Nghị luận xã hội về câu nói của Lép Tôn-xtôi: Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống – Văn mẫu hay lớp 12
Xem nhanh nội dung Nghị luận xã hội về câu nói của Lép Tôn-xtôi: Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Thừa Thiên Huế I. Mở Bài ...
Xem nhanh nội dung
Nghị luận xã hội về câu nói của Lép Tôn-xtôi: Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Thừa Thiên Huế
I. Mở Bài
Cuộc đời là hàng ngàn, hàng vạn những ngã rẽ cắt chéo, chồng chất lên nhau mà đòi hỏi mỗi người khi đi trên con đường đời của chính mình phải chọn lựa. tôi như bạn bè cùng trang lứa đang phân vân đứng trước những ngã rẽ của cuộc đời, chúng tôi biết rằng mỗi ngã rẽ sẽ dẫn chúng tôi đi trên một con đường để tới một điểm đến cuối cùng và chúng tôi tự hỏi: “Làm thế nào để chọn đúng?”
Rồi cuối cùng chúng tôi biết rằng, “lý tưởng” là thứ chúng tôi cần. Nhà văn Nga nổi tiếng L.Tôi-xtôi đã nói: “Lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lý tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng kiên định thì không có cuộc sống”.
II. Thân Bài
Có những lúc tôi ngồi một chỗ chỉ để suy nghĩ “lý tưởng là gì?”.
Ở đâu đó tôi và bạn vẫn thường nghe thấy người ta hỏi nhau rằng :người yêu lý tưởng của bạn là gì?, nghề nghiệp lý tưởng của bạn là gì? Hay ngôi trường đại học lý tưởng của bạn là gì? Và câu trả lời có lẽ mỗi người một khác nhưng giữa chúng luôn có một điểm chung: mọi thứ lý tưởng đều rất tốt đẹp và đáng mơ ước. Lý tưởng hiểu đơn giản chính là quan niệm sống tốt đẹp, mục đích sống cao đẹp nhất mà mỗi con người hướng tới trong cuộc sống này.
Sống mà không có lý tưởng khác nào đã chết. Sống không đơn thuần chỉ là việc hít vào thở ra, sống sao cho đúng nghĩa là phải sống thật hạnh phúc, vui vẻ, sống sao cho ý nghĩa, sống sao để người khác biết đến sự tồn tại của mình, để người ta tôn trọng, đừng để mình sống chỉ như một loại vi khuẩn kí sinh vật vờ ngoài lề xã hội. Nikolai Ostrovsky trong “thép đã tôi thế đấy” đã nói rằng: “Cái quí giá nhất của con người là cuộc sống. Đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa vì những năm tháng sống hoài sống phí.”
Và lý tưởng sẽ là kim chỉ nam dẫn chúng ta đến cuộc sống đích thực. Có lý tưởng chúng ta như cầm trong tay ngọn đèn chỉ đường dẫn lối trong bóng đêm bao phủ đã che lấp mọi lối đi. Trong chúng ta chắc hẳn ai cũng biết đến ngọn hải đăng sừng sững giữa biển khơi, chiếu sáng rực cả một vùng biển cho dù mưa giông gió bão.
Đã có bao con người lênh đênh trên biển được cứu sống bởi ngọn hải đăng ấy? Ngọn hải đăng như một người khổng lồ tốt bụng cầm trên tay một ánh dương lớn sẵn sàng chỉ đường cho những con người tội nghiệp lạc lối. Những con người không tìm được ngọn hải đăng của mình, lênh đênh bơ vơ giữa những con sóng gào thét dữ dội và ắt hẳn bị những con sóng ấy xô đẩy trôi dạt đến nơi nào đó và mãi mãi không đến được nơi mà mình muốn đến.
Lý tưởng như ngọn đèn chỉ đường, soi tỏ cho ta hay những điều tốt và những điều xấu, luôn nhắc nhở ta rằng hãy làm những điều ấy đi, nó tốt cho bạn đấy, nó sẽ dẫn bạn đạt được những gì bạn muốn, đừng làm những điều kia, nó không tốt cho bạn đâu. Lý tưởng soi rõ cho ta thấy cái đích mà ta đạt được nếu như cố gắng hết sức. Lý tưởng giống như một người bạn thông thái nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc.
