Bình giảng tác phẩm truyện Kiều của Nguyễn Du
– Bài số 1 "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn" (Phạm Quỳnh). Kiệt tác Truyện Kiều được viết nên bởi một đại thi hào của dân tộc: Nguyễn Du. Nguyễn Du sinh năm 1765 mất năm 1820 quê ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà ...
– Bài số 1
"Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn" (Phạm Quỳnh).
Kiệt tác Truyện Kiều được viết nên bởi một đại thi hào của dân tộc: Nguyễn Du. Nguyễn Du sinh năm 1765 mất năm 1820 quê ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông sinh ra trong một gia đình quý tộc mà cha và anh trai đều lần lượt làm tể tướng cho nhà Lê. Tuy nhiên, ông cũng sớm chịu nhiều thiệt thòi: mẹ và cha mất khi ông còn nhỏ, ông phải ở nhờ nhà anh trai. Sau đó, các cuộc khỏi nghĩa nông dân bùng nổ, cuộc đời Nguyễn Du cũng phải nếm nhiều cảnh chìm nổi.
Truyện Kiều thuộc thể loại truyện Nôm bác học. Truyện Nôm là tác phẩm tự sự dài, làm bằng văn vần tiếng Việt, ghi bằng chữ Nôm. Truyện Nôm ra đời vào thế kỉ XVI, XVII và phát triển mạnh mẽ ở thế kỉ XVIII; đến cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX thì sáng tác ít dần. Truyện Nôm lúc đầu có tác phẩm viết bằng thơ Đường luật nhưng càng về sau phổ biến là viết bằng thể thơ lục bát. Có hai loại truyện Nôm: truyện Nôm bình dân viết trên cơ sở chuyện kể dân gian và truyện Nôm bác học viết trên cơ sở cót truyện có sẵn của văn học Trung Quốc (Truyện Kiều thuộc loại này); có tác phẩm xây dựng theo cốt truyện hư cấu.
Nguyễn Du viết Truyện Kiều dựa theo Kim Vân Kiều truyện, tiểu thuyết chương hồi cỡ nhỏ (gồm 20 hồi) của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Thời điểm sáng tác Truyện Kiều tuy chưa xác định được nhưng nhiều nhà khoa học phỏng đoán rằng, tác phẩm được sáng tác trong quá trình dài, bắt đầu từ thời gian “mười năm gió bụi” ở Thái Bình (1789), được hoàn thiện tiếp vào thời gian về Nghi Xuân (1796) cho đến khi Nguyễn Du ra làm quan dưới triều Nguyễn (1802).
Truyện Kiều được Nguyễn Du đặt tên là Đoạn trường tân thanh, gồm 3254 câu thơ lục bát. Nguyễn Du đã biến một cầu chuyện tình thành một khúc ca đau lòng thương người bạc mệnh, gián tiếp phản ánh những sự thực đáng buồn trong giai đoạn lịch sử cuối Lê, đầu Nguyễn, thể hiện lòng thương cảm vô hạn đối với con người, nhất là người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Nguyễn Du đã lược bỏ các chi tiết về mưu mẹo, về sự báo oán tàn nhẫn và một số chi tiết dung tục trong tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân, thay đổi thứ tự kể và sáng tạo thêm một số chi tiết mới để tạo ra một thế giới nhân vật sống động như thật; biến các sự kiện chính của tác phẩm thành đối tượng để bộc lộ cảm xúc, tình cảm của nhân vật và người kể; chuyển trọng tâm của truyện từ việc kể sự kiện sang biểu hiện nội tâm nhân vật, làm cho các nhân vật sống hơn, sâu sắc hơn và tác phẩm trở thành một bách khoa thư của muôn vàn tâm trạng.
Tác phẩm mang những giá trị nội dung tư tưởng sâu sắc.
Trước hết, đó là nội dung nhân đạo. Tác phẩm là bài ca tình yêu tự do và ước mơ công lí. Chủ đề này được thể hiện tập trung ở mối tình giữa Thuý Kiều – Kim Trọng và hình tượng nhân vật Từ Hải. Đó cũng là tiếng khóc cho sô' phận con người: khóc cho tình yêu trong trắng, chân thành bị tan vỡ; khóc cho tình cốt nhục bị lìa tan; khóc cho nhân phẩm bị chà đạp; khóc cho thân xác con người bị đày đoạ.
