24/05/2018, 22:34

Kinh tế học cung cầu và sự cân bằng thị trường nông sản.

Cung sản phẩm nông nghiệp. Khái niệm và biểu diễn cung sản phẩm nông nghiệp. Cung sản phẩm nông nghiệp là khái niệm dùng để chỉ lượng hàng hoá nông sản của các doanh nghiệp và hộ gia đình ...

Cung sản phẩm nông nghiệp.

Khái niệm và biểu diễn cung sản phẩm nông nghiệp.

Cung sản phẩm nông nghiệp là khái niệm dùng để chỉ lượng hàng hoá nông sản của các doanh nghiệp và hộ gia đình nông dân có khả năng sản xuất được và sẵn sàng bán ở mỗi mức giá trong mỗi thời điểm nhất định.

Khả năng sản xuất được qui định bởi các yếu tố đầu vào của sản xuất trong một thời gian và không gian nhất định. Nói cách khác, tương ứng với khả năng sản xuất nào sẽ có kết quả sản xuất đó, nghĩa là lượng nông sản phẩm được tạo ra với chi phí nhất định là kết quả của việc sử dụng những đầu vào nhất định. Đối với người sản xuất, khi họ sẵn sàng bán nông sản của mình với một giá cả nhất định, có nghĩa là giá đó đã thoả mãn được mong đợi của họ (bù đắp được chi phí sản xuất và có lãi). Với mỗi mức giá khác nhau trên thị trường, có một lượng nông sản hàng hoá nhất định được bán ra và đem lại một mức lợi nhuận nhất định cho người sản xuất. Giá cả nông sản hàng hoá là yếu tố chủ yếu quyết định tính sẵn sàng cung ứng của người sản xuất.

Cần phân biệt cung cá nhân và cung thị trường. Mỗi cá nhân có những tính toán tự chủ riêng để quyết định mức cung cá nhân của họ, xuất phát từ lợi ích riêng của họ. Tuy nhiên, thị trường không phải được quy định bởi một cá nhân riêng lẻ nào, mà là sự tổng hợp của nhiều cá nhân. Cung thị trường là tổng hợp cung của mọi cá nhân về một loại nông sản hàng hoá nào đó. Mỗi cá nhân, một mặt phải lựa chọn những sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu thị trường để sản xuất, mặt khác phải sản xuất kinh doanh trong điều kiện cạnh tranh với các cá nhân khác. Sự cạnh tranh đó đòi hỏi phải kết hợp đồng thời hai yêu cầu của cung: huy động và sử dụng có hiệu quả các yếu tố đầu vào để có một lượng sản phẩm nhất định với giá thành rẻ và cần bán số lượng sản phẩm đó. Tuỳ theo những tính toán riêng, mỗi cá nhân tự quyết định việc sản xuất, bán sản phẩm của mình trên thị trường. Cung thị trường chính là sự tổng hợp hai yêu cầu nói trên của từng cá nhân riêng lẻ.

Như vậy, khi nói đến cung nông sản trên thị trường không thể nói cung chung, mà bao giờ cũng phải gắn liền với từng mức giá cụ thể và ở một hoàn cảnh cụ thể của các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sản xuất và tính sẵn sàng bán của các cá nhân. Nói cách khác, mức cung nông sản chịu sự tác động của nhiều nhân tố còn gọi là những nhân tố xác định cung và những nhân tố đó luôn ở trạng thái động. Chính vì vậy, người ta có thể biểu diễn dưới dạng hàm cố cung:

Qs = f (X1, X2,... Xn)

Trong đó: Qs: Lượng cung thị trường

X1, X2,... Xn: Các yếu tố xác định cung

Đường cong cung tổng quát (hình 8.1.a) biểu diễn mối quan hệ giữa giá cả P và sản lượng cung Q của một nông sản hàng hoá nào đó. Với giá thị trường P có sản lượng cung là Q, gọi là cung. Tổng hợp của các số cung lại ta có biểu cung. Biểu cung được minh hoạ bằng hình học bởi đường cung. Khi P1 < P2 ta có Q1 < Q2, tức là P càng lớn thì Q càng lớn. Nói cách khác sản lượng cung một nông sản hàng hoá có quan hệ tỷ lệ thuận với giá của nó. Vì vậy, đường cong cung sẽ chạy từ dưới lên trên, từ trái sang phải.

Đường cung biểu diễn ở hình 8.1.a là đường cung tổng quát. Trên thực tế có những dạng đường cung đặc biệt như ở hình 8.1.b; 8.1.c và 8.1.d.

