Một số khái niệm về năng suất lao động
Khái niệm về năng suất Theo quan niệm truyền thống: Khái niệm năng suất được hiểu khá đơn giản là mối tương quan giữa đầu ra và đầu vào. Nếu đầu ra lớn hơn đạt được từ một lượng đầu vào giống nhau hoặc với đầu ra giống ...
Khái niệm về năng suất
Theo quan niệm truyền thống: Khái niệm năng suất được hiểu khá đơn giản là mối tương quan giữa đầu ra và đầu vào. Nếu đầu ra lớn hơn đạt được từ một lượng đầu vào giống nhau hoặc với đầu ra giống nhau từ một đầu vào nhỏ hơn thì có thể nói rằng năng suất cao hơn. Những năm gần đây khái niệm năng suất được hoàn thiện bổ sung thêm những nội dung mới cho thích ứng với tình hình kinh tế xã hội và những thay đổi của môi trường kinh doanh hiện nay.
Theo Từ điển Oxford “năng suất là tính hiệu quả của hoạt động sản xuất được đo bằng việc so sánh giữa khối lượng sản xuất trong những thời gian hoặc nguồn lực được sử dụng để tạo ra nó”
Theo từ điển kinh tế học hiện đại của MIT(Mỹ) “năng suất là đầu ra trên một đơn vị đầu vào được sử dụng. Tăng năng suất xuất phát từ tăng tính hiệu quả của các bộ phận vốn, lao động. Cần thiết phải đo năng suất bằng đầu ra thực tế, nhưng rất ít khi tách riêng biệt được năng suất của nguồn vốn và lao động”
Năm 1950 Tổ chức hiệp tác kinh tế châu Âu đưa ra định nghĩa chính thức như sau: Năng suất là thương số thu được bằng cách chia đầu ra cho một trong những nhân tố sản xuất . Trong trường hợp này có thể nói về năng suất của vồn, năng suất đầu tư hoặc năng suất của nguyên vật liệu., tuỳ theo cách xem xét đầu ra trong mối quan hệ với vốn, đầu tư hay nguyên liệu.
Như vậy, tuy có nhiều quan niệm khác nhau về năng suất nhưng tất cả các quan niệm đó điều đó dựa trên một cách chung nhất: “Năng suất là tỷ số giữa đầu ra và những đầu vào được sử dụng để tạo ra đầu ra đó. Về mặt toán học năng suất được phản ánh bằng”
P = tổng đầu ra / tổng đầu vào
Đầu ra được phản ánh dưới nhiều tên gọi khác nhau như “tập hợp các kết quả”; “thực hiện ở các mức độ cao nhất”; tổng đầu ra hữu hình”; “toàn bộ đầu ra có thể được”. Cụ thể trong các doanh nghiệp đầu ra được tính bằng tổng giá trị sản xuất hay giá trị gia tăng, hoặc khối lượng hàng hoá tính bằng đơn vị hiện vật. Ở cấp độ vĩ mô người ta thường sử dụng GDP như đầu ra chủ yếu để tính năng suất
Đầu vào được tính theo các yếu tố tham gia để sản xuất ra đầu ra. Đó là lao động, nguyên liệu, vốn, thiết bị, năng lượng, kỹ thuật, kỹ năng quản lý.
Việc chọn đầu vào và đầu ra khác nhau sẽ tạo ra các mô hình đánh giá năng suất khác nhau. Đặc điểm của quan niệm truyền thống là tập trung nhấn mạnh đến yếu tố đầu vào như lao động, vốn (năng lượng, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, công nghệ) trong đó yếu tố lao động là trung tâm
Theo cách tiếp cận mới năng suất : “Năng suất là một trạng thái tư duy. Nó là một thái độ nhằm tìm kiếm để cải thiện những gì đang tồn tại.Có một sự chắc chắn rằng ngày hôm nay con người có thể làm việc tốt hơn ngày hôm qua và ngày mai tốt hơn ngày hôm nay. Hơn nữa nó đòi hỏi những cố gắng không ngừng để thích ững với các hoạt động kinh tế trong những điều kiện luôn thay đổi. Đó là sự tin tưởng chắc chắn trong quá trình tiến triển của loài người”
Năng suất trở thành một khái niệm tổng hợp nhiều yếu tố, cần phải được xem xét trong mối quan hệ chặt chẽ với bản chất và môi trường kinh tế cụ thể mà trong đó các doanh nghiệp tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Tính tổng hợp còn thể hiện trong chất lượng, đặc điểm của đầu ra và hiệu quả của các yếu tố đầu vào được xem xét ở mọi cấp độ khác nhau như quốc tế, quốc gia doanh nghiệp và từng cá nhân.
