Nghị luận xã hội về quan niệm: Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai – Văn mẫu lớp 12
Nghị luận xã hội về quan niệm: Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai – Văn mẫu lớp 12 Nghị luận xã hội về quan niệm: Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai – Bài số 1 Ngồi trên giảng đường đại học là mơ ước của rất nhiều học sinh. Chúng ta có thể cảm nhận được ...
Nghị luận xã hội về quan niệm: Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai – Văn mẫu lớp 12
Nghị luận xã hội về quan niệm: Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai – Bài số 1
Ngồi trên giảng đường đại học là mơ ước của rất nhiều học sinh. Chúng ta có thể cảm nhận được niềm vui sướng, hạnh phúc của bản thân và gia đình như thế nào khi mình đỗ đại học. Cha mẹ sẽ rất tự hào, một chân trời mới đang đón chờ chúng ta phía trước. Đỗ đại học, chúng ta sẽ được nâng cao kiến thức và tạo dựng cho mình một nền tảng công việc sau này.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đạt được ước mơ đó. Một câu hỏi được đặt ra rằng tương lai nào cho các thí sinh không đỗ vào đại học? Những thí sinh thi trượt đại học đã phải chịu những sức ép không nhỏ từ phía gia đình, xã hội và từ chính bản thân mình. Tất cả các bậc phụ huynh đều mong ước con họ đỗ vào đại học, trong số đó, không ít người xem việc vào đại học là con đường duy nhất để tiến thân. Quan niệm ấy vô hình chung đã gây áp lực tâm lí rất lớn và mỗi kì thi đại học thực sự là một cuộc chiến mang ý nghĩa sống còn với thí sinh. Nhiều năm trước, có những học sinh thi trượt đại học không chịu nổi áp lực từ nhiều phía đã có những suy nghĩ dại dột dẫn đến quyên sinh.
Việc thi đỗ hay không đỗ vào đại học là điều hết sức bình thường như bao nhiêu điều khác trong cuộc sống. Thực ra, nếu bình tĩnh ngẫm lại, ta thấy vấn đề học hay không học đại học không đến mức nghiêm trọng như vậy. Vẫn biết, chương trình đào tạo đại học sẽ trang bị cho học sinh thế giới quan, phương pháp luận khoa học, giúp họ vững bước trên đường đời. Tuy nhiên, đại học không phải là con đường duy nhất đến với thành công.
Nếu không vào được đại học, đi học nghề có sao đâu! Thực tế ở nước ta không thiếu những người thợ giỏi với danh hiệu “bàn tay vàng”, không thiếu những ông vua bếp đã và đang mang lại vinh quang cho Tổ quốc. Những người ấy đâu có bắt buộc phải vào đời qua cổng trường đại học! Một thực tế cho thấy rằng không ít sinh viên ra trường mà chẳng sử dụng được chuyên môn, dẫn đến khó có thể xin được việc. Mới đây hãng Reuters có bài viết về thực trạng khó khăn của các công ti nước ngoài trong việc tuyển dụng những nhân viên có tay nghề cao ở Việt Nam. Reuters lấy chuyện tuyển chọn nhân viên của tập đoàn Intel cách đây một năm làm ví dụ. Khi đó Intel đã mời 2.000 sinh viên xuất sắc của năm trường đại học hàng đầu ở Việt Nam tham gia tuyển chọn và kết quả chỉ có số ít người trúng tuyển. Đấy là những ngành công nghệ cao được qua hệ thống kiểm tra hết sức khắt khe của các doanh nghiệp nước ngoài. Thực tế đào tạo đại học ở nước ta đang cho ra lò không ít sinh viên ở dạng “thầy không ra thầy, thợ không ra thợ”.
