21/02/2018, 09:15

Nghị luận về thời gian

– Bài số 1 Đoạn thơ này là những dự cảm về sự tàn phai của thời gian, tuổi trẻ, đời người: "Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già". Người ta gọi Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà ...

– Bài số 1

Đoạn thơ này là những dự cảm về sự tàn phai của thời gian, tuổi trẻ, đời người:

"Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già".

Người ta gọi Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới không chỉ bởi những cách tân nghệ thuật của ông, đúng như Xuân Diệu từng viết trong tập "Thơ thơ": Ông gửi tập thơ này cho những người trẻ tuổi và cả "trẻ lòng". Những người trẻ, họ có quan niệm thời gian riêng của mình chứ không phải thời gian vĩnh cửu, tuần hoàn như thơ xưa: "Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ đêm qua xuân trước một cành mai" (Mãn Giác thiền sư). Những người trẻ, họ không cảm thấy thời gian luân hồi để rồi an phận sống và chết ung dung bình thản như người xưa. Họ xác lập thời gian là tuyến tính, một đi không trở lại, đời người ngắn tựa bóng câu qua cửa sổ nên mỗi phút giây thời gian qua là ngay lập tức bị đẩy về quá khứ. Xuân Diệu đưa vào trong thơ mình lối định nghĩa cấu trúc tương phản: "Đương tới – đương qua"; "Còn non – sẽ già". Điệp từ "xuân" được láy lại nhiều lần như một ám ảnh, nó không chỉ là ẩn dụ của thời gian mà còn là bước đi của đời người. Không có thời gian tồn tại vĩnh hằng cũng như tuổi trẻ không bao giờ ngự trị, sự vật đang ở thời khắc đẹp nhất nhưng vẫn tiềm ẩn sự tàn tạ trong tương lai. Đây là cơ sở cho sự gắn bó thiết tha của nhà thơ với cuộc đời.

Thi sĩ tiếp tục quay lại với cách nói tương phản:
"Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian".

Khẳng định "lòng tôi rộng" nghĩa là Xuân Diệu đã khéo léo bộc lộ khát vọng tuổi trẻ tồn tại mãi mãi nhưng ngay lập tức nhà thơ nhận ra: "lượng trời cứ chật" để chỉ những quy luật khách quan không cho phép con người sống mãi. Trong quy luật ấy, tuổi trẻ của con người thường mong manh, ngắn ngủi. Lấy cái hữu hạn của kiếp người để so với cái vô hạn của cuộc sống chính là cơ sở để Xuân Diệu cảm thấy nuối tiếc, thấm thía: "Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời".

Trong 7 dòng thơ cuối của đoạn 2, nhà thơ bộc lộ những dự cảm của mình về sự rơi rụng, chia li:

"Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt…
Con gió xinh thì thào trong gió biếc
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?"
"Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
Chẳng bao giờ, ôi! chẳng bao giờ nữa…"

Thi sĩ sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi để cụ thể hóa một khái niệm trừu tượng. Tháng năm là thời gian cho thời gian, có thể cảm nhận bằng khứu giác: mùi tháng năm, mùi li biệt, vị chia phôi.

Sự lo âu, cuống quýt được thể hiện rõ trong câu thơ cuối đoạn, thông qua điệp cấu trúc câu cùng việc sử dụng từ cảm thán thể hiện sự đau đớn, tiếc nuối:

"Chẳng bao giờ, ôi! chẳng bao giờ nữa".

Ý thức sâu sắc về thời gian, tuổi trẻ, hạnh phúc không là mãi mãi, trong khi cuộc đời tươi đẹp luôn mở rộng xung quanh mình là một tiền đề để Xuân Diệu đưa ra một giải pháp: "Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm". Đó là lời thúc giục của tác giả dành cho chính bản thân mình, cũng là cho tất cả mọi người để chống lại bước đi gấp gáp của thời gian. Dù khổ thơ có cái bất an ngấm ngầm của cái tôi cá nhân nhưng vượt lên trên tất cả vẫn là quan niệm sống tích cực, chủ động và chân lý nhân sinh vô cùng tích cực của nhà thơ, người luôn luôn sống tận độ.

