Lâm Đồng
S ự phối hợp tổng quan hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên với những nền tảng văn hoá xã hội khiến Lâm Đồng có sức thu hút đặc biệt: Lâm Đồng - tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên, một vùng đất cổ có cảnh quan địa mạo đa dạng, thiên nhiên hùng ...
Sự phối hợp tổng quan hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên với những nền tảng văn hoá xã hội khiến Lâm Đồng có sức thu hút đặc biệt:
Lâm Đồng - tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên, một vùng đất cổ có cảnh quan địa mạo đa dạng, thiên nhiên hùng vĩ… được xem như "bảo tàng của các thác nước".
Lâm Đồng - quê hương lâu đời của các dân tộc anh em Mạ, Cơ Ho, Chu Ru, M’Nông,... vùng đất có di sản văn hoá đặc sắc, nhiều phong tục tập quán và truyền thống tốt đẹp, đồng thời là nơi “đất lành chim đậu” của đồng bào nhiều dân tộc ở mọi miền đất nước về đây lập nghiệp trong khoảng một trăm năm trở lại đây.
Lâm Đồng có thành phố Đà Lạt thơ mộng, thành phố của ngàn hoa, của sương mù quanh năm giá lạnh. Cái lạnh làm cho người Đà Lạt thâm trầm hiền dịu. Cái lạnh ban cho thành phố này bao sản vật đặc trưng, bao kỳ hoa dị thảo mà chẳng nơi nào có được…
Lâm Đồng - hùng vĩ thác bạc
Thác Pongour.
Lâm Đồng được xem như "bảo tàng của các thác nước" bởi so với các tỉnh Tây Nguyên khác như Dăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum thì các con thác của Lâm Đồng hơn hẳn về số lượng, độ hùng vĩ và cả vẻ hoang dã.
Chỉ cần một lộ trình theo quốc lộ 20 xuống Di Linh, Liên Khương, du khách sẽ đi qua trùng điệp thác: thác Datanla, thác Prenn, thác Dambri, thác Gongah, thác Pongour...
Đặt chân vào cửa ngõ TP. Đà Lạt, là dòng thác Prenn huyền thoại, ẩn mình giữa khu rừng thông cổ thụ mênh mông, sương mù trắng xóa, bốn mùa rộn rã tiếng chim.
Thác Đambri |
Thác Liên Khương |
Thác Datanla |
Thác Bob La |
Tới Tà In gặp thác J'rai Bliang. Chuyện kể rằng vua Bảo Đại đi săn thường chọn nơi này làm điểm dừng chân, cắm trại, từ đó người ta quen gọi là thác Bảo Đại. Thác này tạo ra do dòng suối bắt đầu từ Ma Bó - Tà Năng chảy theo hướng Đông Tây, qua Đà Loan đến Tà In rồi đổ xuống thành ngọn thác. Ba ngọn nước cách nhau từ 5-10m, cùng một lúc đổ xuống từ độ cao 30m theo vách núi thẳng đứng, tạo một sức đổ mãnh liệt. Những tảng đá ở chân thác, có tảng to bằng ngôi nhà, đã đẩy nước lên tung tóe. Ở phía trên thác là một khoảng không gian còn vẻ nguyên sơ. Hai bên là vách núi không cao lắm có loài hoa hoang dại bám trên vách đá. Vẻ đẹp J'rai Bliang tồn tại với những ngôi đền cổ Chăm như Sóp M'Drong II, Karyo, Maxara I và II ở xã Tà Năng. Năm 1944, người Pháp đã xây dựng phía trên dòng thác một hệ thống đập tràn xi măng dùng về việc khai thác vàng. Dòng nước qua đây uốn một vòng cung trên bãi đá thoai thoải chừng 200m rồi mới đổ xuống thác.
