏi liên minh quốc tế này. Thế rồi, một mặt họ quyết định tiếp tục hành động quân sự, mặt khác, cai trị Mãn Châu theo phương pháp đặc biệt của mình.

Trong tình thế như vậy, Tưởng Giới Thạch và chính phủ Dân quốc bắt đầu thấy cần phải đi đến một hành động thỏa hiệp để ngăn không cho Nhật Bản mở rộng can thiệp quân sự. Do đó, vào tháng 5 năm 1933, hai bên đã ký kết với nhau một hiệp định đình chiến Nhật Trung có tên là Hiệp định đình chiến Đường Cô (Tankuu), và như thế, Trung Quốc vô hình trung nhìn nhận có một Mãn Châu Quốc!

Tại sao lại phải đi đến chỗ ký hiệp định này? Lý do là chính phủ Dân quốc thấy rằng không những Nhật không thuận theo quyết nghị của Hội Quốc Liên (điều mà họ hằng mong đợi) và hiện thời họ đang phải đối đầu với lực lượng quân sự của Đảng Cộng Sản đang bành trướng thế lực trong nước. Đang ở trong một tình trạng phải gọi là nội chiến khốc liệt như vậy, họ cảm thấy không đủ sức để gánh thêm một kẻ địch khác là quân Quan Đông.

Hiệp định đình chiến Đường Cô ấn định việc vạch ra một khu vực phi quân sự giữa Trung Quốc và Mãn Châu Quốc nằm ở phía nam khu vực Trường thành. Quân Nhật sẽ không có quyền vượt khỏi vùng phi quân sự đó để gây hấn. Hiệp ước đình chiến này cũng kết thúc những vấn đề đẻ ra từ cuộc Biến cố Mãn Châu. Trên thực tế, nó đã có tác dụng cắt Mãn Châu ra khỏi Trung Quốc và đặt lãnh thổ này dưới quyền kiểm soát của quân Nhật.

Thế nhưng, trên thực tế, quân Nhật vẫn chưa thỏa mãn. Họ còn muốn tiến xuống sâu hơn trong đại lục và âm mưu chia cắt vùng Hoa Bắc. Điều đó có nghĩa là họ muốn chiếm luôn năm tỉnh nằm tiếp giáp Mãn Châu Quốc: Hà Bắc, Sơn Đông, Sơn Tây, Tuy Viễn và Chahar (Sát Cáp Nhĩ) [1] rồi đặt chúng dưới sự kiểm soát của mình, tương tự trường hợp Mãn Châu Quốc. Về cách thức châm ngòi thuốc súng, họ định tạo một biến cố y như Biến cố Mãn Châu, còn cai quản thì họ sẽ dựng lên một chính phủ bù nhìn như chính phủ Mãn Châu Quốc.

Trước tiên, vào tháng 6 năm 1935 (Shôwa 10), Nhật Bản ký kết với chính phủ Dân Quốc một văn bản có tên là Hiệp định Umedzu – Hà Ứng Khâm. Umedzu tức Umedzu Yoshijirô (Mai Tân, Mỹ Thứ Lang, viên tư lệnh quân Nhật đồn trú trên đất Trung Quốc), còn Hà Ứng Khâm là tướng lãnh trong quân đội Dân Quốc. Hiệp định này giúp Nhật loại trừ những thế lực của quân đội Quốc Dân Đảng có tinh thần bài Nhật ra khỏi tỉnh Hà Bắc nhưng bên trong nhằm đặt toàn vùng Hà Bắc dưới ảnh hưởng của quân đội Nhật. Vào cuối tháng đó, lại có Hiệp định Doihara – Tần Đắc Thuần với nội dung tương tự cũng được ký giữa Doihara Kenji (Thổ Tỉnh Nguyên, Hiền Nhị) đại diện quân Quan Đông và Tần Đắc Thuần đại diện Quốc Dân Đảng. Lần này, mục đích của Nhật là quét sạch lực lượng Quốc Dân Đảng nằm trong tỉnh Chahar.

Được như thế rồi, quân Nhật bèn tung ra một nhân vật thân Nhật tên Ân Nhữ Canh và cho ông ta lập một đoàn thể có tên Ký Đông phòng Cộng tự trị ủy viên hội (sau đổi tên thành Ký Đông phòng Cộng tự trị chính phủ) làm bù nhìn cho mình. Tổ chức này bèn ra tuyên ngôn xem Hà Bắc là một khu tự trị.

Xin nói thêm chữ Ký trong Ký Đông là để ám chỉ tỉnh Hà Bắc. Ký Đông có nghĩa khu vực phía đông Ký châu tức Hà Bắc.Phòng Cộng có nghĩa là ngăn ngừa Cộng Sản.

Hành động của quân Nhật khiến cho chính phủ Dân Quốc cảm thấy nguy đến nơi nên đã cử một nhân vật tên là Tống Triết Nguyên lên Bắc Bình (tức Bắc Kinh) dựng nên một cơ quan nhà nước có tên Ký Sát chính vụ ủy viên hội và giao cho nó một ít quyền tự trị. Họ nhắm dùng tổ chức hành chánh này để kềm kẹp âm mưu của người Nhật muốn mau chóng biến Hoa Bắc thành vùng đất thuộc địa mới.

Sát trong cụm từ Ký Sát có nghĩa là Sát Cáp Nhĩ, phiên âm Hán chữ Chahar.

Việc quân Nhật nới rộng vùng ảnh hưởng của mình trên đất Hoa Bắc khiến cho bên trong chính phủ Dân Quốc có những tiếng nói mạnh mẽ, đặt vấn đề xem có nên tiếp tục cuộc nội chiến để tiểu trừ quân Cộng Sản hay không.

Dân chúng Trung Quốc cũng tỏ ra giận dữ trước âm mưu chia cắt để chiếm đoạt vùng Hoa Bắc, quá lộ liễu, quá trắng trợn dưới mắt họ. Những cuộc biểu tình chống Nhật bắt đầu được tổ chức khắp nơi, gây nên một phong trào vận động kháng Nhật cứu quốc.

Vừa lúc dó thì xảy ra Biến cố Tây An (The Shian Incident).

