Một vài ý kiến về “Các giải pháp tổ chức lại ĐH quốc gia”
Theo thư mời ngày 16/02/2000 của Hội đồng Quốc gia GD, trước hết xin được gởi đến Hội đồng 3 bài viết kèm theo đây có tính chất là những kiến nghị của tôi về GDĐH: Bài 1: 9 Đề nghị về GDĐH, 11/1996. Bài 2: GDĐH “đại trà” và sự ...
Theo thư mời ngày 16/02/2000 của Hội đồng Quốc gia GD, trước hết xin được gởi đến Hội đồng 3 bài viết kèm theo đây có tính chất là những kiến nghị của tôi về GDĐH:
Bài 1: 9 Đề nghị về GDĐH, 11/1996.
Bài 2: GDĐH “đại trà” và sự “phân tầng”, 05/1998.
Bài 3: Về thiết kế và tổ chức mạng lưới các trường ĐH, 11/1999.
Những bài viết này đều liên hệ trực tiếp đến các quan niệm về GDĐH, tổ chức các trường ĐH… và đã được gởi cho các đồng chí lãnh đạo có liên quan. Nói riêng, bài thứ 3 có nội dung liên quan trực tiếp đến việc tổ chức mạng lưới các trường ĐH (MLĐH) và việc tổ chức lại ĐH Quốc gia (ĐHQG) Tp. Hồ Chí Minh. Sau đây, xin được phát biểu thêm 3 ý kiến:
Trên thế giới trong khoảng 30-40 năm qua và ở Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây đã có hiện tượng “bùng nổ sĩ số ĐH” và đã làm cho nền GDĐH chuyển từ tính chất “tinh hoa” sang “đại trà” (mass). Ở Anh số trường ĐH (ĐH) tăng lên gấp đôi chỉ từ 1991 đến 1996. Thế giới cũng đã phát triển nhanh số sinh viên (SV) các trường ĐH kiểu “không truyền thống”. Ở Thái Lan, số SV ở 2 trường ĐH mở đã đông khoảng vài lần tổng số SV của gần 50 trường ĐH công, tư còn lại. Cách quản lý trường ĐH hoàn toàn thay đổi. Sự tôn trọng của công chúng đối với thầy giáo ĐH cũng đã giảm xuống. thầy giáo (TG) mất đi quyền lực và lợi thế trong công việc. Lương trung bình của thầy giáo ĐH so với lương trung bình của công nhân công nghiệp ở Anh năm 1929 khoảng 4 lần, đến năm 1989 chỉ còn khoảng 1,54 lần. TG trong biên chế chính thức (tenured) ở Úc và Anh trong vài mươi năm qua đã giảm từ 80 – 90% xuống còn khoảng 50 – 60%.
Trong bối cảnh đó, GDĐH buộc phải phân lớp. It nhất là có 3 lớp, phân lớp 1: tinh hoa (research oriented), phân lớp 2: nghề nghiệp (vocational/technical) và phân lớp 3: nghề nghiệp, trình độ cao đẳng. Bên cạnh cách nhìn truyền thống về chất lượng GDĐH còn có vài ba cách nhìn lạ hơn mà chúng ta có khi còn khó chấp nhận hoặc nhận ra như: Chất lượng là giá trị để làm ra tiền bạc (Quality is “value for money”) hay chất lượng là khả năng thay đổi từ một trạng thái này sang một trạng thái khác (Quality is a change from one state to another).
Như vậy, GDĐH trên thế giới cũng như ở nước ta đã và đang có những biến đổi rất cơ bản, sâu sắc, và GDĐH đang phải đứng trước rất nhiều “nghịch lý”.Những biến đổi này yêu cầu phải tái cấu trúc (reengineering) việc tổ chức GDĐH nói chung và tổ chức viện/ trường ĐH nói riêng. Nếu chúng ta vẫn sử dụng cách nhìn truyền thống, cái nhìn “tinh hoa”…, e rằng sẽ bị xa rời thực tiễn.
Theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 2, mục tiêu của việc lập các ĐH quốc gia là nhằm xây dựng những trung tâm đào tạo chất lượng cao đạt trình đọ quốc tế. Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, cần thiết và hợp lý. Để có thể đạt dược ý đồ và mục tiêu đó, có lẽ cần sử dụng các nguyên tắc và tiêu chí (rất sơ bộ) sau đây:
(a) Trong điều kiện của Việt nam hiện nay, ĐHQG phải là một trường ĐH công lập, kiểu truyền thống, chú trọng nghiên cứu khoa học (research-oriented), thường có viện nghiên cứu trong trường ĐH, thuộc phân lớp 1 trong hệ thống phân lớp của nền GDĐH. Trường có tính chất một ĐH (University) đa lĩnh vực và tính chất đa lĩnh vực phải được thể hiện ngay trong chương trình đào tạo và các đề tài nghiên cứu lớn của nhà trường. Trường chỉ đào tạo 3 trình độ: Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ, và có SV sau ĐH chiếm trên 20 – 30%, có thể có riêng trường đào tạo sau ĐH ở trong ĐHQG. Hầu hết số SV của trường thuộc nhóm 10-15% trên xuống trong sắp hạng tốt nghiệp phổ thông trung học.
- Trường ĐHQG có quy mô vừa phải, không vượt quá 30.000 SV tất cả các loại, tốt nhất nên giữ mức khoảng 10.000-15.000 SV. Đây là con số “qui mô kinh tế” và “qui mô quản lý” hợp lý, có tính đặc trưng (typically) cho loại trường ĐH tinh hoa. Trường được tổ chức thành 3 cấp: Viện/trường ĐH, trường/khoa (college/School/Faculty) và bộ môn (Deparment). Quản lý nhà trường có tính tự chủ cao và có trọng số kiểu quản lý truyền thống (Collegium) tương đối lớn so với các trường ĐH khác. Tỷ số SV trên TG không vượt quá 12-15. Số TG có trình độ sau ĐH chiếm trên 70 – 80% tổng số TG. Số SV ở các lớp học trung bình không quá 100 ở giai đoạn đại cương và 50 ở giai đoạn chuyên môn.
- Về mặt tài chính, viện / trường ĐHQG được Nhà nước ưu tiên cấp kinh phí ít nhất gấp khoảng 1,5 – 2,0 lần con số kinh phí trung bình cho một SV / năm. Chí phí đào tạo cho một SV ở ĐHQG ít nhất gấp 2 - 3 lần chi phí trung bình cho một SV ở các ĐH khác (Ở Mỹ có 11 nhóm học phí, nhóm đầu chênh nhóm cuối đến trên 10 lần). Kinh phí cho nghiên cứu khoa học chủ yếu do Nhà nước cấp.
(d) Nhìn trên tổng thể của nền GDĐH, tổng số SV ở các trường ĐH có tính chất quốc gia không nên chiếm một tỷ lệ quá lớn, ví dụ không quá 20–25% tổng số SVĐH hiểu theo nghĩa “Tertiary Education”. Số SV ở các chương trình đào tạo tinh hoa không nên vượt quá 10–12% tổng số SV ĐH chẳng hạn. Cũng chính vì vậy, cần có một sự “trùng lắp” về ngành nghề đào tạo giữa trường ĐHQG và các trường ĐH khác, nhưng khác về tính chất, sứ mạng.
- Cuối cùng là nguyên tắc: Tôn trọng truyền thống và hạn chế sự xáo trộn. Tuy vậy, phải lấy mục tiêu chiến lược làm điểm tựa và cũng không thể giữ một “tình trạng tĩnh tại” đối với một hệ thống GDĐH động, đang có nhiều biến đổi sâu sắc và yêu cầu phải có “sự tái lập” (reengineering).
ĐHQG Tp. HCM hiện có gần 150.000 SV nếu kể cả Đại học sư phạm (trong đó có khoảng trên 50.000 SV ĐH tại chức, chuyên tu và 12.000 SV cao đẳng) chiếm khoảng 90% tổng số SV trường ĐH công, gần ¾ tổng số SV ĐH các loại ở khu vực Tp. HCM. Không thể “tinh hoa” và ưu tiên cho một tỷ số lớn đến như vậy. Mặt khác, tỷ lệ SV/TG của ĐHQG Tp. HCM là 50/1, trong đó có trường ĐH thành viên có tỷ lệ SV/TG đạt mức kỷ lục 135/1. ĐHQG Tp. HCM lại được tổ chức thành 4 cấp và kiểu quản lý chủ yếu là “kiểu công ty”. Do vậy, xét về thực tế cũng như triển vọng, ĐHQG Tp. HCM không thể đạt được các mục tiêu, yêu cầu của một trung tâm đào tạo chất lượng cao như Nghị quyết Trung ương 2 đã nêu.