Thác Liên Khương, đọc theo âm tiếng K'Ho là Liên Khàng, có nghĩa là Tổ Kiến vàng. Một truyền thuyết về cuộc giành đất khá gian lao của dân tộc bản địa. Liên Khàng vốn là khu rừng nguyên sinh có con suối thơ mộng chảy qua. Trên cây có lắm quả ngọt dành cho người và khỉ. Dưới suối có nhiều cá đến nỗi dân làng ăn không hết. Vì lý do đó, lũ kiến vàng từ rừng núi xa xăm kéo về ngụ cư, chúng sinh sôi nảy nở ăn hết cá và trái cây, khiến con người không còn cái ăn. Dân làng cầu cứu thần Lửa, nhưng thần Lửa càng đốt bao nhiêu kiến vàng càng sinh sôi bấy nhiêu. Thần Lửa kiệt sức! Dân làng lại dâng lễ vật cầu Giàng đánh lũ kiến vàng. Cảm động vì lòng cầu khẩn, thần Mưa, thần Sấm làm cho trời mưa to, lụt lớn. Nước từ Đa Nhim như dòng thác hung dữ đổ về cuốn trôi lũ kiến vàng. Từ đó dân làng mới sống yên ổn, ấm no và hạnh phúc. Dòng sông Đa Nhim chảy qua huyện Đơn Dương, xuôi về Liên Khương gặp vết gãy địa chất, dòng nước đổ xuống tạo thành thác ở độ cao 50m. Thượng nguồn thác là dòng suối có nền đá rộng 60m, xung quanh là ruộng lúa bậc thang, phong cảnh hữu tình. Thác Liên Khương với chiều rộng 30-50m, chảy xuôi về phía Thuận Nghĩa.
Thác Đambri, được xem là hùng vĩ và đẹp nhất ở Nam Tây Nguyên. Thác nằm giữa khu rừng cấm nguyên sinh, rộng hàng ngàn ha với nhiều động thực vật quý hiếm. Những cổ thụ già hàng trăm tuổi, các động vật quý như sóc, gà rừng, mang đỏ, hươu nai... Một huyền thoại xưa kể rằng có một chàng trai người K'Ho thường hẹn với người yêu bên thác nước, tình yêu của đôi lứa đẹp như hoa lan rừng. Nhưng một ngày kia chàng trai bỗng nhiên mất tích. Cô gái khóc mãi, chờ mãi nhưng bóng chàng trai vẫn mịt mù trong rừng thẳm. Lâu ngày, nước mắt của cô gái đọng lại và chảy thành dòng thác. Người K'Ho đặt cho thác cái tên Đambri, có nghĩa là "đợi chờ". Thác đổ xuống từ độ cao 58m, rộng 30m. Đặc biệt ở đây có lắp đặt hệ thống thang máy bằng lồng kính mica trong suốt, giúp du khách thưởng ngoạn chi tiết toàn bộ lòng thác với nhiều điều thú vị. Công ty Du lịch Đambri quản lý khu thác này đã xây dựng một làng văn hóa dân tộc với những nhà sàn để du khách nghỉ ngơi. Nếu đi sâu vào độ vài km thì thấy những căn nhà dài truyền thống của người Mạ, với những cô gái đang dệt thổ cẩm, đan gùi và chế biến rượu cần...
Tạm biệt Đambri, đến Di Linh gặp ngọn thác Bob La, vắt vẻo qua triền núi, nấp dưới những lùm cây. Thác nước chảy êm ả, thoai thoải như suối tóc của cô sơn nữ nghiêng người soi bóng bên dòng nước trong xanh.
Cũng theo dòng sông Đa Nhim chảy đến địa phận xã Phú Hội, gặp vết gẫy địa chất nên dòng nước phân đôi đổ xuống độ sâu khoảng 30m tạo thành thác Gougah. Thác còn có tên là thác Ổ Gà do thấy dòng chảy phân đôi, một dòng màu đỏ, một dòng tung bọt trắng xóa, giống trứng gà luộc chín bổ đôi nằm trên vách đá màu xám.
Thác Pongour thường được người dân địa phương gọi với hai cái tên thơ mộng khác là: thác Thiên Thai hay thác Bảy Tầng. Thác cao 25m, dòng nước ở đây chảy xiết, trượt qua các tầng thác, đổ xuống sân chơi cho hàng ngàn du khách. Người Pháp đặt tên là Pongour vì nơi đây có nhiều cao lanh (pongour theo tiếng K'Ho có nghĩa là "vùng đất sét trắng"). Hằng năm cứ vào ngày rằm tháng Giêng, các dân tộc định cư lân cận ở đây kéo về dự lễ hội cúng tạ ơn Giàng của người K'Ho, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Những thác nước tung bọt trắng xoá là biểu tượng cho vẻ hùng vĩ của Tây Nguyên, tương phản với vẻ hiền hòa, tĩnh lặng của thành phố Đà Lạt thơ mộng. Ấn tượng hai chiều ấy ở Lâm Đồng không phải nơi nào cũng có được.
