Nghị luận xã hội về ứng xử lịch sự, văn minh – Văn mẫu hay lớp 12
Xem nhanh nội dung Nghị luận xã hội về ứng xử lịch sự, văn minh – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Bình Thuận Có lẽ chưa bao giờ cụm từ “văn hóa ứng xử” lai được nhắc nhiều như ngày nay. Điều đó cho ta thấy rằng tầm quan trọng của văn hóa ứng xử trong ...
Xem nhanh nội dung
Nghị luận xã hội về ứng xử lịch sự, văn minh – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Bình Thuận
Có lẽ chưa bao giờ cụm từ “văn hóa ứng xử” lai được nhắc nhiều như ngày nay. Điều đó cho ta thấy rằng tầm quan trọng của văn hóa ứng xử trong cuộc sống cũng như sự xuống cấp đáng báo động của nó đang đặt ra khiến không ít người trong chúng ta phải giật mình nhìn lại về văn hóa ứng xử của chính mình.
Vậy câu hỏi đầu tiên được đặt ra cho tất cả mọi người, đó là: văn hóa ứng xử là gì?
Đầu tiên ta phải hiểu thế nào là văn hóa, thế nào là ứng xử? Văn hóa là tổng hòa các giá trị, các tư tưởng được hệ thống lại bởi các hoạt động trong quá khứ, hiện tại của cá nhân này với cá nhân khác, của cá nhân này với tập thể, cộng đồng. Và qua các hoạt động sáng tạo ấy, các thế hệ tiếp nối nhau đã hình thành nên những quy chuẩn, những giá trị thước đo, những khuôn mẫu chuẩn mực, những cái riêng biệt, độc đáo của một cộng đồng, một dân tộc. Còn ứng xử có thể hiểu đơn giản là cách mình đối đáp, đáp trả với người khác khi mà người đó đang tác động đến ta. Và cách ứng xử được thể hiện rõ rệt qua thái độ, hành vi, lời nói, cử chỉ của mình là cách mà người khác đang nhìn nhận, đang nhận xét về tính cách, nhân cách của ta. Nói tóm lại văn hóa ứng xử là tổng hòa các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với tất cả những gì xung quanh chúng ta bao gồm cây cỏ hoa lá, bao gồm cả các loài vật hay đó chính là mẹ thiên nhiên. Văn hóa ứng xử là nơi để chúng ta cho mọi người được thấy về con người, cá tính nhân cách của chính bản thân mình, và nói rộng ra hơn nữa, thì những hành xử hay giao tiếp đó giúp ta thể hiện được tinh thần, ý chí con người của một dân tộc, một cộng đồng khác biệt không thể trộn lẫn với bất cứ dân tộc hay cộng đồng khác. Đã gọi là văn hóa ứng xử thì đó phải là những ứng xử đẹp, lịch sự, văn minh. Ví như nói chuyện phải nói nhỏ nhẹ, duyên dáng, có học thức, chứ không phải mở miệng ra là chửi thề rồi chỉ trích, nói xấu người này, người kia, vứt rác thì phải vứt đúng nơi, đúng chỗ, chứ không thể bạ đâu vứt đó, cứ tiện cho mình, sạch cho mình là được, còn xung quanh có ra sao cũng mặc kệ. Từ những ví dụ trên, chúng ta thấy rằng văn hóa ứng xử đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống con người, và đặc biệt là cuộc sống hiện đại ngày nay.
