Dân Tộc Palestine và những thăng trầm lịch sử
I)- Dân tộc Palestine trước Công-nguyên 1)- Lịch sử tên gọi nguyên thuỷ Palestine Tên gọI Palestine được nhắc tới đầu tiên trong Kinh Thánh Cựu Ước, sách Xuất Hành (Exodus: năm 1225 TCN) là Philistin. Dân Ít-ra-en ra đi: “17 Khi Pha-ra-ô thả cho dân đi, Thiên Chúa không ...
I)- Dân tộc Palestine trước Công-nguyên
1)- Lịch sử tên gọi nguyên thuỷ Palestine
Tên gọI Palestine được nhắc tới đầu tiên trong Kinh Thánh Cựu Ước, sách Xuất Hành (Exodus: năm 1225 TCN) là Philistin.
Dân Ít-ra-en ra đi: “17 Khi Pha-ra-ô thả cho dân đi, Thiên Chúa không dẫn họ theo ngả đường xuyên qua xứ Phi-li-tinh, dù đường đó gần hơn, vì Thiên Chúa nói: “Khi thấy phải chiến đấu, dân có thể hối hận mà quay về Ai-cập.” 18 Vậy Thiên Chúa đưa dân đi vòng, qua ngả đường sa mạc Biển Sậy. Con cái Ít-ra-en võ trang đầy đủ từ đất Ai-cập đi lên.” (Xuất Hành chương 13, câu 17-18).
Tên gọi Palestine lâu đời kế tiếp được đề cập trong tài liệu của đền thờ Medinet Habu vào thời kỳ cổ đại Ai Cập có ghi là dân “P-r-s-t thường gọi là Peleset”, một dân tộc miền biển đã xâm nhập Ai Cập dưới triều đại vua Usimare Ramesses III (cũng gọi là Ramses III hay Ramese III) thuộc đời thứ hai của vương-quyền Pha-ra-ô (Pharaoh: 1186-1155 TCN). Theo tiếng Do Thái “Hebrew” thì tên Peleset trước kia thường được dịch qua tiếng Anh là “Philistia”.
Lãnh thổ Philistia thuộc vùng dân cư Philistines thời Vương-quốc Judah, phía Nam Do Thái. Vào thời kỳ 1185 (TCN) Philistia bao gồm 5 thành phố là Gaza, Ashkelon, Ashdod, Ekron và Gath. Biên giới phía Bắc là sông Yarkon, phía Nam kéo dài tới Gaza, phía Tây là Địa-trung hải và phía Đông không được xác định.
2)- Các Vương quốc thời kỳ 930-830 TCN
Như trong bài trước chúng tôi đã trình bày vào khoảng năm, 930 (TCN) sau khi vua Salomon từ trần Vương-quốc thống nhất của vua Đa-vít và Salomon bị chia thành hai nước lớn.
Vương-quốc Israel ở phía Bắc và Judah (Judea) ở phía Nam. Cùng thời có Vương-quốc: Ammon, Edom, Aram-Damacus, Moab; đế-quốc Assyria, 2 tiểu bang (thành phố tự trị): Philistine, Phoenicia và 3 bộ lạc lớn: Aramea, Arubu và Nabatu (bản đồ đính kèm).
Năm 722 (TCN), cũng như lãnh thổ Israel, Philistia bị Đế-quốc Assyria xâm chiếm và sát nhập vào Assyria. Hoàng-đế Sargon II, trong kỷ yếu của ông ta, gọi vùng này là Palashtu hay Pilistu. Năm 604 (TCN) sau khi lật đổ Đế-quốc Assyria, Đế-quốc Babylon đã bắt dân Philistia làm nô lệ và Philistia coi như bị quên lãng.
