Hạt gạo đồng trời - những trầm tích thăng hoa trong thơ Nguyễn Tấn Việt
Đăng bởi Kim Diệu Hương vào 15/07/2007 02:57
Có thể nói như thế về nét nổi trội trong thơ Nguyễn Tấn Việt.Anh như người thợ khai khoáng cần cù đào, đãi những hạt quặng li ti chìm sâu trong lòng đất-những trầm tích được anh tinh luyện,chưng cất để nó thăng hoa thành.. thơ đích thực.
Không phải tất cả những bài, những câu thơ trong tập thơ Hạt gạo đồng trời của anh vừa được xuất bản đều là vàng ròng, nhưng đọc nó ta không thấy những câu thơ, những bài thơ dở.Thơ anh có sự nương níu giữa hiện đại và truyền thống.Anh vịn vào tất cả rồi trả lại cho đời những câu thơ của riêng anh.
Hạt gạo đồng trời là tên một bài thơ, được anh đặt tên chung cho cả tập.Cảm giác khi đọc bài thơ này ta thấy thấp thoáng chất liệu trong chương Đất Nước, trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm.Nhưng đọc kĩ thì thấy cách kiến giải của thơ anh rất riêng, rất Nguyễn Tấn Việt.
Hai bài thơ của anh đạt giả A của báo Văn nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam 3 Năm từ 1998 - 2000.
(Cùng giải A với Anh còn có Trần Anh Thái và Đặng Huy Giang), mỗi bài mỗi vẻ,mỗi cách nói, nhưng đều đạt hiệu quả mà cái đích của thơ cần đạt tới.Bài thơ ở nước nào cũng thế có lời cô đọng, súc tích như những câu châm ngôn, đạt tới độ minh triết: "ở nước nào cũng thế /bồ câu thíc bay đôi/Gà tức nhau tiếng gáy/Tặng hoa thì đỏ môi/Mài dao thì tím mặt", hoặc "ở nước nào cũng thế/Đàn ông như chớp đêm /Đàn bà như ngay nắng /Tuổi thấp thì học bay/Tuổi cao thì học đứng".
Làng tôi năm 2000- là thơ hay, hay ở cách nó nhập cuộc rất tự nhiên.Như trời sinh thế nó thế! Tâm trạng của người trong thơ vừa vui vừa buồn,vừa mừng vừa lo,vừa được, vừa mất - nó truyền cho người đọc những tiếc nuối mơ hồ, bởi đổi thay đến ù tai, chóng mặt của cái làng văn hoá Việt.Hình như đằng sau trang giấy là tiếng thở dài của nhà thơ?Tôi hình dung làng tôi năm 2000 là tiến chuông ngân vọng hai thiên niên kỉ: "Đêm 2000 sáng bừng nước mắt /Giọt lệ lăn về đâu?"
Tiếng muỗi đêm- một bài thơ ngắn mà hay.Nhà thơ đã lấy Điểm để nói Diện, chỉ cần một giọt nước mà thấy đọng cả bầu trời tâm tư:
Đệm cao không ngủ được
Bật đèn giết muỗi chơi
Suốt một đời làm thiện
Làm ác mấy giây thôi.
Giết con muỗi mà thơ cũng cho là làm ác?Trước câu thơ "Làm ác mấy giây thôi"anh đã cài khéo "suốt một đời làm thiện", hoá ra cái điều muốn nói là ở câu thơ hạt nhân này đây! lời thơ nhẹ như gió đưa, thủ thỉ nữa chứ, nhưng nó là nhịp đập thổn thức của con tim.Còn cái điều thường tình "Giết muỗi chơi"Kia chỉ là cái cớ,cái vật đệm để kê ý tưởng của bài thơ thêm tầm tư tưởng của hiền nhân,quân tử mà thôi!