Để tổ chức lại ĐHQG Tp. HCM, một mặt cần sơ bộ xác định và thống nhất các nguyên tắc, tiêu chí nói trên, mặt khác cần xem xét thêm thực trạng sau đây:
- Các trường ĐH thành viên, trừ 2 trường ĐH Kiến trúc và Nông lâm, hiện đã có trên 10.000 SV. Nếu tính cả số SV ở giai đoạn đại cương, 2 trường ĐH Khoa học Xã hội – Nhân văn và ĐH Kỹ thuật, hiện đã có trên 20.000 SV, trường ĐH Kinh tế có gần 50.000 SV; Nếu xét việc tăng quy mô trong tương lai. (Dự kiến từ nay đến năm 2020, tổng số SV sẽ tăng lên khoảng 5 lần), phần lớn các trường ĐH trong ĐHQG Tp. HCM sẽ sớm đạt đến quy mô trên 30.000 SV.
- Thực trạng cho thấy, hiên nay như không có một trường ĐH thành viên nào trong một thời gian ngắn 3-4 năm có thể đáp ứng được các tiêu chí nêu trên. Trong đó, nếu nhìn vào số SV ĐH tại chức, tỷ lệ SV/TG, các chương trình đào tạo và một số yếu tố tế nhị khác…, khối Luật, Kinh tế và Xã hội – Nhân văn thực khó chuyển thành trường ĐH về căn bản thuộc phân lớp 1. Ngoài ra, do hoàn cảnh lịch sử, phần lớn các truờng ĐH Việt Nam được thành lập từ thập niên 70 trở về trước đều là những trường ĐH công lập, có tính chất truyền thống. Nhưng với những biến đổi trong 10 năm qua, hầu hết các trường ĐH này không còn giữ được tính chất đó. Do vậy trước mắt 3-4 năm khó có thể có trường ĐH thuộc phân lớp 1 mà chỉ có thể có những “chương trình tinh hoa” ở các trường ĐH này.
- Về lâu dài, các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. HCM… nên có 2-3 viện/trường ĐH có tính chất quốc gia. Nhưng với các trường ĐHQG sau này, chỉ khi nào đạt các tiêu chí nói trên mới gọi là ĐHQG và nên đi từ một trường phát triển dần lên. Mặt khác, mô hình/cơ cấu của các viện/trường ĐHQG cũng nên đa dạng và không nhất thiết giống nhau.
- Về mặt tài chính, trong bối cảnh hiện nay, các trường ĐH đều khó có thể hướng theo các tiêu chí nói trên, nếu không có sự đầu tư ưu tiên đặc biệt của Nhà nước. Có thể nói rằng, các trường ĐH thành viên chưa muốn (!) và chưa dám trở thành viện/trường ĐHQG với đầy đủ các tiêu chí nói trên trong khoảng 5-7 năm trước mắt.
- Tuy nằm trong ĐHQG hiện nay nhưng các trường ĐH thành viên vốn là các trường ĐH độc lập và cho đến nay về cơ bản: đội ngũ TG, cơ sở vật chất và chương trình đào tạo… đều độc lập và riêng biệt, chưa thể hiện được tính đa lĩnh vực trong chương trình đào tạo.
Từ những phân tích trên, xin đề nghị một số giải pháp sau đây:
- Trước mắt, để góp phần đào tạo SV thuộc phân lớp 1, cần sớm tổ chức các ”chương trình ưu hạng hay tinh hoa” (Honor), kiểu research-oriented với tính chất và cơ cấu chương trình đào tạo riêng, thời gian đào tạo dài hơn 1 năm, ở một số trường ĐH có truyền thống ở khu vực Tp. HCM.
- Về lâu dài, Phương án 1: Xây dựng trường ĐHQG Tp. HCM từ trường ĐH tổng hợp. Tổng số SV của cả Khoa học tự nhiên và Xã hội – Nhân văn hiện nay đã lên đến khoảng 35.000 SV, nếu kể cả SV ở giai đoạn đại cương. Vì vậy, từng bước chuyển chức năng đào tạo trên 15.000 SV chuyên tu – tại chức ở trường ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn cho các trường ĐH khác. Mặt khác, cần lập thêm một số khoa mới ở trường ĐH này như Công nghệ, Hành chính công, Luật, Kinh tế, Quản trị kinh doanh v.v… Tuy vậy, cũng khó chuyển đổi trường ĐH này thành một trường ĐHQG về cơ bản thuộc phân lớp 1 với các tiêu chí nêu trên (ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn có tỉ lệ SV/TG là 70/1 và SV tại chức có tỉ lệ quá lớn).