II)- Dân tộc Palestine sau Công-nguyên
1)- Thời Đế-quốc Rô-ma, Hoàng- đế Publius Aerius Hadrianus, thường gọi là Hadrian (76-138)
Năm 131, dân Do Thái dưới sự lãnh đạo của Bar Kochba nổi lên chống Đế-quốc Rô-ma bị thất bại và Hoàng-đế Hadrian ra lệnh phá hủy thành Giê-ru-sa-lem (Jerusalem) và xây thành khác mang tên Aelia Capitolina để cho quân sĩ cư ngụ và xây một đền thờ thần Jupiter trên nền đền thờ Jerusalem. Sau đó dân Do Thái bị đuổi khỏi Jerusalem và lãnh thổ Judea bị đổi thành Syria Palaestina (Syria Palestina).
Đây là lần đầu tiên tên gọi Palaestina (ra đời dưới thời Hoàng-đế Hadrian của Đế-quốc Rô-ma (131-132)
(Palæstina: tiếng La-tinh mẫu tự a và e viết dính liền thành 1 mẫu tự æ)
2)- Thời Đế-quốc Rô-ma phương Đông, Byzantine (330-631)
Các phần đất Syria Palaestina, Samaria và Galilee được gọi chung là Palaestina vùng phụ của Palestina I và II; sau vùng này được đặt tên lạI, bao gồm sa mạc Negev, Sinai và bờ biển phía Tây bán đảo Ả-rập là Palaestina Salutaris, có khi gọi là Palaestina III. Chữ Ả Rập Palestine là Philistine, thường dịch qua tiếng Anh là Filistin, Filastin hay Falastin. Tên Palaestina không được dùng dưới thời Đế-quốc Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman. Nó được thông dụng kể từ thời Âu Châu canh cải, đặc biệt sau thời Đế-quốc Ottoman sụp đổ và Anh-quốc đóng vai trò đặc nhiệm tại vùng này.
3)- Thời kỳ Đế-quốc Rô-ma Constantine (330-640)
Khi Hoàng-đế Constantine I theo đạo Công-giáo vào khoảng năm 330 thì lãnh thổ Palaestina được tổ chức thành ba khu vực vào năm 390:
-Palaestina I (Palaestina Prima) thủ phủ Caesarea bao gồm lãnh thổ Judea, vùng bờ biển Samaria và Peraea,
-Palaestina II (Palaestina Secunda) thủ phủ Scythopolis gồm lãnh thổ Gallilee, thung lũng Jezreel, vùng phía Đông Galillee và một phần phía Tây của Decapoli.
-Palaestina III (Palaestina Tertia hoặc Salutaris) thủ phủ Petra gồm lãnh thổ Negev phía Nam Jordan, một phần của Saudi Arabia và sa mạc Sinai.
Công-giáo trở thành quốc-giáo tại lãnh địa Palaestina. Vì thế khi nói tới Đất Thánh, người ta hiểu là lãnh thổ Palaestina rộng lớn được đặt trực thuộc Giáo-phận đàng Đông.
4)- Thời kỳ Hồi-giáo (Islam) cai trị (630-1918)
Năm 630, Tiên tri Muhammad chinh phục Mekka (Mecca) và nơi đây trở thành giáo-đô của đạo Islam. Mekka tại Saudi Arabia ngày nay, nơi có tảng đá đen hình khối vuông mà người Muslim tin rằng Tiên-tri Muhammad ban đêm đã bay về trời. Cuộc chinh phục này mở đầu cho sự phát triển đạo Islam trên toàn bán đảo Ả Rập. Palaestina dĩ nhiên chịu ảnh hưởng của Hồi giáo kể từ thời gian này.
5)- Thời kỳ cai trị của các Thủ-lãnh Islam (Caliphs) (638-1099)
Năm 638, Thủ-lãnh Islam Omar Ibn al-Khattab cùng Safforonius bao vây và chiếm thành Jerusalem. Giáo chủ (Patriarch) Jerusalem phải ký bản thỏa hiệp “Al-Uhda al-’Omariyya” (Thỏa hiệp Umariyya), một sự thỏa thuận khuyến khích các quyền lợi và bổn phận của tất cả những người không phải Muslim tại lãnh thổ Palaestina. Tín đồ Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo được coi là “Dân của Sách” (People of Book – Ahlal-Kitab), được bảo vệ, nhưng phải đóng thuế thân (Poll tax) gọi là “Jizyah”.