Theo cách tiếp cận mới năng suất trở thành một khái niệm động, tổng hợp nhiều yếu tố , cần phải được xem xét trong mối quan hệ chặt chẽ với bản chất
Và môi trường kinh tế xã hội mà trong đó các doanh nghiệp tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính chất tổng hợp còn thể hiện trong chất lượng, đặc điểm của đầu ra và hiệu quả của các yếu tố đầu vào được xem xét ở mọi cấp độ khác nhau như quốc tế, quôc gia doanh nghiệp và từng cá nhân
Khái niệm năng suất phản ánh tính lợi nhuận, tính hiệu quả, giá trị chất lượng, sự đối mới chất lượng cuộc sống. Đó là một chỉ tiêu tổng hợp đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội được lượng hoá bằng mức tăng giá trị gia tăng của tất cả các nguồn lực và yếu tố tham gia vào một qua trình hay một loạt các hoạt động kinh tế trong một thời gian nhất định. Năng suất là một trạng thái tổng hợp cách thức hoạt động của con người và các doanh nghiệp
Năng suất được hình thành với sự đóng góp của tất cả các hoạt động trong các hoạt động trong các chuỗi giai đoạn có liên quan từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, cung ứng cho nha tiêu dùng, bảo dưỡng. Năng suất phải tính đến tác động tổng hợp của hàng loạt các yếu tố và tập trung vào sự thực hiên của doanh nghiệp.
Điểm căn bản nhất của cách tiếp cận mới về năng suất là tăng số lượng đồng thời tăng chất lượng. Điều này có nghĩa là sử dụng cùng môt khối lượng nguyên liệu, lao động, vốn, năng lượng … để sản xuất một khối lượng lớn hơn các đầu ra có cùng chất lượng hoặc chất lượng cao hơn. Với quan niệm như vậy, năng suất có thể hiểu là trả ít hơn và nhận nhiều hơn mà không tổn hại đên chất lượng. Ngày nay năng suất và chất lượng đã trở thành đồng hướng, thống nhất. Chất lượng của đội ngũ lao động, chất lượng của sản phẩm và dịch vụ, chất lượng của môi trường kinh tế xã hội và chất lượng của năng lực quản lý điều hành sản xuất kinh doanh.
Lao động
Sức lao động: “Là năng lực lao động của con người. Là toàn bộ những năng lực thể chất và tinh thần tồn tại trong cơ thể con người. Sức lao động là yếu tố tích cực nhất, hoạt động nhất trong qua trình lao động, nó phát ra và đưa các tư liệu lao động vào hoạt động để tạo ra sản phẩm”
* Đặc điểm sức lao động
- Sức lao động có thể gọi dưới hai dạng
+ Dạng tiềm năng: tồn tại trong cơ thể con người tối đa có thể huy động được
+ Dạng Sức lao động thực tế:
- Sức lao động thường không giống nhau ở những con người khác nhau, hơn nữa trong một con người thì thể lực và trí lực cũng khác nhau
- Trong cơ chế thị trường thị sức lao động là hàng hoá và được trao đổi trên thị trường
Lao động là hoạt động có mục đích của con người . Thông qua hoạt động đó con người tác động vào giới tự nhiên cải biến chúng nhầm thoả mãn nhu cầu nào đó của cong người. Lao động là một hành động diễn ra giữa con người và giới tự nhiên
* Đặc điểm của lao động
- Lao động chỉ có ở con người hơn nữa chỉ có trong một độ tuổi nhất định
- Lao động làm cho con người phát triển về cả thể lực lẫn trí lực và ngày càng hoàn thiện bản thân mình
- Lao động mang tính sáng tạo ngày càng cao.
Quá trình lao động là quá trình tác động của con người vào giới tự nhiên và biến chúng thành những vật có ích đáp ứng nhu cầu của con người. Quá trình lao động là sự kết hợp ba yếu tố giản đơn là dụng cụ lao động, sức lao động và đối tượng lao động. Đây là ba yếu tố quan trọng không thê thiếu được trong trong quá trình lao động. Cách thức kết hợp ba yếu tố này trong quá trình lao động phụ thuộc vào từng loại lao động là lao động cá nhân hay lao động tập thể .