Phân tích đoạn thơ sau:

"Ta muốn ôm!…Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi".

Đoạn thơ trên nằm ở cuối của bài thơ, như một giải pháp được tác giả đưa ra để chống lại sự ăn mòn của thời gian lên cuộc đời. Nhịp thơ toàn đoạn gấp gáp, ồ ạt và ta lại gặp cái ham hố, say mê của cái tôi cá nhân ở phần đầu bài thơ. Sau những nốt trầm lắng đọng và suy tư của thời gian, tuổi trẻ, đời người, sự chia lìa, cái tôi đã có thể dõng rạc cất lên tiếng nói mạnh mẽ:

Ta muốn ôm.

Đây là câu thơ ngắn nhất trong bài và nhưng cũng là câu lặp lại ý muốn ngông cuồng của thi sĩ ở bốn câu thơ đầu. Xong việc thay thể đại từ nhân xưng từ "tôi" sang "ta" là nhà thơ muốn hòa nhập vào cái ta chung, muốn trở thành thông điệp của con người khi đối diện với toàn vũ trụ, với cuộc sống.

Quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu khác về bản chất với quan niệm sống gấp gáp: người ta sống và hưởng thụ chỉ chú ý đến nhu cầu vật chất, đó chỉ là lối sống ích kỉ chỉ biết đến bản thân mình. Trong khi đó lối sống "Vội vàng" của Xuân Diệu không chỉ là tận hưởng và tận hướng, con người chạy đua với thời gian để tận hưởng những giây phút cuộc đời có ý nghĩa.

– Bài số 2

Cuộc sống của con người mỗi ngày một thay đổi, của cải vật chất ngày càng nhiều nhưng tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận. Nếu chúng ta không biết tiết kiệm thì làm ra bao nhiêu cũng hết. C. Mac nói: “Mọi tiết kiệm, suy cho cùng là tiết kiệm thời gian”. Câu nói của Cac Mac khẳng định thời gian là quý nhất.

Trước hết, chúng ta phải hiểu thế nào là tiết kiệm?. Tiết kiệm là một trong những phẩm chất cơ bản của con người. Tiết kiệm là sử dụng tiền bạc, của cải vật chất, sức lao động, thời gian… một cách hợp lí, đúng mức, không lãng phí.

Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, keo kiệt, không phải là coi trọng đồng tiền một cách quá đáng, việc cần chi tiêu cũng không dám chi tiêu, gặp lúc cần đóng góp cũng không đóng góp.

Tiết kiệm cũng không phải là dè xẻn, để dành, cất kín tiền bạc dư thừa mà ngược lại, cần làm cho nó sinh sôi nảy nở. Người dân nào cũng có tiền chưa dùng đến, nên đem gửi vào ngân hàng, vào quỹ tiết kiệm, sẽ ích nước lợi nhà, theo tinh thần của câu khẩu hiệu: “Tiết kiệm là quốc sách”.

Cac Mac nói: “Mọi tiết kiệm, suy cho cùng là tiết kiệm thời gian” bởi vì thời gian gắn liền với từng con người và từng việc cụ thể. Muốn hoàn thành một công việc nào đó, dù lớn hay nhỏ, chúng ta đều cần phải có thời gian. Ví dụ: học sinh học năm năm thì hết bậc Tiểu học, bốn năm thì hết bậc Trung học cơ sở, ba năm mới hết bậc Trung học phổ thông. Người nông dân sau ba tháng gieo trồng, chăm sóc mới thu hoạch được một vụ lúa. Không có thời gian thì chúng ta không làm được việc gì cả. Từ xưa, dân gian cũng đã khẳng định: “Thì giờ là vàng bạc”.

Vậy thời gian là yếu tố quan trọng không thể thiếu để chúng ta học tập, lao động và tạo ra những của cải vật chất, tinh thần quý giá cho cá nhân, cho xã hội. Sử dụng một khoảng thời gian cho một công việc nào đó nhưng không đạt kết quả theo ý muốn thì ta buộc phải làm lại từ đầu. Như vậy là ta đã đánh mất thời gian, đánh mất một phần của cuộc đời mình.