Lâm Đồng – Đặc sắc những giá trị văn hoá truyền thống
Vùng đất Lâm Đồng còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hoá, lịch sử của các dân tộc. Trong nhiều năm qua, nhiều di tích lịch sử được quan tâm tiếp cận nghiên cứu, nổi tiếng nhất là khu di tích Cát Tiên. Trong lịch sử, Cát Tiên là đường biên giới của các nền văn hóa, một đường biên giới không biến động với những di tích cư trú của con người từ thời đại Đồng Thau cách đây gần 4000 năm, với những làng cổ rèn khuôn đúc đồng, dệt vải, với đền tháp và mộ tháp uy nghiêm của một nền văn hóa đặc thù nằm trong dòng chảy của văn hóa Đồng Nai, văn hóa óc Eo, văn hóa Phù Nam.
Một góc Khu di tích Cát Tiên
Văn hoá nghệ thuật ở Lâm Đồng được hình thành trên nền văn hoá Việt, văn hoá các dân tộc thiểu số bản địa và một phần của văn hoá các tộc người thiểu số phía Bắc. Sự phối hợp giữa các yếu tố văn hoá này với nhau tạo thành một kho tàng văn hoá dân gian đặc sắc, phong phú, đa dạng biểu hiện trong những dụng cụ sinh hoạt, kiến trúc dân gian, trang phục, ẩm thực; trong nghề rèn, nghề dệt; trong tín ngưỡng, phong tục, lễ hội văn hóa dân gian, âm nhạc dân gian...
Nổi bật trong hệ thống những di sản văn hoá truyền thống ở Lâm Đồng là những ngôi nhà dài của các dân tộc thiểu số, đây không chỉ là nơi sinh sống của các thành viên trong một gia đình, mà còn là nơi lưu giữ, trưng bày những bộ chiêng - ché cổ quý giá, được đồng bào trân trọng, giữ gìn như "vật thiêng", "tài sản có giá trị". Các nghề thủ công như: đan lát, kim hoàn, rèn sắt..., đặc biệt nghề dệt thổ cẩm rất đa dạng, độc đáo, gây ấn tượng bởi cách phối màu và đường nét hoa văn. Và rượu cần, một thức uống gắn bó từ lâu đời với người dân bản địa nơi đây, không còn nằm trong khuôn khổ là một thức uống bình thường, mà đã trở thành phương thức ứng xử văn hóa độc đáo đặc trưng nhất của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên (nhất là trong dịp lễ hội). Rượu cần - một nghệ thuật ẩm thực đã trở thành yếu tố văn hóa đặc sắc trong truyền thống văn hóa Lâm Đồng.
Lễ hội của các dân tộc bản địa Lâm Đồng được gắn liền với chu trình canh tác cây lúa (kể cả lúa nương và lúa nước) bắt đầu từ khi gieo hạt đến lúc thu hoạch. Mùa lễ hội có nhiều tiểu lễ nhưng quan trọng và quy mô hơn cả là lễ mừng lúa mới (người Mạ và người Kơ Ho có lễ Nhô R'He, người Chu Ru có lễ Nhum Hơma). Không chỉ thế, đồng bào còn có những lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng (lễ cúng thần rừng, thần nước...), hay là những phong tục, tập quán của cộng đồng và cá nhân (lễ ăn trâu kết nghĩa, ăn trâu mừng thọ cha mẹ...). Lễ hội chính là dịp để cư dân bản địa thực hành tín ngưỡng truyền thống, - tín ngưỡng đa thần. Trong những lễ hội truyền thống, biểu trưng đậm nét nhất là sự cộng cảm giữa các cá nhân với cá nhân và giữa cá nhân với tập thể, tạo nên tính cộng đồng của cư dân bản địa. Mối quan hệ cộng đồng ấy được hình thành trên cơ sở tự nguyện, thân ái, thủy chung, bình đẳng và được ràng buộc bởi phong tục, tập quán, nên tính bền vững rất cao.