Hình 8.1: Các đường cong cung nông sản.

Đối với hầu hết các hàng hoá nông sản, người ta không biết chắc được giá cả khi lập kế hoạch sản xuất. Phần lớn các cơ sở sản xuất và hộ nông dân quyết định sản xuất dựa trên cơ sở giá dự đoán, nghĩa là theo họ đó là mức giá chắc sẽ thông thường khi họ bán sản phẩm của mình. Có hai cách có thể áp dụng trong thực tiễn:

- Dự đoán giá trên cơ sở giá bình quân của một số vụ sản xuất trước đây.

- Dự đoán giá thích ứng, nghĩa là trên cơ sở xem xét các yếu tố tác động tới việc hình thành giá thị trường trước đây (tình trạng thiên tai, các biện pháp khuyến khích của Nhà nước...) để dự đoán giá lúc đầu vụ sản xuất dựa vào giá bình quân của các vụ sản xuất trước đây.

- Việc biểu diễn đường cong cung nông sản trong mối quan hệ với giá cả thị trường, cần lưu ý rằng trong nhiều trường hợp, cung không phản ứng tức thời với những biến giá vì các lý do chủ yếu sau đây:

Một là, nông dân thường không thể và không muốn điều chỉnh ngay kế hoạch sản xuất của họ trước sự kích thích của thị trường.

Hai là, sự điều chỉnh một phần kế hoạch sản xuất của nông dân có thể do yếu tố chính sách gây ra. Ví dụ: việc cấm sử dụng thuốc sâu phun lên rau quả gần ngày thu hoạch; chính sách hạn điền trong thuê mướn ruộng đất... Trong trường hợp này, giá cả thị trường lên cao không kích thích nông dân tăng cung khi lập kế hoạch sản xuất.

Ba là, đất đai và các tư liệu sản xuất sinh học trong nông nghiệp, do khó chuyển hướng sản xuất trong thời gian ngắn nên nông dân khó mở rộng sản xuất một nông sản nào đó khi giá nông sản đó tăng lên. Điều này thể hiện rất rõ trong trường hợp các nông hộ chăn nuôi bò sữa, trồng cây ăn quả hay cây công nghiệp lâu năm ...

Các yếu tố ảnh hưởng đến cung nông sản trên thị trường.

Khả năng cung nông sản trên thị trường phụ thuộc vào khả năng cung tại chỗ và khả năng cung từ nơi khác đến. Đến lượt nó, khả năng cung tại chỗ phụ thuộc vào hai nguồn chính: khả năng sản xuất của nông nghiệp; khả năng dự trữ nông sản từ các vụ trước. Hai nguồn đó có sẵn sàng cung ứng hay không lại tuỳ thuộc vào các nhân tố cụ thể của bản thân những người sản xuất và những người dự trữ cũng như của thị trường. Khả năng sản xuất tại chỗ của những người sản xuất nông nghiệp cũng như sự sẵn sàng bán sản phẩm của họ ra thị trường phụ thuộc vào một số nhân tố cơ bản sau đây:

Giá của bản thân nông sản hàng hoá đó.

Đối với các hộ, các cơ sở sản xuất thường thường ngành sản xuất tổng hợp nhiều loại sản phẩm, với nhiều loại đầu vào, nên khối lượng sản phẩm đầu ra và giá của nó là mối quan hệ hai chiều rút ra từ một tập hợp nhiều chiều phức tạp. Giả định rằng tất cả các yếu tố khác là không biến động, ta có thể vạch ra khối lượng cung loại nông sản thứ i với giá riêng của nó, bằng việc sử dụng hệ số co dãn của cung theo giá, được định nghĩa và tính toán như sau:

Hệ số có dãn cung theo giá là tỷ lệ phần trăm thay đổi trong tổng cung do giá bán thay đổi chia cho phần trăm thay đổi về giá bán của chính nông sản đó (ký hiệu là Ei)

ở đây, delta chỉ lượng biến thiên nhỏ, xíchma chỉ lượng biến thiên cực nhỏ và là đạo hàm riêng. Ta có thể tìm được hệ số có dãn cung từng điểm trên đường cong cung.

Hệ số co dãn Ei chỉ ra rằng khi giá một nông sản thay đổi 1% thì cung về nông sản đó thay đổi là bao nhiêu phần trăm.

Giá của sản phẩm cạnh tranh (sản phẩm có thể thay thế).

