Mô hình lý thuyết nghiên cứu văn hóa
Có hai mô hình xã hội học chính được sử dụng để nghiên cứu văn hóa: * Mô hình cấu trúc chức năng: dựa trên quan điểm coi văn hóa như một hệ thống hợp nhất cao và tương đối ổn định qua thời gian. Trong hệ thống này, mỗi yếu tố hay đặc điểm văn hóa được ...
Có hai mô hình xã hội học chính được sử dụng để nghiên cứu văn hóa:
* Mô hình cấu trúc chức năng: dựa trên quan điểm coi văn hóa như một hệ thống hợp nhất cao và tương đối ổn định qua thời gian. Trong hệ thống này, mỗi yếu tố hay đặc điểm văn hóa được hiểu theo nghĩa sự đóng góp chức năng đối với hoạt động và duy trì văn hóa nói chung. Nhìn chung, mô hình này chú trọng tính ổn định của văn hóa và coi các giá trị là nền tảng của hệ thống văn hóa. Trong một chừng mực nào đó, thuyết cấu trúc chức năng dẫn đến chủ nghĩa duy tâm triết học, coi các quan điểm về giá trị là cơ sở thực tại của con người. Mô hình này cho rằng hệ thống văn hóa phải được sắp xếp để có thể đáp ứng nhu cầu của con người và vì thế nên phải có nhiều điểm chung dẫn đến tính phổ biến văn hóa. Đồng thời có nhiều cách đáp ứng các nhu cầu của con người nên các nền văn hóa trên thế giới trở nên đa dạng. Hạn chế của mô hình cấu trúc chức năng là khuynh hướng đề cao các mẫu văn hóa thống trị của một xã hội mà ít chú ý đến tính đa dạng văn hóa trong đó, đặc biệt là trong trường hợp khác biệt văn hóa xuất phát từ sự bất công xã hội.
* Mô hình mâu thuẫn xã hội: mô hình này xem xét văn hóa không chỉ là một hệ thống hợp nhất cao mà còn tính đến các mâu thuẫn xã hội do sự bất bình đẳng giữa các nhóm trong xã hội tạo ra. Mô hình này không coi một số giá trị văn hóa như là đương nhiên phải chấp nhận mà có phê phán tại sao những giá trị ấy đang tồn tại. Các nhà xã hội học áp dụng mô hình này, nhất là những ai chịu ảnh hưởng của Karl Marx, lập luận rằng giá trị bản thân chúng do các yếu tố văn hóa khác định hình - nhất là hệ thống sản xuất của một nền văn hóa. Theo nghĩa này, mô hình mâu thuẫn xã hội liên quan đến học thuyết chủ nghĩa duy vật triết học. . Mô hình duy vật này tương phản với thuyết duy tâm của mô hình cấu trúc chức năng. Mô hình mâu thuẫn xã hội có ưu điểm là cho thấy một hệ thống văn hóa không đề cập đến nhu cầu của các thành viên một cách bình đẳng với nhau và cho thấy các yếu tố văn hóa dùng để duy trì sự thống trị của nhóm người này đối với nhóm người khác. Một hậu quả của sự bất bình đẳng này là hệ thống văn hóa tạo ra tác động thúc đẩy sự thay đổi. Hạn chế của mô hình mâu thuẫn xã hội là nhấn mạnh đến sự chia rẽ văn hóa, ít chú ý đến các biện pháp trong đó mô hình văn hóa hợp nhất mọi thành viên trong xã hội. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc áp dụng cả hai mô hình mâu thuẫn xã hội và cấu trúc chức năng để hiểu biết văn hóa đầy đủ hơn .
Ngoài ra còn có hai mô hình lý thuyết khác được sử dụng để phân tích văn hóa trong đó nhấn mạnh văn hóa được hình thành trong thế giới tự nhiên vì thế được gọi là phân tích văn hóa theo chủ nghĩa tự nhiên:
* Mô hình sinh thái học văn hóa: mô hình này tìm hiểu mối tương quan giữa văn hóa và môi trường tự nhiên, một bổ sung cho cái mà mô hình mâu thuẫn xã hội cũng như cấu trúc chức năng ít coi trọng. Nó đưa ra các liên kết giữa những mẫu văn hóa với giới hạn mà con người gặp phải trong môi trường tự nhiên ví dụ như đặc điểm khí hậu, tính khả dụng của nước, lương thực và các tài nguyên thiên nhiên khác. Tuy vậy mô hình có hạn chế ở chỗ môi trường tự nhiên hiếm khi định hình các mẫu văn hóa một cách trực tiếp mà văn hóa và tự nhiên tương tác với nhau. Mặt khác, các yếu tố văn hóa liên kết với tự nhiên một cách rất không đồng đều về mức độ.
* Mô hình sinh vật xã hội học: là mô hình lý thuyết tìm cách giải thích các mẫu văn hóa như là kết quả của các nguyên nhân sinh học. Mô hình này được phát triển trên cơ sở thuyết tiến hóa của Charles Darwin áp dụng cho loài người. Mặc dù mô hình này có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc về cội nguồn sinh học của một số mẫu văn hóa, nhất là tính phổ biến văn hóa nhưng nó hiện nay nó đang bị hoài nghi và gây ra nhiều tranh cãi. Trong lịch sử, thực tế sinh học đã bị lạm dụng để biện minh cho việc một chủng tộc nào đó phải được đặt ở vị trí cao hơn trong xã hội như Đức Quốc xã đã làm. Chính vì thế mô hình sinh vật học xã hội bị hoài nghi sẽ dẫn đến việc thực hiện điều tương tự. Ngoài ra mô hình này cũng dễ dẫn đến những thành kiến về giới tính mặc dù thành kiến về giới tính không chỉ dựa trên sự khác nhau sinh học giữa nam và nữ mà đúng hơn là dựa trên sự khẳng định rằng nam dù sao đi nữa cũng tốt hơn hay có giá trị hơn nữ.