Trong quãng đời đi học, nếu chúng ta lười biếng, không chịu nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ, thầy cô thì liệu khi bước vào đời, chúng ta có đủ năng lực để tự nuôi sống bản thân và đóng góp cho xã hội?. Lúc ấy, dẫu có muốn học lại từ đầu thì chắc cũng không dễ dàng gì.

Sử dụng thời gian để học tập tốt, lao động tốt thì chúng ta sẽ tạo ra nhiều của cải vật chất và tinh thần, góp phần dựng xây đất nước ngày càng giàu đẹp.

Có thời gian là có tất cả. Thời gian qua đi không lấy lại được. Mỗi con người chỉ có một quỹ thời gian nhất định để sống, học tập và lao động. Vậy trong suốt thời gian ấy, chúng ta phải làm gì để đến “khi nhắm mắt xuôi tay, không phải ân hận vì những năm tháng sống hoài sống phí?” (“Thép đã tôi thế đấy” – Otsterropski). Đó là câu hỏi lớn đặt ra cho cả đời người, do đó chúng ta phải biết quý thời gian mình đang sống.

Trong hoàn cảnh đất nước ta hiện nay, câu nói của Cac Mac càng có giá trị như một chân lí. Việt Nam vốn là một nước có nền kinh tế tiểu nông lạc hậu. Sau hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ kéo dài suốt mấy chục năm, nền kinh tế nước ta lại càng nghèo nàn, lạc hậu. Chính vì vậy, chúng ta cần tranh thủ thời gian để khôi phục và phát triển mọi lĩnh vực của đất nước. Kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 cho đến nay, nhân dân ta đã bắt tay vào sự nghiệp xây dựng đất nước trong hòa bình theo đường lối đổi mới, mở cửa nên bước đầu đã có cuộc sống ấm no. Tuy vậy, Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo chậm phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hiện nay, đi đôi với những cố gắng phát triển kinh tế, khoa học, kĩ thuật. Nhà nước ta đã đề cao chủ trương tiết kiệm trong toàn Đảng, toàn dân, coi tiết kiệm là quốc sách, là một trong những biện pháp cơ bản hàng đầu để xây dựng đất nước.

“Tiết kiệm là quốc sách”, bởi vì tiết kiệm đem lại lợi ích to lớn cho con người và xã hội. Với một quốc gia như Việt Nam thì tiết kiệm lại càng quan trọng và cần thiết. Tiết kiệm để tích lũy vốn, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, từng bước đưa đất nước đi lên. Chúng ta có thể huy động vốn từ nhiều nguồn như vay mượn của nước ngoài hay hợp tác đầu tư… nhưng nguồn vốn trong nước vẫn là cơ bản, mà nguồn vốn của nhân dân chỉ có được bằng cách chi tiêu hợp lí và tiết kiệm.

Tiết kiệm là việc làm vô cùng cần thiết. Đảng và Nhà nước kêu gọi các cơ quan, đoàn thể hãy tiết kiệm tối đa, không mua ô tô loại sang, không xây dựng công sở thật lớn, không trang bị những đồ dùng đắt tiền, không tổ chức tiệc tùng lãng phí… Những công trình lớn được xây dựng đúng tiến độ thi công, bảo đảm đúng chất lượng tốt tiết kiệm cho ngân quỹ quốc gia. Những cuộc họp đúng giờ, ngắn gọn là tiết kiệm thời gian. Một dây chuyền sản xuất hợp lí là tiết kiệm công sức lao động.

Tiết kiệm là biểu hiện của nếp sống văn minh, văn hóa. Xưa nay, những kẻ có thói xấu ném tiền qua cửa sổ đều mau chóng thất cơ lỡ vận, còn những người biết chi tiêu hợp lí và thực sự tiết kiệm thì ngày càng giàu có. Sinh thời, Hồ Chủ tịch đã căn dặn toàn dân phải “tiết kiệm thời giờ, sức lao động và tiền của”.

