23/05/2018, 14:47

Cây nguồn cung cấp phấn hoa cho ong

Thức ăn của ong chủ yếu là phấn hoa và mật tiết từ lá non ở một số cây (đay, keo tai tượng, cao su, …) gọi là mật lá và phấn hoa. Phấn hoa với ong mật Phấn hoa là nguồn prôtêin quý giá đối với đời sống đàn ong. Đàn ong phát triển mạnh hay yếu, nhanh hay chậm chủ yếu dựa vào phấn hoa. ...

Thức ăn của ong chủ yếu là phấn hoa và mật tiết từ lá non ở một số cây (đay, keo tai tượng, cao su, …) gọi là mật lá và phấn hoa.

 Phấn hoa với ong mật

Phấn hoa là nguồn prôtêin quý giá đối với đời sống đàn ong. Đàn ong phát triển mạnh hay yếu, nhanh hay chậm chủ yếu dựa vào phấn hoa. Nó là loại thức ăn khó thay thế tuy nhiều nước đã sản xuất thức ăn nhân tạo (phấn) nhưng đàn ong phát triển vẫn không bằng phấn hoa tự nhiên. Trong bao phấn, đầu nhị đực của hoa có chứa hạt phấn, hạt phấn có màng bọc, nguyên sinh chất và trong cùng là nhân. Phấn hoa cần có quá trình thụ tinh, nhất là ở cây ăn quả, cây lấy hạt. Hình dạng, màu sắc và hương vị của hạt phấn khác nhau tuỳ thuộc vào từng loài cây. Người nuôi ong dựa vào các đặc điểm khác nhau để phân loại phấn hoa khi ong thu về.

Ong thu phấn hoa có chọn lọc. Phần lớn đàn ong chỉ thu phấn ở một loài cây trong một thời gian và phấn đó thường có chất lượng hấp dẫn hơn. Ví dụ: khi có hoa cà phê, ong không thu phấn trên cây hoa phấn đắng. Chất lượng hạt phấn hoa mà ong thu về thường cao hơn phấn hoa trên cây. Ong là nhà chọn giống theo bản năng, chúng biết lựa hạt phấn mẩy chắc để thu hoạch. Quan sát thu phấn ta thấy: đầu tiên ong dùng chân trước bới bao phấn cho hạt phấn dính vào lông rồi đưa chân lên miệng dùng nước bọt nhào hạt phấn thành viên phấn. Khi viên phấn đủ lớn thì được ong chuyển vào giỏ phấn ở chân sau. Một ong thợ thu được khoảng 15mg phấn mỗi lần, sau 67 nghìn lần thì mới thu được 1kg phấn. Vì vậy, muốn thu phấn tốt, phải tổ chức đàn ong mạnh và có chất lượng, ong thợ đang độ tuổi thu phấn đông hơn.

Quá trình thu phấn của ong phụ thuộc vào

Cây cho phấn:

Nếu có loại cây có phấn nhẹ (ngô), giỏ phấn to, thì số lần ong bay đi thu phấn ít. Có loại phấn chắc hơn, giỏ phấn nhỏ, thì ong phải bay nhiều lần (phấn cây ăn quả). Thời gian ong thu phấn phụ thuộc vào thời gian tung phấn của hoa.

Thời tiết:

Thời tiết có ảnh hưởng lớn đến việc thu phấn. Sau những đợt mưa rét kéo dài ong thường thiếu phấn và ăn hết lượng phấn dự trữ vì hoa nở nhưng phấn bị rửa trôi. Trời nắng thường ong chỉ thu phấn vào buổi sáng vì buổi chiều hoa héo, phấn khô. Ngoài ra, gió có thể làm ong bay khó khăn và phấn bị bay theo gió khó thu hoạch. Mưa cũng có ảnh hưởng nhưng sau khi mưa, hoa nở rộ, phấn tươi, ong thu phấn tốt hơn. Nước ta có khí hậu thích hợp cho việc nở hoa, tung phấn của cây đồng cho nên nói chung nguồn phấn nuôi ong thường không thiếu, tuy vậy nguồn phấn nuôi ong ở các vùng có khác nhau.

Nguồn phấn hoa ở các vùng nuôi ong

Nguồn phấn hoa ở các tỉnh phía Bắc:

Các tỉnh phía Bắc có hai thời điểm phấn phong phú và hai thời diểm nguồn phấn khan hiếm theo diễn biến của khí hậu trong năm. Hai thời kì nguồn phấn phong phú là: vụ xuân-hề (tháng 3-6 và vụ thu-đông (tháng 10-12). Trong đó, vụ xuân-hè nhiều chủng loại cây, nguồn phấn và cũng là mùa có cây nguồn mật. Còn vụ thu-đông có nguồn phấn kéo dài như hoa chè, trinh nữ phù hợp với việc nhân đàn ong. Hai thời điểm nguồn phấn khó khăn là: vụ hè-thu (tháng 8-9) và vụ đông-xuân (15/12 – 30/2). Trong vụ hè-thu chủ yếu là phấn hoa sen và cây dây leo, cỏ dại. Tuy nhiên, ở vùng Mộc Châu, Hà Bắc nguồn phấn vụ này rất phong phú. Vụ đông-xuân nói chung ít, phấn chủ lực lúc này là chè cuối vụ, rau các loại nhưng vừa ít phấn, vừa gặp mưa kéo dài nên thường thiếu phấn từng kì sau mỗi lần mưa rét. Đây là nhược điểm lớn khiến cho người nuôi ong không củng cố được đàn ong vào vụ mật xuân.

Nguồn phấn hoa ở các tỉnh phía Nam:

Miền Nam nước ta có hai mùa là mùa mưa và mùa khô. Sự nở hoa, tung phấn của cây xanh cũng có ảnh hưởng rõ. Vào mùa mưa (tháng 5-11), cây sinh trưởng ra thêm lá, lộc. Vào mùa khô (tháng 12-tháng 5), cây giảm về sinh trưởng chuyển sang phát triển hoa trái. Nói chung, nguồn phấn phong phú từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau: sau chè đốn trinh nữ, cà phê. Cà phê nở hoa sớm, muộn phụ thuộc vào độ ẩm, nơi nào tưới sớm thì tháng 11 đã có phấn cà phê, tưới muộn thì tháng 2-3 mới có. Nói chung ở vùng Đổng Nai khoảng cuối tháng 2 thì dứt phấn. Song ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, tháng 11 trở đi có phấn gioi (), nguồn phấn mới phong phú đến tháng 4-5 vì có phấn nhãn, chôm chõm và cam. Riêng vùng hoa dừa thì quanh năm có hoa. Vào mùa mưa, hoa dừa nở rộ, phù hợp cho việc phát triển đàn ong. Vụ khan hiếm phấn ở nhiều vùng diễn ra từ tháng 3 dến tháng 8. Lúc này, phần lớn chí còn phấn bắp (ngô), lúa và keo dậu (bình linh). Do đó, thường tháng 4-7 chỉ duy trì đàn ong; tháng 9-11 phát triển đàn; đặc biệt tháng 10-11, nguồn phấn phong phú, cuối tháng 12 đến tháng 1 năm sau nguồn phấn giảm nhưng vẫn đủ cung cấp cho đàn ong. Do nguồn phấn phong phú trước vụ mật đã cho phép người nuôi ong nhân nhanh số đàn ong chuẩn bị vào vụ mật đồng thời vẫn tiến hành thu hoạch phấn hoa và sữa ong chúa từ tháng 9 đến tháng 12.

0