Đồng Nai
Đồng Nai thuộc miền Đông Nam Bộ , miền đất trù phú đã có hơn 300 năm hình thành và phát triển do con sông Đồng Nai đem đất phù sa mầu mỡ vun bồi. Nhiều biến cố lịch sử với những thăng trầm bién động đã tạo ra cho tiểu vùng ...
Đồng Nai thuộc miền Đông Nam Bộ, miền đất trù phú đã có hơn 300 năm hình thành và phát triển do con sông Đồng Nai đem đất phù sa mầu mỡ vun bồi. Nhiều biến cố lịch sử với những thăng trầm bién động đã tạo ra cho tiểu vùng văn hoá này một nét độc đáo về bản sắc văn hoá.
Những di tích mang dấu ấn thời mở đất
Đồng Nai, vùng đất cổ có nhiều di chỉ của nền văn hóa Phù Nam cách đây hơn 1.300 năm. Lịch sử Nam tiến của ông cha ta đã để lại nhiều dấu ấn trên vùng đất này. Miền Gia Định - Đồng Nai hồi ấy còn rất nhiều điều bí ẩn, lạ lùng nhưng cũng không kém phần hấp dẫn, gợi sự tò mò muốn khám phá của người đương thời:
“Đồng Nai địa thế hãi hùng
Dưới sông sấu lội trên giồng cọp um”
Thời bấy giờ chỉ có người dân bản xứ gồm các sắc dân như dân tộc Siêng, dân tộc Mạ, dân tộc Kơ-ho, dân tộc M'nông, dân tộc Chơ-ro và một vài buôn sóc người Khơ-me sinh sống. Dân cư thưa thớt, sống rải rắc chứ không sống thành cộng đồng, kỹ thuật sản xuất rất thô sơ, trình độ xã hội còn thấp kém.
Cuộc chiến tranh giữa hai họ Trịnh - Nguyễn ở miền Trung và Bắc Việt Nam làm cho dân chúng lầm than khổ sở, điêu đứng nên đã tạo ra một làn sóng di cư của người dân miền Thuận an, Quảng Nam, Quảng Ngãi vào Đồng Nai tìm đất để sinh sống.
Những cuộc Nam tiến đã mang theo những nền văn hóa đàng ngoài và tạo dựng nên một bản sắc văn hóa phương nam không lẫn vào đâu được…
Văn miếu Trấn Biên
Văn miếu Trấn Biên là một minh chứng cho sự dịch chuyển của văn hóa thời này - Văn miếu Trấn Biên là một công trình văn hóa được xây dựng vào thế kỷ 17, đời chúa Nguyễn Phúc Chu ở phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa ngày nay. Công trình này thể hiện truyền thống khuyến học, tôn trọng kẻ sĩ của người Việt ngày ấy. Vào tháng 12 năm 1861, Văn miếu Trấn Biên đã bị giặc Pháp phá hủy khi người Pháp chiếm đóng Biên Hòa. Ngày nay, Văn miếu Trấn Biên đã được tái dựng, kiến trúc theo phong cách Văn miếu Hà Nội, đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa phương Đông.
Tại văn miếu này, hàng năm có hai sự kiện văn hóa lớn là Xuân Vinh diễn ra vào tháng 2 âm lịch và Thu Vinh diễn ra vào tháng 8 âm lịch. Hai lễ hội truyền thống này mang ý nghĩa khuyến học nhằm tôn vinh những hiền tài, nhân sĩ trí thức.
Mộ cổ Hàng Gòn ở xã Xuân Tân, thị xã Long Khánh ở phía Tây Tỉnh lộ 2 đường Long Khánh đi Bà Rịa, cách thành phố Biên Hòa 80km, cũng là một di tích văn hóa tiêu biểu cho nền văn hóa cách đây hơn 2.500 năm. Mộ cổ này do kỹ sư cầu đường người Pháp là ông Bouchot J. tìm ra vào năm 1927 khi mở đường số 2 nối Long Khánh với Bà Rịa. Ngôi mộ có kiến trúc theo phong cách “Dolmen” ở Đông Nam Á. Có hai hàng trụ đá hoa cương với 10 trụ, mỗi trụ cao từ 1,5m đến 3m bao quanh hầm mộ. Mộ được ghép bằng những tấm đá hoa cương nặng hàng tấn, phần nắp mộ ước tính chừng 10 tấn. Chung quanh mộ có nhiều tấm đá lớn xếp bằng phẳng, tinh xảo và cân đối, thể hiện trình độ văn minh của người xưa cách nay đã hàng mấy thiên niên kỷ. Năm 1992, ngôi mộ cổ này đã được trùng tu, xây tường gạch bảo vệ, chống mưa gió xói mòn, chung quanh trồng nhiều cây cảnh đẹp.
