24/05/2018, 22:53

Khái quát chung về ngân hàng thương mại

Ngân hàng thương mại và hoạt động tính dụng trung dài hạn của ngân hàng thương mại. Ngân hàng thương mại là một tổ chức trung gian tài chính có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và hoạt động theo định chế trung gian mang ...

Ngân hàng thương mại và hoạt động tính dụng trung dài hạn của ngân hàng thương mại.

Ngân hàng thương mại là một tổ chức trung gian tài chính có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và hoạt động theo định chế trung gian mang tính chất tổng hợp. Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng, ngân hàng thương mại hình thành trên cơ sở của sự phát triển sản xuất và trao đổi hàng hoá. Khi sản xuất phát triển thì nhu cầu trao đổi mở rộng sản xuất giữa các vùng lãnh thổ, giữa các quốc gia tăng lên, để khác phục sự khác biệt về tiền tệ giữa các khu vực thì thì xuất hiện các thương gia làm nghề đổi tiền. Khi trao đổi hàng hoá phát triển quay trở lại kích thích sản xuất hàng hóa. Cùng với sự phát triển đó, các nghiệp vụ được phát triển dần như giữ tiền hộ, chi trả hộ... trên cơ sở đó thực hiện hoạt động tín dụng.

Từ lịch sử hình thành hệ thống ngân hàng thương mại cho thấy, các ngân hàng thương mại chỉ xuất hiện trong điều kiện nền kinh tế đã phát triển đến một trình độ nhất định, dẫn đến tính tất yếu khách quan của việc hình thành hệ thống ngân hàng gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế.

Ngân hàng quốc gia Việt Nam ra đời ngày 05/05/1951 theo sắc lệnh 15/SL của Chủ tịch nước VNDCCH. Trong giai đoạn 1951 - 1987, ở Việt Nam đã tạo lập hNệ thông ngân hàng một cấp, chỉ phù hợp với cơ chế quản lý kế hoạch hoá tập trung. Khi nước ta chuyển nền kinh tế sang cơ chế thị trường, hệ thông ngân hàng một cấp tất yếu phải được cải tổ sang hệ thống ngân hàng hai cấp: cấp quản lý và kinh doanh. Sau khi Nghị định số 53/HĐBT được ban hành ngày 26/03/1998 bộ máy NHNN được tổ chức thành hệ thống thống nhất trong cả nước, gồm hai cấp là NHNN và các Ngân hàng chuyên doanh trực thuộc. Hệ thống NHNN Việt Nam hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Theo Pháp lệnh Ngân hàng số 38 - LTC/HĐNN8 ngày 24/05/1990 quy định: NHTM là: “tổ chức kinh doanh tiền tệ mà hoạt động chủ yếu là nhận tiền gửi của khách hàng với trách nhiệm hoàn trả và sử dụng số tiền đó để cho vay, thực hiện nhiệm vụ chiết khấu và làm phương tiện thanh toán”.

  • Trung gian tín dụng

Ngân hàng thương mại một mặt thu hút các khoản tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế, mặt khác nó dùng chính số tiền đã huy động được để cho vay đối với các thành phần kinh tế trong xã hội, hay nói cách khác là một tổ chức đóng vai trò “cầu nối” giữa các đơn vị thừa vốn với các đơn vị thiếu vốn. Thông qua sự điều chuyển này. ngân hàng thương mại có vai trò quan trong trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng việc làm, cải thiện mức sống dân cư, ổn định thu chi Chính phủ. Đồng thời chức năng này còn góp phần quan trọng trong việc điều hoà lưu thông tiền tệ, kiềm chế lạm phát. Từ đó cho thấy rằng, đây là chức năng cơ bản nhất của ngân hàng thương mại.

  • Trung gian thanh toán

Nếu như mọi khoản chi trả của xã hội đều được thực hiện bên ngoài ngân hàng thì chi phí thực hiện là rất lớn, bao gồm: chi phí in, đúc, bảo quản, vận chuyển tiền... Với sự ra đời của ngân hàng thương mại, phần lớn các khoản chi trả trong hoạt động mua bán trao đổi hàng hoá dịch vụ của xã hội dần được thực hiện qua ngân hàng, với những hình thức thanh toán phù hợp, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện với công nghệ ngày càng hiện đại hơn. Chính nhờ tập trung công việc thanh toán của xã hội ở ngân hàng nên việc lưu thông hàng hoá dịch vụ trở nên nhanh chóng, an toàn, tiết kiệm hơn. Không những vậy, do thực hiện chức năng trung gian thanh toán, ngân hàng thương mại có điều kiện huy động tiền gửi của toàn xã hội nói chung và của doanh nghiệp nói riêng tới mức tối đa, tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

  • Chức năng tạo tiền

Xuất phát từ khả năng thay thế lượng tiền giấy bạc trong lưu thông bằng những phương tiện thanh toán khác như séc, uỷ nhiệm chi... Chức năng này được thực hiện thông qua nghiệp vụ tín dụng và đầu tư của hệ thống ngân hàng thương mại, trong mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống dự trữ quốc gia. Hệ thống tín dụng là điều kiện cần thiết cho phát triển kinh tế theo hệ số tăng trưởng vững chắc. Mục đích của chính sách dự trữ quốc gia là đưa ra một khối lượng tiền cung ứng phù hợp với chính sách ổn định về giá cả, tăng trưởng kinh tế ổn định và tạo được việc làm.

Bất kỳ một quốc gia nào có nền kinh tế phát triển, đang phát triển, thậm chí chưa phát triển thì hoạt động ngân hàng cũng có tác dụng to lớn đến hoạt động của nền kinh tế. Trong nền kinh tế thị trường, vai trò của ngân hàng được thể hiện như sau:

Ngân hàng là nơi tập trung tiền nhàn rỗi và cung ứng tiền vốn cho quá trình sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng là trung gian trong quá trình thanh toán góp phần thúc đẩy quá trình lưu thông hàng hoá nhanh chóng.

Ngân hàng góp phần điều tiết và kiểm soát thị trường tiền tệ, thị trường vốn.

Ngân hàng góp phần thu hút, mở rộng đầu tư trong và ngoài nước và cung cấp các dịch vụ tài chính khác.

0