Giá của sản phẩm j tăng có thể làm giảm cung sản phẩm i theo giá thị trường. Ví dụ, giá hoa tăng có thể làm giảm cung rau xanh cho thành phố.

Để đánh giá mức độ biến động cung sản phẩm i do thay đổi giá sản phẩm j, ta dùng hệ số co dãn theo giá chéo của cung, ký hiệu Eij được tính như sau:

Thông thường Eij là một số âm, nghĩa là Pj tăng sẽ làm lượng cung Qi giảm.

Sự thay đổi giá cả của các yếu tố đầu vào.

Khi giá một yếu tố đầu vào thay đổi, ví dụ như giá phân bón tăng lên, chi phí cận biên để làm ra một lượng đầu ra nhất định sẽ tăng lên. Nói khác đi, đường cong chi phí của đơn vị sản xuất, và do đó, đường cong cung, đều sẽ dịch chuyển đi lên và về phía trái, khả năng cung nông sản sẽ giảm đi với cùng chi phí như trước., Trong trường hợp ngược lại, thì đường cong cung sẽ dịch chuyển về bên phải, khả năng cung nông sản tăng lên với cùng mức chi phí như trước đây.

Giá của sản phẩm song đôi.

Khi giá của một trong hai sản phẩm song đôi tăng lên thì đường cong cung sản phẩm thứ hai sẽ dịch chuyển sang phải. Ví dụ, khối lượng cung sữa có tương quan với giá sữa và giá bê con.

Trình độ kỹ thuật của sản xuất.

Những cải tiến kỹ thuật là một nguyên nhân ảnh hưởng tới cung một loại nông sản hàng hoá nào đó. Ví dụ, một nhóm hộ gia đình tiếp nhận được một loại phân bón mới cho năng suất cao hơn. Với cùng một lượng phân bón và các yếu tố đầu vào như cũ, nhưng cho sản lượng sản phẩm nhiều hơn.

Các yếu tố môi trường tự nhiên.

Các yếu tố thời tiết, tình hình dịch bệnh... có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả sinh trưởng phát triển của cây trồng vật nuôi và do vậy ảnh hưởng đến khối lượng cung ứng ra thị trường. Khả năng hạn chế ảnh hưởng xấu tới cung của yếu tố môi trường tự nhiên tuỳ thuộc trình độ phát triển kinh tế - kỹ thuật ở mỗi nước.

Các chính sách kinh tế của Nhà nước.

Một số chủ trương chính sách của Nhà nước có ảnh hưởng trực tiếp đến cung một số nông sản nhất định. Ví dụ, việc cấp côta sản xuất cho các trang trại, cấm hoặc hạn chế việc sử dụng một yếu tố đầu vào nào đó, cung cấp vốn ưu đãi, chuyển giao kỹ thuật mới cho nông dân v.v...

Cầu sản phẩm nông nghiệp

Khái niệm và biểu diễn cầu sản phẩm nông nghiệp.

Cầu sản phẩm nông nghiệp là khái niệm dùng để chỉ lượng hàng hoá nông sản mà người mua có khả năng mua và sẵn sàng mua ở mỗi mức giá trong những thời điểm nhất định.

Cầu trong khái niệm trên khác với nhu cầu. Không phải bất cứ nhu cầu nào của người tiêu dùng cũng được thoả mãn. Người ta chỉ có thể mua hàng với túi tiền của mình, tức là cầu có khả năng thanh toán. Với thu nhập có hạn, người tiêu dùng phải tính toán nên mua loại hàng nào, số lượng bao nhiêu. Như vậy lượng hàng mua được còn phụ thuộc vào giá cả. Với mỗi mức giá, họ sẽ được lượng hàng tương ứng. Thái độ ứng xử của người tiêu dùng là làm sao thoả mãn đến mức tối đa tiêu dùng của mình trong điều kiện thu nhập có hạn.

Có cầu cá nhân và cầu thị trường. Đối với từng cá nhân, người tiêu dùng phân biệt nhóm sản phẩm tiêu dùng cuối cùng cho sinh hoạt (lương thực, thực phẩm...) và nhóm sản phẩm tiêu dùng trung gian (hạt giống, thức ăn gia súc, nguyên liệu chế biến...). Những người tiêu dùng sản phẩm cuối cùng sẽ cần một lượng hàng hoá tương đương với phần thu nhập dành mua thứ hàng đó. Như vậy, khi giá thấp anh ta mua được lượng hàng nhiều còn khi giá cao thì ngược lại. Những người tiêu dùng sản phẩm trung gian sẽ cần một lượng hàng nhất định dựa vào định mức kinh tế - kỹ thuật và qui mô sản xuất của họ. Như vậy, nếu giá hạ người ta cũng không mua nhiều hơn, còn nếu giá tăng người ta có thể tìm mặt hàng khác thay thế, thậm chí trong chừng mực phải giảm qui mô sản xuất hoặc chuyển hướng sản xuất.

