18/06/2018, 16:32

Bàn về khởi nghĩa Dương Thanh

Đặng Thanh Bình Bài viết chỉ dừng lại ở việc đặt một giả thuyết khác về cuộc khởi nghĩa của Dương Thanh hay nói cách khác bài viết góp những bằng chứng cho ghi chép của Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư Cuộc khởi nghĩa Dương Thanh năm 819 tại An Nam được nhiều sách sử ...

ln___mai_thuc_loan_500.png

Đặng Thanh Bình

Bài viết chỉ dừng lại ở việc đặt một giả thuyết khác về cuộc khởi nghĩa của Dương Thanh hay nói cách khác bài viết góp những bằng chứng cho ghi chép của Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư

Cuộc khởi nghĩa Dương Thanh năm 819 tại An Nam được nhiều sách sử ghi chép lại và cũng có nhiều bài khảo cứu, song hoàn chỉnh nhất có lẽ là bài: Khảo cứu lại khởi nghĩa Dương Thanh của Phạm Lê Huy. Trong bài viết, ngoài những sử liệu đã được biết đến, thì tác giả khảo sát thêm 2 nguồn tư liệu là Mộ chí và Sách phủ nguyên qui, từ 2 nguồn tài liệu quan trọng và được đánh giá là có giá trị cao, tác giả đã trình bày hoàn chỉnh cuộc khởi nghĩa mà những tác giả trước đó chưa làm được. Tôi cho rằng đây là một bài khảo cứu mẫu mực! Và không có bình luận thêm, chỉ duy có một sự kiện muốn bàn thêm, ấy là việc: Dương Thanh có chết vào năm 820 hay không mà thôi?

Khảo cứu lại khởi nghĩa Dương Thanh của Phạm Lê Huy viết đại ý: Các cuốn sử như Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tư trị thông giám và Sách phủ nguyên qui đều ghi chép là Quế Trọng Võ đã giết Dương Thanh vào năm 820, chỉ duy có Đại Việt sử ký toàn thư là chép: Quế Trọng Võ đã không giết được Dương Thanh, không những thế năm 828 Dương Thanh còn đuổi Đô hộ Hàn Ước về Quảng Châu. Người đầu tiên phát hiện ra khác biệt này là Ngô Thì Sĩ, tuy nhiên Thì Sĩ không có câu trả lời! Về sau Trần Quốc Vượng và Keith Weller Taylor nhận thấy những ghi chép của Ngô Sĩ Liên là không có đủ cơ sở, vì thế mà 2 vị ấy theo thuyết Dương Thanh bị Quế Trọng Võ giết. Cuối cùng tác giả đưa ra những căn cứ: thứ nhất, ít nhất là về mặt thông tin thì Dương Thanh bị giết, thứ hai, ngoài những sách kể trên thì căn cứ vào mộ chí của Lý Tượng Cổ và Lý Hội Xương cũng như vào việc năm 825 Đô hộ Lý Nguyên Hỷ định rời phủ thành sang phía bắc sông Tô Lịch mà sử sách còn ghi thì, quân Đường tái chiếm phủ thành An Nam là có thật, thứ ba, liên quan tới việc hoạt động của Dương Thanh sau khi phủ thất thủ, thì Cựu-Tân Đường thư chép rằng năm 822 Hoàng Man Động liên kết với Hoàn Vương quốc đánh hạ Lục Châu giết Thứ sử Cát Duy, đồng thời cũng chép rằng năm 828 Đô hộ Hàn Ước bị đuổi về Quảng Châu nhưng chỉ ghi do quân An Nam làm loạn mà không nhắc tới Dương Thanh. Chính vì thế mà trong điều kiện tư liệu như vậy, tác giả tán thành quan điểm về những ghi chép của Cựu-Tân Đường thư, Tư trị thông giám và Sách phủ nguyên qui là đáng tin cậy hơn về mặt sử liệu.

Câu hỏi trước nhất mà chúng ta phải đặt ra ở đây là: Nếu như sử sách (Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tư trị thông giám) đã ghi chép rõ ràng như vậy rồi, thì hà cớ gì mà Ngô Sĩ Liên lại vẫn cứ kết luận Dương Thanh không bị Quế Trọng Võ giết? Trước hết, tất cả những tư liệu mà Ngô Sĩ Liên có được thì Quốc sử quán triều Nguyễn và chúng ta đều đã biết, Sĩ Liên không thể có hơn một tư liệu nào cả! Mà nếu có thì khả năng cao là Sĩ Liên sẽ giới thiệu cho chúng ta biết! Có khi nào Sĩ Liên lại thu thập những câu chuyện dân gian về Dương Thanh để làm tư liệu hay không? Nếu Sĩ Liên suy đoán thì có 3 cơ sở là gần nhất: Thứ nhất, là các sách sử như Cựu Đường thư, Tân Đường thư và Tư trị thông giám xác định sai về thời gian mà Dương Thanh bị giết; thứ hai, Cựu Đường thư chép: “Chém Thanh và con là Chí Trinh, tịch biên hết tài sản. Chí Liệt và Sĩ Giao thua trận, giữ đất Tạc Kê ở Trường Châu, sau bị truy đuổi phải đem quân lính dưới quyền ra hàng” và thứ ba, việc Hoàng Man Động (đồng minh của Dương Thanh) liên kết với Hoàn Vương tấn công An Nam năm 822 và quân lính tại An Nam làm loạn năm 828, tuy nhiên với những căn cứ này thì đúng như Trần Quốc Vượng và K W Taylor kết luận.