Trước hết phải kể tới văn hóa ứng xử giữa người với người. Văn hóa này đã được dân tộc ta hun đúc nên từ ngàn đời nay với những câu ca dao, tục ngữ như: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”, “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “Ăn phải nhai nói phải nghĩ”, “Uống nước nhớ nguồn”, … đó là văn hóa trọng tình, trọng nghĩa, văn hóa quan tâm, yêu thương lẫn nhau. Và cái nôi đầu tiên mà chúng ta học cách ứng xử, giao tiếp với người khác đó chính là gia đình. Ở đó, ngay từ thuở bé, chúng ta được ông bà, cha mẹ dạy cho khi gặp người lớn phải biết cười, vòng tay cúi đầu xuống và chào ông, chào bà, chào cô, chào chú, khi được người lớn cho quà phải biết giơ hai tay nhận lấy và nói lời cảm ơn, hay khi làm một việc gì đó sai trái phải biết vòng tay lại cúi đầu xin lỗi. Lớn hơn một chút, chúng ta được dạy cách đi đâu phải thưa, về nhà phải gửi lời chào để người lớn trong nhà không phải lo lắng vì chúng ta. Một gia đình luôn ngập tràn yêu thương, tiếng cười và niềm vui là điểm tựa là vạch xuất phát tốt nhất để gieo mầm cho những thế hệ tiếp nối cách ứng xử văn minh, lịch sự, có khuôn phép, lễ giáo. Ví dụ như một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình hòa thuận, bố mẹ biết cách dạy dỗ, khi chúng ta phạm sai lầm thì nhẹ nhàng khuyên giải, chỉ ra lỗi sai để mình biết cách khắc phục, sửa chữa. Nhưng cũng với một đứa trẻ như thế nhưng nếu cách hành xử của bố mẹ là la mắng, là đòn roi thì lại ngược lại, đứa bé đó dễ trở thành một con người bạo lực, không làm chủ được bản thân, không thích người khác chỉ trích mình. Và cái nôi khác rộng hơn để chúng ta học được cách giao tiếp, ứng xử với mọi người sao cho hợp lí nhất, hài hòa nhất là trường học. Khi mình đã trở thành một cô cậu học sinh, một sinh viên hiểu biết hơn thì lại khác. Thấy bạn mình khó khăn, bất trắc, chúng ta sẵn sàng vì bạn quyên góp, ủng hộ để giúp bạn vượt qua thử thách, gian khổ, khi thấy hai bạn gây gỗ, cãi nhau, ta không vì thế mà đổ thêm dầu vào lửa để hai bạn xa lánh nhau mà thay vào đó là khuyên ngăn và giải thích cho hai bạn xem ai là người đúng, ai sai để không vì một phút nóng giận trước mắt mà phải hối hận về sau. Hay khi đi xe buýt, chúng ta gặp một bà cụ già, một em bé nhỏ tuổi, một phụ nữ mang thai thì mình biết nhường ghế cho họ, … Đó là văn hóa ứng xử, là chính con người, chính nhân cách của chúng ta. Nhưng đó không phải là tất cả, một số khác không hiếm thấy trong chúng ta lại hành xử như một kẻ thiếu văn hóa, hay nói đúng hơn là vô học, mặc dù học có trong tay bằng này, chứng chỉ nọ. Không ít các bạn học sinh, sinh viên trong chúng ta là những người đó. Các bạn vì mải mê hưởng thụ cuộc sống mà quên mất học tập, tích lũy tri thức, rèn luyện đạo đức. Về nhà không chịu học bài, làm bài tập, lên lớp thầy cô kiểm tra thì kiếm cách thoái thác, tìm lí do này lí do nọ, không được thì bảo ông thày này ác, bà cô kia keo kiệt, sau lưng thì đi nói xấu đủ kiểu. Còn đâu là truyền thống hiếu học “Tôn sư trọng đạo”, hay “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” của người dân Việt ta truyền từ bao thế hệ nay. Thậm chí, nhiều bạn là bạn bè với nhau, nhưng vì xích mích hay hiểu lầm nhỏ mà các bạn đánh nhau còn quay cả clip tung lên mạng để trả thù cho hả hê. Trong trường học là vậy, còn ngoài trường học thì lại còn đáng buồn hơn. Lên xe buýt mặc kệ cụ già, mặc kệ em nhỏ hay phụ nữ đang mang thai phải đứng thì các bạn vẫn thản nhiên ngồi cười đùa vô tư không chút suy nghĩ, hay đến những nơi công cộng các bạn coi đó như chỗ không người, mặc sức hét hò, la lối đủ kiểu mà không thèm quan tâm đếm xỉa gì đến suy nghĩ, cảm xúc của người khác. Thật đáng buồn khi ngày nay không khó để bắt gặp những hình ảnh ứng xử giữa con ngươi với nhau sao mà đau đớn, tê tái thế. Hình ảnh nữ sinh đánh nhau rồi tung clip lên mạng, hình ảnh anh em ra tòa vì tranh chấp tài sản, hình ảnh bạn bè đâm nhau chỉ vì câu nói lỡ lời, hình ảnh con cái đi tù vì tội giết cha, giết mẹ, … rất nhiều và rất nhiều nữa. Khi vật chất lên ngôi và đồng tiền là mục đích duy nhất, văn hóa ứng xử giữa người và người với nhau bỗng trở nên lạnh lùng và thực dụng vô cùng.
