03/06/2018, 23:29

Nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày tá tràng và cách phòng chống

Vi khuẩn Helicobacter pylori (viết tắt là HP) là nguyên nhân chính gây bệnh viêm loét dạ dày tá tràng và nó có khả năng lây nhiễm. Viêm loét dạ dày tá tràng là một trong những căn bệnh phổ biến hiện nay tại Việt Nam với tỷ lệ 7 – 10% dân số mắc bệnh. Nó đứng đầu trong các bệnh về đường tiêu hóa, ...

Vi khuẩn Helicobacter pylori (viết tắt là HP) là nguyên nhân chính gây bệnh viêm loét dạ dày tá tràng và nó có khả năng lây nhiễm.

Viêm loét dạ dày tá tràng là một trong những căn bệnh phổ biến hiện nay tại Việt Nam với tỷ lệ 7 – 10% dân số mắc bệnh. Nó đứng đầu trong các bệnh về đường tiêu hóa, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của người dân.

Người bị viêm loét dạ dày tá tràng sẽ có những biểu hiện thường gặp như: ợ hơi, ợ chua, cảm giác nóng rát, đau vùng giữa bụng trên rốn, đau bụng âm ỉ hoặc đau từng cơn. Cơn đau có thể xuất hiện lúc đói, no hoặc không liên quan gì tới bữa ăn.

Các triệu chứng đáng báo động như: sụt cân không kiểm soát, da xanh xao giống mất máu, ói ra máu, đi cầu ra máu… Viêm loét dạ dày tá tràng nếu không được điều trị đúng cách sẽ dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm, vì thế người bệnh cần nắm rõ những triệu chứng để có những biện pháp chữa trị kịp thời.

Nguyên nhân chính gây bệnh đó là nhiễm Helicobacter pylori (HP). Vi khuẩn này rất dễ lây nhiễm. Người bệnh có thể mắc HP từ nước nhiễm khuẩn hoặc các vật chất khác bị nhiễm độc bởi nước bọt hay phân người bị bệnh.

Ngoài ra, các tác nhân phổ biến khác gây ra viêm loét dạ dày tá tràng là do chế độ ăn uống, tâm lý: ăn uống không đúng giờ, nhiều chất kích thích; thức ăn quá chua, quá cay, quá nóng; chế độ ăn thiếu dinh dưỡng kéo dài; nghiện thuốc lá, nghiện rượu; ăn vội vàng, nhai không kỹ… Bệnh thường hay gặp ở những người hay lo lắng, công việc căng thẳng, gặp ở người thành thị nhiều hơn nông thôn. Nhiều người do không có kiến thức cơ bản cũng như không quan tâm đến sức khỏe của mình khi có những triệu chứng nhẹ ban đầu nên bệnh trở nên nặng hơn.

Để không mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng cũng như để điều trị hiệu quả, bạn nên phối hợp tốt bốn phương pháp sau đây:

– Ngăn chặn vi khuẩn Helicobacter pylori: Môi trường tự nhiên chứa vi khuẩn Helicobacter pylori có thể là nguồn nước, thức ăn nhiễm bẩn. Vì vậy cách phòng ngừa chung được lưu ý là rửa tay trước khi ăn, ăn thức ăn an toàn vệ sinh, sử dụng nước sạch, cần vệ sinh sạch sẽ đồ dùng sinh hoạt, ăn uống…

– Chế độ ăn uống: nên ăn nhiều bữa ăn nhỏ; không để quá đói hoặc quá no, ăn đúng giờ; ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, ít mỡ, ít chất kích thích tăng tiết dịch vị như quá chua hoặc quá cay; tránh rượu, bia, thuốc lá, cafe, nước có ga… Thay vào đó, bạn nên bổ sung các thực phẩm như: sữa, trứng, pho – mát; thực phẩm giàu đạm chế biến qua luộc, hấp giúp dễ hấp thu; thực phẩm ít mùi vị như tinh bột, bánh mỳ…

– Chế độ nghỉ ngơi và làm việc hợp lý: Nên giữ tinh thần lạc quan tránh căng thẳng thần kinh, không ăn khi quá mệt mỏi và căng thẳng, chế độ làm việc, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý.

– Sử dụng thuốc và điều trị: Khi bị đau, có thể dùng thuốc giảm đau có chứa thành phần Paracetamol không làm tổn hại cho dạ dày tá tràng. Khi thấy các triệu chứng nặng hơn như: đau bụng kéo dài, chán ăn, người mệt mỏi, xanh xao, sụt cân, thiếu máu… người bệnh cần đến bệnh viện để được các bác sĩ khám và điều trị. Quan trọng hơn, bạn nên tự trang bị kiến thức và hiểu biết về bệnh sẽ giúp phòng ngừa và kiểm soát bệnh ngay từ khi mới khởi phát.

Trong Đông y, người ta thường sử dụng các loại thảo dược thiên nhiên giúp chữa bệnh viêm loét dạ dày có thể kể đến như bồ công anh. Bồ công anh là loại cây thường mọc ở bờ bụi nhưng lại có công dụng chữa bệnh rất tốt, giúp chữa khỏi bệnh tắc tia sữa, tiêu độc, viêm loét dạ dày và bệnh viêm phổi.

Bài thuốc từ bồ công anh:

Bồ công anh 20g, lá khôi 12g, Cam thảo 6g, Ô tặc cốt (Mai mực) 8g, Nghệ vàng 8g, vỏ quýt 6g. Cho vào 3 bát nước sắc cạn còn 1 bát. Một thang sắc làm 2 lần uống trong ngày.

Tuy nhiên đây chỉ là thông tin mang tính chất tham khảo. Để chắc chắn bạn nên hỏi trước ý kiến của bác sĩ. Xin cảm ơn

0