13/01/2018, 10:51

Người xưa từng nhắc nhở: “Nếu còn trẻ mà không chịu học hành thì …” – Văn hay lớp 7

Người xưa từng nhắc nhở: “Nếu còn trẻ mà không chịu học hành thì …” – Văn hay lớp 7 Người xưa từng nhắc nhở: "Nếu còn trẻ mà không chịu học hành thì…" – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Bạc Liêu Học hành có tầm quan trọng rất lớn đối với cuộc đời mỗi ...

Người xưa từng nhắc nhở: “Nếu còn trẻ mà không chịu học hành thì …” – Văn hay lớp 7

Người xưa từng nhắc nhở: "Nếu còn trẻ mà không chịu học hành thì…" – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Bạc Liêu

Học hành có tầm quan trọng rất lớn đối với cuộc đời mỗi người. Người xưa đã nhắc nhở con cháu rằng: Nếu còn trẻ mà không chịu học hành thì khi lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích.Bên cạnh đó còn có những câu: Có học thì như lúa như nếp, không học thì như rơm như cỏ. Hoặc: Bất học bất tri lí (không học thì không biết lí lẽ, lẽ phải).

Trong lịch sử phát triển mấy ngàn năm, nhân loại đã tích lũy được một kho tàng tri thức khổng lồ về tự nhiên và xã hội. Những tri thức ấy được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua hình thức truyền miệng, chữ viết (sách). Muốn tiếp thu tinh hoa trí tuệ, con người chỉ có một con đường duy nhất là học, học suốt đời.

Mười hai năm học ở phổ thông, học sinh được cung cấp những kiến thức sơ đẳng của một số bộ môn cơ bản như: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ… Tuy thế chúng ta phải chăm chỉ học hành thì mới hiểu và nắm vững kiến thức một cách có hệ thống. Nếu lơ là, chểnh mảng, thiếu nghiêm túc trong việc học hành thì rốt cuộc là tốn thời gian, tiền bạc mà kết quả thu được chẳng đáng là bao.

Thực tế cho thấy là có học có hơn. Mục đích của việc học là nhằm phục vụ cho mọi công việc đạt hiệu quả cao. Nếu ta đơn thuần làm việc theo thói quen hoặc kinh nghiệm có sẵn thì công việc sẽ tiến triển chậm và chất lượng không tốt. Cách làm như trên chỉ thích hợp với các công việc giản đơn, không cần nhiều đến trí tuệ. Còn đối với những công việc phức tạp liên quan đến khoa học kĩ thuật thì cung cách làm việc ấy là lạc hậu, lỗi thời. Muốn đạt hiệu quả tốt trong mọi lĩnh vực, chúng ta bắt buộc phải học, phải được đào tạo chính quy theo từng chuyên ngành và trong suốt quá trình làm việc vẫn phải học tập không ngừng, bằng mọi hình thức khác nhau.

Trong giai đoạn khoa học kĩ thuật phát triển với tốc độ nhanh như hiện nay thì tri thức (chất xám) của con người là tiền đề vô cùng quan trọng. Có nắm vững lí thuyết, chúng ta mới làm được những công việc phức tạp. Lý thuyết khoa học có tác dụng soi sáng, dẫn đường cho kĩ năng thực hành, nhờ đó con người sẽ rút ngắn được thời gian mò mẫm, thử nghiệm, do đó sẽ tránh được những sai lầm đáng tiếc.

Vì vậy, chúng ta không thể coi nhẹ vai trò việc học hành. Đúng là nếu không học hành đến nơi đến chốn thì lớn lên, chúng ta sẽ chẳng làm được việc gì có ích.

Hiện nay, một số bạn trẻ không nhận thức được tầm quan trọng của việc học đối với sự thành công hay thất bại của đợi người. Nhận thức lệch lạc dẫn đến hành động sai lầm. Bỏ học đi chơi, giao du với những thành phần bất hảo để rồi bị rủ rê, sa ngã vào con đường cờ bạc, chơi bời, hút chích… dẫn đến sẽ đánh mất nhân cách, mất khả năng làm việc trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Một cuộc sống như thế không đáng gọi là cuộc sống của một con người chân chính. Đến một lúc nào đó tỉnh ngộ, dẫu họ có ăn năn, hối hận thì cũng đã muộn màng.