Điểm đặc biệt của Đồng Nai là có nhiều chùa, đình và đền thờ được xây dựng vào thời kỳ tiền nhân ta tiến vào vùng đất hoang vu này cách đây trên 300 năm như chùa Long Thiền ở phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa được xây dựng vào năm 1664. Đây là một trong ba ngôi chùa cổ nhất còn lại đến ngày nay trên đất Biên Hòa. Năm 1662, ngài Nguyên Thiều thiền sư thuộc phái Lâm Tế (Bắc tông) nguyên trụ trì chùa Quốc Ân và Thiên Mụ (Phú Xuân - Huế) bị chúa Minh vương Nguyễn Phúc Chu nghi ngờ có dính líu đến một số người nổi dậy chống chúa, nên trốn vào Đồng Nai ẩn tu tại chùa Kim Cang. Thiền sư Nguyên Thiều viên tịch vào năm Mậu Thân (1728). Các đệ tử của ngài đã xây dựng nên chùa Long Thiền và một số chùa lớn khác ở vùng Gia Định - Đồng Nai như chùa Bửu Long, Đại Giác, Khải Tường, Từ Ân, Giác Lâm còn tồn tại đến ngày nay. Chùa Long Thiền kiến trúc theo hình chữ “tam” mang phong cách và dấu ấn Phật giáo đại thừa. Trong chánh điện còn thờ nhiều pho tượng Phật cổ bằng đất nung và bằng đồng. Chùa Long Thiền là nơi truyền bá Phật giáo đầu tiên ở Nam bộ .
Đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh
Ở xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, có đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh - vị công thần của nhà Nguyễn – đã khai phá đất Đồng Nai. Ông đã được chúa Nguyễn sai đi kinh lý, vẽ bản đồ và xác lập cương thổ Đàng Trong. Năm Gia Long thứ nhất, đền thờ được trùng tu, đến năm 1851 đền được trùng tu lần thứ hai, và năm 1960 đền được trùng tu thêm lần nữa.
Một di tích văn hóa lịch sử khác liên quan đến quá trình khai phá và hình thành vùng đất Đồng Nai là đình Tân Lân ở đường Nguyễn Văn Trị, phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa. Đình thờ Trần Thượng Xuyên, tôi thần nhà Minh chạy nạn Mãn Thanh đến Việt Nam vào cuối thế kỷ 17. Ông có công khai phá đất đai, mở mang Nông Nại đại phố (Cù lao Phố) trở thành một trung tâm buôn bán phồn thịnh, sầm uất của xứ Gia Định - Đồng Nai lúc bấy giờ. Đình có kiến trúc theo phong cách Hoa Nam (Trung Quốc) cuối đời Minh pha lẫn kiến trúc cung đình đầu nhà Nguyễn. Những tác phẩm điêu khắc, phù điêu cẩn xà cừ, ghép mảnh sành sứ đặc trưng của vùng Hoa Nam chứa đựng những triết lý nhân sinh của Khổng, Lão và Phật giáo kết hợp hài hòa, thể hiện bản sắc văn hóa Đông phương thâm trầm và độc đáo.
Truyền thống văn hoá dân gian phong phú
Đồng Nai có nhiều dân tộc sinh sống, phần lớn là người Việt. Ngoài ra còn có người Hoa, Xiêng, Chơ Ro, Chăm, Mạ… Đồng Nai có một truyền thống văn hóa dân gian khá phong phú, đặc biệt là văn hóa dân dộc của đồng bào ít người.
