MÂU HY UNG (1546 – 1627)
Mâu Hi Ung, tự Trọng Thuần, hiệu Mộ Đài, người Thương Thục (nay là Giang Tô, Thường Thục), sau dời về ở Kim Đàn, là danh y cuối đời Minh. Ông vốn con nhà thư hương, giỏi thi văn, người hào sảng, trọng khí tiết không thích làm quan. Ông thuở nhỏ nhiều bệnh, năm 17 tuổi bệnh sốt rét, trị lâu không ...
Mâu Hi Ung, tự Trọng Thuần, hiệu Mộ Đài, người Thương Thục (nay là Giang Tô, Thường Thục), sau dời về ở Kim Đàn, là danh y cuối đời Minh. Ông vốn con nhà thư hương, giỏi thi văn, người hào sảng, trọng khí tiết không thích làm quan. Ông thuở nhỏ nhiều bệnh, năm 17 tuổi bệnh sốt rét, trị lâu không khỏi; sau ông tự tra tìm trong sách thuốc, tự chữa trị hết bệnh. Từ đó ông ham thích phương thuật (phép trị bệnh đặc biệt), quyết chí thành một thầy thuốc giỏi cứu dân cứu đời (tế thế cứu dân). Tuổi thành niên về sau, ông bắt đầu chọn nghề làm thầy thuốc chu du khắp nơi, từng đi qua Tam Ngô, đất Mân, Tề, Lỗ, Yên, Triệu, các tỉnh Giang Tây, Hồ Bắc, Hồ Nam, đến đâu sống ở đó, tự xưng là Ngụ công. Khi đến nơi nào, một mặt trị bệnh cho người, một mặt tìm thầy hỏi bạn, hiểu biết thêm về thuốc và phương thuốc. Ông nhận xét rằng con người ở đời không thể chỉ lo cho mình thôi, mà còn phải giúp ích cho người, bèn ‘sưu tập các toa thuốc, học hỏi sâu cách dùng thuốc, sao chép lại để giúp đời’. Ông bình sinh không phục vụ bậc vương, hầu, nhưng thích giao du với đạo sĩ, thầy tăng, tiều phu, thợ săn, hỏi họ được không ít bí phương bí truyền (toa thuốc gia truyền). Ông cũng thích bái yết một số y gia có chân tài thực học để học hỏi thêm làm sáng tỏ y đạo. Năm 1579, khi ông đến Nam Kinh thì bái yết Vương Khẳng Đường,
y học gia trứ danh đương thời, phát biểu những kiến giải tinh sâu khiến họ Vương rất lấy làm kinh ngạc. Về sau, trong sách ‘Linh Lan Yếu Lãm’ của mình, Vương có thuật lại tình cảnh của lần tương kiến này. Mối quan hệ giữa Hi Ung và người trong đảng Đông Lâm cũng rất mật thiết. Vương Thiệu Huy của nhóm hoạn quan Ngụy Trung Hiền ghi trong danh sách ‘hắc danh’ (tên bí mật) ‘Điểm tướng lục’ (phỏng theo truyện Thủy Hứ xếp thứ tự 108 anh hùng mà xếp ngôi của đảng Đông Lâm) thì Hi Ung được xếp ở vị trí thuốc thần y An Đạo Toàn. Y thuật của ông tinh thâm, nghiên cứu tính năng của dược vật đặc biệt tinh tế, nên ông ra toa dùng thuốc linh hoạt và có tính sáng tạo độc đáo. Ngươi ta nói ông dùng thuốc như thần. Năm 1621, tác giả của sách ‘Dũng Xung Tiểu Phẩm’ là Chu Quốc Trinh mắc bệnh hoành cách mô, hông ngục đau nhức, trên dưới như đút làm hai không chịu nổi, mời ông đến chẩn trị. Ông chỉ dùng Tô tử 5 chỉ, trị khỏi. Ông chuyên trị nhanh những bệnh khó, nguy; bệnh tuy nguy nhưng trị thì một lần đã khỏi. Ông thường nói: ‘Tôi xem mạch và chứng ra toa, không dùng toa thử bệnh’. Đương thời, rất nhiều người góp nhặt toa thuốc của ông, truyền cho nhau dùng thử, phần nhiều đều hiệu nghiệm.
Sách của ông trước tác, chủ yếu có ‘Thần Nông Bản Thảo Kinh Sơ’, ‘Tiên Tỉnh Trai
Bút Ký’ (về sau đính chính bổ sung có tên ‘Tiên Tỉnh Trai Y Học Quảng Bút Ký’) đều là sách ghi chép những điều tâm đắc của ông về kinh nghiệm trị liệu và nghiên cứu dược vật, được lưu truyền rất rộng. [ Sách ‘Tứ khố toàn thủ tổng mục đề yếu bình luận như sau: Mâu Hi Ung và Trương Giới Tân là người cùng thời; Giới Tân giữ pháp độ, còn Hi Ung lại hay linh hoạt, Giới Tân chuộng ôn bổ, còn Hi Ung hay dùng hàn lương, cũng giống như dòng nước trong sông, ai có đường lối nấy, nhung mỗi người có chỗ được việc của mình. Do đó cũng có thể thấy được đặc điểm học thuật của ông.
Ông sống hơn 80 tuổi.