Những kiến thức mà chúng ta tiếp thu được từ nhà trường, sách vở và cuộc đời nếu đem áp dụng vào thực tiễn sẽ mang lại nhiều thành quả tinh thần, vật chất cho cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội.

Tri thức loài người mênh mông như biển cả (Bể học vô bờ). Dẫu chúng ta có miệt mài học suốt đời thì cũng chỉ tiếp thu được một phần rất nhỏ. Bác Hồ dạy: Học ở trường, học trong sách vở; học lẫn nhau, học ở dân, Lê-nin cũng thường khuyên thanh niên: Học, học nữa, học mãi!Đó là những lời khuyên chí lí, có giá trị đối với mọi hoàn cảnh. Nếu không coi trọng việc học chúng ta sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu càng cao của thời đại.

Người xưa từng nhắc nhở: "Nếu còn trẻ mà không chịu học hành thì…" – Bài làm số 2

Học hành có tầm quan trọng rất lớn đối với cuộc đời của mỗi con người. Người xưa đã nhắc nhở con cháu rằng: “Nếu còn trẻ mà không chịu học hành thì khi lớn lên sẽ chẳng thể làm được việc gì có ích”. Bên cạnh đó còn có những câu: “Có học thì như lúa như nếp, không học thì như rơm như cỏ”. Hoặc: “Bất học bất tri lí” (Không học thì không biết lí lẽ, lẽ phải).

Suốt lịch sử phát triển mấy ngàn năm, nhân loại đã tích lũy được một kho tàng tri thức khổng lồ về tự nhiên và xã hội. Những tri thức ấy được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua hình thức truyền miệng và chữ viết (sách). Muốn tiếp thu tinh hoa trí tuệ, con người chỉ có một con đường duy nhất là học, học suốt đời.

Nói đến học là nói đến trí lực, một năng lực suy nghĩ, một trực quan nhạy bén, một tư duy hợp lí. Điều ấy hết sức cần thiết cho tất cả mọi người. Chính vì vậy, ngay từ lúc nhỏ, bất kì ai cũng phải được học hành.

Trong mười hai năm ở trường phổ thông, học sinh được cung cấp những kiến thức sơ đẳng của một số bộ môn cơ bản như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ… Tuy thế, học sinh phải chăm chỉ học hành thì mới hiểu và nắm vững kiến thức một cách có hệ thống. Nếu lơ là, chểnh mảng, thiếu nghiêm túc trong việc học hành thì rốt cuộc là tốn thời gian, tiền bạc mà kết quả thu được chẳng đáng là bao.

Thực tế cho thấy là có học có hơn. Mục đích của việc học là nhằm phục vụ cho mọi công việc đạt hiệu quả cao. Nếu ta đơn thuần làm việc theo thói quen hoặc kinh nghiệm có sẵn thì công việc sẽ tiến triển chậm và chất lượng không tốt. Cách làm như trên chỉ thích hợp với các công việc giản đơn, không cần nhiều đến trí tuệ. Còn đối với những công việc phức tạp liên quan đến khoa học kĩ thuật thì cung cách làm việc ấy là lạc hậu, lỗi thời. Muốn đạt hiệu quả tốt trong mọi lĩnh vực, chúng ta bắt buộc phải học, phải được đào tạo chính quy theo từng chuyên ngành và trong suốt quá trình làm việc vẫn phải học tập không ngừng, bằng mọi hình thức khác nhau.

Trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển với tốc độ nhanh như hiện nay thì tri thức (chất xám) của con người là tiền đề vô cùng quan trọng. Có nắm vững lí thuyết, chúng ta mới làm được những công việc phức tạp. Có nắm vững lí thuyết, chúng ta mới làm được những công việc phức tạp. Lí thuyết khoa học có tác dụng soi sáng, dẫn đường cho kĩ năng thực hành, con người sẽ rút ngắn được thời gian mò mẫm, tìm hiểu thực tiễn, do đó sẽ tránh được những sai lầm đáng tiếc.