Truyện Kiều còn mang giá trị hiện thức: là lời tố cáo mạnh mẽ, đanh thép các thế lực đen tôl trong xã hội phong kiến (quan tham, nhà chứa…), phanh phui sức mạnh làm tha hoá con người của đồng tiền; bị ràng buộc bởi thế giới quan trung đại, Nguyễn Du tuy cũng lên án tạo hoá và số mệnh, nhưng bằng trực cảm nghệ sĩ, ông đã vạch ra đúng ai là kẻ chà đạp quyền sống của con người trong thực tế.
Về nghệ thuật, Truyện Kiều rất thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật.
Tác phẩm thể hiện một nghệ thuật xây dựng nhân vật sống động, vừa có nét điển hình, vừa có nét riêng rất nổi bật, đặc biệt là tâm lí nhân vật, chỉ cần một đôi lời cô đọng là làm lộ ngay thần thái của nó về nhân vật chính diện, Nguyễn Du tả bằng bút pháp ước lệ, chọn những hình ảnh ước lệ tiêu biểu nhất để nhân vật có được nét cá thể không nhầm lẫn với các nhân vật ước lệ khác trong văn chương trung đại Việt Nam. Với nhân vật phản diện ông lại dùng bút pháp tả thực để lột tả cho đầy đủ “cái xác phàm của chúng” (Nguyễn Đăng Mạnh). Có thể nói, với mỗi nhân vật dù là phản diện hay chính diện, Nguyễn Du thường tìm được nét thần thái của nhân vật để miêu tả, dù chỉ đôi dòng hay vài chữ mà lột tả được cả bản chất nhân vật.
Nghệ thuật kể chuyện trong Truyện Kiều cũng là một thành công đáng kể. Tác phẩm là mẫu mực của nghệ thuật kể chuyện và trữ tành bằng thơ lục bát, với bút pháp trần thuật và giới thiệu nhân vật dộc đáo, bút pháp miêu tả tinh tế; nhất là nghệ thuật trần thuật từ điểm nhìn nhân vật, làm cho sự việc, cảnh vật thấm đẫm cảm xúc và thê giới tình cảm của nhân vật được bộc lộ một cách trực tiếp.
Nhưng Truyện Kiều được đánh giá cao hơn cả về mặt thể loại và ngôn ngữ: Tác phẩm là kết tinh tinh hoa văn học dân tộc trên phương diện ngôn ngữ và thể loại.
Ngôn ngữ Truyện Kiều rất trong sáng. Trong tác phẩm có sự kết hợp nhuần nhuyễn ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân. Những từ ngữ Hán Việt được sử dụng đều có chọn lọc với mức độ vừa phải, sử dụng hợp lí và đúng chỗ, đúng lúc. Bên cạnh đó, phần nhiều là lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân, là ca dao, tục ngữ, thành ngữ được vận dụng một cách nhuần nhị và khéo léo. Lời văn trong Truyện Kiều viết cách đây mấy trăm năm mà bây giờ đọc vẫn có cảm giác hiện đại. Ngôn ngữ dành cho nhân vật được cá thể hóa cao độ, lời nhân vật nào phù hợp nhân vật ấy, làm rõ thần thái nhân vật ấy, không thể lẫn lộn ngôn ngữ của nhân vật này vái nhân vật khác dù cùng thuộc hệ thông nhân vật chính diện hoặc phản diện. Qua tác phẩm, Nguyễn Du đã làm cho ngôn ngữ dân tộc được nâng lên thành ngôn ngữ nghệ thuật, đủ sức diễn tả những biến thái của cảnh sắc thiên nhiên và những biểu hiện tinh tế trong tâm hồn con người.
Thể thơ lục bát được sử dụng hết sức điêu luyện, ưu thế của thể loại được vận dụng một cách tôi đa nên đã đủ sức diễn tả nhiều sắc thái của cuộc sống và những biểu hiện tinh tế trong đời sống tâm hồn con người. Nhờ tài năng và vô'n kiến thức sẵn có, Nguyễn Du đã thành công đặc biệt trong việc xây dựng được một tiểu thuyết bằng thơ lục bát, cả một thiên tiểu thuyết không một câu nào gượng ép. Vì thế, tác phẩm được đông đảo nhân dân yêu thích và sử dụng trong đời sông, làm lời hát ru, làm sách bói… Có người, dù vốn kiến thức hạn chế nhưng thuộc cả Truyện Kiều, thậm chí có nhiều trang còn thuộc ngược từ dưới lên…
Truyện Kiều là kiệt tác số một của dân tộc Việt Nam, di sản văn học của nhân loại, là một “tập đại thành” của truyền thông nghệ thuật, văn hoá Việt Nam, tiêu biểu cho cảm hứng nhăn dạo chủ nghĩa, vừa là niềm thương cảm sâu sắc, là tấm lòng “nghĩ tới muôn đời”, vừa là thái độ nâng niu, vun vén cho những giá trị nhân bản cao đẹp của con người.
