24/05/2018, 16:50

Nhà Hạ

(chữ Hán: 夏, bính âm: Xià) là triều đại đầu tiên được miêu tả trong các ghi chép sử học cổ đại như Sử ký và Trúc thư kỉ niên. được vua Đại Vũ thành lập và kết thúc ở vua Kiệt. Theo biên niên sử truyền thống dựa trên các tính toán của Lưu Hâm, nhà Hạ trị vì ...

(chữ Hán: 夏, bính âm: Xià) là triều đại đầu tiên được miêu tả trong các ghi chép sử học cổ đại như Sử ký và Trúc thư kỉ niên. được vua Đại Vũ thành lập và kết thúc ở vua Kiệt. Theo biên niên sử truyền thống dựa trên các tính toán của Lưu Hâm, nhà Hạ trị vì từ khoảng năm 2205 TCN tới năm 1766 TCN, tuy nhiên theo biên niên sử dựa trên Trúc thư kỉ niên, khoảng thời gian này là từ khoảng 1989 TCN tới 1558 TCN. Hạ Thương Chu đoạn đại công trình đưa ra các con số tương ứng là 2070 TCN và 1600 TCN. Mặc dù một số học giả từng tranh cãi về sự tồn tại của triều đại này, nhưng chứng cứ khảo cổ học lại chỉ ra sự tồn tại của nó. Giới sử gia Trung Quốc coi đây là triều đại đầu tiên của Trung Quốc, sau thời Tam hoàng Ngũ đế và trước thời nhà Thương. Tuy nhiên, người ta có quyền đặt nghi vấn đối với triều đại này vì trên thực tế, những văn thư đầu tiên của Trung Quốc được viết ra sau triều đại này cả hơn một nghìn năm.

Những cuộc khai quật gần đây tại các di chỉ thời đại đồ đồng sớm tại Nhị Lí Đầu tại tỉnh Hà Nam, cũng khó tách biệt truyền thuyết ra khỏi thực tế đối với sự tồn tại của triều đại này. Hầu hết các nhà khảo cổ học Trung Quốc cho rằng văn hoá Nhị Lí Đầu là nơi phát tích của nhà Hạ, tuy vậy các nhà khảo cổ học phương Tây vẫn không đồng ý về mối liên hệ giữa nhà Hạ và văn hoá Nhị Lí Đầu.

Truyền thuyết nói rằng vua Vũ là người hiền, có công đào vét chín con sông trị thủy cho Trung Quốc trong tám năm. Trong thời gian đào vét, ông nhiều lần đi ngang qua nhà mình mà không vào. Vì công lao như vậy, năm 2225 TCN ông được vua Thuấn chọn làm người truyền ngôi.

Năm 2208, vua Thuấn mất, Vũ để tang 3 năm rồi chính thức lên ngôi vua năm 2205 TCN. Sau khi lên ngôi, ông vẫn giữ lệ cử người hiền tài trong nước thay mình như các đời trước mà không có ý định truyền ngôi cho con là Khải - con với người vợ họ Đồ Sơn. Ông dự định cử Cao Dao thay mình làm vua sau này. Nhưng Cao Dao lại mất trước ông, vì vậy ông phong cho con cháu Cao Dao ở đất Anh, đất Lục, rồi lại tiến cử Bá Ích quản lý chính sự để chuẩn bị làm vua.

Năm 2198 TCN, Vũ đi tuần phía đông, đến Cối Kê thì mất. Bá Ích không nhận ngôi vua mà nhường lại cho con Vũ là Khải rồi tránh ra ở phía nam Cơ Sơn. Vì Khải cũng có nhiều uy tín nên thiên hạ nhiều người quy phục. Kể từ đời vua Khải, nhà Hạ giữ lệ cha truyền con nối.

Hậu Nghệ cướp ngôi

Năm 2188 TCN, vua Khải mất, con là Thái Khang lên thay. Thái Khang ham chơi bời, thích săn bắn, không quan tâm việc chính sự. Bầy tôi của Thái Khang là Hậu Nghệ - vua nước chư hầu Hữu Cùng - thấy Thái Khang bỏ triều chính nên nảy sinh ý định giành ngôi.

Một hôm Thái Khang rời kinh đô đi săn ở đất Lạc. Hậu Nghệ bí mật điều quân từ nước Hữu Cùng sang tập kích kinh đô nhà Hạ, chiếm được kinh thành. Sau đó Nghệ mang quân ra chặn bờ sông, phong toả lối về của Thái Khang. Thái Khang mang quân trở về bị quân Hữu Cùng chặn đánh, phải bỏ chạy sang nước chư hầu. Thái Khang định tập hợp chư hầu đánh Hậu Nghệ, nhưng các chư hầu đều không phục Thái Khang, vì vậy Thái Khang phải lưu vong ở nước ngoài cho đến hết đời.

Năm 2160 TCN, Thái Khang chết ở nước ngoài, em là Trọng Khang nối ngôi. Năm 2147 TCN, Trọng Khang chết, con là Tướng nối ngôi. Tướng ở nhờ trên đất nước chư hầu là Châm Tầm. Vua Châm Tầm ủng hộ Hạ Tướng khôi phục ngôi báu.