“Dân của Sách” được xác định là không phải tín đồ Hồi-giáo Muslim, có đức tin và có sách cầu nguyện. Theo Kinh Thánh Koran (Qur´an), tín đồ Do Thái (Judaism), tín đồ Sa-bi (Sabians) và Tín đồ Thiên Chúa giáo là “Dân của Sách”. Lý do: tín đồ các tôn giáo này, giống như người Muslim, công nhận Thiên Chúa của Tổ-phụ Abraham là Thiên Chúa duy nhất và thực hành đức tin qua lễ nghi thánh thiện, tha thứ và tự trị, thì thích hợp với người Muslim trong một xã hội được cai trị bởi luật Sharia (Luật Thánh của Islam)
Tuy nhiên, có nhiều thủ-lãnh Muslim và học giả Islam cũng kể đạo Zoroastrinism (của Tiên-tri Zoroaster ở Persia (Iran) trước thế kỷ 6 TCN) và Ấn Độ giáo (Hinduism) vào danh sách này.
Chính vì không có sự kỳ thị và áp bức; nên có nhiều người Do Thái trở về Jerusalem, sau 500 năm bị lưu đày xa quê hương.
6)- Thời kỳ cai trị của Umayyad Caliphates (661-750)
Thời cai trị của Umayyad, thủ lãnh Muslim, tỉnh Palaestina I trở thành tỉnh phụ (Sub-province hay Jund) hành chính và quân sự của Filastin là tên gọi lãnh thổ Palaestina trong tiếng Ả-rập từ thời điểm này trở đi. Nó là một phần của tỉnh lớn ash-Sham (trong tiếng Ả-rập có nghĩa Syria rộng lớn hơn).
-Jund Filastin (tiếng Ả-rập có nghĩa là quân đội của Palaestina) là vùng trải dài từ sa mạc Sinai tới đồng bằng Acre (Akko) từ biên giới Lebanon tới phía Nam Israel, bao gồm các thành phố lớn như: Rafah, Caesarea, Gaza, Jaffa, Nablus và Jerico. Thành phố Lod (tên Hy Lạp và Latin là Lydda, tên từ Kinh Thánh Cựu Ước), khu trung tâm của Thủ-đô Tel Aviv của Do Thái ngày nay, có phi trường quốc tế Ben-Gurion, xưa là trung tâm thành phố của Filastin và Thủ-đô di chuyển về Ramla vào khoảng năm 705-715 TCN, khi thủ-lãnh Muslim, Umayyad Caliph Suleiman ibn Abed al-Malik, chinh phục vùng này. Ramla nằm dọc theo đường biển (Way of Philistuines) hay the way of the sea, tiếng Latin: Via Maris), đường buôn thông thương giữa Ai-cập với Syria, Anatolia và Mesopotamia, ngày nay là Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và cửa biển Jaffa tới Jerusalem. Đường này cũng được nói trong Kinh Thánh Tân Ước (Mát-thêu 4, 15).
-Jund al-Urdum (Quân- đội của Jordan) là vùng phía Bắc và Đông của Filistin bao gồm các thành phố Acre, Bisan và Tiberia. Năm 691, thủ-lãnh Muslim Abd al-Malik ibn Marwan ra lệnh xây cất Đền Thờ Đá Vòm (Dome of the Rock) trên Núi Thờ (Temple Mount), nơi mà Tổ-phụ Abraham đã đem con trai mình là Isaac lên núi Moria để tế lễ Thiên Chúa; và là nơi mà người Muslim tin là Tiên-tri Muhammad đã lên trời vào ban đêm. Khoảng một thập niên sau (791), thủ lãnh Muslim là Al-Walid I xây Đền Thờ Al-Aqsa, đền thờ Islam thứ hai trên Đất Thánh.