Trong ba yếu tố của quá trình lao động thì yếu tố có tính chất quyết định là sức lao động. Sức lao động là điều kiện tiên quyết của mọi quá trình sản xuất và là lực lượng sản xuất sáng tạo chủ yếu của xã hội, sản xuất vật chất càng tiến bộ thì càng nâng cao vai trò của nhân tố con người đặc biệt là trong sản xuất kinh doanh. Theo quan điểm của Các Mác Chỉ có sức lao động mới tạo ra giá trị thặng dư. Chỉ có con người mới tạo ra công cụ lao động cải tiến nâng cao công cụ lao động, năng suất lao động. Trong nền kinh tế thị trường thị sức lao động là yếu tố đầu vào, yếu tố chi phí, hiệu quả sản xuất kinh doanh hay lợi nhuận đặt lên hàng đầu. Vì thế cần phải giảm chi phí tối đa trong đó có chi phí sức lao động . Do đó phải quan tâm đến yếu tố sức lao động từ khi tuyển dụng đến khâu tổ chức bố trí lao động.
Năng suất lao động
Năng suất lao động là một chỉ tiêu đánh giá hiệu quả “Năng suất lao động là hiệu quả của hoạt động có ích của con người trong một đơn vị thời gian, nó được biểu hiện bằng số lượng sản phẩm sản xuất ra trong một đơn vị thời gian hoặc hao phí để sản xuất ra được một sản phẩm”
Công thức : W = Q/T hoặc t = T/Q
Trong đó :
W : năng suất lao động
Q : Sản lượng sản xuất ra trong đơn vị thời gian T,có thể biểu hiện bằng số lượng sản phẩm hoặc giá trị, doanh thu ,lợi nhuận…
T : lượng lao động hao phí để hoàn thành sản lượng Q (đơn vị : người, ngày công, giờ công…)
t : lượng lao động hao phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm
Năng suất lao động là phạm trù kinh tế nói lên hiệu quả sản xuất của người lao động trong quá trình sản xuất sản phẩm. Thực chất nó là giá trị đầu ra do một công nhân tạo ra trong một khoảng thời gian nhất định hoặc số thời gian cần thiết để sản xuất ra một đơn vị đầu ra.
Tăng năng suất lao động là “sự tăng lên của sức sản xuất hay năng suất lao động, nói chung chúng ta hiểu là sự thay đổi làm rút ngắn thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra nhiều giá trị sử dụng hơn”
Theo C. Mác “năng suất lao động tăng lên biểu hiện ở chỗ phần lao động sống giảm bớt; phần lao động quá khứ tăng lên, nhưng tăng như thế nào đó để tổng hao phí lao động chứa đựng trong hàng hoá giảm ấy giảm đi; nói cách khác lao động sống giảm nhiều hơn lao động quá khứ tăng lên”
Trong quá trình sản xuất sản phẩm, lao động sống và lao động quá khứ bị hao phí theo những lượng nhất định. Lao động sống là lao động mà con người bỏ ra ở hiện tại. Lao động quá khứ là lao động ở giai đoạn trước đã chuyển vào giá trị sản phẩm
Hạ thấp chi phí lao động sống nêu rõ đặc điểm tăng năng suất lao động cá nhân. Hạ thấp chi phí lao động sống và lao động qúa khứ nêu rõ đặc điểm tăng năng suất lao động xã hội. Giữa năng suất lao động cá nhân và năng suất lao động xã hội có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trong quá trình quản lý kinh tế nếu chỉ chú trọng tăng năng suất lao động cá nhân thì sẽ diễn ra hiện tượng coi nhẹ tiết kiệm vật tư, coi nhẹ chất lượng sản phẩm và như vậy năng suất lao động xã hội có khi không tăng mà còn giảm
Để một chế độ xã hội mới ra đời phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trình độ phát triển kinh tế biểu hiện là cơ sở hạ tầng; chính trị xã hội biểuhiện là kiến trúc thượng tầng; điều kiện tự nhiên.. Trong đó thì trình độ phát triển kinh tế là quan trọng nhất nó quyết định những nhân tố còn lại, trình độ phát triển kinh tế biểu hiện bằng sự phát triển của lực lượng sản xuất, lực lượng sản xuất phát triển biểu hiện là sự tăng năng suất lao động. Vì vậy Tăng năng suất lao động không chỉ là một hiện tượng kinh tế thông thường mà là một quy luật kinh tế chung cho mọi hình thức xã hội. Năng suất lao động của chê độ xã hội sau bao giờ cũng cao hơn năng suất lao động của chế độ xã hội trước vì xã hội càng phát triển thì trình độ con người ngày càng cao, khả năng sáng tạo ngày càng lớn vì vậy mà công cụ lao động ngày càng hoàn thiện hơn. Sự vận động của quy luật tăng năng suất lao động ở mỗi chế độ xã hội khác nhau thì khác nhau, càng ở những chế độ xã hội sau thì năng suất lao động xã hội tăng lên nhanh chóng hơn so với các chế độ xã hội trước đó. Đó là điều tất nhiên vì càng các chế độ xã hội trước thì hệ thống công cụ xã hội càng kém hoàn thiện, và trình độ con người cũng kém phát triển , công cụ lao động thô sơ, lao động thủ công là chủ yếu nên hao phí sức lao động nhiều mà giá trị hàng hoá tạo ra ít. Khi xã hội càng phát triển thì năng suất lao động tăng lên nhanh hơn do trình độ con người phát triển hệ thống công cụ lao động ngày càng hoàn thiện, lao động thủ công dần bị thay thế chủ yếu bằng máy móc hiện đại, hao phí sức lao động bỏ ra ít mà hàng hoá tạo ra nhiều hơn.Ngày nay khi mà khoa học công nghệ phát triển như vũ bảo , hệ thống công cụ lao động được cải tiến từng ngày vì thế mà tốc độ tăng năng suất lao động rất cao so với trước đây. Như vậy trình độ phát triển của lưc lượng lao động của các chế độ xã hội khác nhau nên biểu hiện của quy luât tăng năng suất lao động cũng khác nhau.