Mỗi người có những cách thức khác nhau để thực hành tiết kiệm. Chủ doanh nghiệp tiết kiệm tiền của, sức lao động, hợp lí hóa sản xuất. Người nội trợ chi tiêu hợp lí để tiết kiệm ngân quỹ gia đình. Còn học sinh chúng ta phải làm gì để thực hành tiết kiệm?. Điều quan trọng nhất là nên dành nhiều thời gian để: “Học, học nữa, học mãi”; phải biết sắp xếp một cách hợp lí giờ học, giờ chơi, giờ lao động. Giữ gìn trường lớp, bàn ghế, đồ dùng học tập… là tiết kiệm cho nhà trường. Bảo quản sách vở, quần áo, xe cộ để cha mẹ đỡ tốn tiền mua sắm cũng là tiết kiệm. Chăm chỉ học tập, lao động vừa là giúp đỡ cha mẹ, vừa là giúp đất nước tiết kiệm tiền của để đào tạo một con người. Có muôn ngàn cách để tiết kiệm, miễn là chúng ta phải có ý thức tự giác.

Câu nói của Cac Mac đúng với mọi hoàn cảnh, mọi quốc gia. Trong nhịp sống khẩn trương của thời đại công nghiệp, chúng ta lại càng phải thường quyên rèn luyện ý thức tiết kiệm.

Không chỉ tự mình thực hành tiết kiệm mà chúng ta nên vận động mọi người cùng hưởng ứng chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí tiền của Nhà nước, nhất là lãng phí thời gian. Tiết kiệm không chỉ là việc làm quan trọng, cấp thiết mà còn là một trong những phẩm chất cần có của mỗi con người nếu muốn thành công trong sự nghiệp. Vì thế, ủng hộ chủ trương tiết kiệm của Nhà nước cũng là biện pháp để chúng ta rèn luyện phẩm chất tốt đẹp của con người mới.

– Bài số 3

 

  • Mở bài:

Thời gian chính là sự thử thách lớn nhất đối với mọi sự tồn tại. Những gì vượt qua được thử thách khắc nghiệt của thừi gian đều khẳng định giá trị vững bền của mình. Thế nên, có người cho rằng: “Những thứ có giá trị đều phải được thử thách bằng một lượng thời gian đáng kể”.

  • Thân bài:

* Giải thích:

Thời gian là khái niệm chỉ trình tự sảy ra của các sự kiện, biến cố và khoảng kéo dài của chúng. Thời gian thường được tính bằng giây, phút, giờ, ngày, tháng,năm, thế kỉ,…

Những thứ có giá trị là những gì có thể tạo ra những lợi ích trong đời sống con người.

Thử thách là những khó khăn, trở ngại, gian khổ trong cuộc sống mà con người cần có nghị lực mới vượt qua được.

* Chứng minh:

Sự tồn tại hay hủy diệt của vạn vật đều phụ thuộc vào vòng luân chuyển của thời gian. Thời gian quyết định sự sinh tồn hay chấm dứt sự sinh tồn của chúng ta và của mọi vật trên thế gian này. Bởi thế, những gì vượt qua được những khó khăn, trở ngại và sự tàn phá của thời gian đều là những thứ có giá trị vững bền.

Những gì có giá trị đều được thử thách bằng một lượng thời gian đáng kể. Nếu không có giá trị, vật thể sẽ không thể vượt qua được thử thách khắc nghiệt của thời gian và sớm bị hủy diệt. Hãy so sánh một cây gỗ thông và một cây gỗ trắc trong rừng để thấy rõ điều đó. Cây gỗ thông từ lúc là cây con, sau 3 năm sinh trưởng đã trưởng thành cao lớn, còn cây gỗ trắc phải cần đến chừng 10 năm thân gỗ mới thật sự trưởng thành. Có thể thấy, trong khoảng thời gian sinh trưởng ấy, cây con sẽ phải đối diện với biết bao khó khăn, thử thách để sinh tồn. Bởi thế, vì phải trải qua một giai đoạn lâu dài hơn nên giá trị của gỗ trắc lớn hơn gỗ thông rất nhiều. Một cây thông chỉ sống được khoảng vài chục năm, gỗ của nó sẽ sớm mục nát. Còn cây trắc có thể sống đến vài trăm năm và gỗ của nó cũng tồn tại đến nghìn năm sau. Chính vì đã vượt qua thử thách của thời gian để sinh trưởng và tồn tại, cây trắc đã khẳng định giá trị vượt trội của mình.