*** Như vậy có thể nói: từ năm 638 là thời điểm dân Ả-rập theo đạo Islam có chủ quyền trên toàn lãnh thổ Palaestina và trên Cố-đô Jerusalem.
5)- Thời kỳ cai trị của Fatimid (969-1099)
Từ căn cứ địa ở Tunisia, Thủ-lãnh Muslim hệ phái Shi’ite là Fatimid Caliphate, qua con gái là Fatimah, tự xưng là hậu duệ của Tiên-tri Muhammad đã xâm chiếm Palaestina vào năm 969 qua đường Ai-cập. Fatimid từng cai trị Maghreb (Sudan), đảo Cicily và Malta, Levant và Hijaz từ năm 909 tới 1171. Ban đầu thủ-đô của Fatimid đặt tại Mahdia (Tunisia) sau dời qua Cairo (thủ-đô Ai Cập ngày nay). Jerusalem, Nablus và Askalan được mở rộng và canh tân dưới thời kỳ này. Hai tổ chức cũ Jund Filastin và Jund al-Urdum bị hủy bỏ. Vào cuối bán thế kỷ 11 thì Đế-quốc Fatimid bị thất bại về tay Thổ Nhĩ Kỳ (Seljuk Turks). Jerusalem bị đặt dưới quyền cai trị của Seljuks năm 1073 cho tới khi Thập Tự Quân giải phóng Jerusalem vào năm 1098.
6)- Thời kỳ cai trị của Thập Tự Quân (Crusader) 1099-1187)
Vương quốc Jerusalem là vương quốc của người Ki-tô giáo được thiết lập từ năm 1099 tới 1291 tại Levant, một khu vực rộng lớn bao gồm các lãnh thổ Lebanon, Jordan, Israel, Syria, Cuprus, Sinai và Iraq. Năm 1291 Vương-quốc Jerusalem bị thất bại về tay Đế-quốc Thỗ Nhĩ Kỳ “Mamluk”. Vương-quyền Mamluk cai trị Trung Đông, Bắc Phi Châu và một số nước Đông Âu suốt trong 10 thế kỷ. Các người cầm quyền hành đất nước hay lãnh thổ được gọi là Sultan (thay cho Caliph trước đây). Mamluk Sultanate (1250-1517) đã có công đánh bại quân Mông Cổ và Thập Tự Quân.
Đến tháng 7/1187, từ căn cứ Cairo, Tướng Saladin, người Kurdistan, chỉ huy quân đội chiến thắng trong trận Hatti và chiếm Jerusalem. Một sự thỏa hiệp dành cho Thập Tự Quân đặc quyền lưu lại tại đất Palaestina. Năm 1229 vua Frederick II (1220-1250) đã đàm phán với Đế-quốc Thổ Sultan về hiệp ước 10 năm cho Jerusalem, Nazareth và Bethlehem, một lần nữa được cai trị bởi Thập Tự Quân. Frederick II là Hoàng-đế Rô-ma, vua nước Đức, Ý, Cicily, Burgundy, người bị Đức Giáo Hoàng Gregory IX rút phép thông công 4 lần (cấm rước lễ) vì tội chống Đức Kitô (Anti Christ).
Năm 1270, Sultan Baibars đánh đuổi Thập Tự Quân ra khỏi hầu hết các quốc gia Trung Đông.
Phải chăng vì sự thất bại này mà Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay chực chờ mãi mà chưa được chấp nhận làm hội viên của Liên Hiệp Âu Châu “EU”?