Với bài thơ "Trời cũ ngày xưa" trong tập thơ Hạt gạo đồng trời, theo tôi,đây là bài thơ hay vào bậc nhất của Nguyễn Tấn Việt.Anh viết về người mẹ đã khuất của mình với lời lẽ trang trọng, thành kính, thao thiết nữa.Cách lập ngôn khúc triết, câu chữ sáng trong như ánh trăng, như nắng trời.Hình tượng người mẹ bình dị, gần gũi vừa huyền bí, linh thiêng:
"Mẹ là người thiên cổ, con mới hiểu buổi chiều
Mẹ gọi sao hôm
Mẹ là ngôi sao lưu lạc
Mẹ là cơn mưa tha phương
Ông bà nuôi cùng nỗi buồn không có tháng giêng
Đón mẹ từ suối khô
Qua mấy làng quê, qua mấy thị thành
Mẹ trụ lại giữa làng ba mặt sóng"nhưng "Hôm nay mẹ đã về trời/Con bước núi chạy sông /Con dầm mưa trải gió/ Nếu còn sao mẹ lại về trời/Con làm sao tìm được quê người/Con làm sao tìm ra quê mẹ/Bốn phương trời không có mây để hỏi/Bốn phương trời không có gió đưa tin/Mẹ về trời rồi con mới nhận ra/Mẹ không giống một ai trên mặt đất/Trong dòng họ không biết buồn" và đây nữa: "Mẹ không như bóng tre, mẹ không hệt bóng đa/Mẹ không bao giờ giàu sang/Mẹ không bao giờ nghèo khó/Nhưng mẹ khác người/Nỗi buồn tìm về trời cũ ngày xưa/Nỗi buồn làm đông lạnh cả dải sương mù/Nỗi buồn đọng lại cả dòng thác đổ/Mẹ lạc ngay trên Tổ Quốc/Mẹ tha phương ngay ở trái tim mình/Con lớn lên nào biết đâu dòng lệ/Bâng khuâng mãi khi được khen giống mẹ/Nhưng con sao lại giống được người/Cái dáng đứng như tạc trên dốc nắng/Cái dáng đi mất hút cánh đồng sương/Nỗi buồn làm cho mẹ/Chỉ sống đời một nửa/Mẹ không sống cuộc đời hai mặt/Mẹ không sống cuộc đời hai chiều/Nửa đời mẹ chẳng ghét được ai/Nửa đời khóc nào có ai thù hận/Nghe cả họ/Nghe cả làng/Khen mẹ sống có sau có trước/Mẹ càng buồn hơn/Càng thương họ hơn/Giọt giọt lệ rơi vào đời giọt ngọc/Nỗi đau buồn thắt lại hoá kim cương",
anh đã khơi mở vào cái điều thiêng liêng của mẹ: "Không biết những ngày sống với nhau, bố đã khóc những gì với mẹ/Bố đã hát những gì với mẹ/Con không dám chạm đến những điều thiêng liêng/Con không dám chạm đến điều bí ẩn...Mẹ phong kín khoảng trời xưa cũ" và anh thảng thốt: "Không biết ngày sinh con mẹ khóc hay mẹ cười/.../Mẹ lảng tìm phía trước ở sau lưng/Giọt sữa đầu tiên lại là giọt lệ/Tiếng ru con đầu tiên lại là tiếng kêu trời/Con không biết mẹ vui hay mẹ buồn/ấm ủ niềm tin hay vô vọng/Con hai mươi còn bé bỏng/Lời ru nào cầm lại cuộc đời con/Con giật mình nhận ra sao hôm sau ngày tang mẹ" Người mẹ ấy cũng thật khác thường: "Hai mươi năm mẹ không dạy con một điều gì", thực ra mẹ không dạy con nhưng lại là một cách dạy đấy. Mẹ lấy im lặng, lấy việc làm, lấy việc ăn ở đức độ...để dạy con nên người. Và anh cũng đã hé mở: "Mẹ không dạy con giàu/Mẹ không dạy con nghèo/Mẹ không dạy con thương thân/ Mẹ không dạy con yêu người khác/Mẹ không dạy con nên người (ai mà chẳng nên người/Không tao nhã thì thành người thô ráp/Không giàu sang thì thành kẻ bần cùng/ Không làm thiện tự dưng làm ác/ Có gì đâu mà chẳng nên người). Mẹ chỉ dặn con một điều: "Là con người không được quên trời cũ" và...
Với bài thơ trời cũ ngày xưa, Nguyễn Tấn Việt đã tạc nên một tượng đài về thơ thật kỳ vĩ về người mẹ. Người mẹ ấy vừa kim vừa cổ, vừa truyền thống vừa tân tiến, vừa thực vừa ảo. Người mẹ ấy vừa có tư tưởng, tâm hồn vừa có dáng vóc thật đẹp đẽ, sang trọng và kiêu sa nữa. Nhà thơ đã tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống bằng một bút pháp linh diệu. Rất may, khi nhập đồng làm thơ nhà thơ không bị lạc trong mê lộ của các thủ pháp thơ mà thung thăng trong cõi minh triết của lẽ đời.
