Hành trình cùng thơ
Đăng bởi Nguyễn Trọng Tạo vào 23/07/2009 16:23
Đã sửa 2 lần, lần cuối bởi Nguyễn Trọng Tạo vào 01/09/2009 21:48
Nhà thơ vốn là một đơn vị của xã hội, và khi họ thực sự thể hiện mình bằng thơ, tức là họ thể hiện các mối quan hệ tổng hoà giữa cá nhân và xã hội, giữa cái riêng và cái chung; họ đi từ một người đến mọi người. Dĩ nhiên, đấy là một hành trình không dễ dàng, đơn giản. Có những tác giả bị thơ họ bỏ rơi, đọc thơ họ không hình dung được họ. Có những tác giả gắn chặt với thơ như hình với bóng, đọc thơ là thấy cả chặng hành trình của cuộc đời tác giả. Thơ không phải là lý lịch hay tiểu sử của nhà thơ, nhưng thật thú vị khi thơ họ ngoài sự thể hiện cá nhân gắn liền với xã hội, còn mang đến cho người đọc những nét cơ bản về lý lịch, tiểu sử của mình. Đọc thơ Ngô Minh, tôi có cái cảm giác thú vị này, nghĩa là tôi có thể đoán biết anh sinh ra ở miền quê nào, hoàn cảnh gia đình cha mẹ anh em ra sao (Đứa con của cát, Cát xanh), anh chừng bao nhiêu tuổi (Ba mươi sáu dây đàn), rồi bạn bè, tình yêu, công việc gắn liền với tưng bước chuyển mình của quê hương đất nước. Và cứ xét theo tính cách cảm hứng và thể hiện thì có thể thấy tính "trữ tình riêng tư- công dân” là nét nổi bật và quán xuyến của thơ anh.
Cũng như nhiều nhà thơ hình thành từ cuộc chiến tranh chống Mỹ, Ngô Minh là người lính trong cuộc. Cuộc chiến đấu lớn lao của dân tộc đã nuôi dưỡng tâm hồn người lính của anh. Mối quan hệ gắn bó hữu cơ này tác động mạnh mẽ cho sự hình thành những nét chung của một thế hệ nhà thơ cùng thời. Chỉ tính trong huyện Lệ Ninh của Ngô Minh đã xuất hiện khá nhiều nhà thơ cùng lứa mà bạn đọc khá quen biết như Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Vũ Thuật, Thái Ngọc San… Nhưng so với những bạn thơ đã trưởng thành, Ngô Minh xuất hiện khá muộn. Mãi đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, anh mới in bài thơ đầu tiên. Tuy xuất hiện muộn nhưng thơ anh viết chắc tay và sớm có bản sắc, đó là một tâm hồn nhạy cảm, say sưa nắm bắt những đổi mới của cuộc sống mà mình hoà nhập. Trong thơ anh, cái riêng và cái chung kết hợp khá nhuần nhuyễn được thể hiện với một bút pháp phóng khoáng chân thành, dễ thuyết phục. Và chỉ trong vòng mười năm, Ngô Minh đã dần khẳng định mình qua các giải thưởng thơ của báo Nhân Dân (1987) với bài Nón bài thơ và hương đất cao nguyên, giải của Trung ương Đoàn TNCSHCM (1981) với bài Gío tuổi hai mươi, tạp chí Văn nghệ quân đội (1985) với bài Ba mươi sáu dây đàn, và đặc biệt là qua tập thơ đầu tay Phía nắng lên gồm 35 bài vừa được xuất bản.