Mộ chí của Lý Tượng Cổ do Vương Trọng Chu soạn năm 821 chép: Đất Việt có An Nam Đô hộ kiêm Ngự sử Trung thừa Lũng Tây Lý công, húy là Tượng Cổ, xuân thu (hưởng thọ) 53 tuổi. Ngày 19 tháng 8 mùa thu năm Nguyên Hòa 14 [819], gặp phải loạn của bộ tướng là Dương Trạm Thanh ở quân quận, công [tức Lý Tượng Cổ] và vợ là Vi Thị Kịp, 3 con trai và 2 con gái trong khoảnh khắc đều bị hại, chìm dưới bến sông sâu. Sau khi hết việc binh, di cốt đều bị hủy hoại hết”. [xin xem thêm Khảo cứu lại khởi nghĩa Dương Thanh của Phạm Lê Huy]

Mộ chí của Lý Hội Xương do nghĩa đệ là Lý Phùng soạn trước tháng 11 năm 821 chép: “Gặp phải vụ phản loạn của thổ tướng là Dương Trạm Thanh. Khi tên bắn đến nhà, bọn quân lại không ai dám tiến lên. Anh [tức Lý Hội Xương] trong lòng đã quyết, cứng cỏi xin lệnh, dẫn bọn tả đảm đánh nhau với giặc ở cửa, hăng hái xông lên trước, phía sau không có người tiếp ứng, liền bị hại dưới đao của giặc, lúc đó là ngày 19 tháng 8 năm Nguyên Hòa 14 (…) Trạm Thanh là giặc của quốc gia, em đây chưa thể báo thù được cho anh”. [xin xem thêm Khảo cứu lại khởi nghĩa Dương Thanh của Phạm Lê Huy]

Tư trị thông giám chép: “[Năm Nguyên Hòa 14 – 819] Mùa đông tháng 10, Dung quản [Kinh lược sứ] tấu An Nam tặc là Dương Thanh hạ Đô hộ phủ (An Nam đô hộ phủ trị tại Giao châu), giết Đô hộ Lý Tượng Cổ và vợ con, quan thuộc, bộ khúc hơn 1000 người. Tượng Cổ là anh của Đạo Cổ. Do tham lam, hà khắc nên để mất lòng người. Thanh nhiều đời làm tù trưởng người Man. Tượng Cổ gọi về làm nha tướng. Thanh u uất, bất đắc chí. Tượng Cổ sai Thanh dẫn 3 nghìn quân đánh Hoàng Động Man. Thanh nhân lòng người phẫn uất, dẫn quân ban đêm tập kích phủ thành, hạ thành”.

Như vậy sau vài ngày bao vây thì đến ngày 19 tháng 8 năm 819 Dương Thanh hạ được phủ thành, giết Lý Tượng Cổ, Lý Hộ Xương cùng gia quyến và thân sĩ, còn ngày 17 tháng 10 năm 819 là ngày mà triều đình nhận được bản tấu của Dung quản kinh lược sử gửi từ Quảng Châu (Tư trị thông giám chép là tấu; Cựu-Tân Đường thư chép là giết).

Cựu Đường thư chép: “Lệnh cho Thứ sử Đường Châu là Quế Trọng Võ làm Đô hộ, chiếu dụ xá tội cho Thanh, cho làm Thứ sử Quỳnh Châu. Trọng Võ đến biên giới, Thanh không cho vào. Thanh câu thúc thủ hạ, hình phạt nghiêm khắc, người dưới không biết nhờ vào đâu sống được. Trọng Võ sai người chiêu dụ bọn tù hảo, được mấy tháng, nối nhau qui phụ, được quân lính hơn 7 nghìn người, thu lại được thành, chém Thanh và con là Chí Trinh, tịch biên hết tài sản”.

Sách phủ nguyên qui chép: “Quế Trọng Võ làm An Nam Đô hộ. Tháng 6 năm Nguyên Hòa 15 (820), tấu:“Ngày 29 tháng 3, thu hồi An Nam, xử trí xong bọn tặc đảng Dương Thanh”. Ngày Giáp Tuất tháng 8, Trọng Võ gửi thủ cấp của tướng phản loạn Dương Thanh đến trạm dịch Trường Lạc, lệnh cho trung sứ ra đón”.

Một số vấn đề về phương pháp luận sử học và vấn đề thời điểm bùng nổ của khởi nghĩa Mai Thúc Loan của Phạm Lê Huy viết: “Nói tóm lại, cần nhận thức các cuộc nổi dậy – khởi nghĩa ở Việt Nam dưới thời thuộc Đường luôn là một quá trình, trong đó bao gồm nhiều sự kiện khác nhau gắn liền với những mốc thời điểm khác nhau. Các bộ chính sử Trung Quốc chỉ lựa chọn một, hoặc một vài dấu mốc trong quá trình đó để ghi chép. Hơn nữa, luôn có “độ trễ” nhất định giữa thời điểm xảy ra sự kiện trên thực tế và thời điểm chính quyền trung ương nhà Đường nhận được tin tức về sự kiện đó. Theo những phân tích của chúng tôi ở trên, khoảng thời gian – “độ trễ” để thông tin, sự vật di chuyển từ phủ thành An Nam đến Trường An (và ngược lại) sẽ dao động trong khoảng 57- 124 ±α ngày, tức là khoảng từ 2 – 4 tháng”.

Như vậy là sau khi nhận được bản tấu, nhà Đường cử Quế Trọng Võ làm An Nam đô hộ, lệnh cho Thanh làm Thứ sử Quỳnh Châu, nhưng Thanh giữ chặt biên ải bất tuân, Trọng Võ án binh chiêu dụ tù hào, Thanh  câu thúc thủ hạ, hình phạt nghiêm khắc nên Trọng Võ phá được thành, chém Thanh và con trai vào tháng 3 năm 820, gửi bản tấu về triều đình vào tháng 6 năm 820 và gửi thủ cấp của Dương Thanh đến Trường Lạc vào tháng 8 năm 820.

Câu hỏi thứ hai của chúng ta ở đây là: Vì sao có sự khác nhau về thời gian trong việc gửi bản tấu và thủ cấp lên triều đình? Nếu chỉ đơn giản là gửi thủ cấp lên triều đình thì Quế Trọng Võ có thể gửi cùng với bản tấu, như vậy thì bản tấu lại càng được minh xác. Liệu có khi nào thủ cấp cần được bảo quản do đó việc vận chuyển sẽ phức tạp nên chậm trễ hơn tờ thư tấu? Hoặc sau khi nhận được bản tấu, triều đình không tin, nên lệnh cho Trọng Võ phải gửi đầu về kinh thành do đó mà có sự sai khác? Và có thể khi gửi bản tấu lên triều đình, sau đó một thời gian An Nam đô hộ mới gửi thủ cấp của Dương Thanh về bắc? Chúng ta vẫn chưa biết chính xác chuyện gì đã xảy ra dẫn đến sự sai khác về thời gian giữa việc triều đình nhận được bản tấu và thủ cấp đến Trường Lạc.

Giả thuyết về việc Trọng Võ bắt đầu gửi bản tấu và thủ cấp ở 2 thời điểm khác nhau do đó mà thời điểm triều đình nhận được cũng khác nhau, không phải là không có cơ sở. Như Cựu Đường thư cho biết, sau khi thất thủ con Dương Thanh là Chí Liệt và thân tín là Sĩ Giao chạy về giữ đất Tạc Khê ở Trường Châu, sau thì ra hàng. Vì thế mà không loại trừ trường hợp Thanh cũng rút về Tạc Khê, sau khi ra hàng mới bị giết.

