11/05/2018, 14:56

khái niệm, đặc điểm, thành viên, cơ cấu tổ chức, vốn công ty hợp danh

a. Khái niệm – đặc điểm: * Công ty hợp danh là doanh nghiệp mà trong đó ít nhất có 2 thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của Công ty. * Đặc điểm: – Có ít nhất 2 thành viên hợp danh, ngoài ra còn có thể có các thành viên góp vốn. – Thành ...

a. Khái niệm – đặc điểm:
* Công ty hợp danh là doanh nghiệp mà trong đó ít nhất có 2 thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của Công ty.

* Đặc điểm:
– Có ít nhất 2 thành viên hợp danh, ngoài ra còn có thể có các thành viên góp vốn.
– Thành viên hợp danh phải là cá nhân có trình độ chuyên môn, uy tín nghề nghiệp, tiến hành hoạt động kinh doanh dưới 1 hãng chung và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợcủa công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
–  Công ty hợp danh không có tư cách pháp nhân.
– Không được phép phát hành bất cứ 1 loại chứng khoán nào.

b. Thành viên của Công ty hợp danh:

 Thành viên hợp danh:
Là cá nhân có trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp trực tiếp thực hiện hoạt động kinh doanh trên danh nghĩa công ty, chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ và các nghĩa vụ khác của Công ty.
Trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp của thành viên hợp danh được pháp luật đòi hỏi ở các mức độ khác nhau, tuỳ thuộc vào ngành nghề kinh doanh của công ty.
Trách nhiệm tài sản của các thành viên hợp danh đối với các nghía vụ của công ty là trách nhiệm vô hạn và liên đới
Trong quá trình hoạt động các thành viên hợp danh được hưởng những quyền cơ bản quan trọng của thành viên công ty đồng thời phải thực hiện những nghĩa vụ tương xứng để bảo vệ quyền lợi của công ty và những người có liên quan. Các quyền và nghĩa vụ cơ bản của thành viên hợp danh được quy định trong luật doanh nghiệp, NĐ số 03/2000/NĐ-CP và điều lệ công ty
Tư cách thành viên hợp danh chấm dứt trong các trường hợp sau:
+ Đã chết hoặc bị toà án tuyên bố là đã chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự. trong trường hợp này công ty vẫn có quyền sử dụng tài sản tương ứng với trách nhiệm của thành viên để thực hiện các nghĩa vụ của Công ty )
+ Tự nguyện rút khỏi Công ty hoặc bị khai trừ khỏi Công ty trong trường hợp này các thành viên hợp danh vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của Công ty đã phát sinh trước khi đăng ký chấm dứt tư cách thành viên đó với cơ quan đăng ký kinh doanh.
  Thành viên góp vốn:
– Có thể là cá nhân hay tổ chức.
– Chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của Công ty trong phạm vi phần vốn góp.
– Không có quyền hoạt động nhân danh Công ty, không có quyền điều hành Công ty.
– Được chia lợi nhuận theo tỷ lệ qui định trong điều lệ Công ty
– Thành viên góp vốn được tiếp nhận khi được sự đồng ý của tất cả các thành viên hợp danh trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác.
* Tư cách thành viên công ty hợp danh của thành viên góp vốn chấm dứt khi: Thành viên đó chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người khác.

c-  Cơ cấu tổ chức của Công ty:

Về cơ bản các thành viên có quyền tự thoả thuận với nhau về việc quản lý điều hành công ty. Theo quy định của luật doanh nghiệp cơ cấu tổ chức quản lý của công ty hợp danh do các thành viên hợp danh thoả thuận trong điều lệ công ty. Tuy nhiên việc tổ chức quản lý công ty hợp danh phải tuân thủ các quy định về 1 số vấn đề cơ bản sau:
 Hội đồng thành viên:  là cơ quan quyết định cao nhất của Công ty bao gồm tất cả các thành viên hợp danh. Hội đồng thành viên có quyền quyết định tất cả các hoạt động của Công ty, khi họp hội đồng thành viên các thành viên hợp danh có quyền biểu quyết ngang nhau.
* Quyết định những vấn đề sau phải theo nguyên tắc nhất trí (được tất cả các thành viên hợp danh chấp thuận):
+ Cử  giám đốc Công ty.
+ Tiếp nhận thành viên.
+ Khai trừ thành viên hợp danh.
+ Bổ sung sửa đổi điều lệ Công ty.
+ Tổ chức lại, giải thể Công ty.
+ Hợp đồng của Công ty hợp danh với thành viên hợp danh, với người có liên quan của thành viên hợp danh.
* Quyết định những vấn đề còn lại phải được đa số thành viên hợp danh chấp thuận.
Tất cả các quyết định của HĐTV sẽ được ghi vào biên bản và phải được lưu giữ tại trụ sở chính của Công ty.
 Giám đốc Công ty: do HĐTV cử trong số thành viên hợp danh
Nhiệm vụ:
+ Phân công, điều hoà và phối hợp công việc của các TVHD.
+ Điều hành công việc trong Công ty.
+ Thực hiện các công việc khác theo uỷ quyền của thành viên hợp danh.

d- Vốn của công ty hợp danh

– Công ty hợp danh không được phép phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào để huy động vốn trong công chúng.
– Khi thành lập công ty các thành viên phải góp vốn vào vốn điều lệ của công ty. Số vốn mà mỗi thành viên cam kết góp vào công ty phải được ghi rõ trong điều lệ công ty.
– Vốn điều lệ của công ty hợp danh trong 1 số ngành nghề theo quy định của pháp luật không được thấp hơn vốn pháp định
– Công ty hợp danh có thể tăng vốn điều lệ bằng cách tăng phần vốn góp của các thành viên công ty hoặc kết nạp thêm thành viên mới vào công ty theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty.
– Thành viên hợp danh chỉ được hoàn trả phần vốn góp khi rút khỏi công ty theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty. Việc hoàn trả phần vốn góp theo giá thoả thuận hoặc giá được xác định dựa trên nguyên tắc quy định trong điều lệ công ty.
– Thành viên góp vốn có quyền rút phần vốn góp của mình ra khỏi công ty, nếu được đa số thành viên hợp danh đồng ý. Thành viên góp vốn cũng có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người khác nếu không trái với điều lệ công ty.

0