Văn học dân gian, điểm nổi bật trong văn hóa tinh thần của các dân tộc bản địa Lâm Đồng, được đánh giá là đa dạng về thể loại (huyền thoại, cổ tích, hài, ngụ ngôn, văn vần...), phong phú về nội dung. Đây không chỉ là những câu chuyện, khúc ngâm phản ánh "thế giới quan, nhân sinh quan" của đồng bào, mà còn có thể tìm thấy trong đó lịch sử phát triển của xã hội tộc người. Bên cạnh văn học dân gian, phải kể đến âm nhạc dân gian. Các dân tộc bản địa dùng nhiều loại nhạc cụ có chất liệu khác nhau với những phương thức chế tác độc đáo. Đặc tính âm nhạc của các loại nhạc cụ phụ thuộc rất lớn vào khả năng sử dụng của từng nghệ nhân. Sự đơn điệu trong làn điệu (hát kể, hát đối đáp, tự sự, giao duyên) được bù đắp bằng sự duyên dáng, biểu cảm, gần gũi trong ca từ, trong hơi thở của tiếng chiêng, tiếng kèn bầu... cùng nét uyển chuyển của từng điệu múa. Chính âm nhạc dân gian đã góp phần làm phong phú văn hóa tinh thần của người dân tộc bản địa ở Lâm Đồng.
Lâm Đồng: Lạc bước giữa phố hoa Đà Lạt
Tuy rằng Đà Lạt là một phần của tỉnh Lâm Đồng, nhưng nói đến Lâm Đồng thì phải nói riêng về Đà Lạt bởi Đà Lạt là một địa danh đặc biệt nổi tiếng, thu hút sự chú ý của mọi người dân trong nước và quốc tế.
Là một thành phố trẻ trên cao nguyên mát lạnh của vùng đất Nam Tây Nguyên, một chốn đi về làm ấm lòng lữ khách phương xa mỗi lúc dừng chân và một "tiểu Paris" của người Việt Nam..., Đà Lạt đã trở thành điểm hẹn của biết bao du khách.
Có lẽ không có nơi nào ở trên đất nước ta và cả vùng Đông Nam á lại có được một khí hậu tuyệt với như Đà Lạt với nhiệt độ trung bình hàng năm từ 18 - 20 độ C. Do nằm trọn trên cao nguyên Langbiang có rừng thông đặc chủng bao bọc dày đặc nên dù những năm gần đây khi thời tiết diễn biến bất thường thì nhiệt độ trung bình năm của Đà Lạt vẫn không dao động lớn, nhiệt độ lúc cao nhất cũng chỉ ở 29 độ C. Đà Lạt lại có được sự chăm chút của bàn tay con người làm nên hơn 2000 ngôi biệt thự góp phần làm nên một thành phố đầy hương sắc.
Từ trước đến nay, có nhiều cách lý giải về tên gọi Đà Lạt, nhưng thuyết phục nhất, có cơ sở nhất vẫn là từ 1 tên gọi mang tính dân tộc học. Khi những người Pháp đầu tiên đặt chân đến cao nguyên, khu vực mà họ tiếp xúc đầu tiên là những cư dân Lạch sống quanh khu vực thung lũng hồ Xuân Hương ngày nay - những bộ lạc đã chọn khu rừng thưa trên cao nguyên Langbiang làm nơi cư trú. Khi tiếp xúc, các cư dân đã bật lên từ "Đạ Lạch" (Đạ là nước, dịch ra tức sông suối của người Lạch) và từ đó đã được người Pháp dùng 1 cách thông dụng.
Những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp đã cho lập một đề án xây dựng Đà Lạt thành một trung tâm nghỉ dưỡng và những người có mặt đầu tiên đã chọn tên cho thành phố từ một câu châm ngôn cho gần với các thành phố châu Âu xuất phát từ gốc Latinh : DAT ALLIS LAETITUM ALLIS TEMPERRIEM (dịch ra: Cho người này niềm vui, cho người kia sự mát lành). Khi lấy 5 chữ cái của 5 từ trên ghép lại cũng ra chữ Dalat. Nhưng giả thuyết này không được nhiều người chấp nhận mà chỉ là sự thi vị hóa cái tên Đà Lạt cho gần với mục đích, khai sinh ra thành phố này là để tìm một nơi cho các quan chức Pháp nghỉ ngơi vào mùa hè.