Tướng Trương Học Lương (1901-2001, con trai tướng quân phiệt Mãn Châu là Trương Tác Lâm, người đã bị quân Quan Đông cho nổ bom sát hại), sau khi về hàng Tưởng Giới Thạch, được giao nhiệm vụ tiểu trừ quân Cộng Sản và đồn binh ở Tây An. Lợi dụng một chuyến viếng thăm thành phố này của Tưởng Giới Thạch với mục đích cổ vũ Trương phải ra sức diệt Cộng hơn nữa, Trương đã bắt cóc Tưởng và tạm giam cầm để thuyết phục Tưởng phải đình chỉ cuộc nội chiến Quốc – Cộng giữa người Trung Quốc với nhau, thay vào đó, chung sức kháng chiến chống Nhật.

Rốt cuộc, Tưởng đành phải nghe theo lời Trương. Vụ này được gọi là Biến cố Tây An, xảy ra vào tháng 12 năm 1936 (Shôwa 11). Nhân đấy, chính phủ Dân Quốc đình chỉ nội chiến và chuyển qua thực hiện phương sách chống Nhật.

1.2 Vụ Lư Câu Kiều và Chiến tranh Trung Nhật:

Sau Biến cố Tây An, chính phủ Dân Quốc đã thay đổi lập trường một cách nhanh chóng. Họ không những yêu cầu Nhật dẹp bỏ Ký Đông phòng Cộng tự trị chính phủ mà còn lôi ra lại vấn đề tranh chấp về Mãn Châu.

Giữa lúc đó thì xảy ra một vụ xung đột khác giữa hai bên mà lịch sử được biết tới như vụ Lư Câu Kiều (hay Lô Câu Kiều) nhằm ngày 7 tháng 7 năm 1937 (Shôwa 12).

Đó là một địa điểm cách Bắc Bình (Bắc Kinh) khoảng 20 cây số về hướng Nam Tây (gần Nam hơn Tây). Lư Câu Kiều vốn là tên một chiếc cầu đá cổ xưa bắt qua một cái ngòi (câu), tương truyền cầu hoàn thành vào năm 1189.

Đêm 7 tháng 7, quân Nhật đồn trú ở Trung Quốc (mà họ gọi là Chi Na) đang diễn tập quân sự ở vùng phụ cận Lư Câu Kiều thì bỗng không biết từ đâu có vài phát đạn bắn tới. Quân Nhật tức khắc tập họp lính lại để điểm danh nhưng thấy thiếu mất một người. Có kẻ hô hoán “Không chừng anh ta đã bị bọn lính Trung Quốc ra tay rồi?” làm cho cả bọn đinh ninh như vậy nên đi kiếm chuyện với lính Trung Quốc. Cuối cùng cuộc chiến đấu giữa hai bên đã diễn ra. Người lính mất tích tối hôm trước thì lại trở về bình yên vô sự ngay hôm sau!

Tuy vậy, cuộc giao tranh giữa hai bên vẫn tiếp tục. Chẳng bao lâu, một hiệp định đình chiến được ký kết. Nếu chính phủ Nhật sau đó không hành động thì có lẽ một sự cố nhỏ bé này đã chẳng biến thành một cuộc chiến tranh Nhật Trung toàn diện. Thế nhưng chính phủ Nhật đã quyết định gửi quân qua.

Nội các đương thời do Thủ tướng Konoe Fumimaro (Cận Vệ, Văn Lữ, 1891-1945) [2] lãnh đạo, mới tổ chức xong không lâu.

Tháng 1 năm 1937 (Shôwa 12), sau khi Nội các Hirota Kôki tổng từ chức và tướng Ugaki Kazushige thất bại trong việc thành lập nội các mới, nhân vật tên Hayashi Senjuurô (Lâm, Tiên Thập Lang, 1876-1943) [3], một đại tướng lục quân, đã thành công.

Trong thời gian Biến cố Mãn châu, tướng Hayashi đang giữ chức tư lệnh quân đội ở Triều Tiên. Nhân vì ông quyết định độc đoán, không đợi sắc dụ mà đơn phương đem quân đóng ở Triều Tiên vượt biên giới tiến vào Mãn Châu nên có cái hỗn danh là “ông tướng vượt biên” (ekkyô shôgun = việt cảnh tướng quân). Sau đo, về nước, ông đã giữ nhiệm vụ tổng trưởng lục quân.

Hayashi chủ trương “chính trị đi đôi với tín ngưỡng” (tế chính nhất trí), thường đề ra những khẩu hiệu có màu sắc thần bí. Ông lại bổ nhiệm Yuuki Toyotarô (Kết Thành, Phong Thái Lang) người được lòng giới kinh tài vào chức Tổng trưởng tài chính để làm cầu nối giữa quân phiệt và tài phiệt. Chính sách kết hợp hai thành phần đó có tên là gunzai hôgô (quân tài bão hợp).

Chỉ riêng việc trong nội các của Hayashi không có lấy một bóng người xuất thân từ chính đảng, cho thấy nó là một nội các đậm chất quân phiệt. Nhưng cũng chính vì thái độ muốn loại trừ chính đảng ra khỏi chính trị mà Thủ tướng Hayashi bị quốc hội phản đối. Nhân quốc hội cứ liên miên làm khó dễ, rốt cuộc ông bèn cho giải tán nó và tổ chức tổng tuyển cử mới.

Để chuẩn bị cho cuộc tuyển cử, ông đã thành lập một chính đảng lớn thân quân đội. Nào ngờ điều đó chỉ gieo ác cảm cho dân chúng vốn thấy đất nước mình đang tiến trên con đường quân quốc chủ nghĩa. Kết quả cuộc bầu cử đã đem thắng lợi lớn cho phía các chính đảng. Nội các Hayashi thấy chính sách của họ không được dân ủng hộ, mất tự tin và tổng từ chức. Nó chỉ kéo dài vỏn vẹn 4 tháng. Và như đã nói, người kế tiếp tướng Hayashi trong chức vụ thủ tướng là Công tước Konoe Fumimaro.

Konoe xuất thân quí tộc, con cháu một gia đình đứng đầu trong 5 gia đình nhiếp chính ngày xưa. Ông lịch sự, thanh nhã, ăn nói duyên dáng, mới có 47 tuổi, lại đề xướng cải cách cho nên mọi người rất mến. Ông được xem như một ngôi sao đang lên trong chính trường và người ta kỳ vọng nhiều nơi ông. Tuy là chuyện bên lề nhưng cũng xin cho biết Konoe chính là tổ phụ của một nhân vật nổi tiếng gần đây: Hosokawa Morihiro (Tế Xuyên, Hộ Hi), nguyên chủ tịch Nihon Shintô (Nhật Bản Tân Đảng) và là thủ tướng vào tháng 8/1993. Hai ông cháu vừa có gương mặt giống nhau, cách ăn nói và hành động lại có nhiều điểm chung.