Khi ta vấp ngã trên con đường đua maraton cuộc đời, lý tưởng luôn đứng ở gần đích và ngoái lại nhìn ta mà nói rằng “hãy đứng dậy và chạy tiếp đi. Nếu không bạn sẽ chẳng bao giờ bắt kịp tôi đâu.” Những khi ta mệt mỏi với những thất bại, những lúc ta yếu đuối muốn buông xuôi tất cả, lý tưởng sẽ đến bên ta mà thủ thỉ rằng “Hãy cố lên nào. Tôi luôn ở bên bạn mà. Bạn đừng có bỏ rơi tôi chứ.”
Sẽ thật tẻ nhạt làm sao nếu ta không có lý tưởng. Cuộc sống lúc này sẽ chẳng còn ý nghĩa của nó nữa. “Không có lý tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng kiên định thì không có cuộc sống”. Vương Dương Minh- nhà triết lý, chính trị, tư tưởng xuất sắc thời nhà Minh cũng nói: “Người không chí như thuyền không lái, như ngựa không cương”.
Không có người bạn lí tưởng chúng ta chẳng có gì. Trong cuộc sống, cho dù là trước đây, bây giờ hay mai sau, thứ quyết định tương lai của chúng ta không phải là gia thế, tiền bạc hay vẻ ngoài hào nhoáng mà chính là ý chí vững trãi, là lý tưởng cao đẹp và sự cố gắng tột cùng để đạt được lý tưởng ấy.
Trong lịch sử của loài người, lý tưởng đã soi sáng con đường đi của bao con người vĩ đại. Đó là lý tưởng chủ nghĩa cộng sản của CacMac Anghen, là con đường cứu nước của chàng trai trẻ Nguyễn Ái Quốc, và rồi dẫn lối cho hàng nghìn phát minh của hàng trăm nhà khoa học tên tuổi như Issac Newton, Nobel,v.v… với khát vọng tìm hiểu thế giới, đưa con người tiến lên những bước chân lịch sử. Không chỉ là lịch sử, ngày nay biết bao con người với những lý tưởng cao đẹp và nghị lực của mình đã để lại dấu ấn của mình, đó là nhà toán học Gs.Ngô Bảo Châu với giải thưởng Fields danh giá,…
Không lớn lao như thế, lý tưởng tồn tại đôi khi chỉ rất đơn giản như một công việc phù hợp, một gia đình hạnh phúc,… nhưng nó cũng đủ để khiễn con người ta vượt qua khó khăn, tìm đến được giá trị đích thực của cuộc sống.
Trong cuộc sống xã hội lắm bộn bề lo toan, nhiều éo le trắc trở, mỗi ngày ra đường lại bắt gặp cảnh những người trẻ ăn chơi xa đọa, rượu bia thuốc lắc, đua xe, nghiện hút,… chúng ta ngỡ như lý tưởng ở xã hội hiện đại đã không còn và mất dần đi, chúng ta e sợ một ngày đất nước ta với một bộ phận tương lai bị tha hóa sẽ đi vào diệt vong. Những lúc ấy thì ở đâu đó chúng ta sẽ bắt gặp những tấm gương sáng ngời le lói giữa màn bụi mù mịt, đó là tấm gương những con người vượt khó, chúng ta thấy hi vọng lóe lên ở chàng sinh viên khiếm thị Nguyễn Văn Duy: “Khi tất cả đã mất đi, thì tương lai vẫn còn, chúng ta còn sống thì còn cống hiến cho xã hội…”.
Ở cô gái nhà nghèo Hồ Phương Uyên đã vượt qua 50 ngàn thí sinh để giành học bổng du học Anh: “Em muốn trở thành người thành đạt để không phụ lòng cha mẹ. Em nghĩ mình làm người thành đạt không phải là làm nhiều tiền cho mình, mà còn cho nhiều người khác nữa”.
Giữa xã hội ta bắt gặp hai nửa được phân cách rõ ràng, đó là thành công và thất bại. Điều tạo nên sự khác biệt đó chính là lý tưởng. Một có lý tưởng và một không có lý tưởng.
Không chỉ là đối với cá nhân, lý tưởng còn quyết định đến sự tồn vong của cả một xã hội, một dân tộc. Lý tưởng của một xã hội, thứ mà cả loài người vẫn luôn khát khao đạt được đó là một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, một xã hội hòa bình, phát triển. Nhưng để đạt được điêù đó thì những cá nhân, những tế bào trong xã hội cần có lý tưởng tốt đẹp và những hành động thiết thực.
