12/03/2018, 11:16

MS200 – Suy nghĩ về hai ý kiến của nhà thơ Chế Lan Viên và cây bút trẻ Thụy Thảo

Đề bài: Trong một bài thơ đề tặng con gái, nhà thơ Chế Lan Viên nhắc nhở: ”Ta cúi xuống đất Hí hửng nhặt tìm từng cái kim rơi vụn vặt Mà để lồng lộng trên cao Những mùa trái, mùa chim bay mất Những mùa yêu, mùa hạnh phúc bay vèo!” Còn ...

Đề bài: Trong một bài thơ đề tặng con gái, nhà thơ Chế Lan Viên nhắc nhở: 

”Ta cúi xuống đất 

Hí hửng nhặt tìm từng cái kim rơi vụn vặt 

Mà để lồng lộng trên cao 

Những mùa trái, mùa chim bay mất 

Những mùa yêu, mùa hạnh phúc bay vèo!”

Còn trong một đoạn văn, cây bút trẻ Thụy Thảo bừng tỉnh: 'Ta mong với trời xanh và biển rộng mà quên rằng hoa từ đất mà ra.'

Suy nghĩ của anh chị về hai ý kiến trên.

Bài làm

Cuộc sống là vô vàn những cánh cửa, mà định hướng cho cuộc sống một lối đi lại là chuyện khó! Chúng ta sinh ra đã là một các thể nhỏ trong xã hội lớn. Tham vọng- Đột phá có lẽ là tất yếu nhưng lại làm ta quên mất rằng: Phải bắt đầu từ đâu? Những điều vụn vặt hay những tầm cao chới với. Nói như Chế Lan Viên:

“Ta cúi xuống đất

Hí hửng nhặt từng cái kim rơi vụn vặt

Mà để lồng lộng trên cao

Những mùa trái, mùa chim bay mất

Những mùa yêu thương, mùa hạnh phúc bay vèo.”

Hay độc lập về ý kiến của cây bút trẻ Thụy Thảo: “Ta mong với trời xanh và biển rộng mà quên rằng hoa từ đất mà ra.”

Định hướng là thanh chỉ nam. Vậy hướng đi của bạn phải xuất phát ở đâu?

Sự thật rằng trong cuộc sống này không gì là mãi mãi. Việc bạn nhìn thấy hôm nay, ấy có phải sự thật không?- Sự thật không hiện hữu! Bởi cái mới sẽ đổi ngôi cái cũ, cái đúng đắn vẫn có thể bị thay đổi khi ra đời một lí tưởng mới. Bạn chẳng thắc mắc hay mỉa mai mà tỏ ra “hí hửng nhặt từng cái kim rơi vụn vặt”; bạn hướng đến những điều vụn vặt, tầm thường mà để quên những mục đích lớn lao, cao cả, điều đó quả thực không đáng! Phải chăng, việc ta “cúi xuống đất” cũng đã gián tiếp che khuất tầm nhìn trên cao, để ta bỏ lỡ “những mùa trái, mùa chim bay/ những mùa yêu thương, mùa hạnh phúc đã qua”. Hài lòng với cuộc sống của chúng ta mà không bị tham vọng, tiền tài cám dỗ là cuộc sống chính đáng. Nhưng hài lòng với những gì ta có là nhỏ nhặt, chút bé mà không muốn tạo hoài bão, khát khao vươn xa thì là thấp hèn… Bởi dù sao Trái Đất vẫn quay; con người, thế giới sống và cuộc sống vẫn luôn chuyển mình sang những trang mới…

Nhận thức được cơ hội đến với ta, rồi chớp lấy; trước tiên, bạn hãy là một con người sáng suốt với tầm nhìn vô hạn. Cảm nhận được yêu thương, hạnh phúc bên cuộc đời bạn, trong cuộc sống xô bồ, lo toan, ngay cả việc trao nhau yêu thương cũng đã là điều khó có thể; ắt hẳn, bạn là người ấm áp, với sự cảm thụ vô biên. Đừng “cúi xuống đất”, khi sự thật rằng: Đất là sỏi sạn, là những điều vụn vặt, khi sự thật rằng: Ta có thể ngẩng cao đầu để thấy những thứ ta đang cần và nhìn những điều ta thiếu xót. Biến cải một cuộc đời đến không tầm thường.