Thực ra, trong thời gian mười năm gắn bó với thơ, dồn tâm huyết cho thơ, Ngô Minh không chỉ viết có chừng ấy. Trong sổ tay của anh (cũng như nhiều người làm thơ khác) còn có hàng trăm bài thơ chưa in. Đấy không phải là những bài “thơ bỏ túi” như có người vẫn quan niệm nhằm khêu gợi tính tò mò hoặc an ủi cho số phận hẩm hiu của một loại thơ "thống thiết” nào đó, mà đấy là thơ của cuộc sống. Thơ anh viết về chị bán bánh canh, về bác Thuỷ phở rong ngủ cuối cùng, về tình yêu là Chúa của người yêu nhau… Có bài hoàn chỉnh, có bài còn ở dạng thể nghiệm, nhưng nói chung anh là một cây bút khá sung sức. Tập thơ Phía nắng lên giúp chúng ta nhận dạng được tác giả của nó, anh là người giàu tình cảm, hay hoài nhớ và suy ngẫm về những kỷ niệm gian khổ mà mình từng nếm trải hoặc chứng kiến. Kỷ niệm hầu như luôn hiện diện trong thơ anh với nhiều cung bậc tình cảm khác nhau, nó như những mảng màu tối nhằm loé sáng thực tại. Người lính nào đi chiến đấu lại không nhớ quê hương, nhưng quê hương của anh là quê cát, “hai chữ Quê Hương- trong tôi là hạt cát”, và nỗi nhớ quê của anh thật là sâu nặng, đấy là sự ám ảnh không nguôi, gây được xúc động mạnh:
Mẹ không dặn một lời sao tôi lớn lên
Đi đâu cũng nhớ về làng cát
Năm ở chiến trường nửa đêm nóng ruột
Biết gió mùa về cát buốt ngọn khoai
(ĐỨA CON CỦA CÁT)
Và quê hương của anh cũng là biển. Anh yêu biển thật cụ thể đến nỗi khi nhìn "Báng súng bóng thời gian” là liền nhớ ngay tới "mái chèo đầm dặm biển”. Ngay cả khi làm thơ, anh cũng ước ao những câu thơ mình như vỏ sò ốc”lăn lóc” trên bờ bãi quê hương:
Những câu thơ như vỏ sò vỏ ốc
Với mênh mông tiếng biển trong lòng
(NHỊP ĐIỆU)
Chính cái tiếng "mênh mông” ấy kêu gọi, thúc giục hồn thơ anh từ một làng quê bé nhỏ mở ra cùng đất nước rộng lớn với những lo toan trách nhiệm của một công dân. Thơ không chỉ vỗ tay ủng hộ mà phải thực sự ghé vai vào những công việc lớn lao của đất nước. Anh bắt đầu bằng sự nhận thức thế giới khách quan đó đến sự tự ý thức chủ quan về các vấn đề của cuộc sống: "thơ là sự kết tinh của lửa. Từ lửa đến thơ còn chặng đường gian khổ… Ít nhiều ai cũng sẵn lửa trong lòng nhưng mấy người có thơ-sản-phẩm?”. Anh quan niệm thơ như là một thứ "sản phẩm” thực sự có ích mà nhà thơ đong góp cho xã hội. Với quan niệm đó, anh hăm hở lao vào cuộc sống săn tìm thơ và ít nhiều những cuộc săn tìm đó đã mang lại cho thơ anh một không khí mới mẻ, Ngô Minh biết kìm chế, cố gắng tránh để sự việc chi tiết lấn át trùm lấp cảm xúc. Anh biết chọn lọc, lắng mình lại để cảm nhận những gì lấp lánh của đời sống. Nhờ vậy, anh có những câu thơ cô đọng mà giàu âm vang:
Sông như bát nước đầy người như ô cửa mới
Hoặc:
Ngẩng đầu gặp núi, im lặng gặp sông
Những câu thơ thật mới:
Núi như vừa tắm xong thảnh thơi tựa lưng trời ngắm biển
hoặc:
Chiếc lá rụng, trời xanh thêm chút nữa
Và có những câu thơ tài hoa:
Giọt mưa nào rơi phía chờ nhau
hoặc:
Sông ôm làng mà cứ ngỡ mình ôm