Nếu chỉ đọc qua cái tên bài thơ trong hội nghị thi đua mà suy diễn, người đọc dễ nhầm tưởng anh viết về một đề tài nào đó rất "mỳ ăn liền" nhưng đọc kỹ bài thơ này, cảm giác trên sẽ tan biến như sương sớm mùa hè. Hoá ra cái điều mà thơ nhắm tới lại khác: "Trong hội nghị thi đua/ gặp nhau những lá cờ/ Những kỷ lục, những đỉnh cao...Gặp nhau/Tất cả đều đi hết những con đường/ Khác nhau chông gai/ Khác nhau thác ghềnh/ Hàm giáo sư tóc bạc mấy công trình/ Vị tiến sỹ cao mấy thang bằng cấp/ Vây quanh ông thánh chăn bò/ Ông vua ấp vịt/ Tất cả đều đi hết những con đường/ Anh chuyên gia nuôi phôi thai trong ống nghiệm/ Chị chuyên ngành phẫu thuật nụ cười/ Nhà giáo của rừng sương/ Nhà văn của đảo sóng/ Ôm hôn chàng hạ sỹ quan săn bắt cướp/ Tất cả đều đi hết những con đường/.../ Gặp nhau tất cả/ Trong hội nghị thi đua/ Ngoài cuộc đời cũng thế/ Chỉ những nửa chừng, nửa vời, dang dở/ Không bao giờ gặp nhau". Nếu đề tài vào tay một nhà thơ xoàng thì nó sẽ được trả lại bằng những câu thơ dở. Còn những thi nhân đích thực, đề tài là chỗ vịn để thơ cất cánh. Thực tế là điểm xuất phát, là nơi nhà thơ tức cảnh để đề lên áo người đẹp những vần thơ mang vía hồn của cả một kiếp người.
Với bài thơ Tổ quốc, tác giả viết theo thủ pháp lấy cái nhỏ nói cái lớn, lấy cái khu biệt để nói cái chung, phổ quát. Nhưng thành công hay không? Hiệu quả đến đâu, lại ít phụ thuộc vào kỹ năng, kỹ xảo, được nhà thơ sử dụng mà nó còn phụ thuộc vào độ ngân vang của các câu chữ, đồng thời nó cũng làm rung động trái tim người đọc hay không, mặc dù tác giả tâm đắc?
Những câu thơ "Khoảng thu đông Việt Nam/ Se se tình cố quốc/ Mang mang tình cố hương" trong bài thơ "Khoảng thu đông Viêt Nam" là câu thơ gợi, nó khiến người đọc liên tưởng tới nhiều ý nghĩa ngoài câu chữ của thơ.
Nằm trong vệt bào anh viết thành công gần đây, cũng trong cái mạch ngầm, được anh khơi lộ, trình làng, đó là: Trước khi ta cầm đũa, Chỉ có ở con người, Những người trồng rừng một mình, Thực ra thì họ giống nhau...ở chùm thơ này, Nguyễn Tấn Việt dùng lối nói truyền thống Việt Nam, á Đông nữa, cao hơn, nó là cách ứng xử văn hoá với con người, với đồng loại với thiên nhiên, muôn loài...
Một khía cạnh khác, Nguyễn Tấn Việt đã biết đào sâu vào "vỉa" vô thức, miền nguyên thuỷ của các giác quan, anh truyệt để khai thác phần chìm của "Tảng băng trôi".
"Đêm đêm tôi lại gọi tôi về
Tôi bay quá xa tôi
Nỗi buồn không nhà trọ
Niềm vui không cố hưởng
Vuông là thế mà tròn là thế
Quờ bàn tay chỉ gặp bóng trăng suông
...
...
Tôi quá sức khi phải làm người khác
Nên đêm đêm tôi phải gọi tôi về"
Những phút giây phân thân, giằng xé, day trở, trong tâm tư của nhà thơ trước nhân tình, thế thái, trước thiên nhiên muôn vẻ ngỡ như mông lung, vô định mà vẫn hé rạng một nấc thang, một khoảng trời dồi dào dưỡng khí.
Nguyễn Tấn Việt là người đọc nhiều hiểu rộng, suy xét kỹ nên anh tránh được cái tật của một số "xẩm thơ". Anh trường vốn sống, với trái tim nhạy cảm, với thái độ nghiêm túc trong nghề nghiệp nên mới tạo ra được một thứ thơ của riêng anh: Độc đáo và đặc sắc, rất Nguyễn Tấn Việt. Để tránh lặp lại người khác, lặp lại mình, các nhà thơ là người phải có nhiều nỗ lực, đặc biệt là nỗ lực để vượt qua cái non nớt- dễ dãi của chính anh ta. /.
2002
K.D.H
(*) Tập thơ Hạt gạo đông trời- của Nguyễn Tấn Việt- được tặng thưởng giải B của Hội liên hiệp Văn học- Nghệ thuật Việt Nam năm 2001