7)- Thời kỳ cai trị của Đế-quốc Thổ Nhĩ Kỳ Mamluk (1270-1516)
Trong thời kỳ Mamluk lãnh thổ Palaestina được coi như một phần của khu vực Damacus Wilayah dưới sự cai trị của Mamluk Sultanate của Ai Cập. Palaestina bị chia thành ba tiểu khu nhỏ (Sanjaks) với Thủ-phủ là Jerusalem, Gaza và Safed, được các văn sĩ Ả-rập và Muslim ca tụng là thời kỳ “Lãnh thổ được các Tiên-tri chúc phúc và các nhà lãnh đạo đáng kính của Islam”. Các nghi lễ thánh được tái phục hồi và đón nhận nhiều khách hành hương.
Cuối thế kỷ 13 Đế-quốc Thổ Mamluks đã đánh bại quân của Đế-quốc Mông Cổ vào ngày 3/9/1260 ở chiến tuyến đồi cao Ain Jalut của thung lũng Jezreel phía Bắc Jerusalem trên đất Palaestina.
Năm 1267, Catalan Rabbi Nahmanides, bị ngược đãi đã trốn khỏi Âu Châu, xin tị nạn tại các nước Islam và tới Jerusalem xây đền thờ Do Thái Ramban tại thành phố Jerusalem cổ, còn tồn tại đến ngày nay. Đền thờ này làm sống lại tinh thần Do Thái tại Đất Thánh.
Năm 1486 cuộc xung đột giữa Đế-quốc Thổ Mamluk và Ottoman xẩy ra do sự tranh dành quyền hành tại Tây-Á. Quân đội của Mamluks bị quân Ottoman Sultan Selim I đánh bại. Lãnh thổ Palaestina mất về tay Ottoman năm 1516 sau trận chiến Marj Dabiq.
8)- Thời cai trị của Đế-quốc Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman (1516-1831)
Sau sự chinh phục của Đế quốc Ottoman, tên Palaestina bị biến mất trên bản đồ. Năm 1516, Palaestina trở thành một phần đất của tỉnh Vilayet của Damacus-Syria cho tới năm 1660. Sau đó trở thành một phần đất của Saida (Sidon) cho tới khi Pháp-quốc chiếm Jaffa, Haifa và Caesarea vào ngày 7/3/1799 tới tháng 7/1799.
Trong cuộc chiến chống quân Đế-quốc Thổ Nhĩ Kỳ tại Acre trên lãnh thổ Palaestina, ngày 20/4/1799, Napoléon Bonaparte, Tổng Tư Lệnh Quân-đội Cộng-hòa Pháp-quốc, sau trở thành Hoàng-đế Pháp, đã viết thư cho dân Do Thái hứa sẽ thành lập một quốc gia Israel trên đất Palaestina dưới sự bảo trợ của Cộng Hòa Pháp-quốc. Nhưng đó chỉ là sự hứa hẹn chưa thực hiện được, vì sau đó Napoléon bị thất bại phải rút quân khỏi vùng Cận Đông.
Ý định của Napoléon Bonaparte được coi như phát xuất từ tâm tình và nỗi chờ mong của người Do Thái về ngày được giải phóng trở về đất nước mà Tiên-tri I-sa-i-a (Isaiah) đã tiên báo trong Cựu Ước, sách Isaiah chương 35: “Giê-ru-sa-lem toàn thắng” câu 10:
Những người được Đức Chúa giải thoát sẽ trở về,
Tiến đến Xi-on giữa tiếng hò reo,
Mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu.
Họ sẽ được hớn hở tươi cười,
Đau khổ và khóc than sẽ biến mất”.
9)- Thời cai trị của Ai Cập (1831-1841)
Ngày 10/5/1832, các lãnh thổ của Bilad ash-Sham bao gồm Syria, Jordan, Lebanon và Palaestina bị chinh phục và sát nhập bởi Muhammad Ali qua trận chiến Ai Cập-Ottoman vào năm 1831. Anh-quốc gửi Hải-quân tới Beirut, Lebanon và liên quân Anh-Ottoman hiện diện khiến cho dân địa phương nổi dậy chống Ai Cập. Quân Ai Cập phải rút về nước và Muhammad Ali phải ký thỏa hiệp 1841. Quân Anh trao lại vùng Lavant cho Đế-quốc Ottoman.