Tiếp đến là văn hóa ứng xử giữa con người và môi trường xung quanh. Thường thì chúng ta vẫn hay nghĩ vì là con người với nhau có xúc giác, có cảm nhận, có nhận thức nên người ta rất coi trọng trong việc ứng xử, giao tiếp lẫn nhau mà ít nhắc đến văn hóa ứng xử với môi trường xung quanh. Đó là một sự thiếu sót lớn bởi con người chúng ta không phải là sinh vật duy nhất sống trên Trái đất này, vì vậy ứng xử sao cho hợp lẽ với môi trường xung quanh cũng là một lối sống đẹp như: bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, sống xanh, … Chúng ta ỷ y vì có những người vệ sinh môi trường sẽ theo sau dọn dẹp cho mình nên tiện đâu vứt rác đó, tiện đâu cũng ngắt hoa bẻ cành được. Những người lớn thì bất chấp hậu quả để chặt phá rừng, để thả mìn bắt cá, …. Và cái kết thì như những gì chúng ta đang thấy, khô hạn, hạn hán thiếu nước trầm trọng, lũ lụt, dông tố thì ngày càng mạnh lên. Phải chăng mẹ thiên nhiên đang nổi giận. Văn hóa ứng xử với môi trường của chúng ta vì vậy ngày cành xuống cấp nghiêm trọng hơn. Ra cong viên thấy hoa đẹp là ngắt, là nhổ về nhà trồng, thấy xe buýt là ào ào chen lấn nhau lên, vào bệnh viện thì nói oang oang như chốn không người, thấy thùng rác cũng không thèm bỏ vào mà tiện tay ném cái vèo, chỉ biết sạch cho mình, còn xung quanh thì kệ, sao cũng được, … hình như người ta càng ngày càng sống ích kỉ với nhau. Bên cạnh những kẻ ich kỉ đó còn có những người đang ngày đêm không ngừng nghỉ tìm mọi cách để bảo vệ môi trường, cải tạo môi trường. Những cô chú công nhân dọn vệ sinh ngày đêm miệt mài cầm theo cây chổi dọn dẹp phố phường, những bạn tình nguyện viên xung phong đến những vùng sâu vùng xa, những nơi còn nghèo khó nhất để giúp bà con một tay xây cái trường, cái nhà để cho các em nhỏ có nơi vui chơi và học tập. Đó là những bác nông dân gương mẫu không dùng thuốc hóa học nữa mà chuyển sang dùng các biện pháp sinh học để bảo vệ đất đai, nguồn nước hay nói rộng hơn là bảo vệ môi trường.
Bản thân em là một thế hệ trẻ được sinh ra khi đất nước đang trên đà phát triển, được thụ hưởng một nền giáo dục tốt, có lẽ cái mà em cần phải học và học nhiều hơn cả chính là văn hóa ứng xử. Cần rút ra cho mình những bài học để rồi hoàn thiện cách ứng xử của mình trong cuộc sống. Còn bạn?
Nghị luận xã hội về ứng xử lịch sự, văn minh – Bài làm 2
Trong cuộc sống, mỗi người giao tiếp bằng nhiều phương thức khác nhau như ngôn ngữ, cử chỉ, hành động, hay thậm chí chỉ là ánh mắt không lời. Chính vì thế từ lâu trong xã hội đã hình thành nền văn hóa ứng xử như một cách làm cho mọi người có thể cư xử có chừng mực với nhau hơn.
Văn hóa ứng xử là nét đẹp văn hóa của mỗi người cần được phát huy và rèn luyện thường xuyên. Đó thực ra chỉ là những hành vi nhỏ nhặt trong việc giao tiếp nhưng lại có vai trò quan trọng đối với đối phương và giúp xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn.