Bao nhiêu năm thống trị bởi tư duy bắt buộc phải vào Đại học, nước ta đang thừa những kĩ sư, cử nhân yếu kém và thiếu đội ngũ công nhân có tay nghề cao. Trong bối cảnh kinh tế phát triển, mức độ hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng, đội ngũ công nhân kĩ thuật cao ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng. Tình trạng thừa thầy, thiếu thợ trong tất cả các ngành nghề đang là một thực tế phổ biến ở Việt Nam.
Đừng nản lòng khi bạn không thi đỗ đại học, hãy xem đó là thử thách ban đầu, không có ai thành công mà không trải qua thất bại. Thay vì bi quan chán nản, bạn hãy cố gắng nỗ lực phấn đấu, rút ra bài học kinh nghiệm để sửa chữa và vươn lên. Cánh cửa đại học vẫn luôn mở rộng đón bạn.
Bạn cũng nên nhớ rằng, bạn có thể chọn cho mình những con đường khác, chỉ cần bạn có khả năng làm được việc thì dù bạn học ở đâu cũng không phải là điều quan trọng nhất. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, câu nói của người xưa vẫn còn nguyên giá trị. Trượt đại học không hẳn là kém cỏi. Điều quan trọng là chúng ta làm được cái gì và cống hiến cho xã hội như thế nào mà thôi!
Nghị luận xã hội về quan niệm: Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai – Bài số 2
Lại một mùa Tốt nghiệp, Đại học nữa lại đến. Năm ngoái, tôi cũng từng trải qua cảm giác này nhưng không căng thẳng như các em 96 đã chia sẻ vì với mình, đỗ Đại học tuy quan trọng thật đấy, nó quyết định tương lai của bạn, nghề nghiệp của bạn có thuận lợi hay không nhưng nó không phải là tất cả. Bản thân chúng ta chỉ có một nhưng con đường tương lai thì vô vàn chứ không phải duy nhất một cánh cổng Đại học. Hẳn là các em đã từng nghe câu: “Đại học không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công”. Đúng thế, quan trọng nhất là sức khỏe chúng ta, các em hãy giữ gìn sức khỏe thật tốt, vì chỉ có vậy mới học tập tốt, làm việc tốt và có một cuộc sống tốt như các em hằng mong đợi.
Đa số những gì chúng ta học trên ghế nhà trường là những kiến thức hàn lâm, sách vở, có thứ có ích nhưng có thứ thì không áp dụng được vào thực tế nếu chúng ta không đi ra bên ngoài và trải nghiệm cuộc sống. Cuộc sống không có sách vở thì không thể được nhưng sách vở chỉ là những con chữ, con số vô nghĩa nếu chúng ta chỉ học mà không làm. Muốn thành công có nhiều cách hơn chúng ta tưởng. Vậy thế nào là thành công? Thành công không phải là cực kì giàu có, thành công không chỉ như vậy và cũng không nhất thiết phải như vậy. Thành công là khi chúng ta làm những thứ bằng sức lao động và trí óc của mình để đạt được mong muốn. Như vậy là thành công.
Tại sao lại đặt nặng tư tưởng vào một tấm bằng Đại học? Nó chỉ như một giấy chứng nhận về khả năng tiếp thu kiến thức nghề nghiệp để áp dụng trong tương lai. Các công ty có thể cần hoặc không cần một nhân viên có bằng Đại học, nhưng nó vẫn là một công cụ đắc lực của chúng ta. Không vì thế thì làm sao nhiều người phải kỳ công đi học như vậy được. Nhưng có những người không cần tấm bằng Đại học, chỉ cần tốt nghiệp cấp 3 hoặc thậm chí cấp 2, họ tin tưởng vào lý tưởng của mình và đi theo con đường riêng của họ. Họ lao đầu vào kinh doanh, thất bại liên tục nhưng không hề nản chí, có thể hàng chục năm sau họ mới có thể đạt thành công nhưng dù sao thì cuối cùng họ vẫn thành công.