Học không chỉ là quá trình rèn luyện tri thức mà còn là quá trình rèn luyện tình cảm và đạo đức. Con người ngoài cái trí còn cần có cái tâm. Học là để thấu hiểu những lẽ huyền bí của cuộc đời, của vũ trụ chứa đựng trong những công thức toán đơn giản hoặc trong những quy luật thịnh suy của một xã hội. Không hòa cái tâm của mình vào trong cuộc đời, vào vũ trụ để lắng tìm và cảm nhận thì làm sao có được những tín hiệu mách bảo cho trí tuệ con đường đi tới những lẽ huyền diệu và bí ẩn kia?. Như vậy là có biết bao kién thức mới, nhận thức mới về cuộc đời, về thế giới mà chúng ta tìm kiếm được không chỉ bằng lí trí mà còn bằng cả tâm hồn.

Học cần có cái trí và cũng có cần có cái tâm là vì thế. Học cũng là để sáng thêm cái trí, lành thêm cái tâm và để đóng góp tài đức của mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước mạnh giàu.

Điều quan trọng là đã học thì phải học đều các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Văn, Sử là những môn học cần thiết, nếu không nói là đặc biệt quan trọng để tạo nên nhân cách. Nếu chúng ta không coi trọng các môn này thì tâm hồn sẽ khô cứng, vô cảm trước con người và cuộc đời mà dẫn đến thái độ dửng dưng trước vẻ đẹp phong phú và sự giàu có của lịch sử văn hóa dân tộc.

Sẽ không ai trách chúng ta khi chỉ thích học Tin học, Kinh tế, Ngoại ngữ… Nhưng nếu chỉ giỏi chữ số mà quên chữ viết, giỏi kĩ thuật mà kém văn hóa thì sẽ là thiệt thòi lớn cho mỗi con người.

Việc học hành quan trọng như vậy, do đó chúng ta không thể coi nhẹ vai trò của việc học hành. Đúng là: “Nếu không có học hành đến nơi đến chốn thì lớn lên, chúng ta sẽ chẳng làm được việc gì có ích”.

Hiện nay, một số bạn trẻ không nhận thức được tầm quan trọng của việc học đối với sự thành công hay thất bại của đời người. Nhận thức lệch lạc thường dẫn đến hành động sai lầm. Bỏ học đi chơi, giao du với những thành phần bất hảo để rồi bị rủ rê, sa ngã vào con đường cờ bạc, chơi bời, hút chích… dần dần những người đó sẽ đánh mất nhân cách, mất khả năng làm việc và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Một cuộc sống như thế không đáng gọi là cuộc sống của một con người chân chính. Đến lúc nào đó tỉnh ngộ, dẫu có ăn năn, hối hận thì cũng đã muộn màng.

Những kiến thức mà chúng ta tiếp thu được từ nhà trường, sách vở và cuộc đời nếu đem áp dụng vào thực tiễn sẽ mang lại nhiều thành quả tinh thần, vật chất cho cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội.

Tri thức loài người mênh mông như biển cả (“Bể học vô bờ”). Dẫu chúng ta có miệt mài học suốt cuộc đời thì cũng chỉ là tiếp thu được một phần rất nhỏ. Bác Hồ dạy: “Học ở trường, học trong sách vở; học lẫn nhau và học ở dân”. Lenin cũng từng khuyên thanh niên: “Học! Học nữa! Học mãi!”. Đó là những lời khuyên chí lí, có giá trị đối với mọi thời đại. Nếu không coi trọng việc họ thì chúng ta sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của đất nước trong giai đoạn mới.

Người xưa từng nhắc nhở: "Nếu còn trẻ mà không chịu học hành thì…" – Bài làm số 3 

Bạn mến!