Một người thì không thể nhưng tất cả là có thể vì “đoàn kết là sức mạnh”. Có lẽ vì thế trên thế giới có rất nhiều giải thưởng trao cho những con người có lý tưởng và đã hành động để đạt được lý tưởng của họ. Nổi bật trong những giải thưởng ấy là giải Nobel hòa bình, kinh tế, hóa học, vật lý, sinh học, văn học.
Lý tưởng thật cao đẹp và đáng trân trọng. Mỗi chúng ta sống trên được cần tìm cho mình một lý tưởng đúng đắn để hướng tới nhưng đừng nhầm lẫn nó với tham vọng. Trước đây có nhiều lúc tôi ngồi một mình để tìm cho bản thân một câu trả lời về hai chữ “lý tưởng”.
Và những lúc như thế tôi gần như lạc lối giữa hai con chữ ấy. Tôi không thể phân biệt rõ giữa ước mơ, tham vọng và lý tưởng. Một cô bé con như tôi lúc ấy chỉ có thể hiểu mường tượng rằng lý tưởng là những gì tốt đẹp mà tôi muốn đạt được nhưng tôi bỗng nhận thấy ước mơ cũng là những gì rất đẹp mà tôi muốn có và cả tham vọng cũng giống như vậy.
Năm tháng dần qua đi, tôi dần tìm được cho mình câu trả lời thửa bé khi phải tự mình đối diện với cuộc đời phía trước. Ước mơ đẹp, ước mơ giản dị hay vĩ đại đó chỉ là đứa con của lý tưởng. Mỗi người đều có ước mơ, không chỉ một mà rất nhiều, đôi khi ước mơ ấy thật viển vông như ước mơ về một câu chuyện công chúa hoàng tử và có thể sẽ dễ dàng thay đổi khi con người ta lớn lên theo năm tháng.
Ước mơ có từ rất sớm, có thể khi còn rất bé thơ, từ lúc mới chỉ bậm bẹ vài ba câu nói, mẹ hỏi rằng “sau này con muốn làm nghề gì?”, con suy nghĩ một lúc rồi nói rằng, “con muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho thật nhiều người”, nhưng ngày mai khi bố hỏi con “con bố sau này muốn trở thành ai?”, con lại nói “con muốn làm họa sĩ”.
Con có nhiều ước mơ và chúng đều đẹp, đẹp như một bức tranh ảo ảnh, dễ tạo thành và cũng dễ tan đi vì đó là ước, là mơ. Nhưng nếu bây giờ ai đó hỏi lại con rằng “ước mơ của con là gì?” thì câu trả lời luôn chỉ có một, đó là “con sẽ trở thành một cô giáo giỏi được học sinh yêu mến. Con sẽ tạo những lớp thế hệ trẻ làm rạng danh đất nước, có ích cho đời”. Đây không còn là ước mơ nữa, nó đã hóa thành lý tưởng. Lý tưởng thiết thực hơn ước mơ và nó được tạo thành khi ta đã có nhận thức.
Còn tham vọng? Tham vọng là những ham muốn mãnh liệt của con người, là những mục đích mà con người hướng đến và muốn giành lấy. Tham vọng được sinh ra từ bản ngã của con người. Có thể nói lý tưởng một phần nào được bắt nguồn từ chính tham vọng nhưng chỉ khi tham vọng được soi sáng bởi nhân sinh quan tốt đẹp, bằng ước mơ chân chính nó mới hóa thành lý tưởng, nếu không nó sẽ chỉ là tham vọng mù quáng, làm con người ta vì nó mà lạc lối.
Từ trong lịch sử, chính tham vọng mù quáng là kẻ gấy ra chiến tranh và gây nên sự hủy diệt nhân loại. Loài người sẽ không thể nào quên cuộc chính tranh thế giới thứ hai của quân đội Hitle, dân tộc Campuchia không bao giờ có thể tha thứ cho Polpot kẻ gây nên nạn diệt chủng Khmer đỏ.
Lý tưởng là mục đích, là quan niệm sống đẹp nhất nhưng nó không phải là một thứ kim cương sáng lấp lánh thu hút ước vọng chiếm đoạt của con người. “Lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường” dẫn ta tới một cuộc sống tốt đẹp mà mỗi chúng ta luôn hướng tới. Bạn có lý tưởng của riêng mình và tôi cũng có một lý tưởng của riêng tôi. Lý tưởng có thể rất to lớn, vĩ đại những cũng có thể rất giản đơn, gần gũi.