4_ch05_01KonoeFumimaro

Thủ tướng Konoe Fumimaro

Nội các Konoe lần thứ nhất (ông làm thủ tướng đến 3 lần) đã tuyển dụng cả thành viên các chính đảng ra làm việc. Nội các của ông có tính cách đoàn kết tất cả các phe nhóm. Thế nhưng chẳng may, khi nội các vừa mới bắt tay vào việc được một tháng thì vụ Lư Câu Kiều đã xảy ra.

Ban đầu, Nội các Konoe chủ trương không xé ra to. Ngay cả bộ tham mưu quân đội và bộ lục quân cũng chưa nhất trí có nên phái binh qua Trung Quốc hay không. Tuy nhiên, dần dần phái chủ chiến (đòi phái binh) đã chiếm ưu thế. Hai cơ quan nói trên đều yêu cầu nội các cho xuất quân.

Những kẻ đòi phái binh lập luận: “Trong khi Trung Quốc đông đến 40 vạn, lính Nhật tại chỗ chỉ có 5 nghìn! Nếu cuộc chiến lan rộng thì lấy ai bảo vệ 1 vạn 2 nghìn kiều dân. Không những thế, lính Nhật có thể đại bại và bị tiêu diệt. Để kềm không cho việc này xảy ra, chi bằng phái binh”. Nghe theo lời họ, Tổng trưởng lục quân Sugiyama Hajime (Sam Sơn, Nguyên, 1880-1945) [4] đã đốc thúc các thành viên nội các chấp thuận giải pháp này. Nội các Konoe đành thay đổi lập trường, quyết định gửi quân qua Trung Quốc, dù một hai vẫn căn dặn chớ để chiến tranh mở rộng, và yêu cầu giải quyết vấn đề tại chỗ. Có lẽ quyết định này đến từ việc họ e ngại nếu tướng Sugiyama từ chức thì cả nội các lại phải từ chức theo.

Tuy nhiên, quyết định nói trên là quyết định sai lầm to lớn nhất của Nhật Bản. Nghe Nhật Bản gửi quân qua, chính phủ Dân Quốc bèn đổi qua thái độ cứng rắn. Tướng Tưởng Giới Thạch đã đọc diễn văn: “Nếu quân Nhật qua đây, chúng ta sẽ triệt để kháng cự!”

Như thế, cuộc xung đột Nhật Trung đã trở thành chiến tranh toàn diện.

Hai bên đánh nhau kể từ thời điểm đó cho đến tận tháng 8 năm 1945 (Shôwa 20), khi cuộc chiến tranh Thái Bình Dương kết thúc và quân đội Nhật đầu hàng lực lượng Đồng Minh. Cuộc chiến được mệnh danh là Chiến tranh Trung Nhật (1937-1945) nhưng theo lối mệnh danh của người Nhật thì nó chỉ là Biến cố Bắc Chi (Hokushi Jihen).

Dĩ nhiên Bắc Chi có nghĩa là miền Bắc của Chi-na tức vùng Hoa Bắc, nhưng lúc ấy, lửa chiến tranh đã lan sang cả Hoa Trung rồi. Tuy hai bên chưa hề tuyên chiến với nhau, cuộc chiến đã triển khai một cách toàn diện. Người Nhật nhân đấy đổi lối gọi từ Biến cố Bắc Chi sang Biến cố Chi-na.

Chiến tuyến dần dần kéo dài từ Bắc xuống Nam. Thế rồi một vùng Thượng Hải đã trở thành bãi chiến trường chính. Hai bên địch thủ giao tranh qua lại kịch liệt. Quân chính phủ Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch đến tháng 9 năm 1937 (Shôwa 12) đã kết hợp được với quân đội Cộng Sản (gọi là Đệ nhị thứ Quốc Cộng hợp tác). Một Mặt trận thống nhất kháng Nhật đã ra đời.

Tại thành phố Thượng Hải, quân Nhật khổ chiến trong khi quân đội Trung Quốc hăng hái chiến đấu như vừa nhận được một luồng sinh khí mới. Tuy phải chịu nhiều thương vong nhưng rốt cuộc vào tháng 11 năm ấy, quân Nhật cũng đã khống chế được thành phố (gọi là Đệ nhị thứ Thượng Hải sự kiện). Rồi theo đà, họ tiến quân lên chiếm thành phố Nam Kinh, thủ đô của chính phủ Dân Quốc, nằm cách Thượng Hải khoảng 300 cây số. Chính phủ Dân Quốc phải rút về Hán Khẩu, rồi dời đô về Trùng Khánh, một thành phố nằm sâu hơn trong nội địa. Họ tiếp tục kháng chiến bền bĩ. Phía Nhật cũng phái binh tăng viện nhiều lần, thế nhưng vẫn không sao khuất phục được đối phương.

Trong giai đoạn Chiến tranh Trung Nhật, lính Nhật đã có những hành vi tàn ngược khắp nơi nhưng đặc biệt khi áp chế Nam Kinh, họ đã giết hại rất nhiều người kể cả những thường dân không tham gia chiến đấu. Lúc đó cơ sự chưa vỡ lỡ, chỉ đến khi có phiên tòa ở Tôkyô xử tội phạm chiến tranh thì mọi việc mới phơi bày ra ánh sáng. Vụ đó được biết dưới cái tên Nam Kinh sự kiện (The Nankin Incident). Tuy việc giết hại thì đã rõ ràng, các nhà viết sử hãy còn tranh cãi về qui mô của nó, nhất là con số nạn nhân.

Như thế, cuộc Chiến tranh Trung Nhật đã kéo dài hơn dự tưởng. Hai bên vẫn không có dấu hiệu tìm cách giảng hòa thực sự. Viên đại sứ Đức tại Trung Quốc là O.P. Trautmann muốn đóng góp vai trò trung gian của mình vào việc hòa giải nhưng cố gắng của ông chẳng đưa đến một thành quả nào. Dĩ nhiên đó là vì điều kiện của hai bên đặt ra quá đỗi đối nghịch.

