28/05/2017, 20:42

Nghị luận xã hội về sự ích kỷ – Văn mẫu lớp 12

Đánh giá bài viết Nội dung bài viết1 Nghị luận xã hội về sự ích kỷ – Bài làm 1 2 Nghị luận xã hội về sự ích kỷ thông qua câu chuyện thực phẩm bẩn – Bài làm 2 3 Nghị luận xã hội về sự ích kỷ – Bài làm 3 4 Nghị luận xã hội về sự ích kỷ – Bài làm 4 Nghị luận xã hội về sự ích kỷ ...

Đánh giá bài viết Nội dung bài viết1 Nghị luận xã hội về sự ích kỷ – Bài làm 1 2 Nghị luận xã hội về sự ích kỷ thông qua câu chuyện thực phẩm bẩn – Bài làm 2 3 Nghị luận xã hội về sự ích kỷ – Bài làm 3 4 Nghị luận xã hội về sự ích kỷ – Bài làm 4 Nghị luận xã hội về sự ích kỷ – Bài làm 1 “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết ...

Nội dung bài viết

Nghị luận xã hội về sự ích kỷ – Bài làm 1

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không, để gió cuốn đi…”

Trước tôi không biết đây là câu hát trong bài hát nào, chỉ tình cờ nghe được và câu hátnày đã làm tôi nghe một lần và nhớ mãi. Không biết khi Trịnh Công Sơn viết nên câu hát này ông nghĩ gì, còn tôi, câu hát này luôn ám ảnh tôi mỗi khi nghĩ về sự vô tình của lòng người. Con người có lẽ ai cũng có một phần ích kỉ, và điều đó luôn làm tôi sợ hãi. Sự ích kỉ như một con quái vật đáng sợ có thể hủy hoại nhiều thứ tốt đẹp trong tâm hồn.

Người ta dễ dàng khen những cái không tốt hơn là góp ý chân thành, dễ dàng lờ đi hay chê bai những điều tốt đẹp của người khác hơn là nói lên một câu khen ngợi. Người ta thích chỉ dạy với vẻ kẻ cả nhưng không thích nhìn thấy sự tiến bộ của người khác. Người ta dễ dàng tỏ vẻ an ủi và vỗ về khi bạn gặp bất hạnh hơn là chia sẻ niềm vui, sự may mắn. Nếu mình cứ sống hồn nhiên, chân thật và mong rằng có thể cảm hóa được những người như như vậy liệu có phải là ảo tưởng. Cái đó có lẽ bị gọi là một sự ngu ngốc và khờ khạo.

Khi nhận ra cái ích kỉ ẩn sau cái vẻ bề ngoài vị tha nhân hậu thực sự là một điều tổn thương lớn. Tìm được một tình cảm không vị kỉ trên đời này quả là điều khó khăn. Đã tìm, đã tin và thất vọng… Đã muốn trở nên khôn ngoan, đã muốn trở nên ghê gớm hơn và không thể. Mong muốn điều đó làm cảm động người khác ư? Ảo tưởng. Nếu có một tấm lòng, hãy để gió cuốn đi…tự do và hồn nhiên, đừng mong nhận được gì, đừng mong được hiểu, sẽ dễ chịu hơn nhiều… Vô tình với sự vô tình của lòng người sẽ tìm thấy được sự thanh thản…

Và tôi đã từng nói” để gió cuốn đi” nghĩa là hãy để lòng tốt của mình vô tư như chẳng hề có giá trị gì, những gì mình làm được cũng hãy coi nhẹ nhàng cho gió cuốn hết đi. Hình như chẳng phải chỉ có tấm lòng, mà mọi chuyện có thể coi nhẹ như gió cuốn thì sẽ chẳng còn những phút giây day dứt, băn khoăn hay dằn vặt. Nhẹ nhàng biết bao! Thanh thản biết bao! Nhưng như thế liệu cuộc đời có còn đáng yêu nữa hay không?

Tôi chưa kịp tìm ra câu trả lời thì tôi đã tự bắt mình phải coi mọi chuyện thật nhẹ, coi như tôi đã quên hết tất cả những cảm xúc mình đã từng có. Và tôi tưởng là mình đã hoàn toàn thăng bằng. Đôi khi nhớ lại cũng không khỏi một chút buồn, một chút luyến tiếc nhưng lại vô cùng thanh thản. Tôi không còn băn khoăn,không còn thắc mắc. Ừ, cứ để mọi chuyện cho gió cuốn đi.