Văn hóa ứng xử được hiểu là cách cư xử, giao tiếp, trò chuyện, trao đổi với nhau bằng những hành động rất đời thường hằng ngày. Tuy nhiên đối phương có thể nhìn vào đó để đánh giá được con người bạn như thế nào.
Từ việc xây dựng cho mình một thói quen ứng xử có chừng mực hằng ngày thì bạn sẽ rèn luyện được tính cách cho bản thân mình. Bạn đang tự xây dựng hình tượng của bản thân mình từ chính những hành động tưởng chừng như nhỏ nhặt đó.
Một người cư xử đúng mực luôn được yêu quý và tôn trọng, vì hành động cũng như lời nói của họ tạo nên sự thoải mái và nhã nhặn khiến đối phương hài lòng. Trong cuộc sống, chúng ta gặp gỡ rất nhiều người ở nhiều độ tuổi, nhiều ngành nghề khác nhau. Có thể chúng ta chưa hiểu họ là người như thế nào nhưng trước hết hãy tỏ ra là người lịch sự, biết quan tâm, lắng nghe những gì người khác nói. Đây chính là ấn tượng ban đầu mà bạn tạo ra cho mình và cho người khác. Bạn sẽ nhận lại được rất nhiều từ lối sống có văn hóa này.
Khi chúng ta trò chuyện, cư xử có chừng mực với đối phương thì chắc chắn họ sẽ có suy nghĩ tích cực về bạn và bắt đầu có những ấn tượng tốt.
Cư xử có văn hóa sẽ khiến bạn trở thành một người được yêu quý trong xã hội và có những bước tiến xa hơn trong sự nghiệp mà mình đang theo đuổi. Vậy tại sao bạn không rèn luyện thói quen này hằng ngày để thấy được hiệu quả của nó.
Bên cạnh những người cư xử có văn hóa thì vẫn còn tồn tại rất nhiều người không biết cư xử. Phần đông số người này ở tầng lớp thanh thiếu niên. Khi nói chuyện với người lớn thì cộc lốc, trống không, không biết thưa gửi. Điều này không những gây nên sự phản cảm khi trò chuyện mà còn khiến cho đối phương cảm thấy không hài lòng. Khi càng duy trì thói quen xấu này thì chắc chắn bạn đang biến mình thành một con người không có giáo dục. Đơn giản chỉ là lời chào, lời cảm ơn nhưng đối với họ lại quá khó khăn.
Bản thân những học sinh hiện nay đang ngồi trên ghế nhà trường thì hãy cố gắng là con ngoan trò giỏi, lắng nghe và lễ phép với cha mẹ, thầy cô giáo. Cư xử đúng mực, biết nhận sai khi mắc lỗi cũng là cách cư xử có văn hóa mà học sinh cần phát huy.
Cư xử có văn hóa hiện nay sẽ khiến cho mỗi chúng ta ngày càng hoàn thiện bản thân mình hơn và giúp cho bạn tiến xa hơn nữa trong cuộc sống.
Nghị luận xã hội về ứng xử lịch sự, văn minh – Bài làm 3
Ứng xử vốn được coi như một tiêu chuẩn khẳng định kiến thức. Đối với nhiều người, chỉ cần qua cách ứng xử là có thể biết được tính cách cũng như học thức của người đối diện. Vậy ứng xử là gì? Làm thế nào để ứng xử một cách có văn hóa?
Ứng xử là một biểu hiện của giao tiếp, là cách mà con người phản ứng lại trước sự tác động của người khác với mình trong một tình huống nhất định. Ứng xử được thể hiện cụ thể qua thái độ, hành vi, cử chỉ, cách nói năng của con người với cá nhân, tập thể xung quanh.
Một người có khả năng đối đáp thông minh, ứng xử khéo léo, lịch thiệp sẽ được nhiều người yêu quý, tôn trọng. Ngược lại, những kẻ nói tục chửi bậy, thô lỗ bất lịch sự lại bị xa lánh và ghét bỏ. Họ không chỉ cho thấy rằng bản thân đnag không tôn trọng người khác mà chính họ cũng đang không tôn trọng mình. Họ tạo nên một hình ảnh xấu trong mắt những người xung quanh. Một học sinh ngoan ngãn, vâng lời và luôn chào hỏi thầy cô sẽ được yêu quý hơn những học sinh ăn nói xấc xược, có thái độ vô lễ. Hay như trong các cuộc thi hoa hậu chẳng hạn. Trong vòng chung kết bao giờ cũng sẽ có một câu hỏi về kiến thức xã hội để kiểm tra cách ứng xử của thí sinh. Người có câu trả lời thông minh, sắc bén sẽ luôn được lòng mọi người và ban giám khảo đánh giá cao và có khả năng trở thành hoa hậu cao hơn những thí sinh khác.