Âm Nhạc Cổ Truyền:
Tếp nối quá trình phát triển lịch sử, cư dân Miền Nam nói chung, dân Đồng Nai nói riêng họ đã sáng tạo nên rất nhiều loại nhạc khí và thể loại ca nhạc để bộc lộ tâm tư tình cảm, và để lưu truyền cho con cháu, hay để giao tiếp với thế giới thần linh trong tâm tưởng, ước mơ một cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Đồng Nai, quê hương của các loại nhạc cụ dân gian độc đáo như đàn đá Bình Đa, sáo trúc, chiềng đồng, thanh la, khèn bầu, khèn môi. Việc tìm ra đàn đá Bình Đa ở Đồng Nai, được biết đến như một di chỉ khảo cổ học, cho thấy việc chế tác đàn đá đã xuất hiện từ trên dưới 3,000 năm trước. Loại nhạc khí này tự thân vang, thuộc loại xylophone, metallophone. Mỗi bộ đàn gồm nhiều thanh đá hợp thành.
Mỗi thanh đá có kích thước và hình dáng khác nhau được chế tác bằng phương pháp ghè đẽo thô sơ (thời đồ đá). Vật liệu để làm đàn là những loại đá có sẵn ở vùng núi Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. (Bộ đàn đá đầu tiên tìm được tại Việt Nam vào năm 1949 hiện được bảo quản tại viện bảo tàng "Con người" Ở Paris)
Nghệ thuật truyền thống
Do mới hình thành từ sự hội nhập của nhiều lớp dân cư cách đây hơn ba thập kỷ, ở Đồng Nai không có các làn điệu dân ca nào đặc thù, nhưng lại có gần đủ các loại dân ca xứ Trung, xứ Bắc, quan họ, ca Huế, ví dặm ...
Trong sinh hoạt thông thường, người Đồng Nai xưa có sinh hoạt nghệ thuật: hò hát, lý, kể vè, nói thơ, nói tuồng, đồng dao, đờn ca tài tử. Phổ biến ở Biên Hòa là hò cấy, hò chèo thuyền, hò giã gạo, hò đò dọc, hò rỗi, lý Đồng Nai, lý lu là, lý trèo lên. Các bài vè quen thuộc đã lưu truyền cả nước: vè Hương thân Cẩn, vè rượu ...
Thơ được kể ở Đồng Nai thường là truyện Nôm: Lục Vân Tiên, Lâm Sanh Xuân Nương, Phạm Công Cúc Hoa ...
Nói tuồng thường được đặc diễn các trích đoạn tuồng tích Tàu hoặc tuồng tích dân gian.
Trong việc thực hiện nghi lễ có 2 hình thức diễn xướng nghệ thuật truyền thống đáng chú ý: xây chầu, đại bội ở lễ hội Kỳ yên cúng đình và hát múa Địa - Nàng, bóng rỗi ở lễ hội cúng miếu.
Còn phải kể đến lối hát Tam Pót của dân tộc Mạ, một loại hình hát kể có vần điệu được lưu truyền trong cộng đồng người Mạ ở huyện Định Quán hiện đang được khôi phục lại.
Lễ hội truyền thống:
Lễ hội Kỳ yên
Cũng như các địa phương khác trong cả nước, người Đông Nai cũng tổ chức các lễ hội truyền thống chung của cả dân tộc như Tết Nguyên Đán, Rằm Tháng Bảy, Tết Trung thu…Các lễ hội này được tổ chức vừa mang bản sắc văn hoá chung của dân tộc, vừa có nét đặc sắc riêng của văn hoá Đồng Nai
Ngoài ra, Đồng Nai còn có các lễ hội lớn của riêng địa phương mình. Tiêu biểu là các lễ hội như:
Lễ Kỳ Yên (cầu an) còn gọi là lễ vía thần được tổ chức tại các thời điểm khác nhau trong một năm. Nghi lễ của lễ Kỳ Yên cũng giống như nghi thức của lễ cúng Đình thần Nam Bộ bao gồm: lễ cúng Tiền hiền, Hậu hiền, lễ rước thần, lễ dâng vật cúng thần và lễ tống ôn. Ba năm một lần có tổ chức hát bội, múa. Tại đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, lễ Kỳ Yên được tổ chức vào các ngày 26/6 và 11/11 âm lịch. Tại đình An Hòa, lễ Kỳ Yên được tổ chức vào ngày 15 và 16 tháng 8 âm lịch. Ngoài phần lễ còn có hội đua thuyền, xô giàn thí thực. Đến giờ ngọ, giàn được xô ra cho mọi người cùng tranh lấy đồ cúng như là sự ban phát của thần linh. Đền thờ danh tướng Nguyễn Tri Phương, lễ Kỳ Yên được tồ chức vào ngày 16 và 17 tháng 10 âm lịch. Đình Tân Lân thờ Trấn Biên đô đốc Trấn Thượng Xuyên, tổ chức lễ Kỳ Yên vào ngày 23 tháng 11 âm lịch.