Cầu thị trường nông sản được hình thành trên cơ sở tổng hợp mọi cầu cá nhân, tức là cầu có khả năng thanh toán của xã hội. Đối với một loại nông sản hàng hoá, cầu thị trường có liên quan đến một nhóm người tiêu dùng và khả năng thanh toán của họ.

Cầu thị trường nông sản chịu tác động ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan. Các yếu tố ảnh hưởng đến cầu nông sản (còn gọi là yếu tố xác định cầu) luôn luôn thay đổi. Người ta có thể biểu diễn mối quan hệ giữa cầu thị trường nông sản và các yếu tố xác định cầu qua hàm số cầu, ký hiệu Qd.

Qd = f (P1, P2, ... Pm, M, POP, ID); i = 1,n

Trong đó: Qd: Tổng cầu loại nông sản thứ i

P1, P2,…PN: Đơn giá các loại nông sản trên thị trường

M: Thu nhập tính theo đầu người

POP: Số người tiêu dùng trên thị trường

ID : Chỉ số phân phối thu nhập.

Đường cong cầu tổng quát (hình 8.2) biểu diễn mối quan hệ giữa giá cả P và lượng cầu Q. Số cầu là cầu ứng với mỗi mức giá là Q1 và ở giá P2 thì số cầu là Q2. Tổng hợp tất cả các số cầu ta có biểu cầu và minh hoạ bằng hình học ta có đường cong cầu. Quan hệ giữa lượng cầu và giá cả là quan hệ nghịch. Vì vậy ta có thể biểu diễn đường cong cầu về một loại nông sản hàng hoá như hình 8.2.

Hình 8.2: Đường cong cầu nông sản.

Việc sử dụng đường cong cầu nông sản để phân tích mối quan hệ giữa lượng cầu với sự thay đổi của giá cả thị trường, cầu lưu ý trong thời hạn dài, cầu không phản ứng tức thời với những biến giá. Trên hình 8.3, thoạt đầu người tiêu dùng ở điểm cân bằng, mua lượng sản phẩm Qo với giá Po. Giả sử giá hạ xuống P1, người tiêu dùng muốn mua lượng sản phẩm Q1, nhưng họ tăng dần lượng hàng mua từ Q0 lên Q', Q' .... rồi lên Q1. Người ta gọi hiện tượng trên là sự phản ứng chậm trễ của cầu (hình 8.3).

P

Po

P1

Qo Q' Q' Q1 Q

Hình 8.3: Phản ứng chậm trễ của cầu để lập lại cân bằng khi giá

thị trường thay đổi.

Phản ứng chậm của cầu có thể do nhiều nguyên nhân: Thứ nhất, ở nơi nào đó sự biến giá đó là không ổn định. Thứ hai, thu nhập của dân cư còn bấp bênh. Thứ ba, tập quán tiêu dùng khó thay đổi theo hướng tiêu dùng tăng. Thứ tư, có sự ngăn cản tăng mức tiêu dùng do chính sách của Nhà nước hay của địa phương.

Trong thực tế, khi dự đoán phản ứng mua hàng của người tiêu dùng trước tình hình biến động của giá cả hay thu nhập, người ta thường dự kiến các hệ số co dãn lớn hơn mức bình thường trong kế hoạch dài hạn.

Các yếu tố ảnh hưởng đến cầu nông sản tiêu dùng cuối cùng.

Cầu một loại nông sản tiêu dùng cuối cùng chịu ảnh hưởng của những yếu tố chủ yếu sau đây:

Giá cả của bản thân nông sản.