Vì vậy, ngay từ bây giờ, khi đang là học sinh chúng ta nên học cách ứng xử. Rèn luyện ngay từ những điều nhỏ nhặt sẽ hình thành cho chúng ta một thói quen ứng xử lịch thiệp, có văn hóa. Tục ngữ có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, lời nói lịch sự, nhã nhặn sẽ luôn tạo được ấn tượng tốt với người đối diện. Cách ứng xử không chỉ thể hiện qua lời nói mà còn là những hành vi có ý thức. Lễ phép với thầy cô, chan hòa với bạn bè, yêu thương bố mẹ,… sẽ giúp chúng ta có lối sống lành mạnh và từ đó cách ứng xử cũng trở nên phù hợp. “học ăn, học nói, học gói, học mở” – ứng xử biểu hiện bản thân là một con người phải phép, được giáo dục, có văn hóa.
“Chim khôn hót tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”
Ứng xử thể hiện trí tuệ và nhân cách của một con người. Vì vậy, có thể nới, ứng xử chính là chiếc chìa khóa để chúng ta tiếp xúc với xã hội, hòa đồng với những con người có hiểu biết, văn mình, lịch sự.
Nghị luận xã hội về ứng xử lịch sự, văn minh – Bài làm 4
Xây dựng và phát triển nền văn hóa mới, con người mới của xã hội mới mang vẻ đẹp mới đậm đà bản sắc dân tộc đã được nhiều người nhắc tới, lưu ý nhiều đến văn minh, lịch sự. Đây là một vấn đề có nội dung rộng lớn, phong phú, vừa mang tính truyền thống vừa mang tính hiện đại, rất thiết thực đối với mỗi chúng ta trong cuộc sống và nếp sống hằng ngày.
Thế nào là văn minh, lịch sự? – Văn minh là một khái niệm khá rộng lớn nói về trình độ phát triển đạt đến một mức nhất định của xã hội loài người, có nền văn hóa vật chất và tinh thần với những đặc trưng riêng. Ví dụ, văn minh Ai Cập; văn minh phương Đông… Hiểu theo nghĩa hẹp thì văn minh là chỉ con người, sự vật nếp sống, nếp sinh hoạt đã được định hình với nhừng đặc trưng trong sáng, đẹp đẽ của nền văn hóa phát triển cao. Ví dụ,, một nếp sống văn minh, một con người văn minh.
Vậy thế nào là lịch sự? – Lịch sự là có thái độ, cử chỉ nhã nhặn, lễ độ khi tiếp xúc phù hợp với quan niệm và phép tắc xã giao của cộng đồng, của xã hội. Ví dụ, ăn nói lịch sự. Nói đến lịch sự là nói đến cách sống đẹp vừa sang trọng, vừa nhã nhặn từ lới nói, cử chỉ, thái độ, hành động, cách ăn mặc, sách sống . Được đồng loại quý mến, trân trọng.
Ở đây, chúng tôi chỉ bàn về nghĩa cụ thể, nghĩa hẹp của vấn đề văn minh, lịch sự.
Bước sang thế kỉ XXI, đất nước ta, xã hội ta nhiều đổi mới và phát triển đáng tự hào. Nhiều khu đô thị mới ra đời. Giao thông phát triển mạnh. Đường sá, cầu cống đi lại thuận tiện, nhanh chóng. Bến đò ngang, cầu khỉ, cảnh xếp hàng chen lấn… đang được khẩn trương giải quyết.
Trong tập thơ Dòng nước ngược, Tú Mỡ từng viết:
Phá đình đi! Phá đình đi.
Còn đình hủ tục, còn di hại nhiều!