Con người dù có trí tuệ cao thì cũng chịu sự thử thách của dòng thời gian thăm thẳm. Bằng trí tuệ, con người đã từng bước làm chủ bản thân làm chủ sự sống và khát vọng vượt lên sự tàn phá của thời gian nhưng chưa thể vượt qua được quy luật của nó. Chính vì biết đấu tranh, khát vọng vươn cao vươn xa trong cuộc sống và khám phá vũ trụ, con người đã khẳng định được giá trị  và vị trí tối cao của mình.

Không có một thành công nào mà khong phải trải qua gian khổ. Phát minh của một nhà khoa học là kết tinh của biết bao tháng năm kiên trì nghiên cứu. Một học sinh muốn thành công trong học tập cũng phải ra sức rèn luyện, cần cù, sáng tạo không ngừng mới mong đạt được kết quả tốt đẹp. Học tập thì không thể vội vàng. Tất cả phải được kiểm chứng trong thời gian. Cần phải có một lượng thời gian đáng kể để việc học tập đạt thành tựu và cũng cần một lượng thời gian để nó khẳng định giá trị của mình.

  • Kết bài:

Thời gian vừa là yếu tố thúc đẩy sự trưởng thành và khẳng định giá trị của mọi vật và cũng là yếu tố hủy diệt mọi vật. Biết được điều đó, mỗi chúng ta phải không ngừng nỗ lực hoàn thiện mình, sẵng sàng vượt qua khó khăn, thử thách để tồn tại cùng nó. Chính giá trị vượt trội làm cho con người tồn tại đến vĩnh hằng.

– Bài số 4

Thời gian luôn đi cùng sự sống trên trái đất. Thời gian của vũ trụ là vô hạn. Thời gian là hữu hạn đối với con người. Do vậy, mọi người (trong dó có bạn và tôi) cần phải biết quý thời gian.

Muốn quý thời gian, trước hết, cần hiểu thời gian là gì? Thời gian là thứ trừu tượng ta chỉ có thể cảm nhận thời gian qua sự vận động tự nhiên của mọi sự vật: trái đất sinh ra ngày đêm, tháng, năm; động thực vật sinh ra, lớn lên, mất đi; con người trong công việc và tuổi tác,… Vạn vật trên trái đất sinh ra, trưởng thành và tàn lụi theo thời gian. Trong vũ trụ, thời gian tính bằng triệu triệu năm, nhưng thời gian của người chỉ tính bằng năm, nhiều nhất là trên trăm năm. Thời gian của người là hữu hạn.

Chúng ta cần thời giạn vì thời gian thật đáng quý đối với cuộc sống con người, trong khi thời gian của người là hữu hạn.

Có bạn chia sẻ với chúng ta cảm nghĩ về thời gian như sau: mỗi buổi sáng thức dậy, nhận ra bầu trời trong xanh có ánh nắng ban mai ửng hồng, hoặc một chồi non vừa nhú còn ướt đẫm sương đêm,… nhắc nhở cho ta biết đời sống của ta đang tồn tại, và ta tự nhủ với mình sẽ không bỏ phí một phút giây nào được tồn tại trong cuộc sống nhiệm màu này. Ta sẽ sống như thế nào để bản thân có được niềm vui hạnh phúc, và mang niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người. Cảm nhận đó cho thấy bạn ý thức được hạnh phúc trong thời gian. Khi chúng ta ý thức được rằng giá trị của cuộc sống nằm ở ngay những gì ta đang sống, thì chúng ta sẽ biết quý thời gian.