Nói chung khi giá cao, lượng cầu giảm còn khi giá hạ thì lượng cầu tăng lên. Như vậy cầu về một loại nông sản hàng hoá có quan hệ tỷ lệ nghịch với giá cả của nó. Để đo lường ảnh hưởng của giá cả tới cầu một loại nông sản, người ta sử dụng chỉ tiêu hệ số co dãn cầu đối với nông sản đó theo giá của nó được định nghĩa và tính toán như sau:

Hệ số co dãn của cầu theo giá, ký hiệu Qi, là tỷ lệ phần trăm thay đổi trong tổng cầu chia cho phần trăn thay đổi về giá của một loại nông sản hàng hoá nào đó trên thị trường:

ở đây delta chỉ lượng biến thiên nhỏ, Xíchma chỉ lượng biến thiên cực nhỏ và là đạo hàm riêng. Ta có thể tìm được hệ số co dãn cầu từng điểm trên đường cong cầu.

Hệ số co dãn Ei chỉ ra rằng, khi giá một nông sản thay đổi 1% thì cầu về nông sản đó thay đổi là bao nhiêu phần trăm. Thông thường Ei mang dấu âm. Khi sử dụng, người ta qui ước bỏ dấu âm đi.

Đối với nhà sản xuất, hệ số co dãn của cầu theo giá là một thông số rất quan trọng cần đặc biệt quan tâm khi lập kế hoạch sản xuất. Để sử dụng có hiệu quả hệ số này, cần lưu ý những nhân tố ảnh hưởng đến trị số của nó:

- Tính sẵn có của hàng hóa thay thế. Ví dụ, người ta có thể sử dụng thịt lợn hay gia cầm thay cho thịt bò trong trường hợp giá thịt bò tăng nhưng giá thịt lợn hay gia cầm không tăng.

- Những nông sản có nhiều công dụng khác nhau. Ví dụ, sữa có thể dùng uống tươi và chế biến thành các sản phẩm đa dạng khác. Khi giá sữa chỉ hạ chút ít cũng ảnh hưởng rất lớn đến tổng cung vì gía hạ khuyến khích cả nhưng người tiêu dùng trực tiếp và những người chế biến. Ngược lại, chè chỉ làm đồ uống nên chỉ khi có biến giá thực sự mới gây ảnh hưởng đến tổng cầu.

- Tỷ trọng thu nhập mà người tiêu dùng dành mua từng loại nông sản thực phẩm. Người tiêu dùng rất nhạy cảm với biến giá của những loại nông sản mà họ dành tỷ trọng lớn phần thu nhập để mua. Ngược lại, những sản phẩm như gia vị, muối ... chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng cầu thì khi có biến giá, người tiêu dùng cũng không cần thêm bớt nhiều.

- Tính phổ biến trong tiêu dùng của một loại nông sản. Ví dụ, người tiêu dùng ít nhạy cảm với giá gạo nhưng lại rất nhạy cảm với giá hoa qủa tươi. Tổng cầu về hoa quả tươi dễ dàng thay đổi trước những biến giá của thị trường.

Giá của loại nông sản thay thế.

Có nhiều loại nông sản có công dụng tương tự nhau trong tiêu dùng. Do vậy khi giá loại nông sản thay thế giảm xuống sẽ làm thay đổi lượng cầu về một nông sản khác. Để đo lường thay đổi lượng cầu loại nông sản Qi trước tình hình biến đổi giá cả thị trường của hàng hoá khác Pj, người ta sử dụng hệ số co dãn theo giá chéo của cầu, ký hiệu Eij, và được tính toán như sau:

Tình hình phân phối thu nhập và mức thu nhập của các nhóm dân cư.

Khi thu nhập thấp, cầu về các nông sản thông thường lớn hơn. Ngược lại, khi thu nhập tăng thì cầu về các loại nông sản có chất lượng cao sẽ tăng lên. Người ta sử dụng hệ số co dãn thu nhập của cầu để đo lường sự thay đổi lượng cầu một loại nông sản nào đó khi thu nhập thay đổi, ký hiệu Eim và được tính toán như sau:

Tình trạng phân phối thu nhập giữa các nhóm dân cư cũng ảnh hưởng tới lượng cầu một loại nông sản hàng hoá. Thực tế cho thấy, càng có sự chênh lệch trong phân phối thu nhập giữa các nhóm dân cư thì lượng cầu về lương thực thực phẩm càng giảm hơn so với trường hợp ít có sự chênh lệch trong phân phối thu nhập. ở nước ta, khi bình quân thu nhập của dân cư nông thôn đạt 4.617 ngàn đồng/hộ/năm, thì chi tiêu cho hầu hết các loại lương thực thực phẩm đều cao hơn mức chi tiêu cho các lương thực thực phẩm cùng loại của nhóm hộ có mức thu nhập tương tự là 4.787 ngàn đồng (so sánh mức bình quân chung với nhóm chi tiêu III ở biểu 8.1 dưới đây).

