31/05/2017, 13:12

Lao xao ngữ văn 6

Đề bài: Lao xao ngữ văn 6. Tổng hợp những bài văn viết về cảm nhận, cảm nghĩ, suy nghĩ, phân tình hình ảnh sắc vườn quê qua đoạn văn hoạt cảnh trong bài Lao Xao của Duy Khán! I. ĐỀ LUYỆN TẬP Đề 1. Đọc diễn cảm bài "Lao xao" của Duy Khán. Em hãy chép đúng, đẹp ...

Đề bài: Lao xao ngữ văn 6. Tổng hợp những bài văn viết về cảm nhận, cảm nghĩ, suy nghĩ, phân tình hình ảnh sắc vườn quê qua đoạn văn hoạt cảnh trong bài Lao Xao của Duy Khán!

 

I.   ĐỀ LUYỆN TẬP

 

Đề 1. Đọc diễn cảm bài "Lao xao" của Duy Khán. Em hãy chép đúng, đẹp một số câu văn có hình ảnh so sánh đặc sắc.

Đề 2. Cảm nhận của em về cảnh sắc vườn quê chớm hè được Duy Khán nói đến trong bài "Lao xao".

Đề 3. Cuộc chiến giữa đàn chèo bẻo và chim cắt là một đoạn văn tả hoạt cảnh trong bài "Lao xao" của Duy Khán. Phân tích và nêu cảm nghĩ của em.

 

II.  BÀI VĂN TỰ LUẬN

Đề 1. Đọc diễn cảm bài "Lao xao" của Duy Khán. Em hãy chép đúng, đẹp một số câu văn có hình ảnh so sánh đặc sắc.

Bài làm

“Lao xao” là một bài văn tả cảnh làng quê khi chớm hè. Cây cỏ, hoa lá, chim muông được Duy Khán nói đến rất đậm đà, ý vị. Một lối viết hồn nhiên, ngộ nghĩnh. Một số hình ảnh so sánh khá đặc sắc, độc đáo, giàu chất thơ. Đây là một số câu văn, đoạn văn có hình ảnh so sánh mà em rất thích:

-     Hoa móng rồng bụ bẫm thơm như múi mít chín ở gócvườn ông Tuyên.

-     Cả làngcó mỗi cây tu hú ở vườn ông Tân. Tu hú đỗ ngọn cây tu hú mà kêu. Quả chín đỏ, đầy ụ như mâm xôi gấc. Tiếng tu hú hiếm hoi; quả hết nó bay đi đâu biệt.

-     Ngườita nói chèo bẻo là kẻ cắp. Kẻ cắp hôm nay gặp gà già. Nhưng từ đây tôi lại quý chèo bẻo. Ngày mùa, chúngthức suốt đêm. Mới tờ mờ đất nó đã cất tiếnggọi người. "Chè cheo chét"... Chúng nó trị ké ác. Thì ra, người có tội khi trở thành người tốt thì tốt lắm.

-     Cùng họ với diều hâu là quạ: quạ đen, quạ khoang. Lia lia láu láu như quạ dòm chuồng lợn. Khôngbắt được là gà con, không ăn trộm được trứng - nó vào chuồng lợn...

-     Chim cắt cánh nhọn như dao bầu chọc tiết lợn. Bao nhiêu con bồ câu của nhà chú Chàng đã bị chim cắt xỉa chết. Khi đánh nhau, cắt chỉ xỉa bằng cánh. Chúng là loài quỷ đen, vụt đến, vụt biến...

 

Đề 2. Cảm nhận của em về cảnh sắc vườn quê chớm hè được Duy Khán nói đến trong bài "Lao xao".

Bài làm 

Trong những truyện viết về thiếu nhi, viết cho thiếu nhi, "Tuổi thơ im lặng" của Duy Khán là một tác phẩm đặc sắc. Kỉ niệm tuổi thơ, cảnh sắc làng quê, cuộc sống và hình ảnh con người hồn hậu, chất phác nơi xóm thôn... được tác giả kể lại với bao tình quê vơi đầy. Quê hương ông tuy còn nghèo khó, bà con còn lam lũ vất vả, nhưng giàu sức sống bền bỉ và mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của vùng Kinh Bắc, của miền quê sông Cầu, sông Thương rất đáng yêu.

Văn của Duy Khán rất hồn nhiên, hóm hỉnh. Có lúc ông chợt nhớ rồi lặng lẽ bâng khuâng. Kí ức tuổi thơ như những đốm lửa lập lòe trong tâm hồn ông. Bài "Lao xao" trích trong "Tuổi thơ im lặng" nói về vườn quê chớm hè và thế giới loài chim trong bầu trời và tâm hồn bầy trẻ nhỏ. Màu sắc, âm thanh nơi làng quê cứ lao xao mãi trong lòng mỗi chúng ta.

Vườn quê chớm hè là một bức tranh màu, bức tranh lụa về đồng quê.