Độ chênh lệch của các bề mặt cao nguyên xếp tầng gây nên những "bước hụt" của các dòng sông, con suối mỗi khi chúng chuyển từ bề mặt cao hơn xuống bề mặt thấp hơn tạo nên xung quanh Đà Lạt hàng trăm thác nước. Nổi tiếng có thác Dambri, thác Cam Ly, Prenn... Bên cạnh đó, Đà Lạt còn có nhiều hồ tự nhiên và nhân tạo như Hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Đa Thiện, hồ Tuyền Lâm... bao quanh các hồ là những rừng thông nối tiếp nhau. Thông cũng là một nét đặc trưng của Đà Lạt và có sức hấp dẫn đặc biệt. Có thể gọi Đà Lạt là thành phố của rừng thông.
Nói đến Đà Lạt không thể không nói đến hoa. Khí hậu và đất đai Đà Lạt rất thích hợp cho sinh trưởng và phát triển các loài hoa cũng như các loài rau xanh. Có loại hoa truyền thống cao nguyên, có loại hoa gốc từ Pháp, Hà Lan đã thuần chủng, có nhiều loài hoa lai tạo với vô vàn màu sắc. Riêng hoa hồng, Đà Lạt đã có trên 20 loại. Có những loại hoa, không thể nhìn thấy ở nơi đâu ngoài Đà Lạt, ấy là các giống hoa phong lan: Tứ diện xích lan, Hoàng phi hạc, Hoàng thảo mặt trúc. Hàng trăm loại phong lan quý hiếm đã đưa thành phố Đà Lạt vào hàng ngũ những thành phố Hoa Lan nổi tiếng thế giới. Đà Lạt có mai anh đào bản địa - nó là sự giao thoa, hôn phối của mai và đào, bông hoa kết cánh như mai nhưng có màu hồng thắm của đào. Phượng tím nguồn gốc từ Nam Mỹ - hoa nở vào cuối đông và tím suốt mùa xuân. Đà Lạt có pensée từ Pháp đưa sang hồi đầu thế kỷ - tuổi mực tím gọi pensée là hoa học trò, họ nhặt hoa ép vào tập vở ghi lưu bút ngày xanh. Đà Lạt là xứ sở của hồng, của lan: hồng phấn, hồng chàm, hồng luân vũ, hồng trắng, hồng vàng, hồng nhung... rồi vệ hài, hồng lan, bạch lan, hoàng lan, thủy tiên, lọng điểm, gấm đất... Đà Lạt có mimosa - lá hoa màu xám trắng như có cả sương mù và thác bạc làm chàng nhạc sĩ đất phương Nam phải ngập ngừng chất vấn: "Mimisa, từ đâu em tới đất này ? Đà Lạt đồi núi chập chùng, Đà Lạt trời mây nước mênh mông..."
Một nét đặc biệt khác để in đậm dáng dấp của thành phố Đà Lạt trong tâm cảm mỗi người chính là những ngôi nhà kiểu phố lô nhô, cao thấp, bên cạnh những con đường dốc sương giăng mỗi sớm mai; kiến trúc những ngôi biệt thự, dinh thự kiểu Pháp xưa, hay nhà ga xe lửa độc đáo có đường ray răng cưa… Từ sau bước chân đầu tiên của bác sĩ Yersin đến vùng đất hoang sơ của người Lạt - vào ngày 21/6/1893, lần lượt những đồ án quy hoạch Đà Lạt được ra đời, phê duyệt và thực thi, góp phần làm nên bộ mặt cảnh quan đô thị của thành phố này theo dòng thời gian và lịch sử. Khái niệm "thành phố trong rừng" hay "rừng trong thành phố" - là một thực thể sáng tạo độc đáo về quy hoạch kiến trúc đô thị gắn với cảnh quan thiên nhiên rất hiện đại và mang bản sắc riêng của Đà Lạt.
Lâm Đồng – hùng vĩ, thơ mộng và và tràn ngập yêu thương đang chờ đón bạn!