Cường độ lao động và tăng cường độ lao động
Cường độ lao động : Cường độ lao động là mức độ khẩn trương trong lao động.
Khi tăng cường độ lao động đòi hỏi con người phải làm việc nhanh hơn do đó sẽ hao phí sức lao động nhiều hơn,nghĩa là cường độ lao động càng cao thì hao phí năng lượng bắnt thịt, trí não, thần kinh của con người càng lớn.Tăng cường độ lao động giống như kéo dài thời gian lao động
Các Mác gọi cường độ lao động là “khối lượng lao động bị ép vào trong một thời gian nhất định” hoặc là “những số lượng lao động khác nhau bị tiêu phí trong cùng một thời gian”
Tăng cường độ lao động là tăng thêm chi phí lao động trong một đơn vị thời gian, các thao tác lao động, mức độ khẩn trương của lao động tăng thêm, và như thế khi tăng cường độ lao động cũng làm cho số lượng sản phẩm sản xuất ra trong một đơn vị thời gian tăng lên nhưng giá trị của một đơn vị sản phẩm không thay đổi vì thực chất giá trị hàng hoá tăng lên khi tăng cường độ lao động tỷ lệ thuận với tổng mức hao phí lao động bỏ ra để sản xuất ra hàng hoá đó.
Vì vậy mà tăng năng suất lao động là có giới hạn vì nó bị ảnh hưởng chi phối bởi sức khoẻ của con người. Cường độ lao động chỉ tăng lên đến một mức độ nào đó giới hạn đó là gọi là giới hạn cường độ lao động chuẩn.
Giới hạn cường độ lao động chuẩn là mức mà cường độ xã hội đạt được tại thời điểm nào đó. Mà với mức cường độ lao động đó sau thời gian cong người sẽ khôi phục lại sức khoẻ sau thời gian nghỉ ngơi.
Để có cường độ lao động chuẩn của xã hội thì cần phải quan sát thực tế thông qua mức năng lượng calo hao phí trong thời gian lao động của các công nhân trong các doanh nghiệp.
Sự khác nhau giữa tăng năng suất lao động và tăng cường độ lao động
Giữa năng suất lao động và cường độ lao động có sự giống nhau và khác nhau.
Giống nhau ở chỗ tăng năng suất lao động và tăng cường độ lao động thì đều tạo ra nhiều sản phẩm hơn
Nhưng khác nhau là tăng năng suất lao động thì làm giảm hao phí sức lao động để sản xuất ra một sản phẩm và làm giảm giá trị sản phẩm giảm giá thành sản phẩm, tăng cường độ lao động thì hao phí lao động sản xuất ra một sản phẩm không thay đổi và không ảnh hưởng đến giá cả sản phẩm. Tăng năng suất lao động do thay đổi cách thức lao động, làm giảm nhẹ hao phí lao động, tăng cường độ lao động thì cách thức lao động không đổi, hao phí sức lao động không thay đổi.Tăng năng suất lao động là vô hạn còn tăng cường độ lao động là có giới hạn, bị giới hạn bởi sức khoẻ của con người. Tăng năng suất lao động có tác dụng tích cực và không ảnh hưởng đên sức khoẻ của con người còn tằng cường độ lao động nếu tăng quá mức sẽ gây tai nạn lao động và ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người.