Thế rồi, Chính phủ Konoe ra tuyên ngôn số 1 (Konoe seimei 1) : ” Chính phủ đế quốc (ý nói Nhật Bản) từ rày về sau sẽ không xem chính phủ Dân Quốc (của Tưởng Giới Thạch) như kẻ đáng nói chuyện”, ý muốn cho rằng việc thương thuyết đã trở thành bế tắc, chỉ còn có cách tiếp tục giải quyết bằng vũ lực. Đó là tuyên ngôn tuyệt giao của Nhật ra ngày 16 tháng 1 năm 1938 (Shôwa 13).

Hai hôm sau khi Konoe đưa ra tuyên ngôn số 1 xem chính phủ Dân Quốc như những kẻ không đáng nói chuyện, ông lại đổ thêm dầu vào lửa khi có lời bình cho biết câu nói đó phản ánh sự miệt thị của ông. Thái độ này chỉ làm cho việc cố gắng chấm dứt chiến tranh bằng hòa đàm trở thành không tưởng.

1.3 Ban bố thể chế thời chiến:

Khi chiến tranh Nhật Trung trở thành dai dẳng, chính phủ bèn nghĩ đến việc áp dụng một thể chế thời chiến đồng thời trong các lãnh vực chính trị, quân sự lẫn kinh tế, dùng quyền lực nhà nước cưỡng chế quốc dân phải tuân theo.

Nội các Konoe Fumimaro đưa ra 3 khẩu hiệu: “Cử quốc nhất trí, tận trung báo quốc, kiên nhẫn trì cửu” nghĩa là cả nước đoàn kết một lòng, nhẫn nại không ngừng, đem hết tâm lực phục vụ nhà vua và đất nước. Như thế, chính phủ muốn động viên tinh thần toàn thể quốc dân để phục vụ cho nỗ lực chiến tranh.

Đồng thời, trong hai ngày 3 tháng 11 và 22 tháng 12 năm 1938 (Shôwa 13), Thủ tướng Konoe trước sau đều tuyên bố: “Cuộc chiến tranh này có mục đích giải phóng châu Á thoát khỏi chủ nghĩa đế quốc Âu Mỹ và cũng để đạp đổ chủ nghĩa Cộng Sản, liên kết 3 nước Nhật, Mãn, Hoa nhằm thành lập một trật tự mới ở vùng Đông Á”. Qua lời tuyên bố ấy, mục tiêu chiến tranh đặt ra thật là cao đẹp. Ông còn lên tiếng với quốc dân: “Đây là một cuộc chiến tranh có chính nghĩa” và tỏ ra vô cùng tin tưởng vào kết quả của nó. Không những biện minh trước quốc dân Nhật Bản, ông còn muốn kêu gọi cả với thế giới.

Trước đây, ở Nhật đã có một tổ chức nửa quan nửa dân tên là Kyôchôkai (Hiệp điệu hội). Đó là cơ quan hòa giải giới chủ nhân và giới lao động. Nay với thể chế thời chiến, chính phủ đã kêu gọi các đoàn thể tư bản và các công đoàn làm việc với nhau để đến năm 1938 (Shôwa 13) thì họ đẻ ra được một tổ chức gọi là Sangyô hôkoku renmei (Sản nghiệp báo quốc liên minh). Những thành viên trong đoàn thể làm kỹ nghệ vì mục đích “yêu nước” này, bất luận chủ hay thợ, đều phải hợp tác để phục vụ chiến tranh.

Ở các hãng xưởng, rất nhiều công đoàn cứ giữ nguyên hình thức như thế mà biến thành các “sản nghiệp báo quốc hội”. Dần dần con số hội viên tăng lên. Đến năm 1940 (Shôwa 15) thì con số các chi nhánh của Đại Nhật Bản sản nghiệp báo quốc hội đã lên đến 7 vạn đơn vị, qui tụ 418 vạn người. Cũng nên nhắc rằng khi Đại Nhật Bản báo quốc hội đã thành hình rồi thì các công đoàn bị cưỡng chế phải giải tán.

Để tiếp tục cuộc chiến, chính phủ đã nắm trọn kinh tế trong tay. Năm 1937 (Shôwa 12) với việc ban hành 2 đạo luật “lâm thời” (bất thường), một về cho vay vốn (Lâm thời tư kim điều chỉnh pháp), một về về xuất nhập khẩu (Du xuất nhập phẩm lâm thời thố trí pháp), họ dành cho các ngành kỹ nghệ quân nhu quân dụng ưu tiên vay vốn làm ăn và đặt mậu dịch vật tư dưới sự kiểm soát của nhà nước. Như thế họ đã tích cực tập trung vốn liếng quốc gia vào việc sản xuất những nhu yếu dùng trong chiến tranh.

Những đại xí nghiệp của nhóm tư bản truyền thống cũng góp sức vào việc chế tạo quân nhu, đúng như đòi hỏi mà quốc sách đã đề ra.

Cũng trong vòng năm đó, chính phủ thiết lập Kikakuin (Kế hoạch viện), đặt chương trình cung cấp vật tư sao cho đúng với đòi hỏi của cuộc chiến.Theo đó thì kể từ năm sau, để có thể tiếp tục chiến đấu, phải ưu tiên cho việc nhập cảng quân nhu quân dụng, và như thế, giảm bớt việc nhập khẩu nhu yếu phẩm dân sự. Với thời gian, khuynh hướng ấy càng rõ.

Cũng vậy, chính phủ còn đặt kế hoạch mở rộng sản xuất để dốc toàn lực vào cuộc chiến. Do đó, trong nước lại đặt ưu tiên cho việc sản xuất vật tư cho quân đội. Mức sản xuất những mặt hàng như máy móc và kim loại ngoài thép (non ferrous metals, ý nói đồng, chì, sắt, nhôm, thiếc và bạch kim) đã vọt lên hẳn trong năm 1944 (Shôwa 19). Việc sản xuất nhu yếu phẩm cho dân chúng bị hạn chế và việc xuất khẩu hàng hoá cũng giảm đi. Các trung tiểu xí nghiệp bị nhà nước bắt buộc tổ chức lại làm cho một số lớn đã đi đến chỗ khánh tận.

Cũng nhắc lại là vào năm 1938 (Shôwa 13), nhà nước đã ban hành một đạo luật về việc quản lý điện lực. Họ cho thành lập một công ty điều hành việc phân phối điện (tống điện = sôden) để quản lý việc kinh doanh của các công ty điện lực. Như thế chính phủ càng can thiệp mạnh mẽ hơn vào việc kinh doanh của giới dân sự.