Biểu 8.1: Chi tiêu lương thực thực phẩm bình quân đầu người theo loại lương thực thực phẩm và nhóm chi tiêu.

Đơn vị: 1000đ

Nguồn: Điều tra mức sống dân cư Việt Nam - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước - Tổng cục Thống kê - Hà Nội tháng 9/1994.

Thị hiếu và tập quán tiêu dùng của dân cư và các phong tục địa phương.

Ví dụ: trong dịp tết lễ nhu cầu tiêu dùng thịt và các loại gạo nếp, gạo tám tăng lên.

Dân số tăng làm cho qui mô tiêu dùng tăng lên.

Tuy nhiên cầu các sản phẩm nông nghiệp có tính đặc thù. Nếu sức sản xuất thấp, khi dân số tăng thì cầu về những nông sản rẻ tiền tăng lên. Ngược lại, khi sức sản xuất phát triển, mức sống tăng, khi dân số tăng làm cho cầu về mọi loại nông sản tăng, kể cả những mặt hàng nông sản chất lượng cao.

Kỳ vọng của người mua: Đây là cầu dài hạn và là những gợi ý cho sản xuất trong tương lai.

Iii. Sự cân bằng cung cầu nông sản phẩm và vai trò của chính phủ

Sự cân bằng cung cầu nông sản phẩm.

Quan hệ thị trường là quan hệ kinh tế chủ yếu của những người sản xuất và những người tiêu dùng nông sản phảm. Thị trường nông sản đạt được trạng thái cân bằng khi giá cả được hình thành ở mức khối lượng nông sản đem bán vừa bằng với nhu cầu của người mua và với giá đó không có khuynh hướng biến động giá cả và khối lượng nông sản hàng hoá. Giá nông sản được hình thành theo phương thức trên gọi là giá cân bằng. Như vậy, dưới sự biến động phức tạp của cung và cầu trên thị trường nông sản, chỉ có một giá duy nhất (giá cần bằng P*) mà cả người bán và người mua cùng thoả thuận làm cho lương cung vừa đúng bằng với lượng cầu Q*.

Cần phân biệt giá cân bằng thị trường P* với giá thị trường. Trên thực tế, giá thị trường luôn biến động xoanh quanh giá cân bằng. Nếu giá thị trường thấp hơn P*, người tiêu dùng sẽ muốn mua lượng nông sản nhiều hơn lượng nông sản người bán muốn cung cấp (cầu vượt cung). Một số người tiêu dùng muốn trả giá cao hơn để mua được lượng nông sản nhiều hơn. Sự cạnh tranh giữa những người tiêu dùng đẩy giá thị trường lên cao hơn. Đồng thời, lượng cầu vượt cung khuyến khích người sản xuất tăng lượng cung nông sản, nhưng họ chỉ tăng cung với giá cao hơn. Như vậy, với giá thị trường thấp hơn P*, có áp lực đẩy giá lên. Nếu giá thị trường cao hơn P* thì ngược lại, sự canh tranh giữa người bán sẽ kéo tụt giá xuống.

Có hai trạng thái cân bằng cung cầu thị trường nông sản là cân bằng cục bộ và cân bằng tổng thể. Hệ thống thị trường nông nghiệp bao gồm nhiều thị trường những sản phẩm riêng biệt nhưng liên quan với nhau, trong đó thị trường nông sản chỉ là nột bộ phận. Trên tất cả các thị trường mua bán mọi hàng hoá và yếu tố sản xuất có liên quan đến nhau thì giá cả ở mọi thị trường này đều được định ra cùng một lúc. Phân tích trạng thái cân bằng cục bộ giới hạn việc nghiên cứu cân bằng cung cầu ở thị trường riêng lẻ (ví dụ thị trường gạo, thị trường hoa ...). Đặc điểm cơ bản của việc nghiên cứu trạng thái cân bằng cục bộ là sử dụng các đường cong cầu và cung xây dựng trên cơ sở giả định để xác định giá cả và khối lượng nông sản trên thị trường. Phân tích trạng thái cân bằng tổng thể đòi hỏi việc nghiên cứu thị trường nông sản phải đặt trong mối quan hệ với các thị trường khác có liên quan.

Sự mất cân bằng cung cầu nông sản và vai trò điều tiết của Chính phủ.

