Mẹ Teresa – “Vị thánh của những người khốn cùng”
Nguồn: 100 Leaders (truy cập ngày 29/7/2015) Biên dịch & Hiệu đính : Phạm Hồng Anh Là một nữ tu Công giáo, Mẹ Teresa (1910-1997) đã cống hiến cả đời mình nỗ lực vì người nghèo trên khắp thế giới. Bà sống giữa những con người bần cùng để có thể chăm sóc họ tốt hơn. Bà khởi đầu một ...
Nguồn: 100 Leaders (truy cập ngày 29/7/2015)
Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh
Là một nữ tu Công giáo, Mẹ Teresa (1910-1997) đã cống hiến cả đời mình nỗ lực vì người nghèo trên khắp thế giới. Bà sống giữa những con người bần cùng để có thể chăm sóc họ tốt hơn. Bà khởi đầu một dòng tu mới – Dòng Thừa sai bác ái (the Missionaries of Charity). Bà xây dựng các cô nhi viện, trường học và nhà ở cho người già và người bệnh giai đoạn cuối. Những việc làm của bà thu hút sự quan tâm của toàn thế giới và bà được trao giải Nobel Hòa bình. Mẹ Teresa cũng thành lập nhiều tổ chức để giúp đỡ con người ở khắp các lục địa.
Ở tuổi 18, Agnes Bojaxhiu rời khỏi Skopje, Macedonia để trở thành một nữ tu Công giáo. Bà tới Ấn Độ và lấy tên là Mẹ Teresa sau khi hoàn thành tu tập. Bà ở lại Ấn Độ để giảng dạy, tuy nhiên đến tháng 9/1946, bà quyết tâm sẽ dành cả cuộc đời mình để chăm sóc cho những người nghèo nhất Ấn Độ.
Năm 1948 bà chuyển tới sống ở khu ổ chuột tại Calcutta (Ấn Độ) để giúp đỡ người nghèo. Trong vòng hai năm, bà đã sáng lập một dòng tu mới – Dòng Thừa sai bác ái – bao gồm những nữ tu muốn giúp đỡ người nghèo và mắc bệnh ở Calcutta.
Ở khu ổ chuột này, Mẹ Teresa đã xây dựng một trường học ngoài trời, một nơi ở cho những người sắp chết, và một mái nhà cho trẻ mồ côi. Khi căn bệnh phong lan rộng ở Ấn Độ, bà đã thành lập những phòng khám bệnh phong lưu động để cung cấp thuốc men và băng gạc cho mọi người. Về sau bà xây dựng một trại riêng dành cho những người bị bệnh phong.
Đầu thập niên 1960, Mẹ Teresa được cấp phép mở những tu viện khác ở Ấn Độ. Năm 1965 bà mở một tu viện của Dòng Thừa sai bác ái ở Venezuela. Sau đó các tu viện ở Rome và Tanzania được xây dựng, rồi dần dần xuất hiện khắp các châu lục.
Những việc làm của Mẹ Teresa được ghi nhận và bà được trao giải Nobel Hòa bình năm 1979. Năm 1985, bà phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Liên Hiệp Quốc. Trong thời gian ở New York, bà mở một ngôi nhà tình thương cho các bệnh nhân AIDS.
Bà qua đời khi Dòng Thừa sai bác ái có 400 phụ nữ tham gia, hơn 610 cơ sở truyền giáo tại 123 quốc gia đã được xây dựng để giúp đỡ người nghèo, người bệnh và người già. Hai năm sau khi bà mất, Nhà thờ Công giáo bắt đầu các bước để phong thánh cho Mẹ Teresa.