10)- Thời cai trị của Ottoman (1841-1917)
Trong chương trình tái tổ chức vào năm 1873, trong đó thiết lập biên giới hành chính còn lưu lại cho tới năm 1914, lãnh thổ Palaestina bị phân chia thành 3 đơn vị hành chính lớn.
-Phần phía Bắc trên đường ranh Jaffa tới phía Bắc Jericho và Jordan bị sát nhập vào tỉnh Vilayet vùng Sanjaks của Acre, Beirut và Nablus.
-Phần phía Nam từ Jaffa trở xuống là một phần của vùng đặc biệt Jerusalem. Các biên giới phía Nam không rõ; nhưng có thể kể là vùng phía Đông bán đảo Sinai và phía Bắc sa mạc Negev.
-Phần lớn vùng trung tâm và phía Nam sa mạc Negev thuộc tỉnh Vilayet của Hijaz, gồm bán đảo Sinai và phía Tây của Saudi Arabia.
Tới thế kỷ 19 chính quyền Ottoman đặt tên mới là Ardh-u Filistin (Đất Palaestina) là vùng phía Tây sông Jordan sau trở thành Palaestina cho đến khi thuộc quyền đặc nhiệm của Anh-quốc vào năm 1922.
11)- Thời kỳ Thế Chiến I (1914-1918)
Trong Thế Chiến I Palestine được dùng trong giấy tờ pháp lý và chỉ vùng đất trải dài từ Rafah (Đông-Nam Gaza) tới sông Litani (Lebanon). Biên giới Palestine phía Đông giáp biển và phía Đông từ sa mạc Syria hoặc giáp sông Jordan. Theo Thỏa hiệp Sykes-Picot thì phần lớn Palestine, khi chạy giặc Ottoman, sẽ trở thành vùng Quốc-tế; không trực tiếp dưới quyền kiểm soát của Anh và Pháp-quốc. Nhưng theo Tuyên ngôn Balfour năm 1917 của Ngoại trưởng Anh thì quốc gia Israel sẽ đuợc thành lập trên đất Palestine.
Anh-quốc điều quân Ai Cập dưới sự chỉ huy của Edmund Allenby chiếm Jerusalem ngày 9/12/1917 và quân Thổ phải đầu hàng ngày 31/10/1918.
12)- Thời kỳ đặc nhiệm của Anh-quốc (1920-1948)
Năm 1922, sau Thế Chiến I, Hội Quốc Liên (LHQ) giao quyền quản trị lãnh thổ Palestine cho Anh-quốc. Hai quốc gia được thành lập là: Palestine và Transjordan. Sự hình thành hai quốc gia Palestine và Transjordan lại đi ngược với Tuyên ngôn của Ngoại-trưởng Anh Balfour 1917, về sự thành lập một quốc gia Israel trên lãnh thổ Palestine.
Vì thế, một số quốc gia Ả Rập nghĩ rằng Anh-quốc đã vi phạm thư thỏa hiệp của cao ủy Anh, Mc Mahon gửi cho Thủ lãnh Hussein ở Mecca, về chủ quyền lãnh thổ Palestine. Lý do: binh sĩ của các nước Ả-rập trong vùng, đặc biệt lính Ai-Cập, đã có công trong việc đánh bật quân Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi lãnh thổ Palestine. Như vậy, quyền quyết định vận mạng đất nước này phải là quyền của các nước Ả-rập trong vùng.
Vì thế, một số nước Ả-rập muốn thống nhất Palestine vào Syria. Năm 1919 nhiều tổ chức Muslim và Ki-tô giáo từ Jaffa cũng như Jerusalem đã hội họp và chấp nhận dự án thống nhất với Syria, chống lại Do Thái. Có người gọi đây là Quốc-hội Quốc-gia Palestine đầu tiên.