Các dân tộc Chăm, Khmet… sống ở đây hàng năm cũng thường tổ chức các lễ hội đặc trưng của dân tộc mình: lễ Roja Haji (người Chăm), lễ hội Chôi Chanam Thmây (Khmer).
Văn học dân gian
Kho tàng văn học lưu truyền trong dân gian chủ yếu bằng cách truyền khẩu, gồm nhiều cách: tự sự trữ tình dưới các hình thức, truyện kể, thơ ca hò vè ...
Truyện kể :
Ở đồng bào các dân tộc ít người, truyện kể là tài sản tinh thần quan trọng. Đó là "lịch sử" là luật tục, là hình mẫu nếp sống cổ truyền của cha ông, đồng tời cũng là cách để thư giãn tinh thàn. Truyện kể của người Châu Mạ, Châu Ro, Stiêng thường tự sự dưới hình thức văn vần mà Già làng thường kể trong không khí sinh hoạt cộng đồng ở nhà dài, ở các lễ hội gia đình hoặc cộng đồng. Người Châu Mạ, Châu Ro, Stiêng còn lưu truyền mảng thần thoại, truyền thuyết nhằm giải thích các hiện tượng tự nhiên và sự hình thành cộng đồng.
Còn truyện kể của người Việt không nhiều, do phát triển từ nhận thức, kinh nghiệm vốn sống đã trưởng thành nhiều trăm năm qua ở nguyên quán nên người Việt ở Đồng Nai không có thần thoại nguyên mẫu, vắng bóng truyền thuyết, truyện kể ít hư cấu hoang đường. Truyện loại này thường mang dấu ấn thần thoại tích hợp vào vùng đất mới giải thích về nguồn gốc địa danh, tên núi, tên sông hoặc những hiện tượng lạ của tự nhiên chưa giải thích.
Ngoài ra còn có thể loại truyện cười được người Biên Hòa - Đồng Nai ưa thích, tiếp nhận từ tứ xứ.
Ca dao - dân ca :
Tiếng Châu Mạ, Stiêng, Châu Ro giàu chất thơ. Những lời hát đối đáp giao duyên trong lao động và những bài ca nghi lễ thường đọng lại trong ca dao trữ tình.
Thơ ca dân gian của người Việt khá phong phú. Phong phú nhất là mảng ca dao trữ tình mang theo trong hành trang của người Việt đến xứ sở Biên Hòa - Đồng Nai.
Ngoài ra còn có nhiều ca dao, dân ca miền Trung, miền Bắc được biến thể đôi chút gắn với hoàn cảnh, địa lý địa phương phù hợp tâm tư cư dân vùng đất mới ...
Tục ngữ phương ngôn :
Tục ngữ phương ngôn của đồng bào dân tộc Châu Mạ, Châu Ro, Stiêng chủ yếu truyền khẩu qua lời nói, do các dân tộc ít người trên địa bàn Biên Hòa - Đồng Nai chưa có chữ viết.
Người Việt ở Đồng Nai kế tục vốn tri thức và tiếng nói của cha ông ở nguyên quán nên kho tàng tục ngữ, phương ngôn về kinh nghiệm sản xuất, quy tắc ứng xử ít có sự khác lạ so với xứ Bắc, xứ Trung.
Văn học viết
Văn học viết Đồng Nai cũng như cả vùng Nam bộ nói chung, chỉ thực sự xuất hiện khi vùng này có những trí thức Nho học thế kỷ XVII, khi đất Đồng Nai - Gia Định có tên trên bản đồ Đại Việt.
Những năm 70 - 80 của thế kỷ XVIII, đội ngũ nho sĩ, cùng các tác giả văn học ra đời như: Võ Trường Toản, Đặng Đức Thuật, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh. Tác giả văn học, nhà văn hóa lớn nhất của Biên Hòa - Đồng Nai và cả xứ Nam bộ chính là Trịnh Hoài Đức.