Như Bill Gates – nhà sáng lập tập đoàn phần mềm máy tính lớn nhất thế giới Microsoft hay Mark Zerkebergge – nhà sáng lập mạng xã hội nổi tiếng Facebook, rồi Einstein – vị bác học vĩ đại nhất thế giới cũng từng bị đuổi ra khỏi trường Đại học. Điển hình, ở Việt Nam có ông Đoàn Nguyên Đức – chủ tịch công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai cũng từng trượt Đại học. Ông nhận ra rằng, có nhiều con đường để dẫn đến thành công. “Con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng”.
Không có bằng Đại học, có thể họ rất khổ cực để thành công. Nhưng đó là lựa chọn của họ và họ yêu công việc của họ. Có thể kể đến những nông dân làm giàu từ sự cần cù và tinh thần ham học hỏi, có thể họ không có kiến thức hàn lâm nhưng kiến thức thực tế mà họ trải nghiệm còn quý giá gấp nhiều lần.
Tôi không tự tin là mình có thể làm được như họ – những người vĩ đại, thiên tài, xuất chúng, nhưng ngoài kia có biết bao thanh niên trẻ bước ra khỏi vòng tay bố mẹ, hùng hồn tuyên bố con sẽ không học Đại học, con sẽ kinh doanh, con sẽ tự thân vận động, khi con cần bố mẹ sẽ giúp nhưng con sẽ vẫn là người chịu trách nhiệm về cuộc đời mình… Những người như vậy, họ không cần học Đại học. Vâng, bạn có thể nói là không có kiến thức cơ bản thì làm sao làm được nghề? Có thể họ không có kiến thức nhưng kiến thức con người từ đâu ra? Vâng, chính là từ kinh nghiệm, từ những thất bại, vấp ngã của chính họ, họ đứng lên và trưởng thành hơn gấp nhiều lần. Với tôi, bạn không thể bắt tôi làm như họ được, tôi muốn học Đại học không chỉ vì công việc mà vì đó là sở thích ham học hỏi của tôi, tôi không muốn ra khỏi trường bây giờ, không phải tôi tự ti về bản thân mà tôi nghĩ tôi chưa sẵn sàng cho cuộc sống. Họ mạnh mẽ hơn tôi, vững vàng hơn tôi, và họ làm được. Còn tôi, đương nhiên tôi cũng sẽ làm được. Và tấm bằng Đại học của tôi không phải là vô ích khi tôi biết học hỏi từ mọi người xung quanh, biết ứng dụng những kiến thức vào thực tiễn, để sách vở không phải là vô ích.
Có những người chưa trưởng thành, chưa xác định mục tiêu sống của mình, họ cũng có thể bước vào trường Đại học và rồi thất vọng vì không yêu thích các môn học trong trường, thi lại trường khác cũng như thế. Và rồi cuối cùng, họ ra trường với một tấm bằng Đại học bậc trung, khó có khả năng xin được việc chứ đừng nói đến thành công. Nhưng tôi không nói họ sẽ không thành công. Xã hội sẽ tôi luyện họ, từ một sinh viên mới ra trường, họ lăn xả vào thương trường, hun đúc con người họ trở nên rắn rỏi hơn. Vài năm không xin được việc là chuyện bình thường, nhưng đừng nản chí. Những thất bại sẽ là bài học và ít ra cuối cùng họ cũng rút được kinh nghiệm và rồi đi đến thành công. Tôi nhắc lại, thành công không chỉ là giàu có, nhà cửa, xe hơi, vàng bạc mà là đạt được những gì mình muốn.