III)- Nhận định
Ôn lại chặng đường lịch sử của dân tộc Palestine từ trước và sau Công Nguyên, chúng ta thấy rằng một dân tộc Palestine và lãnh thổ Palaestina thì có; nhưng một chính quyền quốc gia Palestine đúng nghĩa thì chưa có trong lịch sử cổ xưa và cận đại. Palaestina chỉ được nhắc tới như một thành phố tự trị hoặc tiểu bang (city-state) của một cộng đồng dân tộc thiểu số không có chính quyền hay vương quyền đúng nghĩa trong suốt dòng lịch sử; một dân tộc không có chủ quyền và luôn bị đặt dưới sự cai trị của các Đế-quốc và cường quốc trong vùng như Assyria, Babylon, Israel, Rô-ma, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ v.v… kể cả trước và sau Công-nguyên.
Người đứng đầu của thành phố tự trị hoặc tiểu bang của dân Palestine vào thời điểm đó cũng được gọi là “vua”. Morgens Hansen, giáo-sư Đại-học Copenhagen trong tác phẩm: “Sự nghiên cứu có tính cách so sánh các nền văn hóa của 30 tiểu bang thành phố, một cuộc khảo sát” (A Comparative Study of Thirty City-State cultures: An Investigation, Bind 21), có trích một đoạn “Vương-quốc Philistine” (Kingdom of Philistine) của tác giả John Strange. Ở trang 136 ghi các vua của các thành phố Philistine (the Kings of the Philistine cities) như sau:
– Tiglat Pileser III (744-727 TCN), vua Hanno của Gaza.
– Esarhaddon, Sil-Be (680-669 TCN) vua của Gaza.
– Sennacherib (704-68 TCN), Iamani Lor và Azuri, vua của Ashkodod.
– Padi, vua của Ekron.
– Mitinti và Sidqia vua của Ashkelon.
Sự kiện làm vua một tỉnh chúng tôi có thể chứng minh được.
Trường họp 1:
Hiện nay dân Đan Mạch và báo chí vẫn gọi các ông tỉnh trưởng (Borgmester của Kommune: Công-xã hay tỉnh) là “Vua Tỉnh” (Bykonge = City King), mặc dù về phương diện hành chính trên các tỉnh còn có chính phủ Đan Mạch và Nữ Hoàng Margreth II. Theo nguyên tắc mỗi tỉnh (Kommune) được tự trị về hành chính; nhưng khi một tỉnh không còn khả năng điều hành, đặc biệt khi ngân sách của tỉnh bị thâm thủng vô phương cứu chữa, thì tỉnh đó sẽ được đặt dưới quyền quản trị trực tiếp của chính phủ. Các tỉnh của Palestin cách đây hơn 2.000 năm thì dân số chắc chỉ vài ngàn chục ngàn người, không thể so với các Tiểu-bang của Đức-quốc hay Hoa Kỳ ngày nay.
Trường hợp 2:
Thực tế hơn, quí độc giả cũng thấy rằng hiện nay dân Palestine có một chính quyền, lãnh thổ và dân chúng, đứng đầu là Tổng-thống (Chủ tịch) Mahmoud Abbas, 15.2.2005 kế vị sau khi Chủ-tịch Yasser Arafat, được bầu làm Tổng-thống năm 1996, chết vào ngày 11.11.2004. Tuy có một chính phủ: Tổng thống và nội các gồm Thủ-tướng và các Bộ-trưởng; nhưng Palestine vẫn chỉ là một lãnh thổ tự trị chứ chưa trở thành quốc gia Palestine độc lập, có chủ quyền và trở thành hội viên của Liên Hiệp Quốc.