- Phương án 2: Lập mới một trường ĐHQG chất lượng cao, quy mô vừa. Trước mắt cần chú trọng những lĩnh vực mới phát triển sau này hoặc cần thay đổi nhiều về nội dung như: Hành chánh công, Luật, Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin v.v… và một số ngành cần ưu tiên đặc biệt của Nhà nước như Địa chất, Thủy lợi… Ở Thủ Đức đã có một cơ sở cho khoảng 6.000 SV. Trong tương lai, sau 5-7 năm sẽ phát triển thêm các lĩnh vực khác. Đây mới là một trường ĐH về cơ bản thuộc phân lớp 1.
Bên cạnh đó, từng bước xây dựng trường ĐHBK thành một trường ĐH công nghệ trọng điểm, có tính chất quốc gia, sau khoảng 10 năm sẽ đạt được các tiêu chí nói trên. Trong đó, nên giữ quy mô SV của ĐHBK không vượt quá con số hiện nay, khoảng 20.000 SV; từng bước giảm bớt số SV chuyên tu - tại chức và từng bước chuyển chức năng đào tạo nhân lực “đại trà” nặng về dạy nghề (Vocational) cho các trường ĐH khác. Phương án này dễ đạt hơn các mục tiêu như nghị quyết TƯ2 đã nói và phù hợp hơn với hoàn cảnh của một nước mới phát triển, cần chú trọng việc đổi mới và “thích hợp hoá” công nghệ.
- Chuyển vai trò của ĐHQG Tp. HCM hiện nay thành vai trò của một “Liên hiệp các trường ĐH” khu vực phía Nam. Bộ máy hiện nay sẽ lo nhiệm vụ đó hoặc để tăng cường cho văn phòng 2 của bộ GDĐT với chức năng mở rộng hơn trong quá trình phân cấp quản lý GDĐH. Có thể tham khảo chức năng của 4 hệ thống ĐH ở bang Callifornia của Mỹ để thiết kế chức năng cho “Liên hiệp” này (The Multi Campus System). Trước mắt, chức năng có thể là: Giải quyết vấn đề phân công và hợp tác trong đào tạo, NCKH, xác lập mối liên thông dọc, ngang trong GDĐH khu vực và giúp đỡ các trường ĐH, Cao đẳng ở các địa phương. Một số cán bộ có năng lực và còn tương đối trẻ của bộ máy hiện nay sẽ đảm trách việc chuẩn bị cho việc lập mới trường ĐHQG Tp. HCM nói trên.
Kính thưa Hội đồng, trên đây mới chỉ là một số ý kiến sơ bộ, kính trình hội đồng xem xét và tham khảo
Stt | Trường ĐH thành viên của ĐHQG | Tổng số SV | Trong đó: Tại chức +chuyên tu | Số CBGD/số có học vị PTS + TS | Số SV/ 01 thầy giáo |
1 | Kinh Tế | 43.835 | 21.380 | 518/89 | 84,6 |
2 | KH Xã Hội –Nhân Văn | 21.766 | 15.600 | 312/40 | 69,8 |
3 | Kỹ Thuật | 16.984 | 6.307 | 572/139 | 29,7 |
4 | Đại cương | 16.430 | 139/22 | 118,8 | |
5 | Sư phạm | 12.789 | 6.152 | 436/59 | 29,3 |
6 | Luật | 10.261 | 5.500 | 76/4 | 135,0 |
7 | KH Tự Nhiên | 9.687 | 73 | 271/88 | 35,7 |
8 | Sư Phạm Kỹ thuật | 9.533 | 1.702 | 223/18 | 42,7 |
9 | Kiến Trúc | 4.469 | 893 | 106/7 | 42,7 |
10 | Nông Lâm | 2.586 | 980 | 286/45 | 9,0 |
Tổng cộng | 148.340 | 58.587 | 2954/513 | 50,2 |