Rồi đột ngột như từ trước đến nay, một lời chúc bất ngờ, rồi chọn cho tôi một bài hát nho nhỏ vì thấy rất giống. Tôi lắng nghe “Để gió cuốn đi” trong một tâm trạng bàng hoàng… Tôi hiểu ra rằng tôi chưa bao giờ có thể quên bất cứ điều gì… Vẫn như ngày xưa, luôn luôn không thể nắm bắt…

Hạnh phúc đôi khi là một cảm xúc thật lạ. Vừa như muốn nổ tung ra trong lồng ngực, vừa như muốn nép chặt vào tận sâu trong đáy tim để nằm lại trong đó mãi mãi…

Khi người ta “để gió cuốn đi” thì người ta không cần nghe một lời cảm ơn nữa. Đã là những người bạn thì không cẩn phải nói cảm ơn vì được biết nhau trong cuộc đời này đã là một niềm vui lớn.

Nghị luận xã hội về sự ích kỷ thông qua câu chuyện thực phẩm bẩn – Bài làm 2

Đề bài: Thịt heo có chất tạo nạc salbutamol, thịt bò được làm từ thịt heo tẩm hóa chất và mới đây, một số ngư dân thản nhiên vớt cá chết bán cho thương lái trong vụ cá chết hàng loạt tại miền Trung. Những câu chuyện về sản xuất, buôn bán thiếu trung thực trên gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì về thái độ sống ích kỷ, hẹp hòi của một số người trong xã hội hiện đại? Viết một bài văn không quá 600 từ trình bày quan điểm của mình về vấn đề nêu trên.

Mở bài

  • Trong cuộc sống ngày một đầy đủ, sung túc, con người lại càng dễ dàng đánh mất đi bản tính tốt đẹp của mình. Người ta chỉ lo lắng cho chiếc ví tiền đang mỏng dần mà không quan tâm đến tâm hồn mình đã bao phần khiếm khuyết bởi những suy nghĩ vị kỉ, vụ lợi.

  • Không chỉ là câu chuyện "nóng" về chủ đề thực phẩm bẩn, việc thịt heo chứa chất tạo nạc, thịt bò làm từ thịt heo tẩm hóa chất, cá chết hàng loạt được ngư dân thu bán còn gợi nhắc ta về thái độ sống hẹp hòi, ích kỉ của một số người hiện nay.

Thân bài

1. Giải thích

  • Thịt heo có chất tạo nạc, thịt bò được làm từ thịt heo tẩm hóa chất, ngư dân bán cá chết cho thương lái là những câu chuyện về sản xuất, buôn bán thiếu trung thực, vì lợi ích vị kỉ của người bán mà ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người tiêu dùng.

  • Thái độ sống ích kỉ, hẹp hòi chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân, lợi ích trước mắt mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài, lợi ích của người khác.

2. Nguyên nhân của lối sống ích kỉ, hẹp hòi

  • Khách quan: Cuộc sống hiện đại cuốn con người vào vòng xoáy của cải, vật chất. Đồng tiền thể hiện sức mạnh đáng sợ của một thứ quyền lực vô hình có khả năng chi phối suy nghĩ, hành vi của không ít người.

  • Chủ quan: Bên trong mỗi cá nhân luôn luôn là cuộc chiến đấu âm thầm mà sục sôi của cái thiện – cái ác, "rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ" (truyện ngắn "Bức tranh" – Nguyễn Minh Châu). Sự yếu đuối, thiếu bản lĩnh và hiểu biết đưa đến một kết cục tất yếu là chiến thắng của cái ác, sự hẹp hòi, ích kỷ.

3. Thực trạng lối sống ích kỉ, hẹp hòi của một số người hiện nay

  • Lối sống ích kỉ, hẹp hòi giống như một căn bệnh "trầm kha" của cuộc sống hiện đại, một liều thuốc độc ngấm dần và phá hủy từng tế bào quan trọng của xã hội.+ Nỗi lo thực phẩm bẩn len lỏi vào từng câu chuyện thường nhật của mỗi người. Nói về cố nhạc sĩ Trần Lập đã ra đi bởi căn bệnh ung thư trực tràng cách đây không lâu, cựu thành viên ban nhạc Bức tường Trần Nhất Hoàng chia sẻ:"Ông trồng chè khoe họ được uống chè từ khu trồng sạch nhà quây riêng dành cho gia đình, khu còn lại tất nhiên là trà bẩn để bán. Bà bán rau cũng hân hoan nói nhà mình được ăn rau ở khu trồng sạch, khu nhiều thuốc là để bán. Ông bán thịt lợn cũng vậy." Những con người này đang đầu độc chính đồng bào mình chỉ khoản lãi lời trước mắt, liệu có đáng?+ Vì ích kỉ, chỉ lo cho mình mà hình ảnh chen lấn, chộp giật xuất hiện cả ở những chốn linh thiêng như đền Hùng. Dòng người dâng lễ cầu mong sự bình an, yên tĩnh mà bản thân họ đã mang bao nhiêu lo sợ về sự thiệt thòi của bản thân về nơi đất tổ.

