Một số vấn đề hoạt động gia công may mặc xuất khẩu
Khái niệm về gia công xuất khẩu Định nghĩa Gia công quốc tế là một hoạt động kinh doanh thương mại ...
Khái niệm về gia công xuất khẩu
Định nghĩa
Gia công quốc tế là một hoạt động kinh doanh thương mại trong đó một bên (gọi là bên nhận gia công) nhập khẩu nguyên liệu hoặc bán thành phẩm của một bên khác (gọi là bên đặt gia công) để chế biến thành ra thành phẩm, giao lại cho bên đặt gia công và nhận thù lao (gọi là phí gia công). Như vậy, trong gia công quốc tế hoạt động xuất nhập khẩu gắn liền với hoạt động sản xuất.
Các hình thức gia công hàng may mặc xuất khẩu
Hình thức nhận nguyên phụ liệu giao thành phẩm (gia công hoàn chỉnh một sản phẩm)
Bên đặt gia công giao nguyên vật liệu và phụ kiện cho bên nhận gia công, sau một thời gian ký kết sẽ thu hồi thành phẩm hàng may mặc theo như quy cách và tài liệu đã phê duyệt và trả phí gia công cho bên nhận gia công theo như thoả thuận. Hình thức này trước đây được sử dụng đối với các nước kém phát triển không đủ máy móc thiết bị kỹ thuật mà phải nhờ vốn của bên đặt gia công có khi cả về kỹ thuật.
Hình thức mua đứt bán đoạn dựa trên hợp đồng mua bán với nước ngoài
Bên đặt gia công bán đứt nguyên phụ liệu cho bên nhận gia công, bên nhận gia công sẽ mở L/C để mua nguyên phụ liệu và như vậy quyền sở hữu nguyên liệu sẽ được chuyển sang bên nhận gia công. Sau một thời gian sản xuất, bên đặt gia công sẽ mua lại toàn bộ sản phẩm theo như định mức đã duyệt với số tiền phải trả là toàn bộ chi phí mua nguyên vật liệu và giá gia công được quy định trong hợp đồng. Phương thức này ngày càng được áp dụng nhiều với các nước đang phát triển vì nó vừa tiết kiệm cho bên đặt gia công vừa thuận lợi cho bên nhận gia công.
Hình thức kết hợp
Là hình thức gia công kết hợp giữa hình thức gia công hoàn chỉnh và hình thức mua đứt bán đoạn. Trong đó, bên đặt gia công may mặc chỉ giao nguyên liệu chính và một nửa nguyên liệu phụ, còn số kia có thể được bên nhận gia công mua theo yêu cầu của bên đặt gia công.
Thực trạng phát triển
Giai đoạn từ 1955- 1980, đây là giai đoạn hình thành các doanh nghiệp nhà nước, cơ sở vật chất kỹ thuật nhỏ bé, thô sơ, chủ yếu làm hàng xuất khẩu thủ công. Do vậy mặt hàng trong thời kỳ này hết sức giản đơn như: áo sơ mi, quần áo bảo hộ lao động, giầy vải và da, len mỹ nghệ được xuất sang thị trường các nước trong khối SNG và Liên Xô (cũ). Phương thức gia công xuất khẩu này là việc bán hàng cho các nước XHCN theo nghị định thư giữa hai chính phủ và được cụ thể hoá bằng nghị định thư thương mại do Bộ Ngoại Thương ký kết. Bạn hàng không có nghĩa vụ cung cấp nguyên phụ liệu để sản xuất những mặt hàng đó.
Giai đoạn 1981 - 1990, Việt Nam chính thức làm hàng gia công xuất khẩu, bạn hàng có nghĩa vụ cung cấp nguyên phụ liệu tương ứng với số lượng đặt hàng. Cùng với việc đổi mới phương thức gia công, là việc đổi mới trang thiết bị, quy trình công nghệ trong sản xuất, lắp rắp thêm nhiều máy chuyên dụng. Giai đoạn này bạn hàng lớn nhất của Việt nam vẫn là Liên Xô (cũ), khối SNG đồng thời cũng có thêm một số bạn hàng mới đặt gia công như Pháp, Thuỵ Điển.