III. Kết Bài
Tôi thận trọng thắp lên cho mình một ngọn đèn lý tưởng, nâng niu gìn giữ ngọn lửa bé nhỏ và để nó ngày càng cháy lên mạnh mẽ, sáng rực rỡ như khát khao đạt tới ước mơ, tới lý tưởng đang hừng hực trong tôi. Ánh sáng từ ngọn lửa ấy đang dẫn tôi bước đi từng bước trên con đường đầy chông gai phía trước, giúp tôi vững tin vào con đường mà mình đã chọn, hơi ấm từ ngọn lửa ấy cho tôi một cảm giác thân quen lạ lùng cho dù tôi đang bước một mình trên con đường này.
Nghị luận xã hội về câu nói của Lép Tôn-xtôi: Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống – Bài làm 2
Sống phải có mục đích. Sống phải có lí tưởng. Nói về tầm quan trọng của lí tưởng, nhà văn Nga Lép Tôn-xtôi chỉ rõ: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có li tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thỉ không có cuộc sống”.
Lí tưởng là gì? Lí tưởng là mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà người ta muốn đạt tới. Lí tưởng rất quan trọng đốỉ với bất cứ ai, đối với tất cả mọi người. Đúng: “ lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường’’. Nhờ có ánh sáng ngọn đèn lí tưởng dẫn đường mà ta có thể đi tới tương lai, tránh được sự mò mẫm, vấp váp. Nhờ có ánh sáng ngọn đèn lí tưởng mà chúng ta có nghị lực và niềm tin trong cuộc đời, biết sống thế nào cho có ý nghĩa, sống thế nào cho đáng sống. Không sống vô vị nhàm chán, không sống quẩn quanh, tăm tối, mà chỉ muốn sống có ý nghĩa, sống có ích cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Ngọn đèn được tác giả so sánh với li tưởng thật là sâu sắc và có nhiều ý nghĩa.
Nếu không có mục đích, sống không có lí tưởng thì sẽ như thế nào? Lép Tôn-xtôi cho biết: “Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hưởng kiên định thì không có cuộc sống”.
Phương hướng là hướng được xác định. Kiên định là một phẩm chất tốt đẹp, là tinh thần giữ vững ý định, ý chí, không dao động trước mọi khó khăn, trở lực. Khi đã không có lí tưởng, không có mục đích tốt đẹp sẽ không có phương hướng kiên định, khác nào kẻ đi đêm hoặc chui vào sừng trâu, đâm đầu vào lối cụt. Không có lí tưởng thì khác nào thuyền không lái, thuyền sẽ trôi về đâu? về bến bờ nào? Những kẻ sống quẩn quanh, sống bị động, hav dao động vì sống không có mục đích, không có lí tướng, không có phương hướng. Mà khi đã không có phương hướng, hoặc không có phương hướng kiên định thì sẽ không có cuộc sống ý nghĩa. Anh sẽ không có hành động thiết thực. Nếu không có mơ ước. không có khát vọng sống, cuộc sống sẽ trở nên nhạt nhẽo, vô vị. Anh sẽ trở thành kẻ sống thừa, sống mòn.
Nếu tuổi trẻ sống không có lí tưởng sẽ lười học, nhác lao dộng, sẽ sớm nhiễm phải những tệ nạn xã hội như ăn chơi đua đòi, cờ bạc, rượu chè, nghiện ma túy, cướp bóc… Những học sinh “cá biệt’' trong nhà trường hiện nay chủ yếu là do cách sống buông thả, sống không có lí tưởng.
Sống mà như chết thì sao có thể gọi là sống? sống mà tâm hồn bị khô héo, trái tim bị bàng giá thì không thể gọi là sống. Sống mà không nghĩ đến tương lai, sống mà không nghĩ đến công hiến, phục vụ cho gia đình, đất nước thì sao có thể gọi là sống? Cô giáo em nói thời còn là học sinh, câu khẩu hiệu: “Sống, học tập, lao động và chiến đấu theo gương Bác Hồ vĩ đại” có một sức mạnh ghê gớm. lôi cuốn hàng triệu thanh niên thi đua và lập công trong phong trào “ba sẵn sàng”.