​Có lẽ bạn đang rất ngạc nhiên khi nhận bức thư này của mình phải không? Mình đang có rất nhiều điều muốn chia sẻ với bạn nhưng có lẽ viết ra trên những dòng chữ sẽ dễ dàng hơn nói trực tiếp bằng lời. Hơn nữa, dạo này bạn cũng ít đến lớp, mình cũng khó gặp được bạn. Nói đến lớp học, sao dạo này bạn lại nghỉ học nhiều thế? Có phải vì kết quả học tập của bạn đang xuống dốc dần nên bạn chán nản và lơ là? Mình viết thư này cũng là muốn tâm sự với bạn về chuyện học tập đây. Con đường học vấn đôi lúc còn rất nhiều khó khăn, và mình muốn động viên bạn vượt qua những trở ngại trước mắt.

Còn nhớ ngày đầu tiên của năm học, cô giáo đã xếp hai đứa mình ngồi chung bàn  để cùng làm “đôi bạn học tập”. Lúc đó mình vui lắm. Bởi vì từ nay mình sẽ có một người bạn cùng giúp nhau tiến bộ, san sẻ những thắc mắc buồn vui tuổi học trò.

Thế mà năm học mới vừa bắt đầu chưa bao lâu, bạn đã vội quên lời hứa học tốt hồi đầu năm của tụi mình. Tại sao vậy? Có phải vì chương trình học năm nay quá nặng nề khiến bạn không theo kịp những gì thầv cô giảng? Chắc là không đâu vì luôn có mình bên cạnh, mình luôn sẵn sàng giúp bạn tất cả những gì mình hiểu biết mà. Đã là đôi bạn học tập của nhau thì bất kì thắc mắc nào nếu ngại hỏi thầy cô cứ trao đổi với mình bạn nhé.

Có phải bạn cũng đang vậy không? Bạn đã không chú tâm học hành để giờ đây chán chường vì không hiểu bài, không theo kịp bạn bè nên đã mặc kệ việc học tập của mình. Có phải đó là lí giải cho việc dạo này bạn thường xuyên cúp tiết, không ôn tập bài vở trước khi đến lớp?

Nếu quả thật là vậy thì buồn lắm bạn ơi.

Hơn nữa, bạn còn cả con đường dài trước mặt. Con đường đời sau này với nhiều khó khăn và trở ngại. Bạn sẽ bước đi vững vàng trên con đường ấy chăng nếu không tự trang bị cho mình đầy đủ kiến thức? Tương lai của chúng ta được xây dựng từ chính bây giờ. Những ngày tháng sống dưới mái trường, được sự dạy dỗ yêu thương hết lòng của thầy cô chính là hành trang quý giá cho mai sau chúng ta bước vào đời. Chính nhờ học vấn sẽ đưa chúng ta đến một tương lai mở rộng. Bạn còn nhớ chị Trần Bình Gấm chứ – “cô bé bán khoai đậu cả ba trường đại học” đấy? Ngày trước có biết bao bài báo viết về chị Gấm với tất cả sự khâm phục và trân trọng. Giờ đây chị là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Y. Và hình ảnh lem nhem của cô bé bán khoai ngày xưa giờ sáng rực trong màu áo trắng tinh khiết của vị nữ bác sĩ tương lai. Vâng, chỉ có học tập, nỗ lực rèn luyện mới có thể đưa ta đến đỉnh vinh quang, trao cho ta nhành nguyệt quế.

