Vai trò của Đảng trong bối cảnh xã hội hiện nay
Trải qua lịch sử đấu tranh cách mạng, nhất là trải nghiệm thực tiễn lãnh đạo và cầm quyền, Đảng đã có bước trưởng thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm và đúc rút được những bài học quý giá. Trước tình hình mới và yêu cầu mới hiện nay, Đảng đã xác định, phải làm cho Đảng ngang tầm nhiệm vụ, phải ...
Trải qua lịch sử đấu tranh cách mạng, nhất là trải nghiệm thực tiễn lãnh đạo và cầm quyền, Đảng đã có bước trưởng thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm và đúc rút được những bài học quý giá.
Trước tình hình mới và yêu cầu mới hiện nay, Đảng đã xác định, phải làm cho Đảng ngang tầm nhiệm vụ, phải ra sức nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cũng như bản lĩnh cầm quyền của Đảng. Xây dựng Đảng được coi là then chốt, là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng nhất trong nhiệm kỳ khóa XI.
Gần đây, Hội nghị Trung ương 4, khóa XI đã ban hành Nghị quyết về “một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay.” Trong những vấn đề cấp bách đặt ra đối với Đảng hiện nay, tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, kể cả ở cấp cao là vấn đề cấp bách nhất, xuyên suốt, bao trùm. Sự suy thoái đó làm giảm sút nghiêm trọng lòng tin của đảng viên, của quần chúng nhân dân đối với Đảng. Nếu không đẩy lùi sự suy thoái đó thì sinh mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ sẽ bị thách thức.
Trong thời điểm Đảng đang tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết, đang diễn ra cuộc chỉnh đốn tự phê bình và phê bình ở tất cả các cấp, các tổ chức Đảng thì toàn Đảng toàn dân hiện nay lại đang đóng góp ý kiến cho bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, trong đó nổi lên vấn đề về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.
Đa số ý kiến đều tán thành việc hiến định vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của Đảng ở điều 4 bản Hiến pháp sửa đổi. Song cũng có không ít người đề nghị xóa bỏ điều 4, áp dụng mô hình đa Đảng, đa nguyên chính trị.
Đã thảo luận thì ý kiến, quan điểm khác nhau, trái nhau cũng là chuyện bình thường. Chân lý chỉ sáng tỏ qua thực tiễn, qua thảo luận tranh luận, đối thoại trên tinh thần dân chủ, tôn trọng, lắng nghe nhau, “văn hóa là biết lắng nghe” (Likhachov).
Song không nên quên một thực tế là, những khi Đảng gặp khó khăn và suy yếu thì đó là lúc xuất hiện những luồng dư luận, ý kiến hoặc hoài nghi, hoặc công kích, phê phán Đảng nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.
Thực tế đó cho thấy, việc Đảng ra sức xây dựng chỉnh đốn đội ngũ của mình, làm cho Đảng trong sạch vững mạnh là hết sức quan trọng và trở nên cấp bách. Nếu Đảng mạnh và có uy tín rộng lớn trong dân, trong xã hội, nội bộ Đảng đoàn kết thống nhất, lãnh đạo cấp cao của Đảng vững vàng, sáng suốt về phương hướng và bản lĩnh, quan hệ giữa Đảng với dân gắn bó mật thiết thì vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ giữ vững được. Điều quan trọng, cốt tử nhất là ý Đảng thuận với lòng dân. Có sự ủng hộ, giúp đỡ của dân, của toàn dân tộc thì không khó khăn nào không thể vượt qua.
Từ thực tế như vậy, cần nhất lúc này là an dân, làm yên lòng dân bằng cách quan tâm tới đời sống của dân, làm cho dân phấn khởi yên ổn làm ăn, đảm bảo những điều kiện cho dân có sự an toàn, bình ổn để phát triển. Được sự ủng hộ của dân với một đa số tuyệt đối thì sự tồn tại, phát triển và thực thi chương trình hành động của Đảng, Nhà nước với xã hội sẽ thuận lợi.
Nếu để xảy ra sự phân tâm và phân liệt trong tư tưởng, tổ chức và hành động của Đảng thì Đảng không thể đứng vững, không thể có sức sống. Nếu lại mất phương hướng và mắc sai lầm về nguyên tắc thì Đảng sẽ bị thách thức cả sinh mệnh lẫn sự tồn vong.
Hơn 20 năm về trước, chính biến ở Liên Xô, Đông Âu, làm cho chế độ xã hội chủ nghĩa tan vỡ, hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, tan rã, thể chế và quyền lực thay đổi, làm đảo lộn trật tự xã hội, gây nên sự điêu đứng trong tình cảnh sống của dân. Tất cả bắt đầu trực tiếp, khởi phát từ sai lầm chính trị nguy hiểm là từ bỏ điều 6 trong Hiến pháp Xô Viết, chấp nhận đa nguyên ý thức hệ, đa đảng phái, kể cả Đảng đối lập. Vào thời điểm đó, Đảng Cộng sản Liên Xô còn từ bỏ cả nguyên tắc tập trung dân chủ, làm cho Đảng nhanh chóng mất sức chiến đấu, mất vai trò lãnh đạo, cầm quyền, Đảng nhanh chóng trở thành một tổ chức mà hành động ngược lại, không vì dân, chỉ vì mình (vì lợi ích nhóm ở thượng tầng). Thực tế biến dạng phũ phàng đó bộc lộ ra, đáng để cho chúng ta rút kinh nghiệm, tự mình cảnh báo chính mình về những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra.
Ghi vào điều 4 trong Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội đã khó, chứng thực trong thực tiễn về Đảng phát huy vai trò như thế nào, trong lãnh đạo Nhà nước và xã hội còn khó khăn gấp bội. Khó mấy cũng phải làm cho bằng được, làm cho dân tin vào phẩm chất xứng đáng và tư cách lãnh đạo, cầm quyền chính đáng của Đảng theo Hiến pháp và pháp luật, theo thể chế dân chủ-pháp quyền.