Câu nói của nhà văn Nga đã chỉ rõ tầm quan trọng của lí tưởng và sống có lí tưởng. Câu nói ấy cho đến nay vẫn mới mẻ và giàu ý nghĩa đối với học sinh thanh niên chúng ta.
Đất nước đang đổi mới. Công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước đang kêu gọi thanh niên lên đường. Có học tập tốt mới trang bị cho bản thân mỗi chúng ta kiến thức, kĩ năng khoa học, lao động. Hơn bao giờ hết. chúng ta mới thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề lí tưởng và sống có lí tưởng.
Lí tường là ngọn đèn. Với Tố Hữu, lí tưởng là “mùi hương chân lí”. Tôi nhớ vần thơ của ông.
Khi ta đã say mùi hương chân lí .
Tương lai đó, trước mặt ta biển rộng
Trên đầu ta, lồng lộng gió trời cao!
(Như những con tàu)
Nghị luận xã hội về câu nói của Lép Tôn-xtôi: Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống – Bài làm 3
Nếu so sánh cuộc đời là biển cả, con người là chiếc thuyền giữa đại dương mênh mông, thì ngọn hải đăng quả thật là kim chỉ nam cho thuyền biết nơi mình đến. Thử hỏi, nếu không có ngọn hải đăng thì hậu quả sẽ ra sao? Nói như thế, ta chắc đã hiểu được lời nói của L. Tôn xtôi quả thật chí lí: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống".
Nếu cuộc sống là những hoạt động trong đời sống của một con người hoặc một xã hội, thì lí tưởng là mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà người ta phấn đấu để đạt tới. Sông trong đời sống, ai cũng muốn vươn tới một điều gì đó tốt đẹp và ta gọi đó là mục đích. Muốn đến đích, ta phải có hành động cụ thể, có phương tiện để thực hiện. Với T.xtôi thì lí tưởng chính là phương tiện, bởi nó như là “ngọn đèn chỉ đường”', là ánh sáng soi rọi cho con người đi đến mục đích. Người không có lí tưởng thì “không có phương hướng kiên định” như con thuyền chòng chành, lạc lối đưa đến nguy cơ đánh mất cuộc sống.
Trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Nga, nếu không có ánh sáng lí tưởng cao đẹp của Mác – Lê nin thì dân tộc Nga sẽ về đâu? Thế kỉ XX ở Việt Nam, hàng ngàn, hàng vạn thanh niên ngã xuống “chẩng tiếc đời xanh” cho Tổ quốc trường tồn, chính là vì họ đã mang vào tâm trí mình một lí tưởng yêu nước cao đẹp được thấm nhuần bởi tư tưởng Hồ Chí Minh vĩ đại. Như vậy, sống có lí tưởng thì cuộc sống sẽ có ý nghĩa. Cuộc sống là sự tiệp diễn liên tục không ngừng nghỉ. Chúng ta từ thế hệ này sang thế hệ khác tiếp tục sống nhưng không thể thiếu mục đích, lí tưởng. Lí tưởng cao đẹp, làm cho cuộc đời nở hoa. Những con thuyền đang ngày đêm lênh đênh trên biển cả đều rất cần một ngọn hải đăng để dẫn đường, soi sáng cho chúng tìm đên bến bờ an toàn và bình yên. Chúng ta cũng vậy, khác chăng ngọn hải đăng của chúng ta chính là lí tưởng sống – nó chắp cánh đưa ta bay cao cùng những ước mơ và chỉ đường cho ta đến bến bờ hạnh phúc của cuộc sông. “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”. Quan niệm sống nêu trên thật sự là bài học cho chúng ta học tập.
Mỗi chúng ta, phải có trách nhiệm với xã hội và với chính mình. Mỗi con người phải tự ý thức rằng, sống không có lí tưởng, tựa như con người đi trong bóng đêm; như con thuyền ngoài khơi không có ngọn hải đăng dẫn đường; như con tàu không có hoa tiêu,… Ớ phương diện đấu tranh giải phóng dân tộc của nước ta, nếu không có lí tưởng yêu nước là ánh sáng soi đường, thì “bóng đèm nô lệ” quả thật đáng sợ, mà dân tộc ta đã từng trải qua.