Câu hỏi thứ ba của chúng ta là: Liệu rằng ở thời diểm nhận được thủ cấp, phía triều đình có thể xác nhận được đó đúng là thủ cấp của Dương Thanh hay không?

Giả thuyết rằng triều đình không tin bản tấu của Quế Trọng Võ không phải là không có cơ sở. Ngày 17 tháng 10 năm 819 triều đình nhận được bản tấu của Dung quản kinh lược sứ gửi từ Quảng Châu, ngày 21 tháng 10 năm 819 cử Thứ sử Đường Châu Quế Trọng Võ làm An Nam đô hộ, thế nhưng sau hơn 4 tháng, Võ không thu hồi được An Nam nên ngày 22 tháng 2 năm 820 nhà Đường bổ nhiệm Quế quản quan sát sứ Bùi Hành Lập làm An Nam đô hộ, bản quản Kinh lược sứ thay Quế Trọng Võ, biếm Võ làm An Châu thứ sử, thế nhưng Hành Lập qua đời ở trấn Hải Môn trên đường đi nhậm chức. Như vậy rõ ràng là triều đình phương bắc đã có thời điểm không còn tín nhiệm Quế Trọng Võ.

Chúng ta sơ qua về tình hình nhà Đường thời điểm trước và sau cuộc khởi nghĩa Dương Thanh. Phía tây nam, năm 737 với sự hỗ trợ quân đội từ phía nhà Đường, Mông Bì La Các thống nhất lục chiếu thành lập ra vương quốc Nam Chiếu. Năm 750 Nam chiếu chống đối nhà Đường, năm 751 và 754 quân Đường tấn công Nam Chiếu nhưng thất bại. Các hoạt động quân sự của nhà Đường ở đây lắng xuống do sự kiện loạn An Sử năm 755 – 763. Trong khi đó Nam Chiếu lại phát triển và bành trướng rất nhanh, năm 764 Nam Chiếu thiết lập kinh đô thứ hai ở Vân Nam, giáp với địa giới của An Nam. Phía nam, vùng Quảng Tây, năm 756 động chủ Hoàng Càn Diệu xưng là Trung Việt vương, cùng với các động khác nổi lên chống lại nhà Đường. Năm 785 động chủ Hoàng Thiếu Khanh mang quân đánh Ung châu và chiếm 4 châu khác, con là Xương Miện chiếm thêm 13 châu. Năm 786 Hoàng Thiếu Độ khởi binh.

An Nam năm 791 Đỗ Anh Hàn khởi binh hạ phủ đô hộ, triều đình cử Triệu Xương làm Đô hộ, năm 794 Nam Chiếu đánh dẹp các bộ lạc người Man, uy hiếp An Nam, Triệu Xương hoà hoãn với Nam Chiếu nên vùng núi phía tây bắc tạm ổn. Năm 802 – 803 Bùi Thái thay Xương làm đô hộ, bị Hoàn Vương phía nam tấn công châu Ái, châu Hoan, phía bắc thì bị các Man Hoàng Động quấy nhiễu. Đến thời Trương Chu thông qua việc sử dụng các thủ lĩnh địa phương, đặc biệt là Đỗ Anh Sách mà An Nam yên. Năm 808 Hoàng Man Động phía bắc động binh, năm 809 Hoàn Vương phía nam động binh. Tôi cho rằng: việc Trương Chu phá được Hoàn Vương là dựa vào các thủ lĩnh địa phương trong đó không loại trừ gia thế của Dương Thanh ở Hoan Châu. 

Tháng 8 năm 813 Bùi Hành Lập làm An Nam đô hộ, giống như Triệu Xương và Trương Chu, Hành Lập dùng các thủ lĩnh địa phương. Qua việc Bùi Hành Lập chém Phạm Đình Chi sau đó lại chọn người trong gia tộc họ Phạm để nối chức của Chi, cho thấy Lập là nhân vật vừa cứng rắn nhưng cũng rất khôn khéo. Xã hội Đại Đường phức tạp. Nam Chiếu ở phía tây, Hoàn Vương ở phía nam thế đang mạnh. Qua việc Hành Lập lệnh cho Đỗ Anh Sách chém phản loạn của Hoàn Vương là Lý Lạc Sơn cho thấy chính sách hoà hoãn hữu hảo của Lập. Nam Chiếu và Hoàn Vương là quốc gia bên ngoài nơi biên cảnh, nhưng Man Hoàng Động ở phía bắc An Nam vùng Quảng Tây lại nằm trong lãnh thổ, hơn nữa lại là vị trí trọng yếu giữa An Nam và triều đình, do đó mà Hành Lập có chính sách cứng rắn.

Năm 815 Liễu Tông Nguyên đến Liễu châu làm thứ sử, chính sách giảm bớt sự cai trị hà khắc của Tông Nguyên giúp vùng này tạm yên (năm 819 chết tại Liễu Châu). Khoảng cuối năm 817 Bùi Hành Lập được thuyên chuyển về Quảng Châu, nơi ông bàn tính với các quan chức trong vùng để xin lệnh tấn công Man Hoàng Động tuy nhiên Tiết độ sứ Quảng Châu lúc đó là Khổng Quỳ không đồng ý, dẫu vậy chiến dịch vẫn được triển khai và bị sa lầy ngay từ ban đầu. Kết quả là Man Hoàng Động giành quyền kiểm soát lãnh thổ đồng thời thường xuyên mở các cuộc tấn công.