– Bài số 2
Nguyễn Du là nhà thơ sống hết mình, tư tưởng, tình cảm, tài năng nghệ thuật của ông xuyên suốt các tác phẩm của ông, xuyên suốt cuộc đời ông và thể hiện rõ nhất qua áng văn chương tuyệt vời là Truyện Kiều.
Nguyễn Du sinh ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu, tức ngày 3/1/1866 ở kinh thành Thăng Long trong một gia đình quý tộc lớn. Thân sinh ông là Hoàng Giáp Nguyễn Nghiễm (1708 – 1775), làm quan đến tham tụng (tể tướng) tước Xuân quận công triều Lê. Mẹ ông là bà Trần Thị Tần, quê Kinh Bắc, đẹp nổi tiếng. 13 tuổi lại mồ côi mẹ, ông phải ở với người anh là Nguyễn Khản. Đời sống của người anh tài hoa phong nhã, lớn hơn ông 31 tuổi này rất có ảnh hưởng tới nhà thơ.
Sự thăng tiến trên đường làm quan của Nguyễn Du khá thành đạt. Nhưng ông không màng để tâm đến công danh. Trái tim ông đau xót, buồn thương, phẫn nộ trước “những điều trông thấy” khi sống lưu lạc, gần gũi với tầng lớp dân đen và ngay cả khi sống giữa quan trường. Ông dốc cả máu xương mình vào văn chương, thi ca. Thơ ông là tiếng nói trong trái tim mình. Đấy là tình cảm sâu sắc của ông đối với một kiếp người lầm lũi cơ hàn, là thái độ bất bình rõ ràng của ông đối với các số phận con người. Xuất thân trong gia đình quý tộc, sống trong không khí văn chương bác học, nhưng ông có cách nói riêng, bình dân, giản dị, dễ hiểu, thấm đượm chất dân ca xứ Nghệ.
Về văn thơ nôm, các sáng tác của ông có thể chia thành 3 giai đoạn. Thời gian sống ở Tiên Điền – Nghi Xuân đến 1802, ông viết “Thác lời trai phường nón Văn tế sống 2 cô gái Trường Lưu”. Đây là 2 bản tình ca thể hiện rất rõ tâm tính của ông, sự hoà biểu tâm hồn tác giả với thiên nhiên, với con người. Ba tập thơ chữ Hán thì "Thanh hiên thi tập" gồm 78 bài, viết lúc ở Quỳnh Côi và những năm mới về Tiên Điền, là lời trăn trở chốn long đong, là tâm sự, là thái độ của nhà thơ trước cảnh đời loạn lạc. Sau 1809, những sáng tác thơ của ông tập hợp trong tập “Nam Trung Tạp Ngâm” gồm 40 bài đầy cảm hứng, của tâm sự, nỗi niềm u uất.
Truyện Kiều được Nguyễn Du chuyển dịch, sáng tạo từ cuốn tiểu thuyết “Truyện Kim Vân Kiều" của Thanh Tâm Tài Nhân, tên thật là Tử Văn Trường, quê ở huyện Sơn Am, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc. Truyện Kiều đã được nhân dân ta đón nhận một cách say sưa, có nhiều lúc đã trở thành vấn đề xã hội, tiêu biểu là cuộc tranh luận xung quanh luận đề "Chánh học và tà thuyết" giữa cụ Nghè Ngô Đức Kế và ông Phạm Quỳnh thu hút rất nhiều người của 2 phía cùng luận chiến. Không chỉ ảnh hưởng sâu sắc trong tầng lớp thị dân, Truyện Kiều còn được tầng lớp trên say mê đọc, luận. Vua Minh Mạng là người đầu tiên đứng ra chủ trì mở văn đàn ngâm vịnh truyện Kiều và sai các quan ở Hàn Lâm Viện chép lại cho đời sau. Đến đời Tự Đức, nhà vua thường triệu tập các vị khoa bảng trong triều đến viết và vịnh Truyện Kiều ở văn đàn, ở Khu Văn Lâu.