Các bạn hãy thử nghĩ xem, một trường có khoảng trên 50.000 hồ sơ thi mà chỉ tiêu của trường chỉ có 2000. Vậy phải chăng gần 50.000 thí sinh thất vọng? Tôi hiểu nhóm thực hiện muốn động viên các bạn thí sinh thi Đại học không đỗ. Tôi nghĩ rằng Đại học là cánh cửa vào đời và dẫn tới một sự nghiệp thành công cũng có phần đúng, nhưng không phải là tất cả. Không phải tất cả các sếp ở các doanh nghiệp đều học Đại học ngay từ đầu, không phải các trưởng nhóm đều có bằng Đại học… Hơn nữa, bây giờ điều kiện học tiếp lên bậc cao hơn cực kỳ mở. Nếu các bạn chưa đỗ Đại học, các bạn có thể chọn một bậc học thấp hơn, sau này có điều kiện sẽ đi học tiếp cũng không sao mà. Hoặc các bạn có thể chọn một nghề nào đó cũng được. Tôi có người anh chỉ học Trung cấp, bây giờ đã hoàn thành chương trình Đại học và là kỹ sư trưởng của một tập đoàn lớn, một người khác khởi đầu là học công nhân, bây giờ đã có bằng Tiến sĩ và là sếp đứng đầu của một cơ quan, một người thầy khác cũng từ Trung cấp mà bây giờ đã là Giáo sư đầu ngành.
Tấm bằng Đại học có thể là công cụ nhanh nhất đến với thành công nhưng chưa chắc với một tấm bằng đẹp như mơ bạn có thể xin vào được vị trí đẹp. Bạn đang phản đối tôi đấy ư? Tại sao ư? Vâng, có một số Công ty rất xem trọng bằng Đại học nhưng một số còn lại thì không, họ phỏng vấn tuyển nhân viên qua cách họ ứng xử và kiến thức xã hội, cách giao tiếp tốt chứ thậm chí không thèm nhìn vào tấm bằng Đại học của bạn. Vậy chắc bạn nghĩ tôi khuyên bạn đừng học Đại học nữa mà vào trường đời luôn phải không. Không phải. Ý tôi là học Đại học rất tốt nhưng ngoài học trên trường ra, bạn còn phải biết đi ra xã hội, năng nổ hoạt động, giao tiếp xã hội, học hỏi kinh nghiệm từ tiền bối hay bạn bè, sẽ có nhiều kiến thức nghề nghiệp mà chính những môn học sẽ không dạy bạn đâu mà chính là những con người ngoài kia đấy.
Muốn thành công thì hãy khôn ngoan, không phải là thích gì làm nấy mà là trước khi hành động phải suy nghĩ cho kĩ. Trước khi nói với bố mẹ là mình sẽ không học Đại học, hãy xác định bạn sẽ làm gì, nghề gì, như thế nào, có kĩ năng, kiến thức cơ bản hay chưa thì mới ra quyết định nhé! Chính Bill Gates khi còn nhỏ là một cậu bé giỏi điện máy trong khi bố mẹ cho cậu vào học Harvard với hi vọng cậu trở thành bác sĩ, nhưng cuối cùng với khả năng máy móc và bộ óc thông minh, Bill Gates đã chẳng cần tấm bằng Đại học, cử nhân gì mà trở thành tỷ phú nổi tiếng thế giới. Đương nhiên, tôi không phải Bill Gates, bạn cũng vậy, tôi không phải thiên tài nhưng chúng ta đều có thể là thiên tài. Cánh cổng thành công không chỉ mở cửa cho những cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ mà còn rất rộng đường cho những người biết ước mơ và nghị lực. Bạn thành công là khi bạn có sở trường và niềm đam mê với nó.
