Khái niệm chất và khái niệm lượng

a) Khái niệm chất Bất cứ sự vật, hiện tượng nào cũng bao gồm mặt chất và mặt lượng. Hai mặt đó thống nhất hữu cơ với nhau trong sự vật, hiện tượng. Trong lịch sử triết học đã xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm chất, lượng cũng như quan hệ giữa chúng. Những quan điểm đó phụ ...

a) Khái niệm chất 
Bất cứ sự vật, hiện tượng nào cũng bao gồm mặt chất và mặt lượng. Hai mặt đó thống nhất hữu cơ với nhau trong sự vật, hiện tượng.

Trong lịch sử triết học đã xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm chất, lượng cũng như quan hệ giữa chúng. Những quan điểm đó phụ thuộc, trước hết và chủ yếu vào thế giới quan và phương pháp luận của các nhà triết học hay của các trường phái triết học. Phép biện chứng duy vật đem lại quan điểm đúng đắn về khái niệm chất, lượng và quan hệ qua lại giữa chúng, từ đó khái quát thành quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại.
Chất là phạm trù triết học dùng để chỉ tính quy định khách quan vốn có của sự vật, là sự thống nhất hữu cơ của những thuộc tính làm cho sự vật là nó chứ không phải là cái khác.
Mỗi sự vật, hiện tượng trong thế giới đều có những chất vốn có, làm nên chính chúng. Nhờ đó chúng mới khác với các sự vật, hiện tượng khác.
Thuộc tính của sự vật là những tính chất, những trạng thái, những yếu tố cấu thành sự vật,… Đó là những cái vốn có của sự vật từ khi sự vật được sinh ra hoặc được hình thành trong sự vận động và phát triển của nó. Tuy nhiên những thuộc tính vốn có của sự vật, hiện tượng chỉ được bộc lộ ra thông qua sự tác động qua lại với các sự vật, hiện tượng khác. Chúng ta chỉ có thể biết nhiệt độ cao hay thấp của không khí thông qua sự tác động qua lại của nó với cơ quan xúc giác của chúng ta. Chất của một người cụ thể chỉ được bộc lộ thông qua quan hệ của người đó với những người khác, với môi trường xung quanh, thông qua lời nói và việc làm của người ấy. Như vậy, muốn nhận thức đúng đắn về những thuộc tính của sự vật, chúng ta phải thông qua sự tác động qua lại của sự vật đó với bản thân chúng ta hoặc thông qua quan hệ, mối liên hệ qua lại của nó với các sự vật khác.
Mỗi sự vật có rất nhiều thuộc tính; mỗi thuộc tính lại biểu hiện một chất của sự vật. Do vậy, mỗi sự vật có rất nhiều chất. Chất và sự vật có mối quan hệ chặt chẽ, không tách rời nhau. Trong hiện thực khách quan không thể tồn tại sự vật không có chất và không thể có chất nằm ngoài sự vật.
Chất của sự vật được biểu hiện qua những thuộc tính của nó. Nhưng không phải bất kỳ thuộc tính nào cũng biểu hiện chất của sự vật. Thuộc tính của sự vật có thuộc tính cơ bản và thuộc tính không cơ bản. Những thuộc tính cơ bản được tổng hợp lại tạo thành chất của sự vật. Chính chúng quy định sự tồn tại, sự vận động và sự phát triển của sự vật, chỉ khi nào chúng thay đổi hay mất đi thì sự vật mới thay đổi hay mất đi.
Nhưng thuộc tính của sự vật chỉ bộc lộ qua các mối liên hệ cụ thể với các sự vật khác. Bởi vậy, sự phân chia thuộc tính thành thuộc tính cơ bản và thuộc tính không cơ bản cũng chỉ mang tính tương đối. Trong mối liên hệ cụ thể này, thuộc tính này là thuộc tính cơ bản thể hiện chất của sự vật, trong mối liên hệ cụ thể khác sẽ có thêm thuộc tính khác hay thuộc tính khác là thuộc tính cơ bản. Trong mối quan hệ với động vật thì các thuộc tính có khả năng chế tạo, sử dụng công cụ, có tư duy là thuộc tính cơ bản của con người còn những thuộc tính khác không là thuộc tính cơ bản. Song trong quan hệ giữa những con người cụ thể với nhau thì những thuộc tính của con người về nhân dạng, về dấu vân tay,… lại trở thành thuộc tính cơ bản.
Chất của sự vật không những được quy định bởi chất của những yếu tố tạo thành mà còn bởi phương thức liên kết giữa các yếu tố tạo thành, nghĩa là bởi kết cấu của sự vật. Trong hiện thực các sự vật được tạo thành bởi các yếu tố như nhau, song chất của chúng lại khác. Ví dụ, kim cương và than chì đều có cùng thành phần hóa học do các nguyên tố các bon tạo nên, nhưng do phương thức liên kết giữa các nguyên tử các bon là khác nhau, vì thế chất của chúng hoàn toàn khác nhau. Kim cương rất cứng, còn than chì lại mềm. Trong một tập thể nhất định nếu phương thức liên kết giữa các cá nhân biến đổi thì tập thể đó có thể trở nên vững mạnh, hoặc sẽ trở thành yếu kém, nghĩa là chất của tập thể biến đổi. Từ đó có thể thấy sự thay đổi về chất của sự vật phụ thuộc cả vào sự thay đổi các yếu tố cấu thành sự vật lẫn sự thay đổi phương thức liên kết giữa các yếu tố ấy.
b) Khái niệm lượng 
Lượng là phạm trù triết học dùng để chỉ tính quy định vốn có của sự vật về mặt số lượng, quy mô, trình độ, nhịp điệu của sự vận động và phát triển cũng như các thuộc tính của sự vật.
Lượng là cái vốn có của sự vật, song lượng chưa làm cho sự vật là nó, chưa làm cho nó khác với những cái khác. Lượng tồn tại cùng với chất của sự vật và cũng có tính khách quan như chất của sự vật.
Lượng của sự vật biểu thị kích thước dài hay ngắn, số lượng nhiều hay ít, quy mô lớn hay nhỏ, trình độ cao hay thấp, nhịp điệu nhanh hay chậm,… Trong thực tế lượng của sự vật thường được xác định bởi những đơn vị đo lường cụ thể như vận tốc của ánh sáng là 300.000 km trong một giây, một phân tử nước bao gồm hai nguyên tử hyđrô liên kết với một nguyên tử ôxy,… bên cạnh đó có những lượng chỉ có thể biểu thị dưới dạng trừu tượng và khái quát như trình độ tri thức khoa học của một người, ý thức trách nhiệm cao hay thấp của một công dân,… trong những trường hợp đó chúng ta chỉ có thể nhận thức được lượng của sự vật bằng con đường trừu tượng và khái quát hóa. Có những lượng biểu thị yếu tố quy định kết cấu bên trong của sự vật (số lượng nguyên tử hợp thành nguyên tố hóa học, số lượng lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội), có những lượng vạch ra yếu tố quy định bên ngoài của sự vật (chiều dài, chiều rộng, chiều cao của sự vật).
Sự phân biệt chất và lượng của sự vật chỉ mang tính tương đối. Có những tính quy định trong mối quan hệ này là chất của sự vật, song trong mối quan hệ khác lại biểu thị lượng của sự vật và ngược lại. Chẳng hạn, số lượng sinh viên học giỏi nhất định của một lớp sẽ nói lên chất lượng học tập của lớp đó. Điều này cũng có nghĩa là dù số lượng cụ thể quy định thuần túy về lượng, song số lượng ấy cũng có tính quy định về chất của sự vật.

0