Cựu Đường thư chép: “Lý Tượng Cổ từ chức Hành Châu thứ sử được phong làm An Nam đô hộ. Năm Nguyên Hoà 14 (819) Lý Tượng Cổ bị Dương Thanh giết, vợ con và bộ khúc không ai sống nổi. Dương Thanh mấy đời làm tù hào phương nam. Lý Tượng Cổ tham lam phóng túng, lòng người không theo. [Tượng Cổ] lại sợ thế lực của Thanh, đưa Thanh từ chức Hoan Châu thứ sử về làm nha môn tướng. [Dương Thanh] trong lòng u uất không vui. Không lâu sau giặc Hoàng gia ở Ung Quản làm phản, triều đình chiếu cho Tượng Cổ phát binh mấy đạo đánh dẹp. Tượng Cổ lệnh cho Dương Thanh dẫn 3000 quân đến. Thanh cũng con là Chí Liệt và người thân tín là Đỗ Sĩ Giao bày mưu làm phản, ban đêm tập kích An Nam, được mấy ngày thành bị hạ”

Năm 818 Hành Châu thứ sử Lý Tượng Cổ được bổ nhiệm chức An Nam đô hộ thay cho Bùi Hành Lập, lo sợ trước thế lực của tù hào Dương Thanh đang là Thứ sử Hoan Châu nên điều về làm nha môn tướng, vì thế mà Thanh trong lòng u uất không vui. Bấy giờ, những hoạt động quân sự của Hành Lập không hiệu quả, để mất kiểm soát vùng lãnh thổ vào tay Man Hoàng Động, lại phải chịu các cuộc tấn công. Chính vì thế mà triều đình lệnh cho Tượng Cổ tấn công Man Hoàng Động. Tượng Cổ lệnh cho Thanh dẫn 3000 quân đến. Dương Thanh đang bị Tượng Cổ kiểm soát, trong lòng u uất, đang muốn thoát ra. Nay nhân việc đánh Man Hoàng Động bàn với con và thân tín, liên kết với Man Hoàng Động, tấn công đô hộ phủ. Kết quả là đúng như kế hoạch.

Câu hỏi thứ tư của chúng ta ở đây là: Đỗ Anh Sách có vai trò gì trong cuộc binh biến này không? Tôi cho rằng Đỗ Anh Sách nói riêng và gia tộc họ Đỗ nói chung, là thế lực nhất ở vùng Giao Châu, Anh Sách từng giữ những chức vụ quan trọng dưới quyền các quan đô hộ từ thời Triệu Xương tới thời Bùi Hành Lập, nhưng cũng như sự biến năm 803, không thấy sự xuất hiện của Đỗ Anh Sách. Có khi nào khi bị thuyên chuyển qua Quảng Châu, Hành Lập đã dẫn Sách theo? Hay là Lý Tượng Cổ đã không còn dùng Sách nữa, nếu vậy thì có thể Sách đã quay về Trường Châu. Hoặc có thể Sách đã chết? Cũng có khi án binh bất động. Thanh chỉ có 3000 quân, nên khi vây phủ thành phải mất vài ngày mới hạ được, như thế thì quân giữ phủ thành cũng không nhiều. Người được nhắc đến trong việc chống lại quân phản loạn là Lý Hội Xương chứ không phải Đỗ Anh Sách (trong khi triều đình biết về Sách). Như vậy là Sách đã không được đề cập đến trong binh biến năm 819.

Có thể khi được nhậm chức An Nam đô hộ, Lý Tượng Cổ đã không còn trọng dụng những thủ lĩnh người Man từng phục vụ dưới thời các đô hộ tiền nhiệm, thay vào đó Cổ sử dụng người Hán như Lý Hội Xương. Trường hợp của Dương Thanh, Tượng Cổ gọi về làm nha tướng với mục đích kiềm toả. Thanh vốn người Hoan Châu, lại mới về Giao Châu một thời gian ngắn, nên rất khó có thể ảnh hưởng được với quân lính ở phủ thành. Ngay như việc vây thành mấy ngày mới hạ được, cho thấy Thanh không có nội ứng, quân lính giữ phủ vẫn trung thành với đô hộ. Những quân lính này ít có khả năng là quân do Tượng Cổ mang từ phương bắc đến, khả năng cao là quân bản phủ, do Lý Hội Xương tiếp quản đứng đầu. Với việc chống lại đội quân 3000 người của Dương Thanh được vài ngày thì đội quân của Lý Hội Xương cũng không phải là ít, thật khó để biết nó là bao nhiêu! Theo Phạm Lê Huy thì biên chế binh lính được nhà Đường đặt tại phủ thành An Nam thường chỉ khoảng 4200 người. Nếu vậy thì khả năng đội quân của Lý Hội Xương khoảng 1000 người (Các sách Cựu Đường thư, Tư trị thông giám cho biết, sau khi hạ được thành phủ, Dương Thanh giết hơn 1000 người gồm vợ con, quan thuộc, bộ khúc của Tượng Cổ, tuy nhiên đây chỉ là con số bị giết, trên thực tế số quân của Tượng Cổ là bao nhiêu?).

Năm 819 Quế Trọng Võ nhậm chức An Nam đô hộ, Dương Thanh đóng cửa biên ải không cho vào, triều đình chiếu dụ Thanh nhưng không được, Võ án binh, chiêu dụ tù hào, trong khi Thanh lại dùng các hình phạt hà khắc đối với các tù hào đi theo, do vậy mà chỉ sau vài tháng, các tù hào nối nhau quy hàng Võ, số lượng lên tới 7000 người, do vậy mà công hạ được thành. Khi Thanh dẫn quân đi đánh Man Hoàng Động mới chỉ có 3000 quân lĩnh, vậy mà khi Võ đến, chiêu dụ được tới 7000 quân, số lượng quân lính tăng thêm này từ đâu mà có? Phạm Lê Huy cho rằng: 7000 tù hào ra hàng Trọng Võ chính là những người đã từng hưởng ứng và đi theo Dương Thanh sau cuộc nổi dậy thành công năm 819. Tôi cho rằng không hoàn toàn là như vậy. Thanh dù có hạ được phủ thành nhưng trên thực tế quân lính trong tay cũng chỉ có 3000 người, so với các tù hào ở các châu xung quanh thì cũng không phải là vượt trội hoàn toàn, thêm nữa bản thân Thanh không phải là người Giao Châu, mà là người từ vùng khác (Hoan Châu) đến. Vì thế mà chuyện Thanh dùng binh ép buộc các tù hào ở các châu khác phục tùng là khó xảy ra, có thể khi Thanh hạ được thành phủ, giết được Đô hộ có chính sách cứng rắn với các tù hào nên họ hưởng ứng. Việc họ ra qui hàng Võ tới 7000 người, vượt qua cả số lượng binh lính của Thanh, cho thấy các tù hào này cũng tương đối độc lập với Thanh. Khi hạ được phủ thành, có các tù hào đến hưởng ứng (một dạng liên kết quân sự) quân địch thì đang án binh bên ngoài biên ải, vậy thì Thanh có nên áp dụng các hình phạt hà khắc đối với thủ hạ hay không? Rõ ràng một chính sách hà khắc là không phù hợp trong trường hợp này. Thêm đó, nếu như sau khi đã hạ được thành rồi, thì sự hưởng ứng của các tù hào được hiểu là như thế nào? Với số binh lính thân cận của mình (3000 người) Thanh hạ và làm chủ được phủ thành rồi, thì các tù hào kéo về phủ thành làm gì? Thông thường thì các tù hào làm trưởng một vùng và cho người của mình đóng ở các vùng ấy, tuy nhiên vẫn quy thuận phủ thành. Nay các tù hào dẫn người về phủ thành, thì giải thích ra sao đây? Có khi nào, thấy Trọng Võ tới đánh nên Thanh đã gửi nhờ sự hỗ trợ của các tù hào khắp nơi, nếu đúng thì việc Thanh dùng hình phạt hà khắc lại càng không phù hợp.

