18/06/2018, 12:55

Lai Châu

Nơi ven trời Tây Bắc có Lai Châu, mảnh đất góp phần tạo nên sự quyến rũ bí ẩn, vẻ đẹp hùng vĩ nguyên sơ của miềnTây Bắc . Sắc màu của các tộc người với nhiều phong tục lạ, núi non trùng điệp quấn quít mây bay, những rừng cây rậm rạp hoang ...

Nơi ven trời Tây Bắc có Lai Châu, mảnh đất góp phần tạo nên sự quyến rũ bí ẩn, vẻ đẹp hùng vĩ nguyên sơ của miềnTây Bắc.  Sắc màu của các tộc người với nhiều phong tục lạ, núi non trùng điệp quấn quít mây bay, những rừng cây rậm rạp hoang vu,kỳ ảo, những con suối vừa hiền hòa vừa dữ dội len lỏi giữa các khe đá, miên man qua năm tháng với khúc nhạc rừng bất tận đã tạo cho Lai Châu có một không gian đầy cuốn hút.

Khám phá Lai Châu là khám phá vùng đất có một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, phong phú, đặc sắc của hai mươi dân tộc anh em cùng sinh sống. Sự đồng điệu, nét đặc thù, điểm chung, nét riêng, dấu ấn của bản sắc văn hóa hiện hình trong nếp sống, trang phục, cách ứng xử giao tiếp hàng ngày của đồng bào các dân tộc. Dễ dàng nhận thấy nét văn hóa phong phú, đa dạng trong mỗi ngôi nhà, mỗi tà áo, vành khăn... Cô gái Mông tay thoăn thoắt xe lanh, càng thêm hấp dẫn trong tấm khăn Piêu của đồng bào Thái; cô gái Thái, duyên dáng, tinh nghịch, mặt ửng hồng thưởng thức món Thắng cố - đặc sản của đồng bào Mông mỗi dịp lễ tết, hội hè. Chàng trai Dao, chàng trai Mảng, chàng trai Khơ Mú mơ màng cạn bát rượu ngô Sùng Phài, ngào ngạt men say; cô gái kinh đầu mang khăn Piêu, vai khoác túi thổ cẩm rực rỡ uyển chuyển tung quả còn xanh, đỏ lên cây nêu đầu chợ. Và cả những đêm xòe ngất ngây lòng người. Đó là những đêm các cô gái Thái trong trang phục áo cóm trắng bó sát người với hàng cúc bạc lấp lánh, váy lĩnh đen tuyền uyển chuyển trong tiếng nhạc, những bước chân nhịp nhàng theo tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã.  Những gương mặt nóng bừng, ngới sáng. Những giọt mồ hôi lăn đều trên đôi má ửng hồng của cô gái vùng cao, ướt đuôi tóc chàng trai bản núi. Dạ tiệc chỉ dừng khi gà gáy chuyển canh. Tiếng bước chân, cùng tiếng nói cười xa gần theo những lối mòn về bản, với bao bịn rịn.

Chợ phiên vùng cao là nơi biểu hiện rất rõ những nét văn hoá đặc trưng ở Lai Châu. Những phiên chợ mang đậm nét  sinh hoạt cộng đồng của người dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc, nó lưu giữ những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo. Phiên chợ là nơi người ta gặp gỡ trò chuyện, là nơi khoe sự rực rỡ của vẻ đẹp trang phục, nơi bay bổng của làn điệu xòe quyến rũ lòng người. .

Lai Châu còn có nhiều lễ hội mang những nét đặc sắc riêng của từng dân tộc . Hầu hết các lễ hội truyền thống ở Lai Châu đều mang tính chất tín ngưỡng dân gian, việc tổ chức đều do làng, bản chịu trách nhiệm theo một chu kỳ thời gian, mùa vụ nhất định. Các lễ hội không mang nặng yếu tố mê tín dị đoan, chỉ mang ý nghĩa tâm linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, cầu sức khoẻ cộng đồng bản mường. Đối tượng được thờ tự tại các lễ hội là các vị thần như thần gốc cây, thần sông suối, thần ruộng nương,....Người dân tin vào một thế giới thần linh mà thế giới thần linh này là người dìu dắt phần hồn của thế giới trần gian. Qua tổ chức các lễ hội dân gian như thế này người ta thấy lòng mình nhẹ nhõm, gột rửa những điều ác, điều xấu, quên đi những cực nhọc, lo toan của cuộc sống đời thường. Đặc thù lễ hội dân gian ở Lai Châu mang đậm chất thơ ca và diễn xướng dân gian hàm chứa lời dạy bảo con cháu những điều hay lẽ phải, đoàn kết cộng đồng. Cùng với lễ hội thường gắn với các trò chơi dân gian dân tộc để cộng đồng bản mường cùng vui chung. Mặc khác, tổ chức lễ hội dân gian của các dân tộc thiểu số còn có ý nghĩa giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, tạo điều kiện để nhân dân tham gia cùng sáng tạo văn hoá. Lễ hội truyền thống ở Lai Châu không phức tạp như các tỉnh miền xuôi, các lễ hội này đều do bản làng tự đứng ra tổ chức, nhân dân tự động đóng góp lễ vật không đáng kể, chủ lễ thường là những người già có uy tín trong cộng đồng, thông tỏ nhiều rất nhiều văn chương truyền miệng. Dân tộc Thái có lễ hội Then Kim Pang (Mường So, Phong Thổ), tổ chức vào 10-3 âm lịch. Nét đặc sắc của lễ hội này là các nghi lễ tâm linh có các điệu hát then (với 36 bài), múa then (36 bài), nguồn gốc chính của múa nón Thái, xòe Thái ngày nay là bắt nguồn từ đây.