Trên thực tế thị trường các nông sản chủ yếu chỉ đạt được trạng thái cân bằng trong những giai đoạn nhất định. Trong thời gian dài hơn, thị trường nông sản có thể xảy ra sự mất cân bằng (do việc cung ứng nông sản tăng sau thu hoạch; nhu cầu về các sản phẩm tươi sống lúc trái vụ ...). Biểu hiện đặc trưng của trạng thái mất cân bằng trên thị trường một loại nông sản nào đó là giá cả ở mức quá cao hay qúa thấp so với giá cân bằng thị trường. Khi giá thị trường quá cao, cung vượt cầu làm cho nhiều người bán không tìm được người tiêu dùng. Ngược lại, khi giá quá thấp thì cầu vượt cung, làm cho nhiều người tiêu dùng chưa được thoả mãn. Vì vậy, giá cả càng vượt xa cao hơn hay thấp hơn quá mức so với giá cân bằng thị trường thì lượng trao đổi giữa cung và cầu nông sản càng ít đi. Tuỳ từng trường hợp, sự biến động tăng (giảm) giá nông sản trên thị trường đều có ảnh hưởng trực tiếp đến người sản xuất (người tiêu dùng) nông sản.

Chính phủ điều hoà giá cả thị trường nông sản là sự thể hiện tập trung nhất đường lối phát triển nền nông nghiệp theo cơ chế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước mà Đảng đã vạch ra. Trong quá trình xây dựng và phát triển nông nghiệp, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã áp dụng các biện pháp chủ yếu sau đây để điều hoà giá cả thị trường nông sản:

Kiểm soát giá và định mức cung cấp thực phẩm cơ bản.

Kiểm soát giá và định mức cung cấp thực phẩm cơ bản cũng như các nhu yếu phẩm khác được coi là biện pháp chủ yếu điều tiết thị trường trong một thời gian dài trước đây, xuất phát từ yêu cầu của việc xây dựng nền nông nghiệp kế hoạch hoá tập trung và hơn nữa là yêu cầu bắt buộc của hoàn cảnh chiến tranh. Trong những năm đầu thời kỳ đổi mới, Chính phủ ta vẫn dùng biện pháp này để điều tiết thị trường nông sản, đảm bảo nhu yếu phẩm cho mọi tầng lớp dân cư trong điều kiện khủng hoảng kinh tế và lạm phát.

Định giá trần hoặc giá sàn.

Định giá trần thường được sử dụng khi người ta cho rằng giá thị trường là cao đến mức một khi trở nên phổ biến thì sẽ gây bất lợi lớn cho một số tầng lớp dân cư tiêu dùng nông sản. Định giá trần là việc Chính phủ ra quyết định rằng một loại nông sản nào đó chỉ được bán với gía cao tối đa là Po, thấp hơn giá thị trường.

Mặc dù giá chính thức là Po, nhưng giá thực của thị trường lại cao hơn, đó là giá mà người tiêu dùng sẵn sàng trả để mua nông sản. Vì người bán không thể công khai nâng giá nên họ có thể tìm cách giảm chất lượng sản phẩm, hoặc có thể họ tìm gặp nhiều người tiêu dùng trên thị trường "chợ đen". Sự hình thành thị trường "chợ đen" là xu hướng chủ yếu chống lại biện pháp điều hoà thị trường nông sản của Chính phủ bằng cách định giá trần.

Ngược lại, Chính phủ cũng có thể định giá sàn đối với nông sản khi người ta cho rằng giá thị trường là quá thấp, ảnh hưởng đến lợi ích người sản xuất . Trong trường hợp này, giá thực của thị trường thấp hơn giá sàn qui định của Chính phủ, nên có một lượng cung dư thừa trên thị trường, Chính phủ thường áp dụng chính sách mua trợ giá đối với lượng hàng dư thừa trong một thời gian nhất định lúc thu hoạch (có sự trợ giúp từ quĩ bình ổn quốc gia). Việc làm này gắn liền với việc lập các kho dự trữ tạm thời.

Lập quỹ dự trữ quốc gia.

Lập quỹ dự trữ quốc gia đối với một số nông sản chủ yếu, đặc biệt gạo, để đảm bảo an toàn lương thực trên phạm vi toàn quốc. Chính phủ là người trực tiếp sử dụng quỹ này để điều hoà thị trường lương thực trong trường hợp thiên tai hoặc điều hoà giá cả thị trường trong trường hợp phái áp dụng biện pháp định giá trần và giá sàn.

Một số giải pháp khác.