Vào tháng 4 năm ấy, chính phủ ban hành Lệnh “quốc gia tổng động viên”. Nhân danh nhu cầu quốc phòng thời chiến, cho dù không có sự phê chuẩn của quốc hội, chính phủ vẫn có thể, thông qua các sắc lệnh, kiểm soát toàn thể các nguồn nhân lực cũng như tài lực trong và ngoài nước (Đó là các điều 1, 4 và 8 của Kokka sôdôin hô = Quốc gia tổng động viên pháp).

Thế rồi đến tháng 7 năm sau (1939), dựa trên một sắc lệnh theo tinh thần của bộ luật nói trên, chính phủ đã đưa ra Lệnh trưng dụng quốc dân (Kokumin chôyôrei), cưỡng chế dân chúng đi lao động ở các công xưỡng chế tạo quân nhu.

Bằng những phương pháp như thế, chính phủ nắm trọn được nền kinh tế, bắt nó chạy theo mục đích phục vụ chiến tranh, làm cho sinh hoạt của dân chúng Nhật Bản chẳng mấy chốc trở nên vô cùng cực khổ và bi đát.

Vậy mà chính phủ vẫn chưa tha. Dương cao khẩu hiệu “Xa xỉ là địch”, họ còn đưa ra những đòi hỏi ép xác mới, siết chặt gọng kềm đối với người dân.

Vì đồ tiêu dùng không đủ, vật giá tăng lên. Tháng 10 năm 1939 (Shôwa 14), chính phủ phải ban hành lệnh kiểm soát giá cả. Lệnh này cấm không cho tăng giá. Lại nữa, cũng vào năm ấy, có lệnh không chế tạo hàng vải với mục đích tiêu dùng trong quốc nội. Thế rồi kể từ năm 1940 (Shôwa 15), dân chúng nếu muốn mua đường, diêm quẹt, than củi… tức là những vật dụng thường ngày, bắt buộc phải có vé (kippu). Sang đến năm sau, mua quần áo cũng cần vé. Còn như gạo là món ăn chính của người Nhật, từ đó muốn mua cũng không được nữa, phải đợi được chia. Nhìn chung, dân chúng không còn có thể mua bán tự do. Thời đại thiếu trước hụt sau đã đến với họ.

Hòm thư bưu điện, ghế sắt công viên và những vật dụng kim loại khác đều bị thu hồi để chế tạo vũ khí. Nhiều món đồ dùng thay dùng tạm đã được sản xuất. Chẳng hạn vì lý do cần nhiều da, người Nhật không còn được đi giày mà phải đi dép gỗ. Xe buýt không còn chạy bằng dầu xăng mà bằng than củi. Muổng sắt được thanh thế bằng muổng tre. Vào năm 1939 (Shôwa 14), người ta không dùng bê tông cốt sắt mà dùng bê tông cốt tre trong việc xây dựng. Hết kiệm ước tới thắt lưng buộc bụng, lúc nào dân chúng cũng bị trói buộc, nói chung họ phải sống hết sức khốn khổ.

Năm 1940 (Shôwa 15), ở nông thôn lại đẻ ra một chế độ mới là cung cấp thóc gạo. Gạo sản xuất xong, nhà nông bị bắt buộc đem bán cho chính phủ với giá rẻ. Những người có sức lao động thì đã bị chính phủ bắt đi lính hết rồi, phân bón hay những vật tư dùng vào việc sản xuất lại quá thiếu thốn. Do đó, vào năm 1939 (Shôwa 14), sức sản xuất lương thực trong nước trở nên vô cùng tồi tệ. Tình trạng kinh tế nông thôn cực kỳ khó khăn và nạn thiếu thốn lương thực không còn cách nào che dấu được nữa.

Sự kiểm soát kinh tế trong thời chiến

Tháng 7/1937 Vụ Lư Câu Kiều bùng nổ. Xung đột Trung Nhật lan rộng.
Tháng 9/1937 Công bố đạo luật lâm thời về việc điều chỉnh vốn đầu tư.
  Công bố đạo luật lâm thời về việc quản lý xuất nhập khẩu
Tháng 10/1937 Thành lập Kikakuin (Viện kế hoạch)
Tháng 4/1938 Công bố luật tổng động viên và luật quản lý nguồn điện.
Tháng 7/1939 Công bố luật trưng dụng quốc dân.
Tháng 10/1939 Công bố lệnh kiểm soát vật giá.
Tháng 10/1940 Chế độ cung cấp gạo (buộc nông dân bán gạo cho nhà nước)
Tháng 11/1940 Ban hành chế độ mua hàng (đường, diêm quẹt) bằng vé.
Tháng 4/1941 Chế độ phân phối gạo.

Chúng ta đã biết trong thập niên 1920 – với trào lưu thế giới, chủ nghĩa Mác đã lôi cuốn được giới trí thức và lan truyền rộng rãi. Thế nhưng trước sự đàn áp của nhà cầm quyền cũng như sự đối kháng của các lực lượng theo chủ nghĩa quốc túy, nó dần dần suy yếu. Một số người bỏ hàng ngũ (tenkô = chuyển hướng) vì không chịu nổi áp lực. Sang đến thập niên 1930 thì khuynh hướng này càng rõ rệt. Chính phủ thắt vòng vây chung quanh những người có ý kiến khác mình, bóp chặt tự do ngôn luận đối cả kẻ theo chủ nghĩa tự do lẫn cộng sản.

Năm 1937 (Shôwa 12), Bộ Giáo Dục phát hành Kokutai no hongi (Quốc thể bản nghĩa) nói về đường lối của quốc gia và năm 1941 (Shôwa 16), lại in ra Shinmin no dô (Thần dân chi đạo) với mục đích giáo hóa dân chúng theo phương châm đạo đức của họ. Cùng năm, họ đề xướng cuộc tổng động viên tinh thần toàn dân để cổ xúy cho chủ nghĩa quân sự, chủ nghĩa quốc gia và dĩ nhiên quan niệm kokutai (quốc thể). Năm 1940 (Shôwa 15), họ lập Naikaku jôhôkyoku (Nội các tình báo cục) tức Cục thông tin của nội các với mục đích kiểm duyệt tất cả các hình thức thông tin và nghệ thuật từ báo chí, xuất bản, điện ảnh cho đến kịch nghệ. Gọng kìm đối với văn hoá vô cùng chặt chẽ.

