23/05/2018, 14:48

Khai thác sữa ong chúa

Đàn ong Ý cho sữa với năng suất cao. Đàn ong nội cho năng suất sữa ong chúa thấp nhưng cũng có thể sản xuất được. Có những năm Miền Bắc đã sản xuất được 300kg sữa ong chúa ở đàn ong nội. Thời vụ Có thể khai thác sữa ong chúa khi trong đàn có đủ nguồn phấn dự trữ. Ở Miền Nam khai thác sữa ong ...

Đàn ong Ý cho sữa với năng suất cao. Đàn ong nội cho năng suất sữa ong chúa thấp nhưng cũng có thể sản xuất được. Có những năm Miền Bắc đã sản xuất được 300kg sữa ong chúa ở đàn ong nội.

Thời vụ

Có thể khai thác sữa ong chúa khi trong đàn có đủ nguồn phấn dự trữ. Ở Miền Nam khai thác sữa ong chúa từ tháng 8 đến tháng 12. Miền Bắc có hai vụ khai thác: vụ xuân: xen kẽ khi thu mật tháng 3-7; vụ đông: tháng 10-11.

Bố trí đàn ong khai thác sữa ong chúa

Khi khai thác sữa ong chúa, đàn ong phải mạnh, nhiều ong trong tuổi tiết sữa và được cho ăn đầy đủ. Bố trí ong thành hai nhóm: đàn ong khai thác sữa và đàn hỗ trợ, tỉ lệ tuỳ ý định của người sán xuất. Nếu sản xuất lớn thì có thể khai thác sữa ở 1/2 – 2/3 số đàn, số đàn còn lại dùng để hỗ trợ.

Các bước tiến hành

1/ Chuẩn bị dụng cụ gồm: cầu nuôi chúa, kim di trùng, panh, sáp ong, quần áo, khẩu trang vệ sinh, thùng ong để tách chúa, ấm nấu sáp, khuôn chúa để làm khuôn chén sáp, bát nước lã,…

2/ Sản xuất chén sáp và gắn lên cầu: lợi dụng tính không tan trong nước của sáp, người ta ngâm khuôn chúa trong nước, nấu chảy sáp cho đến độ nguội vừa phải (cho một mẩu sáp mỏng vào không tan ngay), nhúng khuôn vừa đến vạch 7mm cho sáp bám vào, lấy ra nhúng vào bát nước lã, sáp đông lại rồi tách nhẹ khỏi khuôn chúa. Chén sáp được gắn lên các thang trong cầu nuôi chúa. Số lượng mũ thường 25-30 cái/thang X 3 thang/cầu.

3/ Tách chúa: sản xuất sữa ong chúa dựa theo nguyên tắc là làm cho đàn ong có cảm giác bị mất chúa, dùng mũ chúa nhân tạo và di ấu trùng ong thợ cho chúng nuôi thành ong chúa; hoặc làm cho đàn ong muốn chia đàn tự nhiên sẽ tạo chúa chia đàn. Vì vậy, khi nguồn mật phong phú, thức ăn dồi dào, đàn ong mạnh muốn chia đàn tự nhiên thì không cần tách chúa. Nên tách chúa trước 6 tiếng đồng hồ nếu di trùng trong ngày hoặc tách chúa trước một ngày (chiều hôm trước tách chúa, sáng hôm sau di trùng). Sau khi tách chúa cần cho ăn kích thích khoảng 200-300ml xirô nếu bên ngoài ít mật.

4/ Di trùng: trước khi di trùng cần đặt cầu nuôi chúa trước vài tiếng đồng hồ vào đàn sản xuất sữa ong chúa để ong thợ dọn vệ sinh. Trước khi di trùng, lấy cầu ra và cho một lớp mật mỏng vào đáy chén sáp. Chọn cầu lấy ấu trùng rất quan trọng vì cần rất nhiều ấu trùng khi sản xuất sữa ong chúa. Ở đàn ong ngoại, trước 4 ngày, người ta tạo cầu lấy ấu trùng; còn ở đàn ong nội ta chọn cầu lấy ấu trùng tuổi 1. Cầu mới rất khó gắp ấu trùng vì vậy nên chọn cầu đã có 2 tháng tuổi. Cần chọn nơi mát, tốt nhất là di trùng trong phòng có nhiệt độ 20-30°C, không có ong chui vào quấy nhiễu. Khi di trùng cần đặt nhẹ kim di trùng vào dưới lưng ấu trùng, nhẹ nhàng múc ấu trùng đặt vào chén sáp. Cần đặt lần lượt từng ấu trùng vào chén sáp ở từng thang một. Di ấu trùng xong, xoay thang chúa cho ngay ngắn, đưa cầu dến đàn ong, miệng chén chúc xuống và đặt vào giữa các cầu ong.

5/ Thu sữa ong chúa: sau khi di trùng 55-72 giờ tuỳ thời vụ thì lấy cầu nuôi chứa để thu sữa. Khi lấy cầu nuôi chúa ra, dùng chổi lông quét nhẹ cho ong thợ bay đi rồi mang về phòng thu sữa. Cầu chúa được đặt trên bàn sau khi xoay ngang các thang nuôi chúa. Cắt nắp mũ chúa, gắp ấu trùng và dùng kim di trùng hoặc thanh tre múc sữa ong chúa cho vào trong lọ thuỷ tinh màu. Sau khi thu sữa, cầu nuôi chúa được gắn bổ sung mũ chúa không tiếp thu và tiếp tục di trùng khai thác sữa như trên. Sữa ong chúa sau khi thu được chuyển vào túi nilon màu rồi cho vào tủ lạnh hoặc phích đá. Ở nhiệt dộ 45°C thì chỉ giữ sữa ong chúa được một thời gian ngắn, cho nên sau đó phải chuyển đến cơ quan bảo quản và thu mua để chứa trong tủ lạnh -18°c.

6/ Xử lí đàn ong: sau khi thu sữa ong chúa vài vòng phải đổi cầu trùng và nhộng cho đàn nuôi chúa, kiểm tra xử lí trường hợp tiếp thu thấp và cá biệt có đàn ong thợ sau khi đẻ trứng 3-4 vòng sẽ có phản xạ tạo chúa liên tục và có thể giới thiệu ong chúa trở lại tiếp tục sản xuất. Nếu giới thiệu chúa trở lại không tiếp thu thì tổ chức đàn khác để thay thế. Cuối vụ sản xuất hoặc sắp đến vụ mật thì kết thúc công việc thu sữa ong chúa (nếu công việc quá bận rộn), điều chỉnh đàn ong để ong ổn định thu mật hoặc qua hè, qua đông.

0