Có biết bao hủ tục từng diễn ra nơi cái đình “xôi thịt” ngày xưa của những lí đương, lí cựu, của nghị Quế, mà Ngô Tất Tố đã nói đến trong tiểu thuyết Tắt đèn, trong phóng sự Việc làng, nay đã bị xóa bỏ. Nhưng những đình làng Mông Phụ xứ Đoài, đình làng Đình Bảng ở Bắc Ninh, và hàng nghìn đình làng khác ở xứ Đông, ở Sơn Nam Hạ… vẫn được tồn tại giữ gìn, vì đó là biểu tượng cho nền văn hóa cổ truyền của dân tộc. Những túp lều gianh xiêu vẹo ẩm thấp đã được thay thế trong phong trào “ngói hóa”. Các công trình đường, trường, trại, điện đã làm thay đổi hẳn bộ mặt nhiều xóm làng. Nông thôn Việt Nam đã và đang phát triển trên con đường văn minh; kĩ thuật canh tác mới đã làm cho nền sản xuất nông nghiệp được công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việt Nam trờ thành nước xuất khẩu lúa gạo đứng thứ hai trên thế giới.
Tết trồng cây gây rừng được tổ chức thành phong trào quần chúng rộng khắp. Toàn dân hưởng ứng bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Xử lí ô nhiễm nguồn nước, bầu không khí, chống lối sống, nếp sống, thói quen xấu như xả rác bừa bải khắp mọi nơi… để tạo nên cảnh quan đẹp, nếp sống mới văn minh. Đẩy lùi các tệ nạn mại dâm, cờ bạc, ma túy. Các lễ hội dân gian đầu xuân được tổ chức đông vui; vẻ đẹp dân tộc truyền thống được giữ gìn và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại vẻ đẹp văn minh thể hiện ở trường học, bệnh viện, nhà trẻ, nhà máy, cơ quan, công viên, nông thôn, thành phố .. Cuộc sống và phong cách sống của các thế hệ trẻ in rõ nhất dấu ấn văn minh hiện đại, mà đến đâu ta cũng dễ dàng nhìn thấy.
Có văn minh mới có lịch sự; có lịch sự mới có văn minh. Chỉ xin nói về lịch sự trong sinh hoạt, nếp sống cá nhân giữa cộng đồng. Giừ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, không nói tục, chửi bậy để làm cho con người sống lịch sự hơn. Ăn mặc không rách rưới: áo quần sạch sẽ, gọn gàng, đầu tóc, mặt mày sạch sẽ, ngay ngắn; không chen lấn, xô đẩy kiểu mạnh ai nấy làm; trên xe bus, biết nhường chỗ ngồi cho người tàn tật, cụ già, đàn bà mang thai, em nhỏ…; đó là lịch sự trong ứng xử,trong nếp sống. Kẻ bất lịch sự bị chê cười. Ai cũng cảm thấy sống lịch sự là đẹp.
Mọi người biết trên kính, dưới nhường. Trẻ em lễ phép, ngoan ngoãn biết “gọi dạ bảo vâng”, thực hiện đúng Năm điều Bác Hồ dạy; niềm nở khi khách đến nhà; thân tình, vui vẻ, hòa nhã trong quan hệ bạn bè, láng giềng.
Tuy đó đây còn có hiện tượng cảnh lộn xộn, chụp giật, xô bồ, bẩn thỉu; còn có loại người gian manh, bất hiếu, bất nghĩa, vô lễ, càn quấy, sống buông thả, nhếch nhác. Tuy đó đây còn bao hiện tượng tiêu cực làm cho bức tranh xã hội bị hoen ố. Nhưng mỗi chúng ta có thể tự hào về đất nước ta. con người Việt Nam đã và đang đổi mới, ngày càng văn minh, lịch sự. Khách du lịch kéo đến Việt Nam ngày một nhiều. Hà Nội là thủ đô hòa bình. Con người Việt Nam lịch sự, mến khách. Xin dược nhắc lại câu ca dao: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Thanh lịch là nét đẹp của người Hà Nội, của người dân Việt. Bàn về văn minh, lịch sự, nhắc lại câu ca dao trên, mỗi chúng ta cùng cảm thấy ít nhiều thú vị.
Thu Thủy (Tổng hợp)