Tôi giả thuyết rằng: Khi Cổ đến An Nam nhận chức, đã không dùng các thủ lĩnh bản địa, thay vào đó để người Hán là Lý Hội Xương tiếp quản quân lính trong thành, việc này đã ảnh hưởng không nhỏ tới mối quan hệ giữa chính quyền đô hộ và các tù hào, trong các tù hào thì nhận thấy Dương Thanh là khó kiểm soát nhất vì trước hết là ở xa, sau cùng là Hoàn Vương đang rất mạnh ở phương nam, nếu 2 thế lực này liên kết tấn công Giao Châu thì khó mà chống nổi, vì vậy Cổ đã điều chuyển Thanh về làm nha tướng ở Giao Châu. Khi Bùi Hành Lập tấn công Man Hoàng Động từ phía đông đã không hiệu quả, triều đình muốn Tượng Cổ điều binh tấn công Man Hoàng Động từ phía nam. Thay vì cử Xương dẫn quân đánh Man Hoàng Động, Cổ lại cử Thanh đi, theo kế này, một mặt làm Man Hoàng Động bị tổn thất, mặt khác làm Thanh cũng bị tổn thất, nhưng mọi sự không như Cổ tính, thay vì tấn công Man Hoàng Động, Thanh lại liên kết tấn công phủ đô hộ. Quân của Thanh tới 3000 chủ yếu là những người theo Thanh khi còn làm Thứ sử Hoan Châu, do không quá chênh lệch với quân của Xương đang trấn phủ thành, nên việc tập kích vào ban đêm đã không đem lại nhiều hiệu quả (Thanh lựa chọn thời điểm tập kích vào ban đêm, cũng phần nào cho thấy, quân đội của Thanh không vượt trội quá nhiều so với quân giữ thành của Hội Xương) tin phủ thành bị bao vây lan truyền, các tù hào quanh Giao Châu biết tin, liền mang quân hỗ trợ Thanh, trong đó có họ Đỗ ở Trường Châu, khi quân hưởng ứng ngày càng nhiều, ít nhất là lên tới hơn 7000 người, thì phủ thành bị hạ. Chiếm được An Nam, Thanh sắp đặt, dùng các hình phạt hà khắc đối với những thủ hạ, nên bị phản.

Đỗ Anh Sách làm quan dưới thời Triệu Xương năm 791 đến thời Bùi Hành Lập năm 817, vậy cũng đến 25 năm, có lẽ khi cuộc nổi dậy của Dương Thanh diễn ra thì Anh Sách cũng đã già. Từ thời Triệu Xương, họ Đỗ ở Phong Châu, Trường Châu, Quận Châu, Đường Lâm rất lớn mạnh, những cái tên có thể kể ra như: Đỗ Anh Hàn (Đường Lâm); Đỗ Anh Sách (Trường Châu?); Đỗ Hoài Bích (Quận Châu) và bây giờ có thêm nhân vật thân tín của Dương Thanh là Đỗ Sĩ Giao ở Trường Châu. Vì là thân tín nên Sĩ Giao có lẽ đã đi theo Thanh từ lâu, nhưng chính xác là từ thời Thanh còn làm Thứ sử Hoan Châu hay là khi làm nha tướng ở phủ thành. Khi Võ hạ được thành, con của Thanh là Chí Liệt và Sĩ Giao rút về Tạc Khê ở Trường Châu cố thủ, điều này cho thấy Sĩ Giao có thể là người vùng Trường Châu và có cơ sở ở đất Tạc Khê, cũng không loại trừ Sĩ Giao có quan hệ họ hàng với Đỗ Anh Sách.

Sau khi tái chiếm phủ thành, gia tộc của Lý Tượng Cổ và Lý Hội Xương có tới An Nam để tìm xương cốt, tuy nhiên không tìm thấy. Do đó mà 2 gia tộc đã chôn áo mũ của Tượng Cổ và Hội Xương ở thành Lạc Dương vào ngày 9 tháng 11 năm 821. Bài mộ chí của Lý Hội Xương do nghĩa đệ Lý Phùng soạn xong trước lễ tổ chức mai táng ngày 9 tháng 11 năm 821 và nhiều khả năng là soạn sau ngày gia tộc tìm kiếm xương cốt (nghĩa là sau khi Trọng Võ tái chiếm phủ thành, tạm bình An Nam).

Câu hỏi thứ năm của chúng ta ở đây là: Vì sao nghĩa đệ của Xương là Phùng lại viết trong bài mộ chí là “Trạm Thanh là giặc của quốc gia, em đây chưa thể báo thù được cho anh”? Có khi nào là bài mộ chí được viết trước khi Trọng Võ tái chiếm phủ thành? Hay phải hiểu câu ấy là Trạm Thanh là giặc của quốc gia, em không thể trực tiếp báo thú cho anh? Hoặc phải hiểu Trạm Thanh là giặc lớn, Trọng Võ đã tái chiếm được phủ thành nhưng không giết được Trạm Thanh nên vẫn chưa báo thù được cho anh? Phải hiểu câu này như thế nào đây cho đúng với những gì Lý Phùng muốn truyền đạt? Trong Khảo cứu lại khởi nghĩa Dương Thanh của Phạm Lê Huy có viết đại ý: Qua mộ chí của Lý Tượng Cổ có câu ‘sau khi hết việc binh, di cốt đều bị huỷ hoại hết’ và mộ chí của Lý Hội Xương có câu ‘lệnh vua đánh dẹp đã xong’ cho thấy chiến sự tại An Nam đã kết thúc, vậy thì khả năng cao là 2 bài mộ chí được viết sau thời điểm ngày 29 tháng 3 năm 820.