"Giời chớm hè"như đem lại vẻ đẹp và sức sống mạnh mẽ cho vườn quê. "Cây cối um tùm. Cả làng thơm". Chỉ 2 câu văn ngắn 7 chữ mà Duy Khán gợi lên một thế giới màu xanh và hương hoa của cây trái. Mỗi loài hoa có một nét đẹp riêng, một "tiếng nói" riêng. Là sắc "trắng xóa" của hoa lan nở. Là dáng "bụ bẫm" của hoa móng rồng "thơm như mùi mít chín...". Là vẻ xinh xinh "mảnh dẻ" của chùm hoa giẻ. Hương hoa của vườn hè như gọi ong bướm bay về. Vì sinh tồn, và tranh giành hơn thua, bầy ong 'đánh lộn nhau” để hút mật hoa. Lũ ong vàng, ong vò vẽ, ong mật có khác gì con người trong cuộc mưu sinh? Bầy ong còn táo tợn "đuổi" đàn bướm. Bướm "hiền lành" phải bỏ chỗ lao xao, rủ nhau, “lặng lẽ bay đi”.Cảnh bướm hoa, ong bướm trong vườn hè không chỉ nói lên vẻ đẹp, sức sống dào dạt nơi vườn hè mà còn thể hiện một cách hồn nhiên cuộc tranh giành mưu sinh và tồn tại của thiên nhiên tạo vật mà Duy Khán đã "nghe" được, đã "cảm" được. Đọc "Lao xao" của Duy Khán, ta chợt nhớ tới một vài nét đẹp của cảnh sắc vườn quê từng được nói đến trong bài cổ thi "Vào hè":

“Ngõ trước, vườn sau um những cỏ,

Vàng phai, thắm nhạt ngán cho huê.

Đầu cành kiếm bạn, oanh xao xác,

Trong tối, đua bay, đóm lập lòe"...

Vườn quê vào hè bao giờ cũng đẹp và đáng yêu kì lạ.

 

Đề 3. Cuộc chiến giữa đàn chèo bẻo và chim cắt là một đoạn văn tả hoạt cảnh trong bài "Lao xao" của Duy Khán. Phân tích và nêu cảm nghĩ của em.

Bài làm 

Cuộc chiến giữa đàn chèo bẻo và chim cắt là một đoạn văn tả hoạt cảnh đặc sắc trong bài “Lao xao” của Duy Khán. Thú vị và bất ngờ khi chúng ta được mục kích một trận không chiến của loài chim.

Cuộc chiến giữa đàn chèo hẻo và chim cắt diễn ra quá hất ngờ.

Chim chèo bẻo "như nhữngmũi tên đen" rất dũng mãnh, từng mang tiếng là "kẻ cắp". Tiếng kêu "chè cheo chét". Nó dám đánh loài diều hâu, chim cắt, quạ khoang, quạ đen. Giữa khoảng không, bầy chèo beo "tới tấp bay đến", "lao vào đánh diều hâu túi bụi"; diều hâu "được mẻ hú vía". Trước đây cứ ngỡ chèo bẻo đánh diều hâu là "kẻ cắp bà già gặp nhau" nhưng từ hôm được mục kích cảnh diều hâu bắt gà con, bị chèo bẻo vây đánh tơi bời, "tôi lại quý chèo bẻo". Tiếng gọi của chim chèo bẻo mới đáng yêu làm sao: "chè cheo chét". Nó "trị kẻ ác". Nó khác nào một hiệp sĩ phò nguy cứu đời thật đáng ca ngợi. Từ con chèo bẻo, cậu bé làng quê có một cách suy nghĩ thật hồn nhiên: “Thì ra, người có tội khi trở thành người tốt thì tốt lắm”.

Cuộc đánh nhau giữa chèo bẻo với chim cắt là một hoạt cảnh lí thú. Lúc đầu chỉ có hai con chèo bẻo thì cắt "vụt lao ra, xỉa cánh". Khi một đàn chèo bẻo hàng chục con xông lên cứu bạn, thì cuộc đánh nhau "rất dữ" - Trẻ con reo ầm lên cổ vũ chèo bẻo, cắt “hốt hoảng”, "xỉa cánh đều trượt",bị đàn chèo bẻo "thi nhau xông vào mổ", cắt quay tròn "như cái diều đứt dây" rơi xuống đồng... Duy Khán vừa tả vừa kể tạo nên một hoạt cảnh về cuộc chiến giữa chèo bẻo và chim cắt, rất sinh động và hấp dẫn. Chèo bẻo thật đáng yêu: "Chèo bẻo ơi, chèo bẻo!".

Loài chim ác như diều hâu, rất tinh quái "có cái mũi khoằm" đánh hơi tinh lắm: gà con, xác chết. Quạ đen, quạ khoang là cùng họ với diều hâu - Rất xảo quyệt "bắt gà con, ăn trộm trứng, vào chuồng lợn". Hành động ranh mãnh bất lương: "lia lia láu láu như quạ dòm chuồng lợn". Chim ác còn có cắt "cánh nhọn như dao bầu chọc tiết lợn". Nó xỉa chết bao con bồ câu. Nó ăn hiếp chèo bẻo nhưng rồi bị đánh chết!

Tóm lại, thế giới thiên nhiên tạo vật, từ hoa đến ong bướm, từ chim hiền đến chim xấu, chim ác đều được tác giả khám phá và miêu tả một cách cụ thể, sinh động, nhiều màu sắc với tất cả tấm lòng yêu quý thiên nhiên và sự sống. Cảnh sắc quê hương như một tấm gương sáng phản chiếu tâm hồn tuổi thơ, sắc hương của hoa, tiếng lao xao của ong bướm, tiếng chim hót v.v... nơi vườn quê mãi mãi in sâu vào kí ức một thời chăn trâu, một thời cắp sách.

Duy Khán đã để lại trong lòng bạn đọc tuổi thơ gần xa một bức tranh quê về thế giới các loài chim. Chất văn hóa dân gian, tình cảm yêu ghét của tuổi thơ đối với thế giới loài chim trang trải với bao rung động qua trang văn "Lao xao" này. "Lao xao"là một bức tranh quê hữu tình, đầy ấn tượng. Một tình quê ấm áp vơi đầy...

Nguồn: Những bài văn hay
0