Bài 25 – Viết đoạn văn trình bày luận điểm
Bài 25 – Viết đoạn văn trình bày luận điểm Hướng dẫn I. TRÌNH BÀY LUẬN ĐIỂM THÀNH MỘT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN 1. Đọc các đoạn văn a, b và trả lời câu hỏi: Đâu là câu chủ đề trong mỗi đoạn văn? Vị trí của chúng trong đoạn văn? Trả lời: Ở đoạn a, câu chủ đề là câu cuối của đoạn văn: ...
Bài 25 – Viết đoạn văn trình bày luận điểm
Hướng dẫn
I. TRÌNH BÀY LUẬN ĐIỂM THÀNH MỘT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN
1. Đọc các đoạn văn a, b và trả lời câu hỏi: Đâu là câu chủ đề trong mỗi đoạn văn? Vị trí của chúng trong đoạn văn?
Trả lời:
Ở đoạn a, câu chủ đề là câu cuối của đoạn văn:
(Thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương) “thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đắt nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.
Ở đoạn b, câu chủ đề là câu đầu của đoạn văn:
“Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ngày trước”.
– Trong hai đoạn văn trên, đoạn nào viết theo phép diễn dịch, đoạn nào viết theo phép quy nạp? Phân tích phép diễn dịch và quy nạp trong mỗi đoạn.
Trả lời: Đoạn a được viết theo phép quy nạp tức là nêu các luận cứ trước để sau cùng quy tụ vào câu chủ đề thể hiện luận điểm của đoạn văn.
Đoạn b được viết theo lối diễn dịch, tức là câu chủ đề thể hiện luận điểm được nêu ra trước rồi từ đó các luận cứ được triển khai thêm để làm sáng tỏ luận điểm.
2. Đọc đoạn văn của Nguyễn Tuân viết về tác phẩm Tắt đèn.
Trả lời câu hỏi:
a) Lập luận là gì? Tìm luận điểm và cách lập luận trong đoạn văn trên.
Trả lời:
Lập luận là đưa ra luận cứ nhằm dẫn dắt người nghe, người đọc đến một kết luận, hay chấp nhận một kết luận mà trong đó người viết muốn thể hiện tư tưởng, quan điểm của mình.
Luận điểm trong đoạn văn trên là: “Cho thằng nhà giàu rước chó vào nhà, nó mới càng hiện chất chó đểu của giai cấp nó ra”.
Đoạn văn này được lập luận theo cách tương phản.
b) Cách lập luận trong đoạn văn trên có làm cho luận điểm trở nên sáng tỏ, chính xác và có sức thuyết phục mạnh mẽ không?
Trả lời:
Cách lập luận trong đoạn văn trên làm cho luận điểm thêm sáng tỏ, chính xác và có sức thuyết phục mạnh mẽ vì các luận cứ đều chính xác, chân thực, đầy đủ và chúng được sắp xếp theo trình tự hợp lí.
c) Em có nhận xét gì về việc sắp xếp các ý trong đoạn văn vừa dẫn?
Trả lời: Các ý trong đoạn văn này được sắp xếp theo dụng ý làm nổi bật tính chó má của vợ chồng Nghị Quế, vì thế tác giả mới đưa ra nhận xét về sự yêu thích gia súc của vợ chồng Nghị Quế, rồi mới nói đến chuyện vợ chồng hắn giở giọng chó má ngay ra với mẹ con chị Dậu. Hiệu quả của đoạn văn sẽ kém hẳn đi nếu ta đảo lại vị trí của hai ý trên.
d) Trong đoạn văn, những cụm từ “chuyện chó con, giọng chó má, thằng nhà giàu rước chó vào nhà, chất chó đểu của giai cấp nó” được xếp cạnh nhau. Cách viết ấy có làm cho sự trình bày luận điểm thêm chặt chẽ và hấp dẫn không? Vì sao?