ở những nước có nền kinh tế phát triển, đặc biệt là các nước thuộc khối Cộng đồng chung Châu Âu (EU), Chính phủ còn sử dụng thêm các biện pháp kinh tế đặc thù để điều hoà tình trạng cung vượt qúa cầu đối với một số loại nông sản như: Nâng khối lượng tiêu dùng trong nước bằng cách trợ cấp cho việc dùng nông sản làm thức ăn chăn nuôi gia sức; Hạn chế khối lượng cung bằng trợ cấp cho việc bỏ hoá ruộng đất; Trợ cấp xuất khẩu bằng cách bù lỗ xuất khẩu trích từ ngân sách quốc gia; Viện trợ lương thực - thực phẩm cho các nước đang phát triển. Đối với nước ta, nếu biết phối hợp lợi dụng có hiệu quả chính sách viện trợ lương thực - thực phẩm của Tổ chức nông lương của Liên hiệp quốc (FAO), chắc chắn sẽ thúc đẩy một số mặt của quá trình phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, cũng như tạo điều kiện giải quyết tốt hơn việc điều hoà cung cầu thị trường nông sản trong những trường hợp đặc biệt.

Tóm tắt chương

Sản xuất nông sản hàng hoá là quá trình có mục đích định sẵn vào việc sản xuất nông sản để bán. Thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá nông sản có ý nghĩa nhiều mặt về kinh tế và xã hội trong phát triển nông nghiệp nông thôn. Để phân tích tình hình và trình độ phát triển sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp, cần phải sử dụng chỉ tiêu tỷ suất nông sản hàng hoá, được tính bằng tỷ lệ phần trăm của khối lượng nông sản hàng hoá so với khối lượng sản phẩm sản xuất ra.

Chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp là điều kiện để thực hiện sản xuất hàng hoá qui mô lớn và hiệu quả cao. Tuy nhiên trong ngành nông nghiệp, chuyên môn hoá phải kết hợp với đa dạng hoá sản xuất. Tính tất yếu phải kết hợp hợp lý chuyên môn hoá với đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp bắt nguồn từ những đòi hỏi khách quan cả về phương diện kỹ thuật - sinh thái lẫn phương diện kinh tế - xã hội.

Khái niệm cung sản phẩm nông nghiệp phản ánh lượng hàng hoá nông sản của các doanh nghiệp và hộ gia đình nông dân có khả năng sản xuất và sẵn sàng bán với mỗi mức gía trong mỗi thời điểm nhất định. Không thể nói cung nông sản chung chung mà phải gắn cung với từng mức giá cụ thể và ở một hoàn cảnh cụ thể của các nhân tố ảnh hưởng đến cung. Tương tự như vậy, khái niệm cầu nông sản phản ánh lượng hàng hoá nông sản mà người mua có khả năng mua và sẵn sàng mua ở mỗi mức giá trong những thời điểm nhất định.

Trọng tâm của việc nghiên cứu cung cầu nông sản hàng hoá là việc phân tích, chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến cung và cầu, đo lường mức độ ảnh hưởng của các nhân tố nếu có thể được. Công cụ sử dụng trong việc đo lường này là các hệ số co dãn.

Thị trường nông sản hàng hoá đạt được trạng cân bằng khi giá cả được hình thành ở mức khối lượng nông sản đem bán vừa bằng với nhu cầu của người mua và với giá đó không có khuynh hướng biến động giá cả và khối lượng nông sản hàng hoá. Tuy nhiên đây là trạng thái lý tưởng, còn trên thực tế thường diễn ra trạng thái mất cân bằng, biểu hiện ở sự biến động của giá cả nông sản. Khi có những biến động về kinh tế và xã hội. Trong những trường hợp như vậy, Chính phủ thường phải sử dụng những công cụ chính sách thích hợp để điều tiết nhằm lập lại trạng thái cân bằng mới trên thị trường nông sản.

Câu hỏi ôn tập

Sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp là gì? Vì sao chuyên môn hoá phải kết hợp với đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp?

Phân tích các nhân tố ảnh hưởng trình độ chuyên môn hoá và phát triển sản xuất hàng hoá nông nghiệp?

Cần chú ý những vấn đề gì khi nghiên cứu khái niệm cung, cầu nông sản? Có những nhân tố nào ảnh hưởng đến cung cầu nông sản?

Trình bày vai trò của Chính phủ trong việc điều tiết thị trường nông sản nội địa?

Bài tập thực hành về tính toán các hệ số co dãn và hướng vận dụng ?

0