Đầu thập kỷ 90 do sự biến động về kinh tế, chính trị của nhà nước Liên Xô (cũ) và các nước XHCN, Đông Âu bị sụp đổ kéo theo đó là sự xoá bỏ, ngừng ký kết các nghị định thư về hợp tác sản xuất hàng gia công may mặc. Đây là thời kỳ khó khăn đối với nước ta, hoạt động sản xuất gia công may mặc xuất khẩu suy giảm. Nhưng do có sự chuyển hướng sản xuất kinh doanh sang các thị trường khác và đổi mới về trang thiết bị máy móc kỹ thuật hiện đại, cùng với đội ngũ cán bộ kỹ thuật năng động, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao được đào tạo chính quy nên đã đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng hàng gia công may mặc xuất khẩu cho các nước.
Việc nước ta chính thức gia nhập ASEAN vào tháng 7/1995, ký kết hiệp định khung hợp tác với EU và bình thường hoá quan hệ với Mỹ đã có tác động thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động gia công xuất khẩu phát triển mạnh mẽ, tạo đà phát triển cho ngành dệt may Việt Nam. Từ đó đến nay ngành gia công may mặc xuất khẩu của Việt Nam đã có thời gian thử thách và thực sự đã trưởng thành với những công ty hàng đầu như: Công ty may Việt Tiến, Công ty may Thăng Long, Công ty may 10, ...
Ngoài ra, thông qua các cuộc tiếp xúc, ký kết hợp đồng mua bán, tiến hành hội thảo với khách hàng về những vấn đề của sản phẩm, từ đó có thể khẳng định hàng may mặc Việt Nam đã đạt được những bước tiến tốt đẹp. Cụ thể, năm 2000 ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 1,9 tỷ USD, trong đó, gia công xuất khẩu chiếm trên 50% tổng kim ngạch. Năm 2001, mặc dầu đây là một năm đầy khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may vẫn đạt trên 2 tỷ USD. Năm 2002 đánh dấu bước phát triển đáng kể của ngành dệt may Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 2,75 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2001, vượt mức kế hoạch đề ra là 12,5% và trong 8 tháng đầu năm 2003, kim ngạch xuất khẩu của ngành tăng 57,9%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay, là kết quả hết sức khích lệ và là cơ sở tin cậy để toàn ngành dệt may phấn đấu đạt mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển 2001-2010.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, ngành dệt may Việt Nam đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động gia công xuất khẩu cũng cần phải tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng đón nhận những thách thức khắc nghiệt trong những năm tiếp theo. Thực tế là chỉ còn khoảng hơn hai năm nữa Việt Nam đã phải hội nhập đầy đủ vào Khu vực Mậu dịch Tự do Đông Nam Á (AFTA) và cũng chỉ còn hơn một năm nữa hiệp định hàng dệt may trong khuôn khổ WTO sẽ được thực hiện hoàn toàn. Thương mại thế giới bước vào giai đoạn mới, giai đoạn tự do thương mại hàng dệt may.
Việc cường quốc xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới là Trung Quốc đã trở thành thành viên của WTO càng làm gia tăng mối e ngại về khả năng cạnh tranh của các nhà cung cấp dệt may nhỏ đối với giai đoạn sau 2004. Để có thể tiếp cận được thị trường xuất khẩu thế giới, các nước chưa phải là thành viên WTO đang khẩn trương đàm phán để gia nhập tổ chức này. Campuchia, nước láng giềng của Việt Nam cũng gia nhập WTO trong tháng 9. Song song với việc tăng cường các cam kết đa phương, xu hướng ký kết các hiệp định tự do song phương cũng đang diễn ra mạnh mẽ: Singapore vừa ký kết hiệp định thương mại tự do với Mỹ; Philipin, Srilanca, Chilê đang trong quá trình thảo luận.
Trong bối cảnh đó, ngành Dệt may các nước đều đang phải đối mặt với những thay đổi đáng kể. Thuế nhập khẩu hàng dệt may vào các thị trường đi theo hướng ngày càng giảm khiến cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Hàng nhập khẩu cạnh tranh với hàng sản xuất nội địa ngay tại thị trường nội địa. Yếu tố quyết định thắng lợi trong cuộc cạnh tranh này chỉ còn là chất lượng, giá cả và dịch vụ khách hàng.