Có bạn muốn nói với chúng ta rằng thời gian không chờ đợi, ai biết tận dụng thời gian vào công việc và nghỉ ngơi thì có lợi cho bản thân và xã hội, ai bỏ phí thời gian thì thiệt thòi cho tất cả. Đó là suy nghĩ đúng đắn về thời gian của người.

Ngày trước, ông cha ta quý thời gian như vàng ngọc.

Thời Bắc Tống có người tên là Lưu Thứ chăm chỉ học hành, tu dưỡng bản thân, mỗi ngày đều sắp xếp thời gian làm việc hợp lí, không bao giờ lãng phí. Từ nhỏ ông đã học tặp kinh thư của nhà nho, mỗi ngày đều đọc sách, ghi nhớ trong lòng, thường hay quên ăn bỏ ngủ. Năm 18 tuổi, Lưu Thứ đậu tiến sĩ. Một lần, Lưu Thứ biết có học giả tên là Tống Thứ Đạo làm quan tại Bạc Châu, trong nhà có rất nhiều sách quý cho nên tìm đến xin đọc, cho dù bất đường sá xa hàng trăm dặm. Cả ngày lẫn đêm, Lưu Thứ ở tại nơi này, miệng đọc tay chép, ròng rã mười ngày. Chủ nhà sách nhận xét: “Ngài có tinh thần chịu khổ nhọc như vậy thật khiến cho người ta khâm phục!”. Lưu Thứ cười nói: “Với tôi, đọc sách là niềm vui. Mỗi lần đọc sách là mỗi lần được sáng tỏ”. Suốt mười năm liền, ngày nào Lưu Thứ cũng đọc sách, ông làm theo lời dạy của cổ nhân: “kịp thời ráng gắng sức, tuế nguyệt chẳng chờ ai”, và trở thành nhà sử học nổi tiếng của Trung Quốc.

“Đời sống chỉ là khoảnh khắc, nhưng với khoảnh khắc ấy người ta có thể làm nên những việc trường cửu.” (Bơ-sớt).

Bác Hồ của chúng ta là người luôn biết trân trọng thời gian. Bác quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu. Trong công việc không bao giờ Người để bất cứ ai phải đợi mình. Năm 1953, Bác đến thăm lớp Chỉnh huấn của anh chị em trí thức. Tin vui đến làm náo nức cả lớp học, mọi người hồi hộp chờ đợi. Bỗng trời đổ mưa xối xả kéo dài không dứt. Ai cũng nghĩ mưa thế này, Bác đến sao được! Giữa lúc trời đang trút nước thì Bác bước vào trong, chiếc áo mưa ướt sũng nước, quần xắn quá đầu gối, đầu đội nón. Về sau, anh em được biết: giữa lúc Bác chuẩn bị đến thăm lớp thì trời đổ mưa to. Các đồng chí làm việc bên cạnh Bác đề nghị cho hoãn đến một buổi khác nhưng Bác không đồng ý: “Đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ, đợi trời tạnh thì biết đến khi nào? Thà một mình Bác và một vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cho cả lớp học phải chờ uổng công!”. Ba năm sau, giữa Hà Nội đang vào dịp Tết cổ truyền, hàng trăm đại biểu nhân dân ở Thủ đô tập trung tại Uỷ ban Hành chính Thành phố để lên chúc Tết Bác Hồ. sắp đến giờ lên đường, trời bỗng đổ mưa như trút. Giữa lúc mọi người còn đang lúng túng thu xếp phương tiện thì một chiếc xe đậu trước cửa, Bác Hồ bước xuống, cầm ô đi vào, lần lượt bắt tay chúc Tết mỗi người, trong nỗi bất ngờ rưng rưng cảm động của các đại biểu. Thì ra, thấy trời mưa to, thông cảm với khó khăn của Ban tổ chức và không muốn các đại biểu vì mình mà vất vả, Bác chủ động đến chúc Tết các đại biểu. Cho đến tận phút lâm chung, Bác vẫn không muốn lãng phí thời gian của nhân dân: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân”.