4. Hậu quả của lối sống ích kỉ, hẹp hòi

  • Người sống cá nhân, ích kỉ không bao giờ vươn tới sự an yên trong tâm hồn bởi trong họ luôn thường trực nỗi lo sợ mình thiệt thòi hơn người khác.

  • Trong một tập thể, nếu ai cũng chỉ nghĩ cho bản thân thì tập thể sẽ khó khăn trong việc tìm ra tiếng nói chung, lợi ích chung để theo đuổi và tan rã là kết cục không quá ngạc nhiên.

  • Sự ích kỉ lớn dần trong xã hội cũng là một loại trở lực ghê gớm kìm hãm sự phát triển của cả một đất nước. Chỉ nói riêng về sức khỏe, nếu con người ta tiếp tục đầu độc nhau bởi thực phẩm bẩn, những cái chết vì ung thư sẽ còn nhân lên hoặc sức và lực của giống nòi cũng bị suy kiệt.

5. Giải pháp để thay đổi lối sống ích kỉ, hẹp hòi

  • Trước hết, mỗi chúng ta cần nhận thức sâu sắc về những nguy hại của lối sống ích kỉ, hẹp hòi. Là những chiếc nôi đầu tiên mà trí tuệ, nhận thức của cá nhân hình thành, gia đình và nhà trường phải tham gia tích cực vào việc giáo dục lối sống của người trẻ.

  • Phê phán những hành vi là biểu hiện của lối sống ích kỉ, vụ lợi cá nhân; nhân rộng những việc làm hay, nghĩa cử cao đẹp vì lợi ích chung của tập thể.

6. Lật ngược vấn đề

  • Không vì sự lớn dần của thái độ sống thờ ơ, ích kỷ mà nhìn cuộc đời bằng lăng kính màu xám hay dễ dàng thỏa hiệp, im lặng trước cái xấu, cái ác.

  • Phản đối sự ích kỉ, hẹp hòi cũng không có nghĩa là hi sinh hết mình vì người khác một cách dại dột, mù quáng.

Kết bài

  • Suy nghĩ ích kỉ, hẹp hòi đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, để lại tác động tiêu cực đến mỗi cá nhân, tập thể, thậm chí đến cả một dân tộc.

  • Người trẻ với sự thiếu thốn về kinh nghiệm sống, dễ dàng trở thành nạn nhân của lối sống ích kỉ cần tự nhắc nhở mình về mối nguy hại trong thái độ sống này; đấu tranh trong khả năng của mình để loại bỏ nếp nghĩ hẹp hòi, vị kỉ.

Nghị luận xã hội về sự ích kỷ – Bài làm 3

Cuộc sống là chuỗi ngày mỗi con người tự hoàn thiện mình. Mỗi ngày là một bài học vô giá ta nhận được từ cuộc sống. Quá trình hoàn thiện mình này chính là gạt bỏ đi từng cái xấu và vun đắp thêm từng cái tốt dù rất nhỏ. Và bài học mà chúng tôi nhận được từ chương trình "Văn hóa chiều thứ bảy”, câu lạc bộ kĩ năng sống tuần này là về "SỰ ÍCH KỶ" trong mỗi con người.

Cổ nhân có nói:“Nhân bất vị kỷ, thiên tru địa diệt".

Mở rộng ra ý nghĩa của câu này là con người ta sống và làm việc gì cũng đều vì lợi ích cho bản thân. Ý kiến của bạn về câu này như thế nào? Hãy tiếp tục suy nghĩ đi nhé, còn chúng tôi ngồi quây tròn, bàn luận khí thế.

Cuộc sống là cái đáng quý, cuộc sống của bản thân mình là cái quý nhất. Mình không quý, không yêu thương ngay chính bản thân mình thì hỏi còn quý ai, yêu thương ai (người khác, đất nước, con người…) được nữa.