Ngô Sĩ Liên có lẽ đã căn cứ vào Cựu Đường thư chép về việc con của Dương Thanh là Chí Liệt và thân tín Sĩ Giao rút về giữ đất Tạc Kê ở Trường Châu mà phỏng đoán rằng: Chí Liệt và Sĩ Giao cho thể thoát được thì sao Dương Thanh không thoát được chứ? Có thể từ đây mà tác giả của Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng Thanh chưa chết! Chúng ta thấy rằng sau khi thất bại ở phủ thành Chí Liệt và Sĩ Giao lại chọn rút về Trường Châu chứ không phải đất tổ Hoan Châu mà đời đời họ Dương ở đây thịnh. Nếu như quân 3000 mà Thanh đem đi đánh Man Hoàng Động là của Tượng Cổ thì binh lính thân tín của họ Dương vẫn nằm ở Hoan Châu, như vậy thì cơ sở Hoan Châu của họ Dương vẫn rất mạnh và còn nguyên, vậy thì Chí Liệt phải rút về đó mới đúng, trong khi lại rút về Trường Châu. Trừ khi là quân lính 3000 mà Thanh mang theo là người Hoan Châu, nên khi thất bại ở phủ thành, cơ sở Hoan Châu chỉ còn là vùng đất trống, không binh lính, do vậy Chí Liệt mới rút về Trường Châu, nơi ít nhất là còn cơ sở của gia tộc họ Đỗ. Cựu Đường thư có viết truyện Chí Liệt bị truy đuổi nên về sau ra hàng, chúng ta cũng không biết thời điểm Chí Liệt ra hàng là bao giờ và có bị giết?

Cựu Đường thư chép: “Trường Khánh năm thứ 2 (năm 822) (…) tháng giêng (…) ất mùi, Thứ sử Quỳ Châu Vương Thừa Biện làm An Nam đô hộ, bản quản kinh lược chiêu thảo sứ (…) tháng 6 (…) An Nam phó sứ Thôi Kết làm Ung Quản kinh lược sứ (…) tháng 9 (…) đinh tị, Thứ sử Vạn Châu Lý Nguyên Hỷ làm An Nam đô hộ (…) tháng 11 (…) tân mùi, tiền An Nam đô hộ Quế Trọng Võ làm Ung Quản kinh lược sứ (…). Trường Khánh năm thứ 4 (năm 824) (…) tháng 11 (…) An Nam đô hộ Lý Nguyên Hỷ tấu: Giặc Hoàng gia hợp Hoàn Vương quốc hãm Lục Châu, giết Thứ sử Cát Duy (…). Bảo Lịch năm thứ 1 (năm 825) (…) tháng 4 (…) An Nam Lý Nguyên Hỷ tấu: Dời phủ đô hộ về phía bắc sông ô. Đại Hoà năm thứ 1 (năm 827) (…) Kiền Châu thứ sử Hàn Ước làm An Nam đô hộ. Đại Hoà năm thứ 2 (năm 828) (…) tháng 9 (…) An Nam quân loạn, đuổi Đô hộ Hàn Ước. Khai Thành năm thứ 1 (năm 836) (…) tháng 9 (…) Nhiêu Châu thứ sử Mã Thực làm An Nam đô hộ”.

Tân Đường thư chép: “Trường Khánh năm thứ 4 (năm 824) (…) tháng 8 (…) Hoàng Man Động tấn công An Nam (…). Đại Hoà năm thứ 2 (năm 828) (…) tháng 9 (…) An Nam quân loạn, đuổi Đô hộ Hàn Ước”.

Quân loạn An Nam dẹp yên vào tháng 3 năm 820, đến tháng 1 năm 822 Thứ sử Quỳ Châu Vương Thừa Biện làm An Nam đô hộ, tháng 9 năm 822 Thứ sử Vạn Châu Lý Nguyên Hỷ làm An Nam đô hộ thay cho Biện, đến tháng 11 năm 822 Quế Trọng Võ làm Ung Quản kinh lược sứ. Sau 2 năm làm Đô hộ, tháng 8 năm 824 Man Hoàng Động tấn công An Nam, tháng 11 năm 824 Nguyên Hỷ tấu Man Hoàng Động liên kết với Hoàn Vương tấn công Lục Châu giết Thứ sử tên Cát Duy, cho thấy Man Hoàng Động rất mạnh, liên kết này có lẽ là việc cùng phối hợp tấn công ở cả phía nam và phía bắc An Nam vào khoảng thời gian gần nhau. Sau cuộc tấn công của Man Hoàng Động và Hoàn Vương, tháng 4 năm 825 Nguyên Hỷ tấu cho rời phủ đô hộ về phía bắc sông Tô Lịch. Đại Việt sử ký toàn thư và sau này là Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép là do Hỷ thấy dòng nước chảy ngược nên sợ có quân phản loạn vì thế mà dời phủ. Tôi cho rằng việc rời phủ này có nguyên nhân từ tình hình phức tạp tại An Nam sau sự kiện Man Hoàng Động tấn công vào năm trước, đây có thể là cuộc di dời chiến thuật của Hỷ nhưng cũng có thể là dưới sức ép của địch mà Hỷ buộc phải dời phủ thành. Khoảng đầu năm 827 Hàn Ước làm Đô hộ An Nam, tuy nhiên Ước gặp phải sự chống đối của Thứ sử Phong Châu Vương Thăng Triều (An Nam chí lược – Lê Tắc), dẫu dẹp yên được Thăng Triều nhưng sau đó không lâu tháng 9 năm 828, Hàn Ược bị quân phủ đuổi khỏi An Nam. Khoảng 8 năm sau vào tháng 9 năm 836 nhà Đường mới cử Mã thực sang làm An Nam đô hộ phủ. Vậy là, dù Quế Trọng Võ có tài chiếm được phủ thành vào năm 820 nhưng những tàn quân của Dương Thanh vẫn còn, phía bắc Man Hoàng Động, phía tây bắc Nam Chiếu, phía Nam Hoàn Vương thế đang rất mạnh, Lý Nguyên Hỷ tiếp nhận An Nam vào năm 822 trong tình hình không phải quá yên ổn, bị cả Man Hoàng Động và Hoàn Vương tấn công, các tù hào bất tuân. Hàn Ước nhậm chức Đô hộ tại An Nam tình hình cũng không khá hơn, các tù hào đã chống đối ra mặt (Vương Thăng Triều có lẽ đã ly khai chính quyền đô hộ tại An Nam từ thời Dương Thanh chiếm phủ thành, vị trí Phong Châu giáp với cả Man Hoàng Động và Nam Chiếu, nên việc Vương Thăng Triều ly khai và tấn công chính quyền đô hộ cũng là điều hiểu được, không loại trừ có yếu tố Man Hoàng Động và Nam Chiếu trong sự kiện Phong Châu Thứ sử làm phản) bị quan quân trong phủ đuổi khỏi An Nam. Nhà Đường sau đó không có một hoạt động nào để giành lại An Nam, phủ thành nằm dưới sự kiểm soát của quân nổi loạn, cho đến năm 836 khi Mã Thực được cử sang làm Đô hộ.