Như trên đã nói, năm 722 (TCN), cũng như lãnh thổ Israel, Philistia bị Đế-quốc Assyria xâm chiếm và sát nhập vào Assyria. Hoàng-đế Sargon II, trong kỷ yếu của ông ta, gọi vùng này là Palashtu hay Pilistu. Năm 604 (TCN) sau khi lật đổ Đế-quốc Assyria, Đế-quốc Babylon đã bắt dân Philistia làm nô lệ và Philistia coi như bị quên lãng.
Như vậy, dân Palestine vào thời kỳ đó chỉ có vua của 4 thành phố lớn là Gaza, Ashkelon, Ashdod và Ekron dưới quyền cai trị của Đế-quốc Assyria và Babylon, chứ không phải là vua của một quốc gia độc lập tự chủ.
Khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thất bại trong Thế Chiến I và phải rút khỏi Palaestina, Anh-quốc với tư cách đặc nhiệm vùng Trung Đông đã thành lập hai quốc gia Palestine và Tranjordan (vương-quốc Jordan ngày nay). Tuy vậy, Palestine chưa thành hình một quốc gia độc lập có chủ quyền, vì Ngoại-trưởng Anh-quốc Balfour sau đó lại tuyên bố sẽ thành lập quốc gia Israel trên lãnh thổ Palestine. Chương trình của chính phủ Anh chưa được thực hiện và chưa có kết quả đã bị các nước Ả-rập trong vùng chống đối. Anh-quốc sợ mất lòng các nước Ả-rập đã trao vấn đề Palestine cho Liên Hiệp Quốc (LHQ) quyết định.
Ngày 29.11.1947 Đại Hội Đồng LHQ với 33 phiếu thuận, 13 phiếu chống và 10 vắng mặt, đã đưa ra Quyết-định 181 thành lập 2 quốc gia, một quốc-gia Ả Rập (an Arab State), một quốc-gia Do Thái (a Jewish State). Hai quốc gia này nằm trong liên hiệp kinh tế. Jerusalem rộng lớn hơn, bao gồm cả đất Bethlehem và Beit Sahour thuộc vùng đất thánh của người Ki-tô giáo do Quốc-tế kiểm soát. Tình trạng Jerusalem thuộc quyền kiểm soát của Quốc-tế cũng được tái xác nhận vào ngày 9/12/1949, qua Quyết-định 303 của Đại Hội Đồng LHQ
Do Thái chấp nhận quyết định của LHQ và tuyên bố quốc gia Israel ra đời vào ngày 14/5/1948; trong khi các thủ lãnh Ả-rập gốc Palestine bác bỏ và tất cả các nước Muslim và Ả-rập độc lập bỏ phiếu chống lại quyết định của LHQ. Liền sau đó, các cuộc bạo động xẩy ra khiến cho hàng trăm người dân Ả-rập, Do Thái và Anh-quốc bị giết.
Trong Quyết-định 181 Liên Hiệp Quốc không nói gì tới một quốc-gia Palestine (Palestine State).
Sự bác bỏ hoàn toàn quyết định 181 của LHQ ngày 29.11.1947 của các nước Muslim (Islam) và Ả-rập đưa tới hậu quả là một quốc gia Ả-rập hay Palestine không thành hình. LHQ đã cho các nước Ả-rập và dân Palestine một cơ hội; nhưng họ đã từ chối. Vì thế, lãnh thổ Palestine vẫn còn nằm tình trạng tranh chấp giữa Do Thái, Palestine và các nước Ả-rập kể từ năm 1947 cho tới ngày nay.
Chú thích:
Các tên gọi: Palestine (tiếng Anh, Pháp), Palestina hay Palæstina (Latin, mẫu tự “a” và “e” viết dính liền), vì bàn máy đánh chữ (keyboard) của Computer mỗi nước (Anh, Đức, Bắc Âu, La-tinh) khác nhau, nên có khi chúng tôi viết a và e không dính liền để thay thế, và Palaestina (Hy Lạp) có cùng một nghĩa về lãnh thổ mà chúng tôi đã và sẽ viết tuỳ theo mỗi thời kỳ lịch sử.
Nguồn bài đăng