Louis Aragon (3/10/1897–24/12/1982), nhà sử học, nhà thơ và nhà văn người Pháp, từng là một thành viên của viện Goncourt. Ông sinh và mất ở Paris.
Là nhà thơ, nhà tiểu thuyết Pháp nổi tiếng thế giới, là một trong những cánh chim đại bàng của văn học thế kỷ XX, người chiến sĩ luôn dâng hiến trái tim chân thành cho tự do, hòa bình của nhân loại. Ông có một tuổi thơ đầy sóng gió, bất hạnh. Mãi tới năm 1942, trước khi qua đời, mẹ ông mới cho ông biết cha ông là ai, vì người cha đã trốn trách nhiệm không thừa nhận vợ con. Năm 1917 khi đang học Đại học Y khoa thì ông bị gọi nhập ngũ để phục vụ cho Chiến tranh thế giới lần thứ I (1914-1918). Năm 1919 ra quân, năm 1927 ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, và tới năm 1939 một lần nữa ông lại khoác áo lính vì Chiến tranh Thế giới lần thứ II nổ ra (1939-1945).
Bước ngoặt tư tưởng lớn nhất trong đời ông là từ khi gặp Elsa Triolé năm 1928, một phụ nữ Nga, nhà văn gốc Do thái sang cư trú ở Pháp, và đã trở thành người bạn đời thủy chung của ông. Chính nhà thơ Maiacopski và Elsa (em vợ nhà thơ) đã góp phần xua đi tư tưởng bi quan của Aragon ở thời kỳ đầu , đưa ông đến với lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga để ông từ bỏ “chủ nghĩa đa đa”, “chủ nghĩa siêu thực”, chuyển sang “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Ông tích cực hoạt động xã hội, tham gia kháng chiến chống phát xít Đức đang đóng trên đất Pháp, lên án chủ nghĩa đế quốc, kêu gọi thế giới hòa bình. Ông là người luôn bộc lộ trái tim chân thành, tin vào lý tưởng đã chọn, cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo vệ hòa bình của nhân dân Pháp và thế giới. Vì thế khi tròn 60 tuổi (1957), ông đã được trao giải thưởng “Hòa bình quốc tế Lenin” - một phần thưởng rất cao quý. Năm 1972, nhân kỷ niệm Aragon 75 tuổi, ông được Chính phủ Liên Xô tặng thưởng Huân chương Cách mạng Tháng Mười. Ông mất ngày 24-12-1982 tại Paris.
Aragon đến với tiểu thuyết sớm hơn thơ. Khi chưa đầy 10 tuổi, ông đã viết những “tiểu thuyết nho nhỏ”, mỗi cuốn khoảng mươi, mười lăm trang nhưng cũng chia thành các chương, mục. Nay chỉ còn cuốn “Tâm hồn tuyệt vời biết bao” viết năm 1903, tặng mẹ. Về sau, ông cho ra đời nhiều tiểu thuyết nổi tiếng như: “Những khu phố đẹp” (1936), “Những hành khách trên xe” (1943), “Những người cộng sản” (1949-1951), “Tuần lễ thánh” (1958)... Mỗi cuốn tiểu thuyết đã đánh dấu một bước đổi mới về nghệ thuật của Aragon khiến giới phê bình phải ngạc nhiên trước kỳ tài của người nghệ sĩ.
Tuy đến với thơ hơi muộn, nhưng ông cũng đã để lại một khối lượng thơ khá đồ sộ với các tập: “Lửa vui” (1920 - theo chủ nghĩa siêu thực). Sau khi cùng vợ sang dự Hôi nghị các Nhà văn cách mạng ở Kharcov (Liên Xô), trở về ông viết tập “Mặt trời đỏ” (1930) và “Hoan hô Uran!” (1934) với lời thơ hùng hồn, tin tưởng tuyệt đối vào cách mạng vô sản và Liên Xô. Tiếp theo là các tập “Nát lòng” (1941), “Đôi mắt Elsa” (1942), “Anh chàng say đắm Elsa” (1963). Riêng tập thơ “Cuốn tiểu thuyết chưa hoàn thành” (1956) được nhà phê bình văn học M. Alighe nhận xét “là một tác phẩm thơ ca hay nhất châu Âu thế kỷ XX”. Thơ ông là cả một “Vườn thơ Elsa” với đề tài đa dạng, âm điệu phong phú. Ông ngợi ca lý tưởng, Tổ quốc và nhân dân, và có những câu thơ sôi sục căm thù quân giặc.
Thơ Aragon không có các loại dấu chấm câu, và cách ngắt dòng rất linh hoạt, tự do, không theo khuôn phép nào cả. Ông có những câu thơ dài tới mươi dòng hoặc nửa trang. Ông muốn xóa khoảng cách giữa thơ và văn xuôi, thích viết dài để bộc lộ hết xúc cảm trào tuôn. Đó là mặt mạnh và cũng là mặt hạn chế của thơ ông. Thơ Aragon rất giàu nhạc điệu nên nhiều bài đã được các nhạc sĩ Pháp và thế giới phổ nhạc. Bài hát “Tự nguyện” của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh, trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” của học sinh, sinh viên Sài Gòn xuống đường đấu tranh trước 1975, cũng xuất phát từ ý thơ Aragon: “Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng/ Nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương/ Nếu là mây tôi sẽ là một vầng mây ấm/ Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương”.
Aragon là người bạn tốt của nhân dân Việt Nam. Khi hoạt động cách mạng ở Paris Bác Hồ rất thích thơ Aragon, coi ông như người bạn thân của mình. Ở Việt Nam, nhà thơ Tố Hữu là người dịch thơ Aragon đầu tiên từ tiếng Pháp ra tiếng Việt. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân ta, Aragon đã đi nhiều nơi trên thế giới đọc thơ ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng của nhân dân Việt Nam, phản đối chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Là nhà thơ lỗi lạc của nhân dân Pháp, tài năng và sự nghiệp của ông còn là của nhân loại tiến bộ. Ông là một trong những nhà thơ ca ngợi hòa bình, ca ngợi đoàn kết nhân loại, và phản đối chiến tranh đế quốc mạnh nhất thế giới.
LÊ XUÂN
(Nguồn:
- “Tự điển văn học”, tập 1, NXB Khoa học - Xã hội, Hà Nội, 1983.
- “Thơ Louis Aragon”, NXB Văn học, Hà Nội, 1980.
- “Giáo trình Đại học sư phạm”, tập 3, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1978.)
Louis Aragon (3/10/1897–24/12/1982), nhà sử học, nhà thơ và nhà văn người Pháp, từng là một thành viên của viện Goncourt. Ông sinh và mất ở Paris.
Là nhà thơ, nhà tiểu thuyết Pháp nổi tiếng thế giới, là một trong những cánh chim đại bàng của văn học thế kỷ XX, người chiến sĩ luôn dâng hiến trái tim chân thành cho tự do, hòa bình của nhân loại. Ông có một tuổi thơ đầy sóng gió, bất hạnh. Mãi tới năm 1942, trước khi qua đời, mẹ ông mới cho ông biết cha ông là ai, vì người cha đã trốn trách nhiệm không thừa nhận vợ con. Năm 1917 khi đang học Đại học Y khoa thì ông bị gọi nhập ngũ để phục vụ cho Chiến tranh thế giới lần thứ I (1914-1918). Năm 1919 ra quân, năm 1927 ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, và tới năm 1939 một lần nữa ông lại khoác áo lính vì Chiến tranh Thế giới lần thứ II nổ ra (19…