Nghị luận xã hội về quan niệm: Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai – Bài số 3
Mùa thi đại học lại bắt đầu, ngắm các sỹ tử sau bao ngày “dùi mài kinh sử” nay hồ hởi, háo hức và hồi hộp bước vào phòng thi, chắc hẳn ai đã từng trải qua cũng sẽ nao lòng nhớ lại hình ảnh của mình trước đó. Tất cả các thí sinh ai cũng mong mình làm bài tốt, hết khả năng có thể và không mắc sai lầm nào để có được kết quả tốt nhất, ai cũng mong mình sẽ trúng tuyển vào trường mà mình dự thi, có những sĩ tử thi 2,3 trường đại học, cao đẳng còn mong mình sẽ đỗ tất cả để “nở mày nở mặt”. Khi có kết quả thi đại học, cao đẳng, người đỗ thì vui vẻ tột cùng, người trượt thì buồn, thậm chí có bạn thất vọng, tuyệt vọng nên hành xử rất tiêu cực – tự tử, phải chăng do bạn quá kỳ vọng, quá tự tin vào bản thân và do áp lực từ gia đình, bè bạn nên khi kết quả không như mong muốn thì tự tử để giải thoát, nhưng đó không phải là cách làm đúng bởi đơn giản đại học không phải là con đường duy nhất để thành công.
Học đại học, ai cũng muốn nhưng không phải ai cũng có khả năng và điều kiện để học đại học, người có tiền thì không có tài, không thi nổi vào một trường đại học nào, người có kiến thức, có chí hướng thì điều kiện, hoàn cảnh gia đình không cho phép học đại học, măc dù hiện nay nhà nước ta đã có rất nhiều chính sách để hỗ trợ giúp đỡ các bạn học sinh thực hiện ước mơ đại học nhưng thực tế thì còn rất nhiều em vì hoàn cảnh gia đình mà ngậm ngùi bỏ lỡ giấc mơ. Nhưng các bạn hãy nhìn vào thực tế sẽ thấy, không phải bạn nào học đại học ra cũng là đã thành công. Sau 4,5 thậm chí 6, 7 năm ngồi trên mái trường đại học, cầm tấm bằng cử nhân, kỹ sư ra trường không phải ai cũng kiếm được việc làm, đôi khi tìm được việc làm thì lại không đúng chuyên môn hay lĩnh vực mà mình được đào tạo, thử hỏi như thế hứng làm việc ở đâu ra và làm việc liệu có tốt được không?
Không học đại học, chúng ta có thể học nghề, hiện nay có rất nhiều trung tâm, nhiều trường dạy nghề, không chỉ dạy nghề những trung tâm này còn tạo điều kiện việc làm cho học viên, nhiều bạn có tay nghề giỏi đã rất thành công trong cuộc sống. Thậm chí không học đại học chúng ta có thể làm nông nghiệp, đừng cười vì nghĩ cuộc đời sẽ là “con trâu đi trước, cái cày đi sau”, không, không, làm nông nghiệp hiên nay bào gồm cả chăn nuôi chuồng trại, thời buổi ngày nay máy móc phát triền, làm nông nghiệp nhàn hơn xưa rất nhiều, bạn có thể vay vốn nhà nước để làm trang trại, chăn nuôi bò, lợn,… không có gì là quá khó, khởi đầu có thể không thuận tiện nhưng càng làm ta sẽ có kinh nghiệm để tích lũy, ban đầu sản xuất nhỏ, khi có kinh nghiệm thì mở rộng hơn, thực tế có rất nhiều “ông chủ” đã và đang tiếp tục làm giàu bằng nông nghiệp. Làm công nhân cũng là một con đường mà rất nhiều bạn trẻ đã chọn, tất nhiên công nhân không có tay nghề, không có kinh nghiệm lương không cao và làm việc cũng vất vả, nhưng chỉ cần chăm chỉ học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, làm thêm, làm tăng ca, thì đảm bảo thu nhập của bạn cũng sẽ rất khá và như thế vẫn còn tốt hơn những kẻ lông bông ăn bám bố mẹ, hay những kẻ bán rẻ lương tâm để kiếm tiền .