Đối với hoạt động gia công xuất khẩu, việc tiếp cận thị trường xuất khẩu thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ đang gặp phải những trở ngại đáng kể. Mặc dù đang hết sức tích cực đàm phán cố gắng gia nhập WTO trước 2005, song theo các nhà phân tích, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Thêm nữa, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ đã chính thức bị khống chế hạn ngạch với Hiệp định Dệt may Việt Nam – Hoa Kỳ được ký ngày 25-04-2003. Trong khi hàng dệt may Việt Nam vào thị trường EU và thị trường Mỹ chủ yếu là dưới hình thức gia công xuất khẩu nên trước tình hình đó hoạt động gia công xuất khẩu cũng không tránh khỏi những khó khăn chung của ngành dệt may. Do đó, vấn đề cần giải quyết trước mắt đối với các doanh nghiệp đang tham gia vào hoạt động gia công xuất khẩu hiện nay là việc chuyển đổi hình thức gia công xuất khẩu sang làm hàng may mặc xuất khẩu trực tiếp (mua đứt bán đoạn), để đem về cho doanh nghiệp và đất nước hiệu quả kinh tế cao hơn.
Những thuận lợi và khó khăn đối với hoạt động gia công xuất khẩu trong hoàn cảnh hiện tại
Thuận lợi
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hoạt động gia công xuất khẩu của Việt Nam đang ở vào thời điểm khá thuận lợi về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Xuất khẩu dệt may 4 tháng đầu năm 2003 đạt tốc độ tăng cao nhất trong hơn 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Chúng ta đang có nhiều lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm dệt may như: an ninh kinh tế và chính trị của Việt Nam được các tổ chức xếp loại có uy tín trên thế giới xếp loại nhất trong khu vực Châu Á; hàng dệt may Việt Nam và nhất là hàng may mặc gia công qua 10 năm xuất khẩu sang Nhật và EU đã chứng tỏ uy tín to lớn của các doanh nghiệp Việt Nam đối với các hãng có tên tuổi trên thế giới cả về chất lượng sản phẩm và thời hạn giao hàng được đảm bảo.
Có thể nói điểm mạnh nhất của ngành Dệt may Việt Nam nói chung là đội ngũ lao động dồi dào, có trình độ tay nghề cao, khéo léo và chăm chỉ. Giá lao động Việt Nam rẻ nhất khu vực Châu Á, từ 0,16-0,35 USD/giờ, trong khi của Indonesia là 0,32 USD/giờ, Trung Quốc 0,70 USD/giờ và của Ấn Độ là 0,58 USD/giờ. Chúng ta đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế nên số lao động nông nghiệp dôi dư sẽ là nguồn nhân lực bổ sung vô tận cho phát triển công nghiệp dệt may – một ngành thu hút nhiều lao động xã hội nhất hiện nay. Hơn nữa sự nghiệp giáo dục trong nhiều năm qua đã tạo ra một đội ngũ lao động dự bị có trình độ, có sức khoẻ tốt đủ sức tiếp thu công nghệ hiện đại để tạo ra những sản phẩm có đẳng cấp quốc tế đáp ứng mọi nhu cầu cao trên thị trường dệt may thế giới với giá cạnh tranh.
Hiện Hiệp hội Dệt may Việt Nam đang có kế hoạch tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại nhằm vào thị trường đầy tiềm năng ở Nam Phi. Đại diện cơ quan Thương mại Việt Nam ở Nam Phi cho biết, Nam Phi không hề phải chịu áp đặt hạn ngạch về dệt may. Quốc gia này đang tiến hành đàm phán hiệp định tự do thương mại với Ấn Độ và Trung Quốc (mức thuế nhập khẩu giao động 20-60%), phần lớn người dân Nam Phi lại ưa chuộng kiểu quần áo giản đơn như jean, áo thun… Đây chính là một cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp gia công xuất khẩu để có thể thâm nhập, chiếm lĩnh thị trường “không phải chịu hạn ngạch, không yêu cầu quá cao về chất lượng” này.
Bên cạnh đó, Tổng công ty Dệt may Việt Nam cũng vừa đạt được thoả thuận hợp tác với tập đoàn Mitsui của Nhật Bản để mở văn phòng đại diện tại Nhật Bản, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp gia công xuất khẩu trong nước khôi phục và khai thác thị trường truyền thống giàu tiềm năng này. Ngoài ra, liên minh Châu Âu cũng vừa đồng ý tăng hạn ngạch ở một số sản phẩm dệt may của Việt Nam trong đó có sản phẩm áo jacket, quần âu,… là những sản phẩm chính truyền thống của các doanh nghiệp gia công xuất khẩu. Một số doanh nghiệp gia công cũng đã cố gắng mở thêm thị trường xuất khẩu mới như thị trường Châu Phi và bước đầu cũng đã thu được những kết quả khả quan.