Dân tộc Mông có lễ hội Grâu Taox (Dào San, Phong Thổ) tổ chức vào ngày 10 tháng giêng âm lịch với nét đặc sắc là hát, múa và ăn thắng cố. Dân tộc Dao có lễ hội qua tang, Tủ Cải tổ chức cúng lễ nghi, báo cáo với tổ tiên. Dân tộc Lự với lễ Căm Mương - rước lễ vật ra rừng "thiêng" làm lễ cúng thần rừng, thần sông suối. Dân tộc Giáy với lễ hội lồng tồng, cầu cho mùa màng tốt tươi, người dân kéo nhau ra đồng chơi các trò chơi dân gian. Dân tộc Cống với lễ hội Cầu mưa, lễ vật đưa ra ven suối để trình lên trời đất cho mưa thuận gió hòa, sau đó tổ chức hội té nước, các trò chơi dân gian, sinh hoạt văn hóa ẩm thực. Dân tộc Hà Nhì với hội hồ sa chứ (hội Ma Gạ thú)...

Nhà ở truyền thống của Lai Châu  cũng là một trong những giá trị văn hoá đặc sắc nhất ở vùng đất này. Ngôi nhà truyền thống của từng dân tộc cơ bản vẫn giữ được nét đẹp riêng của mình. Dân tộc Thái ở nhà sàn bằng gỗ, dân tộc Dao, Hà Nhì, Mông ở nhà trình tường bằng đất; dân tộc Mảng, La Hủ vẫn sống cheo leo trên sườn núi, với những mái nhà thấp lợp gianh, vách nứa...

Nhà sàn của người Thái ở Lai Châu

Vốn dân ca, dân nhạc, dân vũ, trường ca sử thi, tín ngưỡng dân gian, ngôn ngữ, chữ viết ở Lai Châu là một kho tàng văn hóa dân gian vô cùng phong phú, quý báu đã tác động đến các hoạt động văn hóa, đến đời sống tinh thần của một tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, Lai Châu là một tỉnh có phong cảnh thiên nhiên hữu tình và nhiều di tích lịch sử. Đó là những cao nguyên cao trên 1.500m, mây, sương phủ bốn mùa, khí hậu trong lành, mát lạnh quanh năm như: cao nguyên Sìn Hồ, hồ Thầu, Dào San ...

Là suối nước nóng, nước khoáng mà thiên nhiên tặng cho Lai Châu như núi đá Ô, động Tiên (Sìn Hồ); suối nước nóng Vàng Bó (Phong Thổ); suối nước nóng Nà Đông, Nà Đon (Tam Đường); suối nước khoáng (Than Uyên); … và các hồ thuỷ điện lớn khác.            

Bia Lê Lợi

Dinh thự Đèo Văn Long thuộc xã Lê Lợi – huyện Sìn Hồ, là khu dinh thự của ông vua Thái bù nhìn trong kháng chiến chống Pháp. Dinh thự trở thành di tích lịch sử, giáo dục lòng tự hào dân tộc, chứng tích cho việc hạ bệ kẻ cúi đầu làm nô lệ và là nơi thăm quan tìm hiểu những nét kiến trúc đặc trưng, mang bản sắc văn hoá Thái.

Bia Lê Lợi: được khắc trên vách đá bờ Bắc sông Đà, nay thuộc xã Lê Lợi – huyện Sìn Hồ.

Di chỉ khảo cổ học nền văn minh của người Việt cổ như di tích Nậm Phé, Nậm Tun ở Phong Thổ; tại đây đã tìm thấy công cụ của thời kỳ đồ đá; những công cụ bằng đồng của nền văn hoá Đông Sơn thời đại Hùng V­ương

Có thể nói, Thiên nhiên và con ngưòi của vùng đất Lai Châu đã đan xen, hòa quyện trong nhau, kết thành một nền tảng văn hóa đặc thù bền chặt trường tồn với thời gian.


0