Xã hội bây giờ vẫn coi trọng người có bằng cấp, đó là điều ai cũng biết, nhưng tại sao người ta cứ nghĩ tới bằng cấp mà không nghĩ rằng cái bằng đó do đâu mà có, có phải do đúng sự cố gắng học hành mà có không. Chính vì việc này nên nước ta hiện nay trường đại học, cao đẳng mọc lên như nấm sau mưa rào, nhiều trường thậm chí người ta không nộp hồ sơ thi, không thi, chỉ cần đỗ tốt nghiệp THPT là gửi giấy báo trúng tuyển. chất lượng đầu vào của sinh viên quá thấp thì dù điều kiện dạy học có tốt tới đâu, chất lượng đầu ra của sinh viên cũng không cao được. Học tại những trường đó ra khi cầm tấm bằng đi xin việc chắc chắn chỉ nhận được cái lắc đầu của các công ty, doanh nghiệp mà thôi. Như thế chẳng phải bạn đã phí thời gian để rồi không được gì sao, chi bằng dành thời gian đó để làm cái khác có ích hơn cho bản thân và xã hội có tốt hơn không. Rồi người ta nghĩ học đại học thì “tư cách con người” sẽ tốt hơn những người không học đại học, nhưng đó là một quan điểm sai lầm, nhân cách không quyết định bằng việc học đại học. Nói đâu xa, như Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, đó học đại học, cao đẳng mà làm những việc vi phạm pháp luật, những việc mà dù biêt sai trái đấy, đáng khinh bỉ coi thường đấy thế mà vẫn làm, nghĩ rằng đó là yêu nước nhưng tới một người thất học người ta còn biết thế nào là yêu nước nói gì một sinh viên có học hành tử tế, ngụy biện mà cũng không có lý do phù hợp. Hay như Cù Huy Hà Vũ, tiến sỹ hẳn hoi đấy mà vẫn làm phản động, thậm chí chống đối tới cùng, vào tù rồi vần nghĩ cách chống đối. Đó, như thế thì học đại học, cao đẳng mà để làm gì.
Tất nhiên, không phải nói như thế mà các bạn lại không tiếp tục học để thực hiện ước mơ đại học của mình, các bạn hãy cố gắng để vào được các trường đại học tên tuổi, có truyền thống, còn những ai không có khả năng, không có điều kiện thì hãy tìm cho mình một hướng đi đúng đắn, hợp lý để trang trải cuộc sống trước mắt, sau này sẽ tìm cơ hội học sau, dù cho ngã rẽ cuộc đời của chúng ta có thẳng, có cong, dù làm gì, thì tôi, các bạn hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết trước hết để làm người.
Nghị luận xã hội về quan niệm: Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai – Bài số 4
Đại học – từ được nghe nhiều nhất từ mái trường cấp ba. Từ một lúc nào đó, đại học trở thành một thứ sống còn quyết định cuộc sống sau này với những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Có ý kiến cho rằng: “ Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai”. Câu nói này tuyệt đối sai lầm và đưa không ít học sinh đặt chân nhầm chỗ vào chỗ đứng tương lai của bản thân.
Vì sao mà câu nói: “ Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai” lại có tầm ảnh hưởng đến tư duy của mọi người như thế. Đại học đã xuất hiện cách đây gần 9 thế kỷ. Bắt đầu là Văn miếu Quốc tử giám đã đào tạo ra muôn bậc hiền tài như Nguyễn Trãi, Nguyễn Hiền… Đến thế kỷ XX, nhà nước bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng và phát triển bậc Đại học. Các trường đại học đào tào ra những kĩ sư, bác sĩ, giá viên,… để chung tay phát triển đất nước. Nhờ đó mà chúng ta mới có đất nước như hôm nay. Hẳn vậy, nên các bậc cha mẹ càng muốn con mình thành danh, có một nghề nghiệp ổn định và đóng góp cho xã hội bằng con đường đại học. Nhưng đôi khi, vào đại học chỉ là cách làm mát mặt cho các vị phụ huynh rằng con mình thành tài.