Trả lời: Trong đoạn văn trên, các cụm từ chuyện chó con, giọng chó má, thằng nhà giàu rước chó vào nhà, chất chó đểu của giai cấp nó được sắp xếp cạnh nhau càng làm cho sự trình bày luận điểm thêm chặt chẽ, thêm sức thuyết phục và thêm hấp dẫn vì các cụm từ này đều góp phần thể hiện rõ tư tưởng, quan điểm của người viết, các từ này càng làm nổi bật tính cách xấu xa của vợ chồng Nghị Quế.
II. LUYỆN TẬP
1. Đọc hai câu a và b và diễn đạt mỗi câu thành một luận điểm ngắn, gọn, rõ.
Trả lời: Có thể viết mỗi câu thành luận điểm như sau:
a) Trước hết, cần tránh lối viết dài dòng, khó hiểu;
b) Nguyên Hồng thích truyền nghề cho bạn viết trẻ.
2. Đoạn văn sau đây trình bày luận điểm nào và sử dụng các luận cứ nào? Hãy nhận xét về cách sắp xếp luận cứ và cách diễn đạt của đoạn văn.
Đọc đoạn văn của Hoài Thanh viết về nhà thơ Tế Hanh trong SGK Ngữ văn 8 tập hai.
Trả lời câu hỏi:
Đoạn văn trên trình bày luận điểm: “Tôi thấy Tế Hanh là một người tinh lắm”.
Trong đoạn văn có hai luận cứ:
– Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương;
– Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi thường ta chỉ thấy một cách mờ mờ, cái thế giới những tình cảm ta đã âm thầm trao cho cảnh vật.
3. Viết các đoạn văn ngắn triển khai ý các luận điểm sau:
a) Học phải kết hợp làm bài tập mới hiểu bài.
Đoạn văn cần viết: Học phải biết kết hợp làm bài tập mới hiểu bài. Đúng vậy, vì học chủ yếu là để nắm vững các kiến thức khoa học về mặt lí thuyết. Ta cần phải làm nhiều, làm tốt các bài tập mới có thể biết cách vận dụng các lí thuyết đó vào việc tính toán, lí giải vấn đề và nhờ đó mà hiểu sâu lí thuyết, nắm vững lí thuyết hơn.
b) Học vẹt không phát triển được năng lực suy nghĩ.
Đoạn văn cần viết: Muốn tiếp thu tốt các bài học, mỗi học sinh, ngoài việc chú tâm nghe các thầy, các cô giảng dạy còn phải tự mình suy nghĩ, tìm hiểu, tìm tòi nghiên cứu về các khía cạnh trong bài học. Chỉ có như thế chúng ta mới thực sự làm chủ được kiến thức, biến các kiến thức trong sách vở, trong bài học thành cái vốn trí tuệ của chính mình. Bởi lẽ đó, học vẹt, một lối học máy móc, thụ động, thiếu phát huy phần năng động chủ quan, là lối học không phát huy được năng lực suy nghĩ.
Để làm sáng tỏ luận điểm “Văn giải thích cần phải viết cho dễ hiểu” em sẽ đưa ra các luận cứ nào? Chúng cần được sắp xếp theo trình tự nào để tăng hiệu quả thuyết phục của đoạn văn?
Trả lời:
– Để làm sáng tỏ luận điểm “Văn giải thích cần phải viết cho dễ hiểu”, ta có thể đưa ra các luận cứ sau:
Văn giải thích có mục đích là giúp cho người đọc hiểu được một khái niệm khó hoặc một vấn đề phức tạp;
Vì thế nếu viết văn giải thích mà quá ư cầu kì, rắc rốì, khó hiểu thì làm cho người đọc chỉ thấy rắc rối thêm, khó hiểu thêm;
Nên chọn cách viết giản dị, dễ hiểu. Đó là cách tốt nhất để người viết đạt được mục đích của mình, tức là giúp cho người đọc dễ dàng nắm bắt vấn đề.
– Cách sắp xếp các luận cứ theo trình tự trên là hợp lí.
Mai Thu