22/06/2018, 09:32

Benazir Bhutto – Nữ thủ tướng đầu tiên của Pakistan

Nguồn: 100 Leaders (truy cập ngày 18/7/2015) Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh Sau khi hoàn thành việc học tại Mỹ và Anh, Benazir Bhutto nối bước cha mình lãnh đạo đất nước Pakistan. Trong thời kỳ Pakistan còn bị cai trị dưới chế độ độc tài quân sự, bà đã kêu gọi thành lập một ...

131126155012-01-benazir-bhutto-horizontal-large-gallery

Nguồn: 100 Leaders (truy cập ngày 18/7/2015)

Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Sau khi hoàn thành việc học tại Mỹ và Anh, Benazir Bhutto nối bước cha mình lãnh đạo đất nước Pakistan. Trong thời kỳ Pakistan còn bị cai trị dưới chế độ độc tài quân sự, bà đã kêu gọi thành lập một chính phủ được bầu cử dân chủ. Năm 1988, bà trở thành một trong những nguyên thủ quốc gia trẻ nhất khi được bầu làm thủ tướng Pakistan. Bà là biểu tượng cho nhân quyền cũng như sự bình đẳng ở Pakistan và các nước Hồi giáo khác. Bất chấp những đe dọa về mạng sống, bà dũng cảm quay trở lại Pakistan vào năm 2007. Sau khi bị ám sát, bà tiếp tục là biểu tượng cho những người Pakistan đang hướng đến nền dân chủ.

Benazir Bhutto rời Pakistan để theo học các trường Đại học Radcliff, Harvard và Oxford. Năm 1977, bà trở lại Pakistan khi cha bà – Zulifikar Ali Bhutto, thủ tướng Pakistan – bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự do Zia ul-Haq cầm đầu. Benazir bị cầm tù một thời gian ngắn.

Năm 1979 chính quyền độc tài quân sự treo cổ cha bà. Benazir bị giam lỏng, nhưng tới năm 1984 bà được phép rời khỏi đất nước. Bà chuyển tới London và trở thành nhân vật chủ chốt của Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) – được thành lập để chống lại chính quyền quân sự.

Tháng 4/1986, Bhutto trở lại Pakistan và nhận được sự ủng hộ to lớn của rất nhiều người. Bà kêu gọi chấm dứt chế độ độc tài quân sự. Đến năm 1988, các cuộc bầu cử tự do cuối cùng cũng được tổ chức và đảng PPP giành chiến thắng. Ở tuổi 35, Bhutto là thủ tướng nữ đầu tiên của một đất nước Hồi giáo và là một trong những nguyên thủ quốc gia trẻ nhất trên thế giới.

Phía quân đội và những người theo đạo Hồi chính thống phản đối bà do họ không tin rằng một người phụ nữ có thể lãnh đạo một đất nước. Bất chấp điều này, Benazir Bhutto chủ trương hiện đại hóa Pakistan và xây dựng một chính phủ dân chủ. Bà đề xuất tăng quyền lợi cho phụ nữ, và kêu gọi thúc đẩy công nghiệp hóa ở Pakistan. Bà đưa điện đến nhiều ngôi làng và xây trường học khắp đất nước.

Năm 1990, Bhutto bị bãi nhiệm, nhưng bà lại đắc cử vào năm 1993. Năm 1996 bà lại bị bãi nhiệm một lần nữa khi chính quyền do quân đội đứng đầu tiếm quyền và quy cho bà tội danh tham nhũng. Bhutto phải rời khỏi đất nước. Năm 2007, bà trở lại Pakistan và nhận được nhiều sự ủng hộ trong cuộc đua giành ghế thủ tướng. Tuy nhiên, không lâu sau khi tham gia một buổi gặp gỡ vận động bầu cử, bà bị ám sát.

Đảng PPP mà bà xây dựng đang là nhân tố chủ chốt của chính phủ Pakistan hiện nay.

0