Nhưng có lẽ tâm huyết hơn cả là mảng thơ anh viết về chiến tranh. Hầu như mỗi khi chạm tới đề tài này, ngòi bút của anh bỗng run rẩy xúc động một cách khác lạ, nó như chạm vào một cái gì đó thiêng liêng lắm. Đó là những kỷ niệm sâu đẹp và dữ dội nhất trong quãng đời tuổi trẻ của anh, của những người lính cùng thế hệ. Đó chính là cái giai đoạn hiểm nghèo và oanh liệt nhất của số phận đất nước trên đầu lê mũi súng. Ở đây con người cá thể và con người công dân có sự gặp gỡ thật tự nhiên, và anh đã nhanh nhạy nắm bắt được sự gặp gỡ đó:
Anh không có tuổi chơi tuổi ngủ
Nhận khẩu súng núi xa gần lại
Mỗi ụ mối, gốc cây cũng Tổ quốc mất còn
(BA MƯỚI SÁU DÂY ĐÀN)
Một hình tượng thơ độc đáo, một ẩn chứa nhiều cung bậc rung cảm của người lính đã trải qua chiến tranh có tính khái quát cao, đó là hình tượng Ba mươi sáu dây đàn:
Ba mươi sáu dây đàn
Ba sáu tuổi đời anh
Rung lên dưới tay anh gõ nhịp
… Dây vắt qua đèo dây chuyền qua suối
Dây như rừng già cả trẻ trung
Dây võng đưa tiéng biển theo cùng
Dây như lá dệt hồn đất nước
Sự thông minh và trái tim luôn đau đáu thắc thỏm và những tháng ngày đất nước chiến tranh, giúp cho Ngô Minh có nhiều phát hiện sắc sảo và độc đáo về những vấn đề tưởng như bình thường trong cuộc sống. Trở lại thành phố mối tình đầu sau chiến thắng, bỗng thức dậy trong anh những tháng năm chiến trận “đích hành quân mong đến trước thư về”. Xem một bức tranh Ngựa đá và những bông hoa cỏ, anh lại nhìn thấy phía sau nó cả những gì mất mát thương cảm lẫn sự sống tin yêu sau cuộc chiến:
Biết tìm đâu người lính buổi xa xăm
Ai đang còn bạc phơ râu tóc
Nấm cỏ vô danh - ai người đã khuất
Nhớ cuồng chân ngựa hoá đá đứng chờ
Nếu như trong mảng thơ viết về chiến tranh, Ngô Minh mạnh vế sức sống, sức cảm, gây được ấn tượng độc đáo, thì mảng thơ viết về tình yêu của anh lại cuốn người đọc bởi chất men say, chất ấm nóng của lửa. Cái chất men, chất lửa ấy, chúng ta vẫn thường gặp trong thơ anh, trong thơ tình yêu nó được huy động tối đa:
Em có yêu không
Suốt đời ta mãi hỏi
Biển trả lời
Ghềnh đá sóng tung
(NHỊP ĐIỆU)
Hai bài thơ văn xuôi Lại nói về ngọn lửa và Mưa Huế như được viết bởi một xúc cảm thật tràn đầy, mãnh liệt. Nhịp thơ được khởi mạnh từ đầu và cứ thế đẩy mãi lên: “Niềm vui lửa reo, nỗi buồn lửa dấu. Nước mắt cũng là tàn lửa em ơi”. Viết về lửa đã thế, khi anh viết về mưa, ta vẫn gặp cái ngọn lửa nồng nàn say người ấy: "Ôi, cơn mưa như ngọn lửa đốt lòng nhau muôn dặm nước non”. Cái say nồng thảng thốt của cảm xúc thường tạo ra sự mất cân bằng trong cách nhìn nhận cuộc sống đã quen thuộc. Thơ Ngô Minh thường xảy ra chính ở sự mất cân bằng đó, và nhờ thế nó mang tới những phát hiện mới mẻ, gây được bất ngờ:
Hai xa lạ giữa dòng đời vô tận
Nếu không có mùa thu em đến
Tôi vẫn đi như một sự vô tình
(MÙA THU LỐI PHỐ)
Ngô Minh khá quan tâm đến nhịp điệu của thơ. Anh mạnh dạn đẩy khỏi câu thơ những chữ vô thưởng vô phạt, tức là quyết không để cho nhịp thơ quen thuộc điều khiển ngôn từ. Điều đó chứng tỏ anh khắt khe với mình. Trong một bài phát biểu về thơ, anh cũng lớn tiếng đòi "đuổi” những bài thơ “dởm” khỏi hàng ngũ thơ. Ý thức tôn trọng những giá trị thực của thơ hẳn sẽ đưa Ngô Minh tiếp tục cuộc hành trình tới bờ bến thơ tốt đẹp.
(Sách Văn chương Cảm & Luận của Nguyễn Trọng Tạo, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội 1998)
một cây si/ với/ một cây bồ đề
tôi còn đâu nữa đam mê
trời chang chang nắng tôi về héo khô