Hàn Trác cướp ngôi Hậu Nghệ

Hậu Nghệ cướp được ngôi nhà Hạ lại tỏ ra kiêu ngạo, bỏ chính sự như Thái Khang trước kia. Hậu Nghệ cũng ham mê săn bắn và thích uống rượu. Bầy tôi của Hậu Nghệ là Hàn Trác thấy Hậu Nghệ như vậy bề ngoài ra sức tán tụng nhưng bên trong toan tính giành ngôi. Hậu Nghệ tin tưởng Hàn Trác, giao cho Trạc toàn bộ việc triều chính để hưởng lạc. Năm 2120 TCN, Hậu Nghệ đi săn, Hàn Trác đi theo. Trác mang rượu dâng lên Hậu Nghệ. Nghệ uống rượu say bất tỉnh, Hàn Trác thừa cơ giết chết cướp ngôi.

Năm 2119 TCN, Hàn Trác nghe tin Hạ Tướng chuẩn bị binh lực ở nước Châm Tầm, bèn sai hai con là Kiêu và Ế mang quân đánh Châm Tầm. Quân Hàn Trác tiến đến Châm Tầm, giết chết Hạ Tướng và tiêu diệt nước này. Vợ Hạ Tướng là Hậu Mân đang có mang, chui qua lỗ tường trốn thoát và sinh ra Thiếu Khang.

Hàn Trác phong cho hai con là Kiêu làm vua chư hầu đất Quá và Ế làm vua chư hầu đất Qua.

Thiếu Khang trung hưng

Con của Hạ Tướng là Thiếu Khang chạy đến nước Hữu Nhưng, được vua Hữu Nhưng giúp sức, muốn mang quân trở về đánh Hàn Trác. Hàn Trác bèn sai Kiêu và Ế đi đánh Hữu Nhưng, song vua Hữu Nhưng bèn thả cho Thiếu Khang bỏ trốn sang nước Hữu Ngu, lại tập hợp lực lượng chống lại Hàn Trác.

Trong khi đó, một quý tộc nhà Hạ khác là Mỵ cũng bỏ trốn đến nước Hữu Cách, tập hợp lực lượng đối phó với Hàn Trác. Năm 2080 TCN, Mỵ liên lạc với Thiếu Khang cùng tiến quân trở về kinh thành.

Hàn Trác tàn bạo mất lòng dân, quân đội dưới quyền không muốn liều chết. Vì thế khi quân của Thiếu Khang và Mỵ kéo đến, quân Hàn Trác bỏ chạy. Trác bị Thiếu Khang bắt sống và xử tử.

Không lâu sau, Thiếu Khang đem quân đi diệt nước Quá, giết chết Kiêu. Thiếu Khang sai con là Trữ đi đánh nước Qua của Ế. Trữ dùng mưu dụ Ế ra ngoài kinh thành giết chết, tiêu diệt nước Qua. Thiếu Khang thống nhất thiên hạ, khôi phục ngôi vua nhà Hạ.

Tính từ Thái Khang đến Thiếu Khang, nhà Hạ bị mất ngôi chính thống 4 đời, lưu lạc ở nước ngoài.

Năm 2058 TCN, vua Thiếu Khang mất, con là Trữ nối ngôi. Từ Trữ truyền 8 đời đến vua Khổng Giáp (1879 - 1849 TCN) thì nhà Hạ bắt đầu suy. Khổng Giáp tin quỷ thần và hoang dâm, nhiều chư hầu không thần phục nhà Hạ nữa. Qua 3 đời, đến đời thứ 17 nhà Hạ là vua Lý Quý, còn gọi là Kiệt (1818 - 1767 TCN).

Hạ Kiệt tàn bạo, hoang dâm, mê nàng Muội Hỷ, bị dân chúng oán ghét. Các chư hầu nổi dậy chống lại Kiệt, Kiệt mang quân đánh dẹp các bộ tộc đó. Một thủ lĩnh bộ lạc Thương là Thành Thang bị Kiệt bắt giam ở Hạ Đài. Sau một thời gian, Kiệt thả Thương Thang. Thương Thang trở về nước, ra sức làm việc nhân đức, quy tập lực lượng. Các chư hầu quy phục Thương.

Năm 1767 TCN, Thành Thang dấy quân đánh Hạ Kiệt. Vua Kiệt thua chạy ra đất Minh Điều, nói với thủ hạ:

Ta hối hận không giết Thang nên mới ra nông nỗi này

Thương Thang diệt nhà Hạ, lập ra nhà Thương. Hạ Kiệt ở ngôi 52 năm, bị đày ra Nam Sào 3 năm thì chết tại núi Đình Sơn. Thang phong cho con cháu nhà Hạ, đến thời nhà Chu đất ấy gọi là nước Kỷ.

Theo Sử ký Tư Mã Thiên, các vua Hạ mang họ Tự, hậu duệ được phong thêm ở các nước chư hầu đã lấy nước làm họ, gồm có (những nước chữ nghiêng đã bị diệt trong chiến tranh với Hậu Nghệ và Hàn Trác):

* Hạ Hậu thị

* Hữu Nam thị

* Châm Tầm thị

* Bao thị

* Hữu Hộ thị

* Phí thị

* Kỷ thị

* Tăng thị

* Tân thị

* Minh thị

* Châm Qua thị

0