Về giáo dục, năm 1941 (Shôwa 16), các trường tiểu học được đổi tên thành kokumin gakkô (quốc dân học hiệu) để dạy dỗ trẻ em trỏ thành con dân của thiên hoàng (kômin = hoàng dân). Chỉ sách kôminka (hoàng dân hóa) này còn được thực hiện đồng loạt ở cả các vùng đất thực dân như Triều Tiên và Đài Loan (với chế độ giáo dục Nhật ngữ và thay tên đổi họ theo lối Nhật như đã nói bên trên). Như thế việc dạy dỗ theo khuynh hương dân chủ tự do từ lúc đó trở đi hầu như không thể thực hiện được.

Về mặt sử học thì từ lúc đầu nghĩa là cuối thập niên 1920 sang đầu thập niên 1930, đã có Yoshino Sakuzô và Osa Taketakeshi nghiên cứu văn hoá Meiji và chính trị hiến chính, phái Kôza (Giảng Tòa) và phái Rônô (Lao Nông) tranh luận về sự hình thành chủ nghĩa tư bản ở Nhật và bản chất của cuộc Duy Tân Meiji theo lập trường của chủ nghĩa Mác. Nhưng chẳng bao lâu họ đã bị phong trào nghiên cứu sử dưới nhãn quan của chủ nghĩa quốc túy, gọi là “hoàng quốc sử học” vốn lấy thiên hoàng làm trung tâm, phản pháo. Nhân vật nổi bật của phong trào này là Hiraìzumi Hiroshi ( 1895-1984). Mục đích của họ là dùng phương tiện này vào việc giáo dục dân chúng theo đường lối của nhà nước.

Bộ môn triết học chỉ thấy mỗi Nishida Kitarô (1870-1945) là có ảnh hưởng lớn trong giới trí thức vốn bị giới hạn tầm nhìn về khoa học xã hội. Nishida đã đào xới triết học Tân-Kant (Neo-Kantianism) của Đức để xây dựng nền tảng một tinh thần luận (ideology) cho triết học Nhật Bản.

Dù bị đàn áp nhưng không phải mọi nghiên cứu đều tê liệt và mọi phát biểu hoàn toàn im bặt. Lâu lâu cũng có người như Yanaihara Tadao (1893-1961) lên tiếng phê phán chế độ thực dân ở Đài Loan và bị buộc phải từ chức giáo sư Đại học Tôkyô (1937). Cũng vậy, các giáo sư Ôuchi Hyôe (1888-1980), Arisawa Hiromi (1896-1988) đã họp thành Mặt trận nhân dân (Jinmin sensen, 1938) để chống đối chính phủ nên bị kết tội phá rối trị an. Học giả kinh tế khuynh hướng tự do là Kawai Eijirô (1891-1944) bi cấm lưu hành trước tác nhan đề “Phê phán chủ nghĩa phát xít” (Fashizumu no hihan) và ngoài ra ông còn bị cho nghỉ việc, 1937-38). Giáo sư Tsuda Sôkichi nghiên cứu lịch sử cổ đại, nghi ngờ tính chính thống của thiên hoàng qua Kojiki và Nihonshoki cũng bị tịch thu sách vì tôị khi quân phạm thượng.

Về văn học, thời gian hậu bán thập niên 1920, có nhiều nhà văn khuynh hướng vô sản (Proletariat) đăng đàn nhưng bước qua những năm 1930 thì vì do sự đàn áp, họ phải giã từ lý tưởng đã đeo đuổi. Mặt khác, đối kháng với họ còn có phong trào văn học của phái Shin Kankaku (Tân cảm giác, Modernism). Trong bọn họ, được biết đến hơn cả là Yokomitsu Riichi (1898-1947), Kawabata Yasunari (1899-1972). Ngoài ra Tanizaki Jun.ichirô, Tokuda Shuusei, Shimazaki Tôson, Shiga Naoya… đều là những nhà văn có giá trị không thể chối cả nhưng đường hướng chính trị và số phận thì khác nhau. Nếu tính cả thời chiến tranh Trung Nhật thì chúng ta còn phải nói đến Hino Ashihei (1907-1960), Ishikawa Tatsuzô (1905-1985, giải thưởng Akutagawa đầu tiên).

Về kịch nghệ thì có các đoàn kịch như Shinkyô và Shin Tsukiji tiếp nối được phong trào kịch mới của Nhóm Liên Hiệp Kịch Vô Sản (Puroretaria Gekijô Dômei). Sân khấu cải lương (Shinpa) một thời suy thoái nhưng cũng được phục hồi và đến năm 1937 (Shôwa 12), họ kết hợp thành nhóm Tân Sinh (Shinsei Shinpa) chuyên diễn về vấn đề thời sự hoặc chuyện tình ái xóm lầu xanh. Kabuki được xem trọng vì là sân khấu cổ điển nhưng trong nội bộ cũng phải đổi mới cho hợp thời. Vì thế , năm 1931 Shôwa 6), rạp Tân Tiến (Zenshinza) đã ra đời. Về kịch đại chúng thì các vở nhẹ nhàng và hợp với các cô gái trẻ có chiều hướng phát triển. Riêng điện ảnh, khoảng năm 1931-32, phim lồng tiếng (talkies) đã ra mắt và sau đó, trở thành một bộ môn nghệ thuật quan trọng.

Hội họa thời này khá chịu ảnh hưởng của Tây phương. Hội họa truyền thống (Nihonga) vào thập niên 1930 cũng dần dần tiến hoá nhưng ít thấy có bức tranh nào đáng lưu ý. Trong chiến tranh Nhật Trung, tranh tuyên truyền cổ động để ủng hộ cho quốc sách thì nhiều, nhất là khi các nghệ sĩ phải lên đường tòng quân. Tính tự phát của nghệ thuật không còn nữa.