Nghị luận xã hội về câu nói của Lép Tôn-xtôi: Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống – Bài làm 4
Trong cuộc sống, mỗi con người từ khi sinh ra đã là một hành trình tư tưởng. Cha mẹ khắc khoải một lí tưởng là con sinh ra được khỏe mạnh, lớn khôn, con là đứa trẻ ngoan ngoãn, giỏi giang, mai kia con trở thành một người thành đạt. Rồi khi con đủ lớn, đủ ý thức để sống cho những lí tưởng riêng của mình. Con sẽ trở thành một học sinh xuất sắc, lớn hơn nữa con sẽ là một doanh nhân lớn hay là một bác sĩ tài ba, con có cuộc sống riêng cùng một gia đình hạnh phúc. Cuộc sống được nuôi dưỡng bằng những lí tưởng. Nói cách khác: Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống. (Lép – Tôn – Xtôi)
Mỗi chúng ta khi vô tình chạm đến hai chữ lí tưởng thì cảm thấy như gặp một cái gì xa vời, không thực tại chút nào. Ta cứ nghĩ rằng lí tưởng là cái gì đó vĩ đại như lí tưởng cách mạng của Các Mác, Ăng – Ghen, lí tưởng vô sản của Lê – Nin. Nhưng chúng ta lại không biết rằng lí tưởng là thực tại, rất đời thường và gắn bó trong đời sống của chúng ta. Hoàn toàn có thể hiểu lí tưởng là một ngọn đèn, nói dễ hơn lí tưởng là niềm tin, lòng ao ước mong mỏi của mỗi người đặt ra trong cuộc sống. Lí tưởng chính là cái mục tiêu phấn đấu. Lí tưởng trở thành một phần của cuộc sống, và vì thế cuộc sống sẽ vô vị biết bao nếu thiếu đi lí tưởng. Theo cách nói của Lép – Tôn – Xtôi thì lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường nên khi thiếu vắng nó con người ta sẽ dễ lầm lạc, đôi khi châm trễ trên lộ trình của cuộc sống: Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng kiên định thì không có cuộc sống.
Hành trình đi đến lí tưởng, phấn đấu theo lí tưởng, cũng như một vận động viên điền kinh đang ra sức trinh phục chặng đường đua của mình. Anh chàng vận động viên chỉ biết rằng phía trước, những bước cuối cùng của chặng đưa là băng – rôn về đích. Anh cố hết sức và lao về phía trước với một tinh thần sức mạnh thiêng liêng, như mỗi chúng ta đều hướng về lí tưởng của mình. Cuộc sống cũng là một chặng đua và nếu chặng đua ấy không có địch đến, không có hướng đi thì chúng ta sẽ đi đâu về đâu. Nhưng Lép – Tôn – Xtôi bảo rằng: Lí tưởng là phương hướng kiên định, đó không bao giờ có thể chuyển dịch. Nếu hiểu ngược kiểu ấy, chẳng lẽ, lí tưởng của cuộc sống hiện đại lại là một ông già phong kiến cố hữu, cùng những đạo luật khắt khe của chế độ xưa. Đó hoàn toàn không phải là lí tưởng, Đã là lí tưởng thiêng liêng của một cuộc sống tươi đẹp thì đòi hỏi ở cái khí chất cao đẹp.
Trong cuộc sống có vô vàn lí tưởng nhưng như thế nào mới là một lí tưởng chính đáng. Lí tưởng của một người kinh doanh là làm giàu. nhưng không phải là được làm giàu bằng mọi cách. Anh ta phải tuân theo khuôn khổ của pháp luật và trách nhiệm của lương tâm. Lí tưởng của một cậu học sinh là đỗ cao trong kì thi đại học. Thế rồi ngày anh ta tới phòng thi để thực hiện cái lí tưởng của mình, thì lương tâm, xã hội không bao giờ cho phép anh có quyền làm ngơ khi thấy một người chết đuối, một hành động đi trái với pháp luật, với đạo lí thì không được gọi là lí tưởng. Mỗi bước đi của chúng ta bây giờ đều bước theo nhũng bậc thang của lí tưởng, và luôn luôn có lí tưởng soi sáng chỉ đường. Lúc ấy, chúng ta như những đứa trẻ vô tri được bàn tay người mẹ nâng niu dìu dắt từng bước đi. Và khi ấy nếu không có mẹ, không có lí tưởng con là đứa trẻ bơ vơ, lạc loài, rồi sẽ đi về đâu? Anh muốn chinh phục nóc nhà thế giới, muốn đứng trên đỉnh E-ve-rét dù chỉ là một giây, dù phải trải qua hàng ngàn giờ hãi hùng, có lúc tưởng chừng như hy sinh cả tính mạng nhưng vẫn hết mình thực hiện vì cái lí tưởng của bản thân. Nếu một con người chỉ tồn tại như một bản năng, hoạt động như một cái máy, khởi động thi chạy, hết nhiên liệu thì tắt. Ta tự hỏi thế có phải là cuộc sống? Để chứng minh rằng ta đang sống, đang tồn tại, trước tiên ta phải có lí tưởng, và đã có lí tưởng ta sẽ có dũng khí làm những gì ta quyết.