Khi thực dân Pháp bắt đầu nổ súng tấn công xâm lược Việt Nam năm 1858, văn học viết ở Đồng Nai phát triển giào tính chiến đấu và tính nhân văn sâu sắc với các tác giả Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông, Bùi Hữu Nghĩa ...
Khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời năm 1930, những người cầm bút (dĩ nhiên không phải là tất cả) cũng đã tìm cho mình ánh sáng ở mỗi trang viết đấu tranh cho độc lập tự do của đất nước. Đó là những cây bút: Huỳnh Văn Nghệ, Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn.
Lý Văn Sâm là nhà văn xuất sắc nhất của văn học miền Nam thời kỳ 1945 - 1954. Hoàng Văn Bổn là nhà văn có những tác phẩm phản ánh sâu rộng và toàn diện về con người và cuộc sống kháng chiến ở Đồng Nai.
20 năm sau ngày miền Nam giải phóng, Đồng Nai đã hình thành một đội ngũ gồm nhiều thế hệ sáng tác, từ nhà văn tên tuổi như Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn đến các cây bút trẻ, nhiều cây bút đã trưởng thành nhanh chóng và được đứng trong hàng ngũ của Hội nhà văn Việt Nam như: Khôi Vũ, Nguyễn Đức Thọ, Cao Xuân Sơn, Trương Nam Hương, ...
Trang Phục:
Trang phục của Miền Đồng Nai có một ít thay đổi theo thời gian. Hiện nay bộ đồ truyền thống của đàn ông là khăn đống áo dài thì đã được thay thế bằng bộ âu phục.
Trong khi đó những phụ nữ thì vẫn mặc áo dài và đầu đội nón lá. Mặc áo dài là trang phục độc đáo của Việt Nam thì phụ nữ Đồng Nai cũng rập theo nề nếp đó, nhất là vào các ngày lễ hội thì họ càng đua nhau trưng diện, khoe chiếc áo dài đủ mầu muôn sắc.
Âm thực:
Cũng rất là đặc biệt vì do thời tiết hai mùa mưa nắng nên các sản vật của biển, rừng, sông nước, vườn ruộng phong phú, cách ăn uống của người Đồng Nai vừa thể hiện nét chung của văn hóa Việt Nam, vừa có nét đặc biệt của người miền Nam.
Người Biên Hòa - Đồng Nai thường ăn một ngày ba bữa sáng thì cháo đậu ăn với cá lóc kho tiêu, hay cháo đậu nước cốt dừa, trưa và chiều tối thì cơm canh bầu nấu với cá trê vàng, hoặc cá lóc kho thơm, canh chua cá lóc, hay mắm kho ghém rau sống, mắm đồng chưng trứng, canh khổ qua dồn thịt.
Canh chua Cá Lóc |
Người Đồng Nai làm thức ăn cũng lắm công phu và nhiều kiểu cách. Như món hầm là phải nấu thật nhừ thịt heo thịt bò với một ít nước, tương tự như món tiềm của người Trung Hoa. Canh là món có nhiều nước, thường nấu hỗn hợp thịt cá với các loại rau có vị mát mà phổ biến và đặc trưng nhất là canh chua cá lóc với me làm chua và các loại bạc hà. giâm, đậu bắp, bắp chuối, rau om, ớt sừng.
Hay món nướng thì luôn phải thật tươi và thường có ướp một ít gia vị. Người Đồng Nai thích ăn gà trộn gỏi (gà xé phay) với vị chua của chanh, cay của tiêu ớt, nồng của rau răm giòn tươi của bắp chuối, vị ngọt của gà tơ. Gỏi bưởi là một đặc sản nổi tiếng của Đồng Nai. Gỏi bưởi gồm bưởi Biên hòa, loại vừa chín tới, còn hơi chua, xẻ nhỏ trộn với đu đủ, tép khô và rau thơm. Các loại gỏi sống, thường là cá sống, tôm sống, với kỹ thuật của đồng bằng Bắc Bộ lưu truyền vào Đồng Nai cũng đang là thứ đặc sản thu hút nhiều thực khách.