Nói về sinh hoạt của dân chúng thì trong giai đoạn Taishô bước qua Shôwa, cái ăn cái ở cái mặc của người Nhật đã đậm màu sắc Tây phương nhưng vì tình hình khủng hoảng trên thế giới nên nói chung, cuộc sống của họ cùng quẩn, tỷ lệ thất nghiệp cao, tranh chấp lao động và ruộng đất xảy ra thường xuyên. Kẻ có tiền một chút thì đâm đầu vào cuộc sống hưởng lạc, đồi trụy. Do đó, cũng có thể gọi chung là một thời đại chạy theo vật dục và cái vô nghĩa, ero guro nansensu ( erotic, grostesque, non sense) như cách người ta tóm tắt khi nói về thời đó. Quán cà phê, tiệm nhảy làm ăn thịnh vượng, thiên hạ yêu chuông nhạc lưu hành (kayôkyoku) và nhạc jazz.

Tuy vậy, đùng một cái, từ năm 1937 ( Shôwa 12), khi có chủ trương động viên tinh thần quốc dân thì chính phủ bắt đầu hạn chế họ chi dụng, quốc dân phải thắt lưng buộc bụng, để dành tiền. Những năm 1939-41, về mặt phong tục, nam nữ không còn được để tóc dài, chải đầu láng. Ban đêm, dân chúng không được dùng tín hiệu quảng cáo bằng đèn neon, các tiệm nhảy (dance hall) đều phải đóng cửa. Giới trẻ được chỉ thị học tập nếp sống kham khổ cho quen. Ở các trường đại học, sinh viên bị bắt buộc theo các khóa huấn luyện quân sự. Từ năm 1938 (Shôwa 13), có lệnh thành lập khắp nơi những tổ khu phố (chônaikai), tổ láng giềng (tonarigumi) để quốc dân tự kiểm soát lẫn nhau xem tất cả mọi người có theo đúng “quốc sách” hay không.

Nữ sinh trung học bị trưng dụng phục vụ kỹ nghệ chiến tranh

II – Thế chiến thứ hai và Nhật Bản:

2.1 Thế chiến thứ hai bùng nổ:

Cuộc đại khủng hoàng kinh tế thế giới đã làm cho sự hòa hợp của xã hội quốc tế mang tên Thể chế Versailles -Washington băng hoại. Như đã trình bày, các nước chiếm nhiều thuộc địa với lãnh thổ rộng lớn như trường hợp Anh, Pháp, Mỹ đã tạo nên những khối kinh tế mà nước họ nắm vai trò chủ đạo nhằm bảo vệ quyền lợi kinh tế của riêng mình.

Những nước chống lại khuynh hướng đó là các thế lực mới nổi và chậm chân trong cuộc chia chác bản đồ thế giới, nghĩa là Đức, Ý và Nhật. Các thế lực này bèn tăng cường sức mạnh quân sự, rút ra khỏi Hội Quốc Liên tức là tổ chức mà liệt cường có mặt sẳn đang điều khiển. Một mặt kêu gào phải chia lại thuộc địa, những thế lực mới này mang quân đi xâm lấn các nước khác.

Năm 1922 (Taishô 11), nhà độc tài người Ý là Benito Mussolini (1883-1945) đã thống lãnh Đảng Phát Xít đoạt lấy chính quyền. Đảng này là một đảng độc nhất và chuyên chính, chủ trương tăng cường binh bị. Năm 1935 (Shôwa 10), Phát Xít Ý đã xâm lăng Ethiopia.

Lại nữa, vào năm 1933 (Shôwa 8), đảng Nazi dưới sự chỉ đạo của Adolf Hitler 1889-1945) đã giành được chính quyền ở Đức, triệt bỏ hiến pháp Weimar vốn có tính dân chủ, hô hào chống lại Hòa ước Versailles, ly khai Hội Quốc Liên. Đến năm 1935 (Shôwa 10), tự mình ra tuyên ngôn tái vũ trang và thi hành một chính sách độc tài.

Hai nước Đức và Ý vào năm 1936, nhân thấy nước Tây Ban Nha đang xảy ra nội loạn, mới lấy lập trường ủng hộ nhóm phản loạn hữu phái do tướng Francisco Franco (1892-1975) cầm đầu, hòng lập một trận tuyến chung, một thế lực trung tâm gọi là phe Trục (Axis powers) ở Âu châu.

Phải nói rằng lúc đó tuy ở Tây Ban Nha có nội chiến nhưng Pháp và Anh lại chủ trương bất ban thiệp. Còn như Liên Xô – quốc gia Cộng Sản – thì chịu chi viện cho chính phủ liên kết các lực lượng tả phái trong dân chúng (Republicans) để đối đầu với Franco.

Lúc đó, cả ba nước Đức, Nhật, Ý đều đều ly khai với Hội Quốc Liên nhưng ngược lại, Liên Xô đã gia nhập vào năm 1934 (Shôwa 9) và từ đó, sẽ đóng một vai trò quan trọng trên trường chính trị quốc tế. Trước sự bành trướng thế lực của Liên Xô, Nhật tỏ ra quan ngại. Theo yêu cầu mạnh mẽ của quân đội, năm 1936 (Shôwa 11), chính phủ đã ký một hiệp ước với Đức để chống lại sự bành trướng của thế lực Cộng Sản (Nhật Độc phòng Cộng hiệp định). Năm sau Ý cũng theo chân tham gia nên hiệp ước lại có tên Nhật Độc Ý tam quốc phòng Cộng hiệp định (trong tiếng Nhật, Độc có nghĩa là nước Đức). Nhật càng ngày càng gắn bó sâu đậm với Đức, Ý và cuối cùng đã trở thành một thành viên của phe Trục Phát Xít.

Bên cạnh 3 nước phe Trục thì có nhóm 3 nước theo chủ nghĩa tự do gồm có Anh, Pháp, Mỹ và một lực lượng thứ ba vốn theo chủ nghĩa Cộng sản là Liên Xô. Ba thế lực này đối lập lẫn nhau.

Tuy nhiên, với đường lối ngoại giao Shidehara thì đến lúc đó, Nhật vẫn có những mối quan hệ chính trị, kinh tế và quân sự gần gủi với Anh Mỹ cho nên dù lượng mậu dịch giữa họ có bớt dần đi nhưng vẫn còn đi lại. Đặc biệt, Nhật hãy còn nhập cảng nhiều mặt hàng cần thiết đến từ Mỹ. Đối với ba nước, nhất là Mỹ, chưa thấy có dấu hiệu họ sẽ cắt đứt quan hệ hoàn toàn.