Ngày nay, Truyện Kiều vẫn đang được các nhà xuất bản in với số lượng lớn, được dịch ra rất nhiều thứ tiếng. Các nhà nghiên cứu trên thế giới đánh giá cao Truyện Kiều. Dịch giả người Pháp Rơ-Ne-Crir-Sắc khi dịch Truyện Kiều đã viết bài nghiên cứu dài 96 trang, có đoạn viết: "Kiệt tác của Nguyễn Du có thể so sánh một cách xứng đáng với kiệt tác của bất kỳ quốc gia nào, thời đại nào”. Ông so sánh với văn học Pháp: “Trong tất cả các nền văn chương Pháp không một tác phẩm nào được phổ thông, được toàn dân sùng kính và yêu chuộng bằng quyển truyện này ở Việt Nam". Và ông kết luận: "Sung sướng thay bậc thi sĩ với một tác phẩm độc nhất vô nhị đã làm rung động và ca vang tất cả tâm hồn của một dân tộc". Năm 1965 được Hội đồng Hoà bình thế giới chọn làm năm kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du.
Nguyễn Du là nhà thơ sống hết mình, tư tưởng, tình cảm, tài năng nghệ thuật của ông xuyên suốt các tác phẩm của ông, xuyên suốt cuộc đời ông và thể hiện rõ nhất qua áng văn chương tuyệt vời là Truyện Kiều. Đọc Truyện Kiều ta thấy xã hội, thấy đồng tiền và thấy một Nguyễn Du hàm ẩn trong từng chữ, từng ý. Một Nguyễn Du thâm thuý, trải đời, một Nguyễn Du chan chứa nhân ái, hiểu mình, hiểu đời, một Nguyễn Du nóng bỏng khát khao cuộc sống bình yên cho dân tộc, cho nhân dân.
Bình giảng về đoạn thơ Cảnh ngày xuân trích truyện Kiều của Nguyễn Du – Bài số 3
Trang thơ của Nguyễn Du đang mở rộng trước mắt chúng ta. Có phải không, sau bức chân dung giai nhân là bức họa về cảnh sắc mùa xuân trong tiết Thanh minh và cảnh du xuân của trai tài gái sắc, của chị em Thúy Kiều? Đoạn thơ Cảnh ngày xuân gồm có 18 câu, từ câu 39 đến câu 56 của Truyện Kiều tiêu hiểu cho bút pháp nghệ thuật tả cảnh và tả tình của thi hào Nguyễn Du. Một vẻ đẹp thanh xuân, một niềm vui xôn xao, náo nức cứ dâng lên, cứ lan tỏa, rồi lắng dịu mãi trong lòng ta khi đọc đoạn thơ này.
Bốn câu thơ đầu, mở ra một không gian nghệ thuật hữu sắc, hữu hương, hữu tình, nên thơ. Giữa bầu trời bao la mênh mông là những cánh én bay qua hay lại như "đưa thoi". Cánh én mùa xuân thân mật biết bao. Hai chữ 'đưa thoi" rất gợi hình, gợi cảm. Cánh én như con thoi vút qua, vút lại, chao liệng; thời gian đang trôi nhanh, mùa xuân đang trôi nhanh. Câu thành ngữ – tục ngữ: "Thời gian thấm thoắt thoi đưa, như ngựa chạy, như nước chảy qua cầu" đã nhập vào hồn thơ Tố Như tự bao giờ?
Sau cánh én "đưa thoi" là ánh xuân, là "thiều quang” của mùa xuân khi "chín chục đã ngoài sáu mươi". Cách tính thời gian và miêu tả vẻ đẹp mùa xuân của các thi sĩ xưa nay thật là hay và ý vị. Nào là "xuân hương lão" (Ức Trai), nào cảnh mưa bụi, tiếng chim kêu trong Đường thi. Nào là cánh bướm rối rít bay trong thơ Trần Nhân Tông. Còn là "xuân hồng" (Xuân Diệu), "mùa xuân chín" (Hàn Mặc Tử), v.v… Với Nguyễn Du là mùa xuân đã bước sang tháng ba, "Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi". Hai chữ "thiều quang" gợi lên cái màu hồng của ánh xuân, cái ấm áp của khí xuân, cái mênh mông bao la của đất trời "Xuân xanh, xuân thủy tiếp xuân thiên" (Nguyên tiêu – Hồ Chí Minh).