Ngày trước, khi mới tập tễnh đeo vào chiếc khăn quàng của người đội viên, chúng ta đã dõng dạc đọc to 5 điều Bác Hồ dạy. Và trong đó, điều thứ hai Bác dạy: “Học tập tốt – Lao động tốt”. Biết bao ân cần và tin yêu trong lời dạy ấy. Bác đã để lại muôn vàn tình yêu thương cho con cháu, cho dân tộc, trong đó có cả niềm tin vào thế hệ trẻ. Làm sao quên những lời trao gởi chân tình nồng ấm trong bức thư Bác gởi chúng cháu ngày khai trường. “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không. Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang sánh vai cùng các cường quốc năm châu hay không đều là nhờ một phần ở công học tập của các cháu”. Lời Bác dặn ngày xưa vẫn còn vang vọng mãi đến bây giờ. Biết bao lớp đàn anh đi trước đã nỗ lực không ngừng để làm tròn sứ mệnh thiêng liêng ấy. Và chúng ta – bạn và mình – liệu đã và đang làm được bao nhiêu cho lời dặn của Bác. Bạn có nghĩ rằng bạn đã xao lãng nhiệm vụ hết sức quan trọng của người học sinh? Ngày trước, khi đất nước còn chìm trong khói lửa đau buồn của chiến tranh mất mát, bao anh chị bằng tuổi chúng ta bây giờ đã phải gác bỏ tất cả những mơ ước riêng tư, những hoài bão khát vọng để mà đi đánh giặc. Việc học hành đành bỏ dở sau lưng… Còn bạn? Bạn đang nghĩ gì khi giờ đây cả xã hội, cả gia đình đặt trọn niềm tin vào con đường học vấn của bạn; khi chúng ta đang tưởng những thành quả tươi đẹp nhất của cha anh ngày xưa nằm xuống cho hai chữ “tự do”. Chúng ta đã và đang được sống những ngày hạnh phúc nhất, và chỉ phải cố gắng hết mình trong việc học tập rèn luyện bản thân mà thôi. Vậy mà bạn cũng quên bằng trách nhiệm ấy, Bác Hồ cũng đã nói “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Và Bác cùng cha anh ta đã giữ vững đầy kiêu hãnh mảnh đất hình chữ S kiêu hùng Việt Nam. Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là tiếp bước truyền thống, là giữ vững trong mình ngọn lửa của ý chí, tinh thần con Rồng cháu Tiên. Điều đó sẽ được thực hiện bằng chính những ngày chúng ta miệt mài học tập dưới mái trường này đây. Chỉ có học tập mới giúp mình và bạn hoàn thành những dặn dò của Bác trước lúc ra đi. Chỉ có cố gắng phấn đấu hết mình mới không phụ lòng tất cả những người đã kì vọng vào chúng ta — thế hệ trẻ của Việt Nam, thế hệ vàng sẽ đưa Việt Nam tiến lên cùng thế giới.

Bạn mến! Bạn đã thấy tầm quan trọng và vĩ đại của việc học tập chưa? Bạn có thấy thật đáng tiếc về kết quả học tập vừa qua chăng? Đừng quá thất vọng chỉ bởi vài khó khăn nhỏ nhặt. Mình luôn bên cạnh bạn để ủng hộ và động viên bạn hết mình. Giống như bức thư này vậy. Mình viết ra để chia sẻ với bạn những suy nghĩ, tâm tư, để trả lời cho câu hỏi mà bạn đã bế tắc “Tại sao chúng ta phải học tốt?”. Nhưng bây giờ mình tin là bạn đã hiểu ra vai trò và trách nhiệm của chúng ta, những người học sinh Cháu ngoan Bác Hồ. Mình cũng hi vọng là bạn sẽ nhận thức được trọng trách cao cả của chúng ta. Học tập tốt không phải chỉ cho chính bản thân mà còn là sự tri ân vô giá với gia đình, xã hội và đất nước thân yêu. Vì thế, mình và bạn hãy cùng cố gắng “Học… học nữa., học mãi…” nhé.

Hồng Loan tổng hợp

Bài viết liên quan

  • Nghị luận xã hội về tầm quan trọng của việc học – Văn hay lớp 12
  • Nghị luận xã hội về vai trò của sách đối với đời sống nhân loại – Văn hay lớp 10
  • Kể lại buổi tổng kết năm học tổ chức tại trường em – Văn hay lớp 5
  • Giải thích nội dung câu nói “Sách là ngọn đèn sáng bất diệt …” – Văn hay lớp 7
  • Ý kiến của em về đề tài “Trên đời cái gì quý nhất? An cho là lúa gạo, Bình …” – Văn hay lớp 7
  • Bàn luận ý kiến sau: “Học, quý ở sự kiên trì” – Văn hay lớp 9
  • Thuyết minh về lễ hội dân gian – Văn hay lớp 9
  • Phát biểu cảm nghĩ về bài Bạn đến chơi nhà – Văn hay lớp 7
0