Câu hỏi thứ sáu của chúng ta ở đây là: Với tình hình An Nam từ thời Lý Tượng Cổ đến thời Hàn Ước, nếu như Dương Thanh rút về giữ Tạc Khê (Trường Châu) thì liệu rằng quân Đường có thể diệt được tàn dư này không? Như đã thấy nhà Đường hầu như chỉ có thể kiểm soát được Giao Châu, còn các châu lân cận thì do các tù hào chiếm giữ, đến khi mất cả An Nam, nhà Đường cũng không có hoạt động gì để lấy lại, như thế để biết cai trị của triều đình phương bắc ở An nam thời điểm từ Đô hộ Lý Tượng Cổ đến Đô hộ Hàn Ước là rất yếu. Nếu như Dương Thanh không chết, rút về giữ đất Tạc Khê, thì liệu rằng: Dương Thanh có liên quan tới vụ quân loạn năm 828 hay không? Việc rút về giữ đất Tạc Khê có lẽ là chủ ý của Đỗ Sĩ Giao, thân tín của Dương Thanh, Sĩ Giao có lẽ là tù hào đất Tạc Khê, với căn cứ này, Dương Thanh có cơ sở để tồn tại lập nghiệp. Sĩ Giao cùng họ Đỗ với một nhân vật rất có uy tín (có thể xem là cùng thời) tên Anh Sách, người này cũng có thể xuất thân từ Trường Châu, do vậy khả năng cao là Sĩ Giao có mối quan hệ nào đó với Anh Sách, có thể là mối quan hệ họ hàng (thế hệ trước thế hệ sau). Trong khi thời gian còn làm những chức vụ quan trọng trong phủ, Anh Sách có mối quan hệ với các tù hào địa phương và quan quân trong phủ thành, do vậy không loại trừ, việc quan quân trong phủ thành nổi loạn năm 828 đuổi Đô hộ Hàn Ước là có sự góp mặt của Dương Thanh và họ Đỗ ở Trường Châu. Thời điểm diễn ra sự kiện quân loạn là sau khi Hàn Ước phải đối đầu (và chắc chắn bị tổn thất) với Thứ sử Phong Châu Vương Thăng Triều – một thời điểm hợp lý (trước đây Thanh cũng đã từng lựa chọn thời điểm tấn công phủ thành là vào ban đêm).

Sách Cựu Đường thư do Lưu Hu soạn vào khoảng thời gian từ năm 941 – 945, Sách phủ nguyên qui do Vương Khâm Nhược, Dương Ức soạn từ năm 1005 – 1013, Tân Đường thư của Âu Dương Tu soạn từ năm 1044 – 1054, sách Tư trị thông giám của Tư Mã Quang soạn hoàn thành vào năm 1084.  Sách Cựu Đường thư chép rằng: Tháng 6 năm 820 Quế  Trọng Võ tấu giết được đầu đảng của giặc là Dương Thanh, thu phục được An Nam; tháng 8 năm 820 An Nam đô hộ là Quế Trọng Võ chém đầu phản tướng Dương Thanh dâng lên triều đình, thu hồi An Nam phủ. Sách phủ nguyên qui chép rằng: Tháng 6 năm 820, tấu: “Ngày 29 tháng 3, thu hồi An Nam, xử trí xong bọn tặc đảng Dương Thanh”. Tháng 8, Trọng Võ gửi thủ cấp của tướng phản loạn Dương Thanh đến trạm dịch Trường Lạc, lệnh cho trung sứ ra đón. Tân Đương thư chép rằng: Tháng 3 năm 820 giết Dương Thanh.

Chúng ta thấy rằng ghi chép gần nhất với sự kiện là sách Cựu Đường thư, tuy nhiên sách này cũng cách sự kiện tới 120 năm, các sách khác thì cách sự kiện tới 180 đến 200 năm. Sách gần nhất là Cựu Đường thư cũng chỉ ghi chép là: Tháng 6 năm 820 nhận bản tấu là đã giết được Dương Thanh, còn chính xác là Dương Thanh bị giết ngày tháng nào thì không thấy đề cập, đến tháng 8 cùng năm thì nhận được thủ cấp, cũng rất khó để xác định xem những gì viết trong bản tấu có đúng không và thủ cấp có đúng của Dương Thanh không? Sách phủ nguyên qui thì ghi rõ ràng hơn là trong bản tấu (tháng 6 năm 820) có viết rằng: xử trí xong tặc đảng Dương Thanh vào tháng 3 năm 820, tuy nhiên chỉ là ‘xử trí xong’ – không biết ‘xử trí xong’ này có bao gồm việc ‘giết’ không? Hay chỉ là thu hồi An Nam và đánh bại Dương Thanh? Tân Đường thư thì viết rõ hơn: tháng 3 năm 820 giết Dương Thanh. Tuy nhiên Âu Dương Tu sinh vào thời điểm Sách phủ nguyên qui được soạn và đi học khi sách này được in ấn, do vậy mà chúng ta có thể đặt giả thuyết rằng: khi viết Dương Thanh bị giết vào tháng 3 năm 820 trong Tân Đương thư không loại trừ khả năng, Âu Dương Tu tham khảo Sách phủ nguyên qui. Mà Sách phủ nguyên qui là sách đầu tiên viết về mốc thời điểm ngày 29 tháng 3 năm 820, nhưng lại chép dựa trên một bản tấu và cũng chỉ viết là ‘xử trí xong tặc đảng Dương Thanh’. Như vậy thì dù có nhiều sách chép về sự kiện này đi chăng nữa thì suy tới cùng vẫn chỉ dừng lại ở việc: Dương Thanh bị giết vào ngày 29 tháng 3 năm 820 là dựa vào bản tấu (của Quế Trọng Võ) gửi triều đình. Vì sao Âu Dương Tu không chép là ‘xử trí xong’ mà lại chép là ‘giết’? Có thể là do Tu tham khảo Cựu Đường thư nên viết vậy! Vậy thì sao Vương Khâm Nhược và Dương Úc lại không viết là  ‘giết tặc đảng Dương Thanh’ mà lại chép là ‘xử trí xong tặc đảng Dương Thanh’? Có 2 lý do, thứ nhất từ ‘xử trí xong’ trong Sách phủ nguyên qui đã bao hàm việc ‘giết’ và thứ hai là tác giả muốn giữ nguyên văn của bản tấu. Trong trường hợp thứ nhất thì hoàn toàn có cơ sở vì Vương Khâm Nhược và Dương Úc hoàn toàn biết chuyện Quế Trọng Võ gửi thủ cấp của Dương Thanh về triều đình vào tháng 8 năm 820 trong Cựu Đường thư. Trong trường hợp thứ hai, nếu đúng thì tại thời điểm triều định nhận được bản tấu, Võ vẫn chưa giết được Thanh, nên chỉ viết là ‘xử trí xong’ (nghĩa là đánh bại và thu hồi An Nam, mà chưa giết được Dương Thanh), sau đó khi tàn quân của Thanh ra hàng, lúc này Võ mới giết được Thanh và gửi đầu về triều đình, do vậy mà thời gian giữa việc gửi bản tấu và thủ cấp mới có sự khác nhau. Nếu vậy thì hiểu sao về việc ghi chép của Lưu Hu trong Cựu Đường thư đây, nếu như nguyên văn bản tấu của Quế Trọn Võ chỉ là ‘xử trí xong’? Có thể là khi soạn sách sử, do biết rằng: Dương Thanh đã bị giết (thông qua việc gửi thủ cấp về phương bắc) nên Lưu Hu đã sửa câu văn trong bản tấu của Quế Trọng Võ từ ‘xử trí xong’ sang ‘giết’. Nếu vậy thì, câu chuyện trong bản tấu liên quan mật thiết tới sự kiện ‘gửi thủ cấp của tặc đảng Dương Thanh về triều đình’. Vậy thì lại liên quan tới câu hỏi thứ ba: Liệu rằng triều đình phương bắc có thể nhận biết được thủ cấp của Dương Thanh hay không?