Còn là sắc "xanh" mơn mởn, ngọi ngào của cỏ non trải dài, trải rộng như tấm thảm "tận chân trời". Là sắc "trắng" tinh khôi, thanh khiết của hoa lê nở lác đác, chỉ mới hé lộ, khoe sắc khoe hướng "một vài bông hoa":
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Vẫn cổ thi Trung Hoa được Tố Như vận dụng một cách sáng tạo: "Phương thảo liên thiên bích – Lê chi sổ điểm hoa”. Hai chữ "trắng điểm" là nhãn tự, cách chấm phá điểm xuyết của thi pháp cổ gợi lên vẻ đẹp thanh xuân trinh trắng của thiên nhiên cỏ hoa; bút pháp nghệ thuật phối sắc tài tình: trên cái nền xanh của cỏ non là một vài bông lê "trắng điểm". Giữa diện và điểm, giữa nền xanh và sắc trắng của cảnh vật mùa xuân là những cánh én 'đưa thoi", là màu hồng của ánh thiều quang, là "khát vọng mùa xuân" ngây ngất, say đắm lòng người:
Nhìn hoa đang hé tưng bừng,
Khao khát mùa xuân yên vui lại đến.
(Ca khúc khát vọng mùa xuân – Mô-da)
Cảnh mùa xuân là bức tranh xuân hoa lệ, là vần thơ tuyệt bút của Nguyễn Du để lại cho đời, điểm tô cho cuộc sống mỗi chúng ta. Phải chăng, thi sĩ Chế Lan Viên đã học tập Tố Như để viết nên vần thơ xuân đẹp này:
Tháng giêng hai xanh mướt cỏ đồi,
Tháng giêng hai vút trời bay cánh én…
( Ý nghĩa mùa xuân)
Tám câu thơ tiếp theo tả cảnh trẩy hội mùa xuân: "Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh" trong tiết tháng ba. Điệp ngữ: "lẽ là… hội là…" gợi lên những cảnh lễ hội dân gian cứ liên tiếp diễn ra đã bao đời nay: "Tháng giêng là tháng ăn chơi – Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè"… (Ca dao). Cảnh trẩy hội đông vui, tưng bừng, náo nhiệt. Trên các nẻo đường "gần xa" những dòng người cuồn cuộn trẩy hội. Có biết bao "yến anh" trẩy hội trong niềm vui "nô nức", hồ hởi, giục giã. Có biết bao tài tử, giai nhân "dập dìu" vai sánh vai, chân nối chân nhịp bước. Dòng người trẩy hội tấp nập ngựa xe cuồn cuộn "như nước", áo quần đẹp đẽ, tươi thắm sắc màu, nghìn nghịt, đông vui trên các nẻo đường "như nêm". Các từ ngữ: "nô nức”, "dập dìu", các ẩn dụ so sánh (như nước, như nêm) đã gợi tả lễ hội mùa xuân tưng bừng náo nhiệt đang diễn ra khắp mọi miền quê đất nước. Trẻ trung và xinh đẹp, sang trọng và phong lưu:
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.
Trong đám tài tử, giai nhân "gần xa” ấy, có 3 chị em Kiều. Câu thơ "Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân" mới đọc qua tưởng như chỉ là một thông báo. Nhưng sâu xa hơn, nó ẩn chứa bao nỗi niềm: chờ trông mong đợi, ngày lễ tảo mộ, ngày hội đạp thanh đến để du xuân trong những bộ quần áo đẹp đã chuẩn bị, đã "sắm sửa"… Có biết bao "bóng hồng" xuất hiện trong đám tài tử, giai nhân ấy? Ai đã từng đi hội chùa Hương, hội Lim, hội Yên Tử mới cảm thấy cái đẹp, cái vui, cái tưng bừng, tươi trẻ trong hội đạp thanh mà Nguyễn Du đã nói đến.
Thơ là nghệ thuật của ngôn từ. Các từ ghép: "yến/anh", "chị/em", "tài / tử", "giai / nhân", "ngựa / xe", "áo /quần" (danh từ); "gần xa", "nô / nức", “sắm /sửa", "dập / dìu" (tính từ, động từ) được thi hào sử dụng chọn lọc tinh tế, làm sống lại cái không khí lễ hội mùa xuân, một nét đẹp của nền văn hóa lâu đời của phương Đông, của Trung Hoa, của Việt Nam chúng ta, và nếp sống "phong lưu" của chị em Kiều.