Bên cạnh những cơ hội to lớn về thị trường quốc tế đang rộng mở, thị trường nội địa với hơn 80 triệu dân cũng đang có nhu cầu ngày càng cao về hàng dệt may. Nếu các doanh nghiệp biết cách tận dụng lợi thế giá nhân công rẻ kết hợp với năng lực quản lý, kỹ năng tiếp thị tốt thì sẽ có rất nhiều cơ hội để khai thác hết những điểm mạnh của mình, mở rộng phát triển hoạt động gia công may mặc.
Khó khăn
Thời gian qua, để chiếm lĩnh thị trường Mỹ và lấy thành tích xuất khẩu dệt may sang Mỹ từ năm 2002 đến tháng 3/2003 đã khiến các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công xuất khẩu không còn thời gian nghĩ đến chuyện đàm phán, thương thảo ký hợp đồng với các khách hàng ở các thị trường khác. Chính vì vậy, khi Mỹ đưa ra hạn ngạch dệt may không đúng với năng lực sản xuất toàn ngành đã đẩy các doanh nghiệp có hoạt động gia công xuất khẩu vào những hoàn cảnh khó khăn. Có những doanh nghiệp ký hợp đồng gia công từ thời gian trước khi ký hiệp định nhưng bây giờ khi xuất hàng lại phải chịu hạn ngạch, trong khi việc phân bổ hạn ngạch lại không đều nên các doanh nghiệp này chỉ còn cách nhờ hạn ngạch của các doanh nghiệp khác làm giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một lý do khác quan trọng khác đẩy các doanh nghiệp gia công xuất khẩu vào tình trạng bấp bênh, hoạt động cầm chừng như hiện nay là hầu hết các doanh nghiệp đều không dám ký hợp đồng gia công với khách hàng Mỹ cho năm sau vì không biết chắc lượng hạn ngạch mình được cấp sẽ là bao nhiêu. Bài học “xương máu” hạn ngạch trong năm nay đã làm không ít doanh nghiệp phải lao đao với hậu quả để lại hết sức nghiêm trọng, khiến đa phần trở nên ngại ngần trong việc thương thảo các hợp đồng mới. Ngoài ra, việc tìm kiếm các đơn hàng ở các thị trường khác trở nên khó khăn hơn khi đã có không ít khách hàng ở những thị trường truyền thống như EU, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan… đi sang các nước Campuchia, Trung Quốc hay Indonesia đặt hàng.
Vấn đề nổi cộm đối với ngành Dệt may Việt Nam là việc hiện nay các doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở mức độ sản xuất các sản phẩm rất thông dụng và chủ yếu theo phương thức gia công. Vì vậy, các mặt hàng dệt may của Việt Nam phải cạnh tranh trực diện với các sản phẩm phổ thông khác từ các nước có lợi thế về gia công nhưng rất mạnh về nguyên phụ liệu như: Trung Quốc, Pakistan, Srilanca, Ấn Độ...
Theo thống kê, chi phí cho một đơn vị sản phẩm gia công của Việt Nam đều cao hơn từ 15-20% mặt hàng tương tự của Trung Quốc, Bangladesh, Pakistan. Tuy giá lao động rẻ nhưng năng suất lao động của ngành dệt may Việt Nam nói chung không cao, chỉ bằng 2/3 mức bình quân các nước ASEAN, chi phí nguyên phụ liệu (phần lớn phải nhập khẩu) và khâu trung gian cao làm sản phẩm thiếu tính cạnh tranh. Ngoài ra, Trung Quốc - đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam đang thực hiện kế hoạch 10 năm (2001-2010) với mục tiêu tăng gấp đôi GDP trong đó ngành dệt may giữ vai trò nòng cốt nhằm khai thác lợi thế hội nhập WTO và có tốc độ tăng trưởng sản xuất hàng năm cao, đạt 6%.
Trong thời gian tới, để có thể giải quyết được bài toán về thị trường, giảm bớt áp lực cạnh tranh gia tăng; các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chắc chắn phải chú trọng tới yếu tố cạnh tranh bằng việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và dịch vụ.