Lý do các hoàng đế La Mã bị ám sát
Hạn hán kéo theo đói kém có thể thôi thúc các lực lượng quân đội nổi dậy đảo chính, ám sát và lật đổ hoàng đế La Mã. Trong hơn 500 năm đế quốc La Mã tồn tại, khoảng 20% trong tổng số 82 hoàng đế bị ám sát khi đang nắm quyền. Nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của họ có thể là mưa, theo nghiên cứu ...
Hạn hán kéo theo đói kém có thể thôi thúc các lực lượng quân đội nổi dậy đảo chính, ám sát và lật đổ hoàng đế La Mã.
Trong hơn 500 năm đế quốc La Mã tồn tại, khoảng 20% trong tổng số 82 hoàng đế bị ám sát khi đang nắm quyền. Nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của họ có thể là mưa, theo nghiên cứu đăng trên số tháng 10 của tạp chí Economics Letters.
Tượng bán thân của các hoàng đế La Mã. (Ảnh: iStock).
Các nhà nghiên cứu suy đoán khi lượng mưa thấp, quân đội La Mã sẽ chết đói do phụ thuộc vào nước mưa để tưới tiêu ruộng đồng do nông dân địa phương gieo trồng. “Điều đó sẽ thúc đẩy họ bước qua ranh giới và nổi loạn. Chính cuộc nổi loạn đó khiến thế lực ủng hộ hoàng đế sụp đổ và làm hoàng đế dễ bị ám sát hơn”, Live Science dẫn lời trưởng nhóm nghiên cứu Cornelius Christian, trợ lý giáo sư ngành kinh tế ở Đại học Brock, Ontario, Canada.
Christian phát hiện điều này thông qua sử dụng dữ liệu thời tiết cổ đại từ một nghiên cứu xuất bản năm 2011 trên tạp chí Science. Trong nghiên cứu đó, các nhà khoa học phân tích hàng nghìn vòng cây hóa thạch ở Pháp và Đức, sau đó tính toán lượng mưa vào mỗi mùa xuân trong 2.500 năm qua. Khu vực này nằm trên biên giới của đế quốc La Mã, nơi quân đội đóng quân.
Tiếp theo, Christian thu thập dữ liệu về các cuộc đảo chính và ám sát hoàng đế ở La Mã cổ đại. Ông lập công thức tính toán và nhận thấy “lượng mưa thấp hơn đồng nghĩa với khả năng các vụ ám sát sắp xảy ra cao hơn bởi lượng mưa thấp kéo theo ít thức ăn”.
Ví dụ, hoàng đế Vitellius bị ám sát vào năm 69, sau một năm ít mưa ở biên giới La Mã. "Vitellius được quân đội của ông đưa lên làm hoàng đế. Không may là năm đó trời mưa ít và Vitellius hoàn toàn bất ngờ. Quân đội của ông nổi dậy và cuối cùng, Vitellius bị ám sát ở Rome", Christian nói.
Tuy nhiên, nhiều nhân tố có thể góp phần dẫn tới vụ ám sát. Chẳng hạn như hoàng đế Commodus bị ám sát năm 192 một phần do quân đội bực bội khi ông lạm quyền, bao gồm buộc các đấu sĩ phải nhận thua trước hoàng đế ở đấu trường La Mã. "Chúng tôi không cố gắng khẳng định lượng mưa là cách giải thích tốt nhất cho tất cả các vụ ám sát. Đó chỉ là một trong nhiều yếu tố có thể khiến điều này xảy ra", Christian chia sẻ.