Câu hỏi thứ bảy của chúng ta ở đây là: Liệu rằng Quế Trọng Võ có thể tấu báo sai với triều đình phương bắc không? Như chúng ta biết sau khi nhậm chức An Nam đô hộ, Quế Trọng Võ án binh, sau 4 tháng không có kết quả gì, liền bị triều đình biếm làm An Châu thứ sử, dùng tiền An Nam đô hộ Bùi Hành Lập thay thế chức vụ của ông, vậy mà chỉ sau hơn 1 tháng kể từ ngày có chiếu lệnh của triều đình (ngày 22 tháng 2 năm 820) Trọng Võ đã hạ được phủ thành vào ngày 29 tháng 3 năm 820. Tuy rằng Hành Lập không thể nhậm chức An Nam đô hộ lần thứ 2 do bị chết tại trấn Hải Môn, nhưng qua việc triều đình phương bắc lựa chọn Lập để thay Võ, cho thấy sự kỳ vọng của triều đình vào kinh nghiệm và mối quan hệ của vị tiền An Nam đô hộ này, gợi ý chúng ta: Việc các tù hào mở cửa thành ra hàng là do hình phạt hà khắc của Dương Thanh, cùng với chính sách chiêu dụ của Trọng Võ hay là do uy tín của Bùi Hành Lập? Khi triều đình cử Trọng Võ làm An Nam đô hộ là đã kỳ vọng một trận chiến thu hồi đất cũ, nhưng sau lại cử Hành Lập, cho thấy triều đình biết tình hình ở An Nam và đã thay chiến thuật từ xung đột vũ trang sang chiêu dụ, do vậy thành quả của việc các tù hào ra hàng không biết là do công của Trọng Võ hay uy tín và mối quan hệ của Hành Lập hay cả hai?

Kết luận: Với những tài liệu như hiện có tôi đặt giả thuyết rằng năm 819 Lý Tượng Cổ nhậm chức An Nam đô hộ thay Bùi Hành Lập, Tượng Cổ không sử dụng các tù hào mà sử dụng người phương bắc, hơn thế nữa lại có chính sách kiềm toả các thủ lĩnh người bản địa, trong đó có Thứ sử Dương Châu là Dương Thanh bị gọi về làm nha tướng. Trong hoàn cảnh các thế lực bên ngoài biên cảnh đang lớn mạnh, nhân sự kiện buộc phải đi dẹp giặc Man Hoàng Động phía bắc, Thanh đã liên kết lại với giặc, quay mũi giáo, làm phản, tân công phủ thành, tin này nhanh chóng lan rộng, các tù hào ở khắp nơi tới hưởng ứng, cùng Thanh tấn công và hạ phủ thành. Nhận được tin, triều đình cử Quế Trọng Võ làm An Nam đô hộ, với kỳ vọng một trận chiến giành lại đất cũ, thế nhưng không hiệu quả, do vậy triều đình thay chiến lược, cử Hành Lập làm An Nam đô hộ, muốn dựa vào kinh nghiệm và các mối quan hệ mà tiền Đô hộ An Nam này thiết lập được để chiêu dụ các tù hào. Kết quả là Lập chết khi đang trên đường đến nhậm chức, các tù hào mở cửa thành ra hàng, Dương Thanh và tàn quân rút chạy về giữ đất Tạc Khê (Trường Châu). Chiếm được phủ thành, nhưng chỉ kiểm soát được Giao Châu, An Nam đô hộ Quế Trọng Võ gửi tấu về triều đình vào tháng 6 năm 820 là ‘giết được đầu đảng tặc Dương Thanh và thu hồi An nam’ và gửi thủ cấp giả của Dương Thanh về triều đình vào tháng 8 năm 820. Năm 822 Lý Nguyên Hỉ làm An Nam đô hộ, năm 824 Man Hoàng Động và Hoàn Vương tấn công An Nam, năm 825 Hỉ rời phủ thành về phía bắc sông Tô Lịch, năm 827 Hàn Ước làm An Nam đô hộ, bị Thứ sử Phong Châu là Vương Thăng Triều chống đối, năm 828 Ước bị quân trong phủ (phối hợp với Dương Thanh) đuổi khỏi An Nam. Nhà Đường mất kiểm soát An Nam hoàn toàn cho tới năm 836 khi Mã Thực được làm Đô hộ.

 

 

0