Có một giai thoại như sau:

Nhà vua muốn thử Lão Tử, bèn đem nửa giang sơn đổi lấy một sợi lông nhưng Lão Tử cũng ko đổi. Ngài nói: "Dù là một sợi lông thì cũng là máu ta, thịt của ta. Máu thịt ta mà ta còn không xót thì hỏi còn sống để làm gì."

Mỗi người một góc nhìn, một quan điểm nhưng quy tụ lại tất cả đều đồng ý rằng bất kì ai cũng sống và làm việc cũng đều là vì lợi ích của bản thân mình. Chú ý lợi ở đây là cả vật chất và tình thần.

Như vậy có thể tạm khẳng định rằng: sống và làm việc gì cũng đều vì lợi ích cho bản thân là ĐÚNG.

Quay lại phân tích về định nghĩa "ÍCH KỶ" là gì?

Ích là lợi ích, kỷ là bản thân và ích kỷ là làm việc có lợi cho bản thân va ích ký là đúng?

Suy luận tới đây ai đây cũng gãi đầu, chống cằm suy nghĩ. Thật là bất ngờ khi mà mọi người đều cho rằng ích kỷ là một cái gì đó xấu và cần phải gạt bỏ nó nhưng ở đây suy luận cho rằng nó là đúng.

Tạm gác suy nghĩ, rẽ nhánh sang một hướng khác, nếu xét về những hành động mà bản thân người đưa ra hành động đó có lợi thì có 3 loại: lợi mình hại người (những hành động thường bị cấm bởi luật lệ), lợi mình lợi người (khuyên khích). Chúng tôi xét loại còn lại là lợi mình, không lợi người.

Vậy có chăng "ÍCH KỶ" là làm những hành động mà có lợi cho bản thân những người khác không có lợi?

Mặt khác, bạn thử nghĩ xem khi nào bạn bị cho là ích kỷ?

Trong một lần kiểm tra, bạn đã không chỉ bài cho người bạn ngồi cùng bàn và kết quả là bạn ấy bị điểm kém. Bạn bị người đó cho là người ích kỷ, bởi nếu bạn giúp bạn ấy thì bạn ấy đã không bị điểm kém.

Hai người yêu nhau, người nam luôn muốn người con gái của mình chỉ là của riêng mình thôi dẫn đến nhiều mối quan hệ trước đây của cô gái dần mất hết liên lạc và cuộc sống của cô ngày càng bó hẹp. Trường hợp này bạn có cho rằng người nam đó quá ích kỷ khi đã lấy đi sự tự do của người con gái không? Ngược lại nếu người nam quá thả lỏng và không quan tâm đến những mối quan hệ khác của người con gái, liệu cặp đôi đó có thể tồn tại?

Bạn bị cho là "ÍCH KỶ" khi bạn không đem lại lợi ích cho người khác. Hay nói cách khác, những người khác luôn muốn bạn đưa cho họ những điều họ mong muốn ở bạn. Nếu như bạn không đáp ứng được những điều họ mong muốn thì bạn bị cho là ÍCH KỶ. Giải pháp cho vấn đề này có thể là bạn là người có thể đáp ứng mọi mong muốn của người khác hoặc là bạn không có ích gì nên họ chả mong muốn ở bạn điều gì cả.

"Người nào nói bạn ích kỷ, người đó ích kỷ".

Vậy nếu "ÍCH KỶ" là đúng thì lấy đâu ra cho đủ số lợi ích để đáp ứng cho tất cả mọi người trên thế giới này nhỉ và lợi ích có bảo toàn không? -> câu trả lời sẽ là KHÔNG ở đâu ra nhiều lợi ích như vậy, chúng tôi tiếp tục phân tích tiếp một khía cạnh khác.

Sự phát triển của loài người gắn liền với sự phát triển của phương thức sản xuất. Thời nguyên thủy, con người đã biết cùng nhau đi săn bắt, hái lượm để có thể thu hoạch được nhiều lợi phẩm hơn. Phương thức này ngày càng phát triển và ngày càng chuyên môn hóa cao hơn. Ví dụ trong may mặc quần áo chia làm nhiều khâu cắt vải, may cánh tay, may túi, kết nút,… cuối cùng mới có được một chiếc áo hoàn chỉnh để đem đến cho người sử dụng. Giả sử như một khâu trong đó mất đi thì có chiếc áo ra đời không nhỉ?