Thách thức- Lựa chọn, luôn hỗ trợ nhau. Cuộc sống ta dựa dẫm vào thế giới mãi vận hành nên luôn bất biến. Như thanh chỉ nam, nếu không thể cố định hướng Bắc thì quay sang hướng Nam sao? Ta không “cúi đầu” chẳng nhẽ lại “với trời xanh và biển rộng”?

Con người luôn có 3 khía cạnh: Tiến hóa- Phát triển- Đổi mới.

Tiến hóa là tất yếu, phát triển- thiết kiến sự hoàn mỹ, đổi mới phụ thuộc vào bản năng, là sự bức phá. Ai cũng muốn thành công một cách nhanh chóng, và chẳng phải ai cũng muốn trì hoãn ước mơ, mục tiêu… Ai cũng muốn hơn bạn, hơn cả xã hội… Mỗi ước mơ đều đáng để ấp ủ và thực hiện. Nhưng, liệu ta theo đuổi một địa vị và tầm cao “vượt tầm với”, có phải là đúng không? “Với trời xanh và biển rộng” là hướng đến những điều cao cả, khát khao xa vời, cứ chạy mãi theo nó mà quên rằng “hoa từ đất mà ra”, quên đi gốc rễ, cái cơ bản kiến tạo nên tầm cao ấy. Vì “hoa mọc trên đất nền”…

Khi ta mải đuổi theo ánh hào quang hào nhoáng kia thì ta sẽ không thể thấy những viên ngọc đang tỏa sáng theo một cách riêng nào đó trên lớp đất đá dưới chân. Việc ta hướng đến hay đặt hi vọng vào những điều lớn lao, nó sẽ không sai khi ta biết được “Ta là ai? Khả năng ta có thể đi đến đâu?” Như Albert Einstein từng nói rằng: “Ai cũng là thần đồng. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống cả đời với niềm tin bản thân là một kẻ ngu ngốc”.

Con người là giọt nước nhỏ trong đại dương, những điều chúng ta biết hôm nay cũng chỉ là hạt cát trên sa mạc; vậy, lấy đâu ra nguyên nhân: Tại sao ta phải khoanh vùng sự lựa chọn?

Giả sử về bài toán và ba bạn học sinh, một bài toán lúc nào cũng khởi đầu rất thuận lợi, và đương nhiên, ai cũng sẽ hứng thú với những bài toán nền tảng hơn là các dạng nâng cao. Thế một bạn làm mãi những bài toán dễ, chắc hẳn sẽ là học sinh tầm trung mà không có sự bức phá; một bạn khác lại học giỏi, đam mê toán học và luôn muốn khám phá cái mới, cái khó mà không nắm vững cái cốt lõi, trọng tâm, tất nhiên sẽ chẳng thể thành công. Người bạn còn lại chu toàn với phương pháp học: nắm chắc lí thuyết- giải quyết những bài tập cơ bản- thử thách trong phần học nâng cao; không đảm bảo bạn ấy sẽ giỏi vượt trội nhưng bạn ấy sẽ là người thành công nhất trong ba người bạn.

“Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường, không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống.” hãy chọn cho mình hướng đi đúng, không phải cứ mãi “cúi xuống đất” mà để quên phía trên một bầu trời, không chỉ biết “với trời xanh và biển rộng” mà không thể nhìn thấy cốt lõi nằm ngay dưới chân. Ta mãn nguyện, khi biết tự tạo “trời cao từ đất nền”, từ những cái đơn sơ mà hóa tinh khôi, từ những thứ vụn vặt mà tạo nên thành công của ngày mai.

Vì Chế Lan Viên và Thụy Thảo đang bổ sung tính đúng đắn cho lời nói, lẫn trau chuốt lời văn của nhau.

Nguyễn Thị Kiều Giang

Lớp 11/1 – Trường THPT Nguyễn Hiền, Quảng Nam

0