Ngổn ngang /gò đống kéo lên,
Thoi vàng vó rắc/tro tiền giấy bay.
Đời sống tâm linh, phong tục dân gian cổ truyền trong lễ tảo mộ được Nguyễn Du nói đến với nhiều cảm thông, san sẻ. Cõi âm và cõi dương, người đang sống và kẻ đã chết, hiện tại và quá khứ đồng hiện trên những gò đống "ngổn ngang" trong lễ tảo mộ. Cái tâm thánh thiện, niềm tin phác thực dân gian đầy ắp nghĩa tình. Các tài tử, giai nhân, và 3 chị em Kiều không chỉ nguyện cầu cho những vong linh mà còn gửi gắm bao niềm tin, bao ao ước về tương lai hạnh phúc cho tuổi xuân khi mùa xuân về. Có thể sau hai trăm năm, ý nghĩ của mỗi chúng ta có ít nhiều đổi thay trước cảnh "Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay", nhưng giá trị nhân bản của vần thơ Nguyễn Du vẫn làm ta xúc động!
Sáu câu thơ cuối đoạn ghi lại cảnh chị em Kiều đi tảo mộ đang dần bước trở về nhà. Mặt trời đã "tà tà" gác núi. Ngày hội, ngày vui đã trôi qua nhanh:
Tà tà, bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.
Hội tan sao chẳng buồn? Ngày tàn sao chẳng buồn? Nhịp thơ chậm rãi. Nhịp sống như ngừng trôi. Tâm tình thì "thơ thẩn", cử chỉ thì "dan tay", nhịp chân thì "bước dần". Một cái nhìn man mác, bâng khuâng: "lần xem”… đối với mọi cảnh vật. Tất cả đều nhỏ bé. Khe suối chỉ là "ngọn tiểu khê". Phong cảnh "thanh thanh". Dòng nước thì "nao nao" uốn quanh. Dịp cầu thì "nho nhỏ" bắc ngang ở cuối ghềnh. Cả một không gian êm đềm, vắng lặng. Tâm tình của chị em Kiều như dịu lại trong bóng tà dương. Như đang đợi chờ một cái gì sẽ đến, sẽ nhìn thấy? Cặp mắt cứ "lần xem" gần xa:
Bước dần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
Các từ láy tượng hình: "thanh thanh", "nao nao", "nho nhỏ" gợi lên sự nhạt nhòa của cảnh vật và sự rung động của tâm hồn giai nhân khi hội tan, ngày tàn. Nỗi niềm man mác bâng khuâng thấm sâu, lan tỏa trong tâm hồn của giai nhân đa tình, đa cảm.
Cảnh vật và thời gian được miêu tả bằng bút pháp ước lệ tượng trưng nhưng rất sống động, gần gũi, thân quen đối với bất cứ người Việt Nam nào. Không còn xa lạ nữa, vì ngọn tiểu khê ấy, dịp cầu nho nhỏ ấy là màu sắc đồng quê, là cảnh quê hương đất nước mình. Tính dân tộc là một nét đẹp đậm đà trong thơ Nguyễn Du, nhất là những vần thơ tả cảnh ngụ tình tuyệt tác.
Thi sĩ Xuân Diệu từng viết: "Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi". Trong Thương nhớ mười hai Vũ Bằng không nén nổi cảm xúc của mình mà phải thốt lên: "Mùa xuân của tôi… Cái mùa xuân thần thánh của tôi… Đẹp quá đi, mùa xuân ơi – mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến”. Và chúng ta muốn nói thêm: Đẹp quá đi mùa xuân của đất nước thân yêu! Vui quá đi, trẻ đẹp quá đi cảnh mùa xuân, cảnh trẩy hội xuân trong Truyện Kiều. Mùa xuân đem đến cho ta bao ước vọng, sắc xuân, tình xuân như nở hoa, ướp hương trong lòng ta.
Hỡi những nàng Kiều gần xa có nghe thấy tiếng nhạc vàng của chàng Kim Trọng trong ngày xuân đẹp từ xa đang vọng tới?