Ngày nay, biết bao người tận dụng thời gian cho việc học tập nghiên cứu, lao động sáng tạo để làm ra của cải vật chất tinh thần cho xã hội, nhưng cũng có không ít thanh niên, học sinh lãng phí thời gian.

Nếu đặt câu hỏi: “Một ngày bạn học mấy tiếng?”, thì nhiều bạn sẽ giật mình. Không đến thư viện, không ôn lại bài hàng ngày, chỉ đến khi gần thi mới quáng quàng xem lại sách vở là hiện tượng thường thấy trong trường học. Có bạn tự hào rằng mình nhấp chuột lên mạng rất nhanh, nhưng thực tế có bao nhiêu bạn sử dụng in-tơ-nét phục vụ cho học tập hay chỉ biến nó thành công cụ giải trí, hoặc “chát chít”. Tình bạn thời di động cũng là hình thức đốt thời gian của nhiều bạn. Trong lớp học, giờ ra chơi, cả khi đi ngủ… họ đều chơi trò tin nhắn. Còn nhiều kiểu chơi khác cũng rất hợp với bạn thừa thãi thời gian như rong ruổi phố xá cả ngày, ngồi lì hàng giờ trong quán game,…

Thời gian của người thật đáng quý. Vậy cần sử dụng thời gian như thế nào để khỏi lãng phí?

So với trước đây, nhờ những phát minh khoa học và công nghệ tiên tiến, con người đã đẩy cuộc sống ngày nay phát triển với tốc độ như vũ bão “một ngày bằng hai mươi năm”. Chính là nhờ tinh thần làm việc vượt thời gian mà nhân loại có được những bước tiến dài như vậy. Thời gian không thể dự trữ, không thể tái sử dụng, không thể bắt nó dừng lại nên chúng ta chỉ có thể tận dụng nó, vượt lên nó nếu muốn kiến tạo cuộc sống tốt đẹp trên trái đất này. Sống, học tập và lao động hăng say, mãnh liệt là cách sống bảo tồn thời gian của người. Sống buông xuôi, đủng đỉnh lười nhác là sự huỷ hoại thời gian.

Cách sử dụng thời gian tốt nhất là làm sao để khiến cho bạn cảm thấy cuộc sống thật tuyệt vời. Mỗi ngày có 24 tiếng cho mọi người. Sự khác nhau là ở chỗ bạn sử dụng 24 tiếng đó như thế nào? Nếu một người làm việc hoặc học tập gấp ba lần người khác trong một ngày thì anh ta sẽ có ba ngày vượt trước hơn người khác.

Người lớn khuyên ta dùng thời gian một cách khôn ngoan. Mỗi giây phút chỉ đến một lần và những gì chỉ đến một lần đều quý. Điều quan trọng hơn là thời gian khi bạn còn trẻ thì quý giá hơn tới ba bốn lần lúc bạn đã già. Khi còn trẻ, cách sử dụng thời gian của bạn sẽ quyết định chất lượng và tiêu chuẩn cho phần đời còn lại. Nếu sử dụng thời gian một cách hũu hiệu thì cuộc đời sẽ đủ dài để làm được điều gì đó vĩ đại. Cuộc sống con người không thể nói là dài. Nếu lãng phí thời gian chính chúng ta làm cho nó thêm ngắn lại.

“Thời gian là tài sản quý báu nhất nhưng cũng dễ mất nhất”. (J.R. Rca-nô-kê)

Thời gian vẫn liên tục trôi phải không bạn? Vậy thì chúng ta hãy sống như thế nào để thời gian của chúng ta trở thành một dòng sông đỏ nặng phù sa, một dòng suối mát mẻ tràn trề niềm vui. Và nếu không thể tìm lại được thời gian đã mất thì khi còn trẻ, có lẽ nào bạn và tôi lại thất hứa với chính mình về những điều tốt đáng làm, về những hi vọng mà cha mẹ, gia đình và xã hội đang mong đợi chúng ta.

Vũ Hường tổng hợp

0