13/11/2017, 23:20

Khởi nghĩa nông dân Tây Sơn

Hướng dẫn trả lời câu hỏi Lịch Sử 7 - Chương V. Đại Việt ở các thế kỉ XVI - XVIII. Bài 25. Phong trào Tây Sơn. 1. Xã hội Đàng Trong nửa sau thế kỉ XVIII Câu hỏi: Nguyên nhân nào khiến cho chính quyền Đàng Trong ngày càng suy yếu? - Việc mua quan bán tước phổ biến, làm tăng số lượng quan ...

Hướng dẫn trả lời câu hỏi Lịch Sử 7 - Chương V. Đại Việt ở các thế kỉ XVI - XVIII. Bài 25. Phong trào Tây Sơn.

1. Xã hội Đàng Trong nửa sau thế kỉ XVIII
Câu hỏi: Nguyên nhân nào khiến cho chính quyền Đàng Trong ngày càng suy yếu?
 
- Việc mua quan bán tước phổ biến, làm tăng số lượng quan thu thuế khiến bộ máy chính quyền càng cồng kềnh.
- Quan lại cường hào kết thành bè cánh, bóc lột nhân dân, đua nhau ăn chơi xa xỉ.
- Trong triều, Trương Phúc Loan nắm hết quyền bính, khét tiếng tham lam.
- Nhân dân đóng nhiều thứ thuế, chịu cảnh một cổ hai tròng.
 
Câu hỏi: Hãy nêu những nét chính về tình hình xã hội Đàng Trong nửa sau thế kỉ XVIII.
 
Nửa sau thế kỉ XVIII, chính quyền phong kiến Đàng Trong ngày càng thối nát, rối ren:
- Chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong nhanh chóng suy yếu: Nạn chiếm đoạt ruộng đất của địa chủ, chế độ thuế khoá phức tạp nặng nề, quan lại sống xa hoa, nội bộ chính quyền chia rẽ, tiêu biểu là quyền thần Trương Phúc Loan nắm hết quyền hành, tự mình lập chúa mới, giết hại những người chống lại. Y đã chiếm đoạt một số lượng lớn của cải của triều đình.
- Cuộc sống của nông dân nghèo ngày càng cơ cực, sự oán giận của các tầng lớp bị trị ngày một chồng chất, dẫn đến những cuộc nổi dậy. Các tầng lớp thương nhân, thợ thủ công, đặc biệt là các dân tộc thiểu số cũng bất bình sâu sắc với chính quyền họ Nguyễn.
 
2. Khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ
Câu hỏi: Vì sao cuộc khởi nghĩa Tây Sơn ngay từ đầu được đông đảo nhân dân ủng hộ?
 
Dưới chính quyền của họ Nguyễn ở Đàng Trong vào thế kỉ XVIII, cuộc sống của người dân ngày càng cơ cực. Nỗi bất bình, oán giận của các tầng lớp nhân dân đối với chính quyền họ Nguyễn ngày càng dâng cao.
Nghĩa quân Tây Sơn đã đề ra khẩu hiệu hợp với lòng dân nhất là dân nghèo: “lấy của người giàu chia cho dân nghèo”, xoá nợ cho nông dân và bãi bỏ nhiều thứ thuế.
 
Câu hỏi: Để phân hoá kẻ thù, lôi kéo được một bộ phận trong tầng lớp thống trị vốn bất bình với phe cánh Trương Phúc Loan, nghĩa quân còn nêu thêm khẩu hiệu gì?
 
“Đánh đổ quyền thần Trương Phúc Loan, ủng hộ hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương”.
 
Câu hỏi: Tham gia nghĩa quân Tây Sơn gồm có các thành phần nào? Qua đó em có nhận xét gì?
 
- Tham gia nghĩa quân Tây Sơn gồm có các thành phần:
+ Nông dân nghèo miền xuôi, miền ngược.
+ Thợ thủ công, thương nhân.
+ Một bộ phận trong tầng lớp thống trị vốn bất bình với phe cánh Trương Phúc Loan.
+ Một số nhà giàu, thổ hào như: Huyền Khê, Nguyễn Thông,... đã bỏ tiền ra giúp nghĩa quân.
- Nhận xét:
+ Cuộc khởi nghĩa nổ ra đúng nguyện vọng đông đảo của các tầng lớp nhân dân, nhất là nông dân muốn lật đổ chính quyền họ Nguyễn.
+ Mâu thuẫn giữa các tầng lóp nhân dân, đặc biệt là nông dân với chính quyền thống trị quá sâu sắc, họ mong muốn lật đổ ách thống trị nhà Nguyễn tàn bạo.
+ Các thủ lĩnh khởi nghĩa khôn khéo đề ra các khẩu hiệu đã lôi kéo được giai cấp nhân dân đặc biệt là nông dân và kể cả các tầng lớp khác.
0