Ngày 5-6-1911, chàng thanh niên mang tên Nguyễn Tất Thành cùng hai bàn tay trắng xuống tàu buôn ra nước ngoài mang tên mình hành trang duy nhất là lí tưởng tìm đường cứu nước. Giả dụ, nếu không có đủ sức mạnh của lí tưởng thì Bác không bao giờ có đủ can đảm để ra đi. Chính vì thế ta hãy sống, và thực sự sống khi đã có lí tưởng riêng của bản thân. Xuân Diệu thì mải mê với lí tưởng:
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.
Cảm ơn nhà thơ đã đem đến một quan niệm mới về lí tưởng của cuộc sống. Chắc hẳn, chúng ta ai cũng biết Xuân Diệu là một nhà thơ khát khao giao cảm với đời, yêu đời một cách tha thiết nhất. Chính vì thế, nhà thơ đem hết trái tim của mình cống hiến cho cuộc sống này, cho lí tưởng sống tràn đầy yêu thương. Xuân Diệu mong muốn được sống chân thành với lí tưởng của riêng ông, được cống hiến cả đời để đổi lấy một phút huy hoàng, đó là giây phút cháy bỏng của một tâm hồn sống trong lí tưởng. Đồng thời nhà thơ muốn gửi gắm lí tưởng ấy cho mọi người trong cuộc đời. Sống phải sao cho đáng sống, phải đem hết dũng cảm để sống cho cái lí tưởng của mình, để từ đó tìm ra phương hướng đi thơ tiếng gọi của lí tưởng như Lép – Tôn – Xtôi đã khẳng định: Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng kiên định thì không có cuộc sống.
Nhưng thử hỏi có mấy ai có đủ can đảm để sống hết mình, sống một cách trọn đầy cho lí tưởng: Chắc hẳn, chúng ta – những người con của dân tộc Việt Nam sẽ khôn bao giờ quên và cũng không bao giờ dược quên người thiếu nữ đã chết cho mùa hoa Lê – ki – ma nở, ở quê ta vùng đất đỏ và đã chết cho mùa sau. Nữ anh hùng Võ Thị Sáu đã dâng cả cuộc đời mình cho dân tộc, cho Tổ quốc yêu thương và cũng cho riêng lí tưởng sống của chị, khi mới tròn đầy cái tuổi 16. Tôi không so sánh bạn, cũng như không dám so sánh mình với lí tưởng cách mạnh cao cả như của nữ anh hùng, liệt sĩ Võ Thị Sáu. Qua đó, tôi chỉ có thể khẳng định rằng mỗi chúng ta đều có thể gắng hết sức vì lí tưởng sống của bản thân mình để thật sự có một phương hướng sống, phương hướng để tồn tại. Cũng như từ đầu vẫn nói lí tưởng không hề xa vời, lí tưởng là đoạn đường, là lối đi gắn bó với chúng ta trong suốt cuộc đời.
Một lần nữa xin chân thành cảm ơn Lép – Tôn – Xtôi đã đem đến cho chúng ta cái nhìn tổng quát về lí tưởng. Con đường hôm qua, con đường hôm kia của tôi, của bạn, của tất cả chúng ta đề đã vùi vào quá khứ một cách mờ nhạt và tiếp tục nhạt nhòa.
Nhưng con đường hôm nay và của ngày mai còn tùy tôi, tùy bạn, chúng ta đi như thế nào, tiếp tục để phát triển và đi lên cùng với sự thăng hoa của ánh sáng lí tưởng.
Thu Thủy (Tổng hợp)