Như vậy, việc giúp đỡ những người khác, tức là đem lợi ích đến cho họ thì sẽ tạo ra lợi ích lớn hơn cho tất cả.

Từ tất cả những phân tích và dẫn chứng trên có thể kết luận: "Sống vì lợi mình là đúng, nhưng không giúp đỡ (làm lợi cho người khác) thì cũng sẽ không được người khác giúp đỡ, dần dà bị cô lập khỏi tập thể —> có hại —> ngược lại với quy tắc đầu tiên —> giúp đỡ người khác cũng là đem lại lợi ích cho mình".

Vậy khi bạn bị ai đó nói là là người ÍCH KỶ bạn sẽ làm gì? Đừng bận tâm mà hãy xem xét trong khả năng có thể giúp đỡ người khác được hay không.

Nghị luận xã hội về sự ích kỷ – Bài làm 4

Mỗi con người sinh ra là một cá thể khác biệt, có những nét tính cách khác nhau. Chúng ta phải hoàn thiện bản thân từng ngày để trở thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên có nhiều đức tính khiến cho bản thân mình trở nên đáng trách, một trong số đó chính là tính ích kỉ.

Vậy tính ích kỉ là gì? Ích kỉ có thể hiểu là chỉ sống cho bản thân mình, lo cho bản thân mình, còn người khác thì mặc kệ, không quan tâm. Những người sống ích kỉ thường chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân, thua thiệt như thế nào.

Biểu hiện của tính ích kỉ trong mỗi con người rất rõ nét. Họ sẽ luôn sống trong tư thế không chịu mở lòng, làm việc gì cũng phải tính toán hơn thua với người khác, nếu thấy lợi về mình thì mới làm còn ngược lại thì thôi. Ích kỉ là một lối sống tiêu cực, không chỉ bào mòn bản chất của chính mình mà còn ảnh hưởng đến xã hội.

Những người chỉ lo đến mình, khư khư giữ lấy lợi ích của riêng mình luôn phải sống trong cái vỏ bọc mà họ tạo ra, rất kín đáo. Chúng ta không thể chui vào đó được, vì hàng rào rất chắc chắn, họ sẽ ít mở lòng, ít hòa đồng và hơn hết là khi nào thấy có lợi ích thì mới làm.

Trong một lớp học, sự ích kỉ biểu hiện rất rõ nét. Khi mình học giỏi hơn bạn, nhưng bạn hỏi về bài toán thì lại bảo không biết, chưa làm được. Đây là một hành động không nên. Và chúng ta nên hạn chế, đừng để nó xảy ra trong cuộc sống của mình. Vì làm như thế chúng ta sẽ bị họ xa lánh, bị bạn bè nói này nói nọ. Bản thân bạn càng ngày càng có thêm thói quen xấu.

Lòng ích kỉ còn có biểu hiện khác, không kém phần sắc nét. Những người có sẵn tính ích kỉ trong người thường né tránh những việc khó khăn, thử thách. Họ sẽ đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, vì ngại khó khăn gian khổ, chỉ muốn đươc hưởng thụ quyền lợi. Có thể họ làm được lần đầu tiên nhưng sẽ không có lần thứ 2 và thứ 3 vì mọi người đã biết tính cách của bạn xấu xa như thế nào.

Một người luôn mơ ước có cái này cái kia, thành ông này ông nọ nhưng lại ngại khó khăn, gian khổ, luôn toan tính để đạt được mọi việc bằng thủ đoạn thì chẳng mấy chốc lâu đài cát ấy sụp đổ.

Hậu quả của tính ích kỉ thật khó lường. Bị mọi người xa lánh, và chính bản thân mình cũng không bao giờ có thể phát triển được. Vì ích kỉ nên khi bạn gặp khó khăn thì chỉ một mình bạn vượt qua, không có bạn bè, không có ai bên cạnh. Bạn gieo nhân nào thì gặp quả đấy. Đó chính là luật nhân quả mà bạn phải biết để có thể hoàn thiện bản thân mình từng ngày.

Nếu xã hội có rất nhiều người như vậy thì chắc chắn rằng xã hội đó sẽ không bao giờ phát triển được.

Bởi vậy để có thể mang lại một xã hội tốt đẹp cũng như giúp bạn có thể hoàn thiện mình hơn thì hãy vứt bỏ tính ích kỉ, không ngừng rèn luyện bản thân bằng cách giúp đỡ mọi người, quan tâm đến mọi người. Như thế bạn đang tự xây dựng một con người tốt đẹp cho mình.

0