Thế mà chuyện đó đã xảy ra. Không phải Nhật nhưng chính Mỹ đã yêu cầu cắt đứt. Năm 1939 (Shôwa 14), chính phủ Mỹ thông báo là Hiệp định thông thương và hàng hải ký giữa hai nước ký từ xưa sẽ không còn hiệu lực kể từ năm sau (1940). Chính vì Mỹ không thể nào nhẫn nhục với Nhật hơn nữa.

Bởi lẽ lúc đó quân Quan Đông một mình một chợ, muốn làm gì cũng được và cả nước Nhật đang ở trên con đường quân quốc chủ nghĩa. Nội các cũng đã ngả về phía quân đội, nhìn nhận Mãn Châu Quốc và đang tiến hành cuộc chiến tranh toàn diện đối với Trung Quốc ngay trên đại lục. Trước thái độ ngoại giao ương ngạnh của Nhật, một nước có lý tưởng bảo vệ quyền dân tộc tự quyết và nền hoà bình thế giới (như Woodrow Wilson, nhà lãnh đạo của họ từng tuyên bố trong điều 5 của Hòa ước Versailles 1919) thì chẳng lẽ điềm nhiên tọa thị.

Dù vậy, chính phủ Nhật đã có một phản ứng với hiệu quả ngược lại khi bị Mỹ ra thông báo chấm dứt hiệp ước. Họ thầm nghĩ: “Trong trường hợp nguồn vật tư phải mua của Mỹ cho đến nay bị gián đoạn, Nhật Bản sẽ không thể tiếp tục chiến đấu với Trung Quốc. Chỉ còn có cách đánh lấn xuống phương Nam”. Thế nhưng họ không thể nói trắng ra rằng: “Để đánh nhau với Trung Quốc, chúng tôi cần dầu hỏa và bâu-xít (nguyên liệu để chế nhôm), cao su, vậy chúng tôi phải tiến quân xuống miền Nam kiếm nó! Họ bèn dùng những lời hoa mỹ như: “Chúng tôi muốn xây dựng một Khu vục thịnh vượng chung Đại Đông Á (Daitôa Kyôeiken = Đại Đông Á cộng vinh quyển).

Chữ Đại Đông Á cộng vinh quyển lần đầu tiên được nhắc đến là vào ngày 1 tháng 8 năm 1940 (Shôwa 15). Ngoại trưởng Matsuoka Yôsuke của chính phủ Konoe 2 (ra đời vào tháng 7 cùng năm) trong khi trình bày cương yếu của quốc sách mà chính phủ ông đề ra, đã giải thích thêm về từ ngữ “trật tự mới Đại Đông Á” nhắc đến trong đó. Theo ông thì trật tự này không chỉ áp dụng cho 3 nước Nhật, Trung, Triều mà còn bao trùm lên cả một khu vực rộng lớn gồm cả Đông Nam Á, gọi là “Khu vực thịnh vượng chung Đại Đông Á”. Rồi từ hôm ấy, cách gọi này đã được chính thức phổ biến trong dư luận Nhật Bản. Đặc biệt quân đội Nhật, bên trong cũng như bên ngoài, lúc nào cũng tuyên bố: “Với tư cách là kẻ lãnh đạo vùng Đông Á, Nhật sẽ thiết lập một nền kinh tế và một nền văn hoá lớn cho cả khu vực, để mọi thành viên có thể sống cộng tồn cộng vinh trong sự tự cung tự cấp”. Qua cách nói đó, họ đã chính thức hoá việc xua quân tiến chiếm phương Nam (Nanshin).

Trong bản cương yếu về quốc sách chính phủ Konoe đề ra, có nói rõ: “Hiện nay trên thế giới đã chia ra thành nhiều khối (cụm quốc gia), trong mỗi khối, có các thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa đang thành hình” và dự đoán rằng Đại Đông Á [5] mà họ cấu tưởng cũng sẽ là một khối như thế.

Qui mô khối Đại Đông Á

Vùng đất Diện tích (km2) Dân số (vạn người)
Nhật Bản 38,26 7.142,0
Triều Tiên 22,08 2.432,6
Đài Loan 3,60 587,2
Đảo Hoa Thái (Sakhalin) 3,60 41,5
Châu Quan Đông 0,35 136,7
Các đảo vùng biển Nam 0,25 13,1
Trung Quốc
(Mãn Châu Quốc) 130,31 4.320,3
(Khu tự trị Mông Cổ) 61,54 550,8
(Đất chính phủ lâm thời TQ) 60,27 11.630,6
(Đất chính phủ duy tân TQ) 35,01 7.864,4
Đông Nam Á
(Thái) 62,00 1.571,8
(Đông Dương thuộc Pháp) 63,00 2.385,4
(Mã Lai thuộc Anh) 13,60 533,0
(Borneo thuộc Anh) 21,13 93,1
(Miến Điện (Burma) 60,50 1.611,9
Ấn thuộc Hà Lan (Indies) 190,43 6.072,7
Phi Luật Tân 29,63 1.600,0
Tổng cộng 795,52 48.587,0

Nói về qui mô kinh tế của khối Đại Đông Á này, Jean Lequiller [6] cho biết nó có trử lượng 95%% cao su thiên nhiên, 90% luá gạo, 66% thiếc, 90% đay gai và 90% cây ký ninh (thuốc trị sốt rét) trên toàn thế giới.Đó là chưa kể việc Mãn Châu, Trung Quốc rất giàu than đá.

Mới nhìn vào, người ta tưởng tượng ra một cấu trúc hoành tráng và vĩ đại. Thế nhưng nếu điềm tĩnh suy nghĩ thì mới biết đó chẳng qua là một hình nộm mà Nhật Bản tùy ý nhào nặn. Những vùng đất được Nhật đem đặt vào trong đó phải chịu nhiều tai ương đau khổ. Trên thực tế thì kể từ năm 1941 (Shôwa 16) trở đi, với chiêu bài xây dựng khối thịnh vượng chung cho mình để đối kháng đế quốc chủ nghĩa Âu Mỹ, Nhật đã nhảy vào Chiến tranh Thái Bình Dương, chiếm đóng một khu vực bao la trên đó. Thế rồi ở khắp nơi trong khu vực, họ đã lập chính quyền quân sự do mình điều khiển. Họ đã bóc lột cả người lẫn của, để lại tình cảm bất mãn sâu sắc trong lòng dân chúng.

4_ch05_05HoiNghiDaiDongA

Tướng Tôjô Hideki và các đại biểu tham dự Hội Nghị Đại Đông Á năm 1943

0