Bình giảng đoạn thơ trao duyên trích truyện Kiều của Nguyễn Du – Bài số 4
Đoạn trích “Trao duyên” trích từ câu 723 đến câu 756 của “Truyện Kiều”. Trước đó, Kiều và Kim Trọng gặp nhau trong ngày hội mùa xuân, sau đó, tình yêu giữa hai người nảy nở. Họ đã thề nguyền sẽ chung sống với nhau đến trọn đời, nhưng một tai họa đã đổ ập xuống gia đình Kiều, để có ba tram lạng bạc hối lộ bọn sai nha lộng hành, cứu cha và em trai khỏi bị chúng hành hạ, Kiều buộc phải bán mình tức là hi sinh mối tình của mình với Kim Trọng. Sau khi việc bán mình đã được thực hiện, cha và em trai đã được tha, Kiều ngồi trắng đem để suy nghĩ về thân phận va tình yêu, rồi nàng nhờ em gái mình là Thúy Vân kết duyên với Kim Trọng.
Thúy Kiều là một người con gái có đức hi sinh, vị tha, Kiều đã chấp nhận hi sinh để cứu cha và em:
“Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai”
Giữa lúc gia đình và người thân bị đe dọa, không thể băn khoăn do dự. Nàng phải lựa chọn ngay giải pháp bán mình chuộc cha, hi sinh tình yêu. Khi đã cứu được gia đình qua cơn sóng gió, Kiều lại thấy mình như người có lỗi với Kim Trọng. Nàng lo thuyết phục Thúy Vân kết duyên với Kim Trọng, thay mình trả nghĩa tình yêu. Cách thuyết phục, nghệ thuật thuyết phục của Kiều có nhiều nhưng câu nói ấn tượng nhất là:
“Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối vẫn còn thơm lây”
Nếu Thúy Vân nhân lời thì Kiều hình dung dẫu chết vẫn được an ủi, tahnh thản. Lúc này, tất cả ý nghĩ của kiều đều tập trung vào việc lo trả nghĩa cho Kim Trọng, bở Thúy Kiều là người có tình yêu sâu sắc và mãnh liệt. Kiều không phải là người chỉ biết hi sinh, chỉ biết chấp nhận đau khổ, bất hạnh bởi nếu thế thì nhân vật sẽ không thể hoàn thiện, không chân thực. Kiều còn là một người có tình yêu sâu sắc, nàng c ũng biết sống cho riêng mình. Nàng nhận thấy sự trống trải, vô nghĩa của cuộc đời khi không giữ được tình yêu với chàng Kim nữa. Nàng bất giác liên tưởng đến cái chết nhiều lần. Nhờ Thúy Vân trả nghĩa tưởng như nàng có thể thanh thản nhưng không, trong lòng nàng vẫ dồn nén bao dằn vặt đau đớn. nàng than thân trách phận. Tình yêu mãnh liệt này chứng tỏ Kiều cũng sống bằng tình cảm, cảm xúc. Càng thiết tha với tình yeey, Kiều càng cảm thấy tính chất bi kịch của tình yêu và thân phận.
Để diễn tả đức hi sinh và lòng vị tha của kiều, Nguyễn Du đã sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau, Ngôn ngữ của Kiều có mục đích thuyết phục rất rõ: nói với em gái nhưng nàng dùng chữ như “cậy, lạy rồi sẽ thưa,xót tình máu mủ,..” Nàng thực sự mong em gái thay mình trả nghĩa Kim Trọng. Nàng nói đến lời thề nguyền một cách thật trân trọng: “lời nước non”. Kiều nhiều lần nhắc đến các vật kỉ niệm tình yêu rất đẹp và thiêng liêng. Việc nhớ đến từng chi triết của kỉ niệm cho thấy nàng trân trọng tình yêu, tha thiết đối với tình yêu như thế nào. Kiều cũng nghĩ nhiều đến cái chết, chứng tỏ nàng cảm nhận thấy rõ ràng cuộc sống vô nghĩa nếu không được sống cùng chàng Kim. Đặc biệt nàng còn tưởng tượng đến cảnh hồn về mà âm – dương cách trở, hai bên không thể nói chuyện được với nhau “cách mặt khuất lời”.
Kết hợp hài hòa cả tình cảm và lý trí, nhân vật Thúy Kiều là một nhân vật kiểu mới của văn học Việt Nam giai đoạn XVIII – XIX, một giai đoạn có những khám phá mới mẻ đối với thế giới nội tâm phong phú, phức tạp của con người.
Vũ Hường tổng hợp