Từ khi còn bé, mỗi đứa trẻ đều có một ước mơ. Nếu không may em ước mơ trở thành chủ tiệm bánh, chủ quán bún hay người mẫu chẳng hạn thì sẽ bị người lớn dẹp ý định đó lại ngay. Em phải ước mơ trở thành bác sĩ, kỹ sư, giáo viên,… Ngay từ bé các em đã được định hướng mình phải vào đại học. 12 năm ngồi trên ghế nhà trường nhất là những năm cấp ba, không ngày nào mà thầy cô không nhắc học sinh nghe về hai từ “ Đại học” vì đại học là con đường an toàn để có được con đường ổn định. Không thầy cô nào không muốn học trò mình có một cuộc sống bấp bênh không bằng cấp. Học sinh cũng muốn vào đại học cho bằng bạn bằng bè. Học sinh muốn vào đại học vì bố mẹ Học sinh sợ bỏ học sẽ bị bạn bè hàng xóm chê cười. Không ai phủ nhận vai trò của đại học nhưng nếu cho rằng : “Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai” thì thật phiến diện. Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công của mỗi người. Không vào đại học cũng không phải tương lai mù mịt. Mù mịt chính là vào Đại học mà chọn sai ngành mình thích, nghề mình không có khả năng và ra trường không có khả năng xin việc. Tương lại được quyết định ở nhiều yếu tố chứ không dừng lại ở đại học.
Đất nước ngày càng phát triển, xã hội ngày càng tân tiến mong rằng tư duy của mọi người không còn ở lối mòn “ Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai”. Michael Dell là nhà sáng lập ra tập đoàn Dell. Ông đã bỏ học năm 19 tuổi và bắt đầu khởi nghiệp bằng số vốn nhỏ nhoi. Năm 2008, ông được tạp chí Forbes xếp thứ 11 trên 400 người giàu nhất thế giới. Henry Ford chưa bao giờ tốt nghiệp trung học nhưng ông đã sáng lập ra một trong những tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất thế giới đó chính là Ford Motor. Hay Andrew Jackson – Tổng thống thứ 6 của nước Mỹ. Ông đồng thời là một nhà điều hành quân sự, một thống lĩnh quân đội, một luật sư, một nghị sĩ mà chưa từng trải qua một trường lớp đào tạo nào. Ở Việt Nam, nhà văn Gào nổi tiếng đã từng trượt đại học thê thảm nhưng cô đã rất thành công khi đang còn trẻ. Vậy cớ sao chúng ta chỉ bám trụ vào hai chữ đại học mà thôi.
Chúng ta thành công hay không là do sự học hỏi, sự rút kinh nghiệm và tư duy bắt kịp thời đại. Sự học hỏi được vạch ra sẵn đó chính là đại học. Nhưng chúng ta có thể đi bất kì con đường nào khác để đạt được mục đích học tập. Dù cho ý kiến “ Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai” là sai lầm nhưng chúng ta không được dựa dẫm nó mà lười biếng khi ngồi trên ghế nhà trường. Nhà trường không chỉ dạy cho chúng ta để vào đại học mà còn muôn vàn thứ khác. Chúng ta chứng minh nó sai lầm để những bạn đã trượt đại học không hề lùi bước mà tìm tiếp cho mình lí tưởng khác mà bắt đầu cuộc sống mới. Thành công không bao giờ giành cho những người lười biếng.
Chốt lại, ai cũng có một lí tưởng, có thể vào đại học hoặc không, đừng bao giờ lấy kết quả đại học để so đo, đong đếm, dự trù tương lai của người khác. Ý kiến: “ Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai” có phần phiến diện, nhưng nếu mình cảm thấy điều đó sai thì hãy chứng minh cho mọi người rằng ý kiến của mình đã đúng. Tương lai thành công hay không là do nhận thức của chính bạn.
Vũ Hường tổng hợp
Từ khóa tìm kiếm
- bài văn cho đỡ luận điểm sau chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai
- bàn luẩn về ý kiến sau chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai
- nghị luận xã hội về quan niệm học
- nlxh về việc chọn trường đh
- vào đại học thì mới có tương lai